Bảy điều bạn cần nhớ để nói tiếng Anh lưu loát
Nếu chỉ xem tin tức, bạn sẽ không hiểu các cách diễn đạt thường ngày. Để hiểu, bạn nên tiếp xúc với nhiều nguồn tiếng Anh.
Thầy giáo Quang Nguyen đưa ra lời khuyên để cải thiện khả năng nói tiếng Anh.
1. Sự kiên trì là quan trọng nhất
Kể cả khi sang Mỹ học tiếng Anh với giáo viên giỏi nhất và môi trường tốt nhất, bạn không thể nói tiếng Anh như người Mỹ chỉ sau 1-2 tháng. Mình biết rất nhiều bạn bỏ tiền sang Mỹ học ESL trong ba tháng, nhưng vẫn không giao tiếp được gì nhiều. Đơn giản là ba tháng không đủ để bạn “go from zero to hero”. Sự kiên trì là quan trọng nhất để bạn có thể nói tiếng Anh tự tin, lưu loát.
Ảnh: Clipart Logo
2. Đầu vào tiếng Anh vô cùng quan trọng
Giống như thi đại học, đầu vào tốt là 1/2 sự đảm bảo đầu ra tốt. Nghe tiếng Anh chuẩn dưới các hình thức như xem phim, học online, tin tức… sẽ tốt hơn rất nhiều cho bạn. Tài liệu nghe tốt trước hết phải phù hợp với trình độ (về từ vựng, tốc độ nói, mức độ quen thuộc của chủ đề…).
Nói chung, mục tiêu là bạn phải nghe được tiếng Anh thực tế (authentic English) như trên youtube chẳng hạn. Kinh nghiệm của mình là các chương trình như thế giới động vật thường nói tiếng Anh rất rõ ràng.
3. Tự luyện nói tiếng Anh
Video đang HOT
Bạn có thể tự luyện nói bằng cách ghi âm và tự mình nghe lại. Nếu bạn không thể hiểu mình vừa nói cái gì, đừng hy vọng người khác có thể. Trong tự học, một chút căn bản về phát âm tiếng Anh sẽ giúp bạn rất nhiều. Mình phát âm sai ở đâu, sai âm đầu, âm cuối hay nguyên âm? Mình nói đã đúng “rhythm” chưa? Đã trôi chảy chưa? Nối âm có tốt không?
Ngoài ra, hiện nay có rất nhiều phần mềm “speech to text” giúp các bạn đọc tiếng Anh để máy nhận diện. Ví dụ, các bạn có thể tự luyện phát âm bằng cách nói vào google: “how to improve my English pronunciation?”, xem máy có hiểu không.
4. Nói chuyện về các chủ đề ý nghĩa
Hiện Internet chứa rất nhiều trang web nơi bạn có thể tìm người nói chuyện bằng tiếng Anh, tuy nhiên các cuộc nói chuyện thường không thú vị và quanh quẩn ở những đề tài tẻ ngắt. Những câu chuyện của giới “săn tây” thường cũng quanh quẩn ở các câu hỏi “Do you like Vietnam?”, “Do you like Vietnamese food?”.
Khi thực hành, bạn hãy lựa chọn chủ đề mình quan tâm: làm đẹp, chăm con, nấu nướng, kinh tế. Đồng thời, tính “phức tạp” của các đề tài giúp bạn diễn đạt tốt hơn.
5. Học tiếng Anh từ nhiều nguồn
Nếu chỉ xem tin tức tiếng Anh, bạn sẽ hiểu ngôn ngữ “formal”, nhưng không hiểu được các cách diễn đạt thường ngày và “slang” được dùng trong giao tiếp. Ngôn ngữ được sử dụng trong sách giáo khoa cũng khác với sử dụng trong tạp chí chuyên ngành.
Bạn nên làm quen với tất cả loại ngôn ngữ đó, đọc “Wimpky kid” để có ngôn ngữ hàng ngày, đọc “text book” để có ngôn ngữ “formal”; nghe CNN và nghe các phim tình cảm không phụ đề… Đôi khi, đọc nhiều cũng có thể hỗ trợ bạn khi nói, đặc biệt về khoản từ vựng.
6. Diễn đạt ý tưởng, không dịch
Dịch là bản năng của người học ngôn ngữ thứ hai và không phải không có lợi. Tuy nhiên, dịch khi nói đôi khi khiến bạn bí từ. Ví dụ, khi muốn nói “ông ấy rất uyên bác”, mà không biết từ “uyên bác” là gì, bạn sẽ ngắc ngứ.
Cái cần truyền đạt là ý tưởng, không phải ngôn ngữ. Trong ví dụ ở trên, ý cơ bản là ông ấy cái gì cũng biết “he knows everything”; hay ông ấy rất thông minh và chịu khó “he’s smart and he reads everyday”.
7. Người học tiếng Anh nói sai là chuyện bình thường
Sẽ thật tuyệt vời (và kỳ lạ) nếu bạn có thể nói tiếng Anh trôi chảy, không vấp váp và chuẩn 100%. Có lẽ bạn nên đi dạy tiếng Anh hoặc làm MC.
Phần lớn thì không như vậy, vì tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai. Chuyện mắc lỗi là bình thường, không mắc lỗi mới là phi thường. Mà đã bình thường thì chẳng có gì phải xấu hổ hay ngại. Cứ nói bừa đi, sai đâu sửa đấy, rồi bạn sẽ thấy mình tiến bộ rất nhanh.
Quang Nguyen
Theo Vnexpress
Lý do bạn giỏi tiếng Anh, nhưng giao tiếp không tốt
Những đứa trẻ bán báo, đánh giày bắt chuyện với người nước ngoài tự tin hơn nhiều sinh viên.
Thầy giáo tiếng Anh Quang Nguyen chia sẻ về mục đích giao tiếp khi học tiếng Anh.
Suốt những năm ở Đại học Hà Nội, tôi có một sự ghen tị và ngưỡng mộ nghe có vẻ rất vô lý. Tôi thầm ngưỡng mộ tiếng Anh của những đứa trẻ đánh giày và bán báo trên Hồ Gươm.
Quả là kỳ lạ phải không? Tôi được học trường tốt, giáo viên xuất sắc, bạn bè đồng lứa toàn những người giỏi giang và cũng là một sinh viên "không đến nỗi nào". Nhưng sự thực là, tôi không tự tin giao tiếp với người nước ngoài, giống như những em bé bán báo kia.
So sánh giữa tôi và họ, rõ ràng là tôi hơn hẳn. Tôi nhiều từ vựng hơn, nhiều ngữ pháp hơn, được luyện nghe nhiều hơn trong những bối cảnh phức tạp hơn. Nhưng điều đó không khỏa lấp được sự thực là tôi không giao tiếp tốt hơn các em bán báo. Và tôi nói điều đó một cách chân thành.
Ảnh: Modern Man
Lý do thì có nhiều, nhưng một trong số đó là thái độ (attitude) trong giao tiếp. Ở trường học, tôi được dạy phải viết chuẩn, nói chuẩn. Thế nên khi ra ngoài, chỉ cần nghe người bản xứ nói là tôi đã sởn hết cả da gà. Tôi sợ! Tôi sợ vì sự khác biệt quá lớn trong cách nói của họ với mình. Họ luyến láy, lên xuống, nhấn nhá nối âm cứ như đang hát vậy. Tôi cố gắng "hát" giống họ, nhưng càng cố càng tự ti, nên lâu dần thấy nản, gặp Tây là... lảng.
Những đứa trẻ bán báo, đánh giày thì khác. Với vốn tiếng Anh rất cơ bản, các em lại giao tiếp vô cùng hiệu quả. Lý do là mục tiêu của các em không phải để khoe một thứ tiếng Anh hoàn hảo, mà là để đánh được một đôi giày, bán được một tờ báo. Vì thế, các em cứ thấy "Tây" là đến mời chào, giới thiệu sản phẩm. Lâu dần, tiếng Anh cải thiện nhiều, nghe hiểu cơ bản đều ổn, giao tiếp tốt.
Có người đã so sánh rất hay hai cách tiếp cận tiếng Anh. Thứ nhất là học kiểu hàn lâm, giống như học piano. Học trò rất sợ mắc lỗi, và họ thấy con đường để đạt chuẩn của mình xa vời vợi. Cách tiếp cận thứ hai giống như chơi game, không quan trọng người chơi mắc bao nhiêu lỗi, mục tiêu quan trọng nhất là qua bài.
Sự thực thì giao tiếp tiếng Anh giống với chơi game hơn là học đàn. Điểm quan trọng nhất là bạn diễn đạt được ý tưởng của mình: "I student, you teacher. I learn you". Sẽ không có vấn đề quá lớn khi bạn viết "environment" thành "envirnmt", miễn người đọc vẫn hiểu được ý của bạn. Và tốt nhất, người học tiếng Anh nên có tinh thần của một game thủ hơn là một người học piano.
Đó là lý do khi dạy giao tiếp, một mặt tôi vẫn chỉ ra lỗi của học viên để họ cải thiện, mặt khác luôn nhắc nhở họ không cần quá chú ý vào những lỗi đó để tập trung vào việc nghe và hiểu trong giao tiếp.
Quang Nguyen
Theo vnexpress.net
MC Thanh Thảo giúp con biết nói sớm và tự tin giao tiếp nhờ đọc sách Bé Dâu và Bòn Bon được mẹ tập thói quen đọc sách từ lúc còn trong bụng. Hai con của MC Thanh Thảo, bé Dâu và bé Bòn Bon, đều rất mê sách. Bòn Bon, 4 tuổi, thích những cuốn sách có hình xe; bé có thể đọc vanh vách tên các loại xe và thuộc lòng công dụng của chúng. Dâu, 8...