Bảy ‘điểm mù’ trong cách dạy con
Những phụ huynh biết tuốt, làm tuốt, muốn con biết mọi thứ, thường xuyên tặng quà hay ra rả sỉ vả con đều để lại hệ quả tiêu cực.
Hơn 10 năm dạy học, thầy Nguyễn Chí Hiếu, tốt nghiệp tiến sĩ Đại học Stanford (Mỹ), chia sẻ về những sai lầm của cha mẹ trong giáo dục con.
Trong chuyến đi thuộc khuôn khổ chương trình Eisenhower Fellowships diễn ra tại Mỹ, tôi được trao đổi với nhiều nhà giáo dục, từ giáo sư của Đại học Stanford đến hiệu trưởng các trường phổ thông, từ viện nghiên cứu giáo dục đến tổ chức đình đám như Gates Foundation hay Bộ Giáo dục Mỹ. Tất cả cho rằng phụ huynh là một trong ba mấu chốt của “cách mạng” giáo dục.
Phụ huynh, dù ở Việt Nam hay bất cứ đâu, hiện đều có những “điểm mù” trong việc giáo dục con. Tôi có thể chỉ ra ít nhất bảy điểm mù sau.
Bố mẹ nào cũng yêu và muốn con thành công. Vì vậy, nhiều người không ngừng tìm hiểu, học hỏi để nâng cao phương pháp dạy con. Đó là điều tốt. Nhưng có một thực trạng đang diễn ra là nhiều phụ huynh đọc mỗi nơi một chút, hớt ván mỗi chỗ một tẹo, nhâm nhi nhiều “triết lý”, để rồi… biết tuốt.
Có một câu nói kinh điển: A little knowledge of everything is just small thinking and that is really… dangerous (Một chút kiến thức của mọi thứ thì chỉ là tư duy nhỏ vụn, và điều đó thật là nguy hiểm). Nguy hiểm là khi cái gì cũng biết một chút sẽ dẫn đến ảo tưởng của nhiều bố mẹ là cái gì nói cũng đúng. Để rồi, họ làm khó chính những người làm giáo dục không biết tuốt nhưng lại biết sâu, và đòi hỏi nhiều thứ mà không chịu dừng lại, dẫn đến “ bội thực”.
Và đúng là nhiều trẻ bị bội thực. Chúng có mọi thứ nhưng cái gì cũng phe phẩy, điểm xuyến qua loa. Hỏi đứa trẻ chừng 5-10 phút về bất cứ thứ gì là thấy chúng hụt hơi, còn hỏi về những thứ sâu xa, trừu tượng hơn một chút là đứt tư duy và gãy kiến thức.
2. Bố mẹ làm tuốt
TS Nguyễn Chí Hiếu.
Bố mẹ thời nay bận rộn làm kinh tế, điều này có thể là sự hy sinh đáng quý. Nhưng tiếc thay vì nhiều người không để ý dẫn đến một hệ quả hơi buồn: thời gian eo hẹp nên nóng vội và không kiên nhẫn. Vì vậy, có gì con làm không được, nghĩ không ra, hay làm lâu quá thì để bố mẹ xử lý cho nhanh.
Vì lẽ đó, có những đứa trẻ lớn rồi mà kỹ năng tự lập còn mong manh, quản lý cảm xúc thì lỏng lẻo, năng lực tự tư duy thiếu hụt, độ lì và sức bền ốm yếu. Chính bố mẹ nhiều khi đã vô tình tước đoạt đi cái quyền được vượt khó của chúng. Cá chép không tự vượt vũ môn thì sao hoá rồng được?
Đã bao nhiêu lần tôi chỉ cho một tờ giấy trắng và một cây bút, bắt tụi nhỏ ngồi suy nghĩ cho ra câu chữ để viết, viết cái gì cũng được. Mới 5-10 phút đầu mà chúng đã kêu gào, phàn nàn um sùm vì chắc lâu giờ không bị “bóc lột” tư duy như thế.
Và rồi tôi cứ “cắn răng” phớt lờ cho chúng ngồi im đến phút thứ 15 thì đứa nào cũng dần im lặng và bộ não quay trở lại đúng chức năng bẩm sinh là suy nghĩ. Dẫu có đứa mỗi phút chỉ ra được vài từ, tất cả là sản phẩm tự nhiên của tư duy.
Video đang HOT
3. “Bố mẹ cho con quà nè”
Dường như giờ đây mỗi việc con làm đều có quà, từ cái nhỏ như cục kẹo cho đến quần áo, giày dép, rồi điện thoại, máy tính, và một chuyến đi chơi xa. Chính bố mẹ đã quên mất một lẽ ở đời: lòng tham càng đào càng sâu và tưởng thưởng vật chất cho trẻ nhiều quá không khác nào khuếch đại tính cách ưa đòi của chúng.
Trẻ sẽ chẳng bao giờ nhận ra món quà đẹp nhất và ý nghĩa nhất của mọi nỗ lực chính là sự tích lũy kiến thức, sự vươn vai của tư duy, sự đong đầy của kỹ năng và sự tròn trịa của tính cách. Đó mới chính là những tài sản lâu bền và quý giá nhất, chứ không phải những thứ xài một lần rồi thôi, xài vài năm lại đổi. Và đến khi vào đại học, đi làm, chúng mới nhận ra ở ngoài kia, nhiều lúc chúng có nỗ lực cũng chưa chắc có quà. Và vì chờ lâu quá mà chưa thấy quà như lâu nay bố mẹ hay “dạy”, chúng sớm từ bỏ nỗ lực.
Thường xuyên la mắng con sẽ để lại hậu quả lớn. Ảnh: The Independent
4. Bố mẹ ra rả sỉ vả
Khi phụ huynh dọn sẵn đường và chăm bón tận nơi mà con vẫn không bắt kịp với mong đợi, cộng thêm việc lờ mờ về sự phát triển tâm sinh lý của con, bố mẹ sẽ “ra rả” vào đầu tụi nhỏ những thứ khó nghe. Một vài lần thì có thể không sao vì “thương cho roi cho vọt”, nhưng làm riết rồi thành quán tính. Chính bố mẹ cũng không kiểm soát được bản thân và mọi thứ bắt đầu vượt ngưỡng giới hạn của nó.
Những lời so sánh, chỉ trích, la mắng đúng là có giá trị tức thời, giúp bố mẹ hạ hỏa và con cái răm rắp làm theo. Nhưng cái điểm mù chính là những gì xảy ra trong tương lai. Những đứa trẻ cứ như quả bóng căng đầy khí, im lìm nhưng rất dễ nổ; chỉ cần thêm một lời nói hay hành động nhỏ như cây kim thôi cũng dẫn đến nhiều hệ quả không lường.
Mọi lời khen chê nên chuyển thành góp ý và phân tích cái được, chưa được của con. Cái hay của giáo dục chính là nhận thức và khắc phục những điểm yếu, song song với ghi nhận và phát huy những thế mạnh, chứ không phải thấy ở đâu có thứ gì để so sánh là đem ra sỉ vả con.
5. Bố mẹ cho con thoải mái “tới bến”
Đã không biết bao lần ngồi trò chuyện với phụ huynh về chuyện “Sao con học hoài không thấy tiến bộ”, câu tôi hỏi ngược lại đầu tiên không phải là con học trường nào, thầy cô là ai, mà là thời khóa biểu ở nhà ra sao.
Và khi đó bố mẹ mới giật mình nhận ra mỗi ngày là một kiểu cấu trúc lịch học, chơi bời, sinh hoạt, ăn ngủ chệch choạc. Con làm gì cũng không có giới hạn, chừng mực, lúc đầu là vài phút, rồi kéo dài thành vài tiếng khi nào không hay. Vậy là cái não của chúng chỉ toàn thấy vui khi được ôm ấp những thứ đó thôi, chứ cầm cây bút nhẹ hều cũng đã than nặng.
Thậm chí giờ đây chúng đi học trên trường hay ở trung tâm thì lại được nhiều nơi quăng cho mấy cái máy công nghệ với thông điệp quảng cáo trên mây, mà chính họ cũng không biết cái gì gọi là cognitive overload (não quá tải). Cái thứ gọi là công nghệ tiên tiến đó, nếu không biết kiểm soát và cân bằng tổng thời gian tiếp xúc trong một ngày, nó đang “phá não” tụi nhỏ nhiều hơn là mấy thứ lợi ích hay ho mà họ ca tụng.
6. Bố mẹ muốn tất
Ở đâu có thi cử gì, chỗ nào có thầy cô giỏi, nơi nào có chương trình nghe thấy hay, bố mẹ sẽ đầu tư hết cho con. Một ý niệm khởi nguồn thật quý và thật đẹp, nhưng đâu đó lại xuất hiện sự ôm đồm, chạy sô, ăn xổi, để rồi những đứa trẻ phải gồng gánh quá nhiều mong đợi của bố mẹ mà nhiều khi chúng không còn thời gian để thở, chứ đừng nói đến tiêu hóa và chuyển biến kiến thức thành nội hàm.
Đó là chưa nói đến việc những thứ bố mẹ đang dắt chúng chạy theo chưa chắc đã là những thứ chúng thật sự cần cho tương lai. Để rồi mai kia, tất cả mới chợt nhận ra những điểm số hay huy chương thật ra không có giá trị gì mấy nếu như trong con người thiếu kiến thức phổ thông, năng lực tư duy và kỹ năng nền tảng để tồn tại trong bất cứ môi trường giáo dục và công việc nào.
Khi đó, những đứa trẻ chợt nhận ra học giỏi nhất lớp bao nhiêu năm qua chưa hẳn là tất cả vì ở ngoài kia người ta còn xem chúng có tư cách đạo đức hay không mới cho một suất học bổng, có tư duy sáng tạo và nhanh gọn hay không mới được bước lên khán đài, có đủ kỹ năng xã hội hay không mới để chúng vào vị trí lãnh đạo, và đủ kiến thức sâu sắc hay không để họ chịu lắng nghe.
Nhưng 12 năm đi học phổ thông, do bận rộn vì mấy cái “muốn tất” đó của bố mẹ mà với những thứ quan trọng kia, chúng chỉ có thể “hớt” được mỗi thứ một chút, lớt phớt như gió thoảng qua.
7. Bố mẹ mù tịt
Con học gì, ai dạy con thế nào bố mẹ gần như không biết một tí gì, tất cả phó thác cho ông bà, giúp việc, gia sư hoặc thậm chí là tài xế, mà quên rằng người lẽ ra có sức ảnh hưởng lớn nhất tới một đứa trẻ chính là bố mẹ.
Thậm chí, chúng yêu thích gì, chán ghét gì, hạnh phúc hay buồn bã, hụt hẫng hay cô đơn, bố mẹ cũng chưa có thời gian để định kỳ ngồi lại tâm sự, giúp chúng mở lòng. Để rồi cái khoảng cách giữa bố mẹ và con cái mỗi ngày một xa. Và những thái độ hay hành vi tiêu cực của tụi nhỏ cũng từ đó xuất hiện, mọi lỗi lầm đều được bố mẹ nhẹ nhàng phủi tay, đẩy sang cho thầy cô và nhà trường.
Một đứa trẻ có học trong một ngôi trường không tốt nhưng nếu ở nhà, bố mẹ vẫn là những ngọn đèn vừa soi sáng vừa sưởi ấm, “cái neo” về tính cách, nhận thức, đạo đức của trẻ vẫn đủ mạnh để đập tan mấy thứ không tốt ngoài kia mà chưa chắc chúng ta đã can thiệp được.
Trong 4 kỹ năng nghe – nói – đọc – viết, nghe là cái đầu tiên đến với con người, nhưng giờ đây bố mẹ có lẽ đã đánh rơi cái kỹ năng trời ban đó. Có nghe thì từ từ sẽ hiểu, có hiểu rồi mới bắt tay vào làm, và có làm thì mới thay đổi những đứa trẻ và thay đổi bản thân bố mẹ được tốt đẹp hơn.
Nguyễn Chí Hiếu
Theo VNE
Cha mẹ dạy gì cho con?: Dạy theo cách... không dạy gì hết
Hãy dạy con bằng cuộc sống, cách sống của mình. Dạy con bằng cách... không dạy gì hết. Cha mẹ tìm ra chính mình, thì sẽ luôn yên tâm khi dạy con mình. Đó là chia sẻ của ông Giản Tư Trung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục IRED.
Ông Giản Tư Trung nói chuyện với sinh viên - ẢNH: NVCC
3 câu hỏi gốc rễ
Dạy con là một chủ đề luôn luôn sục sôi. Lâu nay người ta thường hay đặt ra câu hỏi "Dạy con theo kiểu nào?". Nhưng đó không phải là gốc rễ của vấn đề. Vậy câu hỏi thỏa đáng trong việc dạy con là gì? Đó là trả lời 3 câu hỏi: "Thế nào là con người?", "Muốn con trở thành người như thế nào?", "Dạy con trở thành người như thế nào?". Hai câu hỏi đầu người ta thường không quan tâm, chỉ quan tâm đến câu thứ 3. Như vậy rất nguy hiểm.
Như trong câu chuyện Cuộc phiêu lưu của Alice vào xứ sở thần tiên, Alice bị lạc đường có hỏi con mèo là đi đường nào? Alice hỏi vậy nhưng không biết đi đến đâu. Mèo mới nói: "Cậu không quan tâm thì đi đường nào chả được".
Giáo dục cũng vậy. Gia đình lâu nay phó thác cho nhà trường, nhà trường phó thác cho nhà nước trong khi cha mẹ chưa để ý vai trò của mình.
Có mấy điều giáo dục sau đây mà điều nào cũng cần có triết lý. Một là triết lý giáo dục do nhà nước đưa ra: cần có công dân như thế nào? Thứ hai là triết lý giáo dục của nhà trường: tạo ra con người như thế nào? Thứ ba là triết lý của nhà giáo. Thứ tư là triết lý giáo dục của cha mẹ để dạy con. Cuối cùng là triết lý của bản thân, bao gồm cả học trò, cha mẹ, thầy cô... Muốn giáo dục trẻ em, mỗi bộ phận này đều cần phải có triết lý riêng của mình.
Dạy con kiểu "nguyên con"
Hiện nay có mấy kiểu dạy con. Một là nói cho con nghe những điều mình nghĩ rằng con nên biết. Cách thứ hai là trả lời câu hỏi của con. Cách này hiệu quả hơn vì con hỏi là con quan tâm. Cách thứ ba là để con dạy mình, làm học trò của con. Có nhiều cha mẹ không biết chữ nhưng có nhiều đứa con thành tài là vì vậy.
Nhưng cách thứ 4 mới là hay nhất. Đó là không dạy gì hết! Cứ cố dạy con thì nhiều khi không dạy được. Dạy con bằng cuộc sống, bằng cách sống của mình. Tôi gọi đó là "dạy nguyên con". Đây không phải là dạy con theo kiểu làm gương cho con. Cách làm gương rất phản giáo dục và rủi ro. Ví dụ đi trên đường, không có ai thì vượt luôn đèn đỏ. Đến khi chở con thì dừng đèn đỏ. Nhưng có lúc quên cha mẹ sẽ vượt luôn, thành "tổ trác" trước mặt con. Làm gương là cố tình diễn cho con. Còn "nguyên con" là hiện nguyên hình trước mặt con.
Cách này rất khó vì cha mẹ hư hỏng rất nhiều. Nhưng cách này ai cũng làm được chứ không phải chỉ người xuất sắc. Vì chúng ta không nên trở thành người hoàn mỹ, giả dối trước mặt con. Con đi theo mình suốt đời, "diễn" thì mệt lắm. Nhưng con cái gắn bó chúng ta cho đến chết. Không phải lúc nào cũng diễn được cả cuộc đời. Nếu với con mình không là chính mình thì cả đời này chúng ta không còn là chính mình nữa. Đó là bi kịch.
Người nhiều mặt xấu hơn thì con sẽ ảnh hưởng. Cha mẹ lúc này phải tu tâm sửa tính để con khỏi hư. Nhưng không cần phải hoàn mỹ. Vì sống "nguyên con" là con người tự do.
Giúp con tìm ra chính mình
Nhưng phương pháp dạy con không quan trọng bằng triết lý dạy con. Mình muốn con mình là người thế nào thì giúp con mình tìm ra chính mình, làm ra chính mình.
Tìm ra chính mình có 3 thứ. Đó là tìm ra con người giới tính, thuộc giới tính nào thì sống đúng với giới tính đó (dị tính, đồng tính, lưỡng tính, chuyển giới, vô tính). Nếu con là gay mà bắt sống như đàn ông là hại con. Thứ hai là con người văn hóa. Thứ ba là con người nghề nghiệp, phù hợp với nghề nghiệp nào. Nếu con là "con cá" thì không thể bắt con leo cây như "con khỉ".
Thông thường mọi người quan tâm con người giới tính, con người nghề nghiệp chứ ít quan tâm con người văn hóa. Con người văn hóa mới là quan trọng nhất, vì nó làm ra 3 thứ, cần phải có 3 thứ là "đạo sống", giá trị sống, thái độ sống và hành xử. Đạo sống là trung tâm nằm trong những vòng tròn lớn hơn chồng lên là giá trị sống, sau đó là thái độ sống và hành xử. Đó là cấu trúc văn hóa. Không có "đạo sống" thì không có lý tưởng, không có dấn thân và sẽ không có thành tựu, không có giá trị.
Khi cha mẹ có cả 3 thứ này thì dạy con sẽ yên tâm, sẽ tạo ra được một bầu sinh quyển tự nhiên như hít thở khí trời. Như vậy thì không cần phải nghĩ đến chuyện phải dạy con thế nào nữa. Người thầy quan trọng nhất của giáo dục trẻ em chính là gia đạo. Cha mẹ là người tạo ra gia đạo ấy.
"Người thầy quan trọng nhất của giáo dục trẻ em chính là gia đạo. Cha mẹ là người tạo ra gia đạo ấy"
GIẢN TƯ TRUNG
Theo thanhnien
Cách dạy con đam mê đọc sách Đọc sách báo nhiều, có chọn lọc của bậc cha mẹ sẽ giúp cho trẻ em nâng tâm hồn, hiểu biết và tầng thiên tư mỗi ngày dần bước thêm một nấc thang mới. Đồng thời tầm vóc về phẩm hạnh, nhân cách, văn hóa và đạo đức cũng từ đó hình thành, đi đúng hướng. Chính vì ý thức sâu sắc về...