Báu vật đính pha lê rơi từ “hành tinh tiền thân” của Trái Đất
Những báu vật tuyệt đẹp, lạ lùng từ biển cát Erg Chech thuộc sa mạc Sahara có thể viết lại lịch sử của hệ Mặt Trời sơ khai.
Theo Space.com, vào tháng 5-2020, một số loại đá bất thường chứa các tinh thể màu xanh lục lạ lùng được tìm thấy giữa biển cát Erg Chech, thuộc địa phận Algeria, khiến giới khoa học bối rối. Chúng vừa được xác định là những báu vật vô song từ vũ trụ.
Báu vật vũ trụ độc đáo rơi xuống sa mạc Sahara năm 2020 – Ảnh: NATURE COMMUNICATIONS
Để tìm hiểu nguồn gốc của chính mình, nhân loại luôn khao khát tìm ra những vật liệu thuộc về hệ Mặt Trời lúc bắt đầu hình thành.
Những nỗ lực đó bao gồm các sứ mệnh tỉ đô như OSIRIS-Rex của NASA, chỉ để đem về vài trăm gam vật liệu từ tiểu hành tinh “già hơn Trái Đất”.
Một cách may mắn bất ngờ, các tảng đá rơi xuống Sahara, được xác định đều thuộc về một cơ thể mẹ lớn hơn gọi là thiên thạch Erg Chech 002, có thể có giá trị không kém cạnh.
Một nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí khoa học Nature Communications đã phân tích tích các đồng vị chỉ và uranium của Erg Chech 002, cho thấy nó có tuổi đời gần 4,566 tỉ năm.
Cũng theo kết quả đưa ra bởi nhóm nghiên cứu đứng đầu bởi TS Evgenni Krestianinov từ Trường Khoa học Trái Đất thuộc Đại học Quốc gia Úc (ANU), các tảng đá đính pha lê thực sự là báu vật với ngành khoa học hành tinh.
Vì chúng thuộc về những “ tiền hành tinh” sơ khai của hệ Mặt Trời.
Tiền hành tinh là các vật thể có tính chất như những hành tinh sơ khai, kích thước nhỏ hơn các hành tinh ngày nay, là các hành tinh đầu tiên được sinh ra trong chiếc đĩa đá bụi quanh Mặt Trời non trẻ.
Theo các lý thuyết đã được củng cố bởi nhiều bằng chứng, các tiền hành tinh này va chạm với nhau, vỡ ra. Tuy nhiên, chúng không “chết” hẳn, mà các mảnh vụn sẽ tái hợp lại, hoài thai nên các hành tinh bao gồm Trái Đất.
Một số nghiên cứu trước đây cho thấy ít nhất 4 hành tinh đá “phía trong” hệ Mặt Trời – Sao Thủy, Sao Kim, Trái Đất, Sao Hỏa – đã hình thành theo cách như thế.
Một số vật liệu vỡ ra từ các tiền hành tinh còn sót lại, không hòa vào cơ thể của các hành tinh hiện tại, tạo nên một nhóm thiên thạch gọi là “achondrites chưa được nhóm”, tức chưa xác định được cụ thể loại vật thể tiền thân cũng như mối quan hệ nó với các vật thể sơ khai khác.
Kết cấu độc đáo của loại vật liệu sơ khai này ngoài việc giúp chúng ta hiểu rõ hơn về cách Trái Đất được hình thành, còn là mảnh ghép quan trọng giúp tái tạo lại lịch sử ban đầu của hệ Mặt Trời.
Các phát hiện gần đây cho thấy đoạn lịch sử cổ xưa đó có thể phức tạp và nhiều biến động hơn nhiều so với các lý thuyết quen thuộc.
Vật thể bí ẩn hạ cánh xuống Trái Đất sau 10.000 năm du hành vũ trụ
Một vật thể từ vũ trụ rơi xuống sa mạc Sahara vừa được xác định là thứ đã rời Trái Đất đi thám hiểm không gian sâu từ ít nhất 10.000 năm trước.
Nhóm khoa học gia dẫn đầu bởi TS Jerome Gattacceca từ Đại học Aix-Marseille (Pháp) đã phân tích thành phần của NWA 13118 - được phát hiện ở sa mạc Sahara khu vực Morocco hồi năm 2018 - và tìm ra lịch sử gây choáng váng của nó.
Theo Live Science, NWA 13118 rõ ràng là thiên thạch bởi nó có lớp vỏ nhiệt hạch.
Mặt cách của vật thể bí ẩn đã rời Trái Đất rồi trở lại - Ảnh: Albert Jambon
Vỏ nhiệt hạch là lớp đá mịn bị sốc nhiệt, cho thấy nó đã bị đốt cháy một phần khi rơi qua bầu khí quyển trên Trái Đất, không phải đặc điểm có thể tìm thấy trên đá núi lửa hay đá bị đốt nóng từ bất cứ chu trình tự nhiên nào trên hành tinh.
Các nhà nghiên cứu còn tìm thấy dấu vết của các đồng vị beryllium-3, helium-10 và neon-21 trong thành phần thiên thạch, vốn được sinh ra bởi quá trình đá tiếp xúc với vũ trụ.
Lượng đồng vị cho thấy thiên thạch này đã ở trong môi trường vũ trụ ít nhất 10.000 năm, thậm chí cả triệu năm.
Nhưng bất chấp tất cả, thành phần chính của khối đá cho thấy nó được sinh ra bởi Trái Đất! Điều này dẫn đến kết luận NWA 13118 là "thiên thạch boomerang" đầu tiên từng được tìm thấy, tức nó đã từ Trái Đất du hành vào không gian sâu, rồi lại trở về sau hàng ngàn năm.
Kết luận này còn gây tranh cãi nhưng các nhà khoa học cho biết họ tự tin với phân tích khi công bố nói trên tại một hội nghị quốc tế vừa diễn ra ở Lyon - Pháp.
Tất nhiên 10.000 năm trước thì nó không thể được phóng bởi con người, nhưng hoàn toàn vẫn có cách lý giải về cách thiên thạch bí ẩn này đã rời Trái Đất.
Lời giải thích thứ nhất là nó được phóng ra khỏi bầu khí quyển do một vụ phun trào núi lửa dữ dội. Tuy nhiên, chưa có bằng chứng nào rõ ràng về một thảm họa núi lửa đủ mạnh để làm điều này.
Giả thuyết thứ hai, khả dĩ hơn, là tác động của một tiểu hành tinh lớn đâm vào Trái Đất, bị vuột khỏi vòng kìm hãm của lực hấp dẫn và bay vào không gian sâu.
Dù bằng cách nào thì một tác động khác, tình cờ và may mắn, đã khiến nó tìm được đường về Trái Đất.
Nhóm nghiên cứu đang lên kế hoạch tìm hiểu sâu hơn về thiên thạch để xác định cụ thể độ tuổi và các manh mối liên quan đến sự kiện đã bắn nó bay khỏi Trái Đất.
10 siêu vật thể hình trái chuối "xuyên không" từ vũ trụ cổ đại Một phân tích mới dựa trên dữ liệu kính viễn vọng không gian mạnh nhất thế giới đã tiết lộ những vật thể hoàn toàn gây sốc của vũ trụ "sơ sinh". 10 vật thể trông như những trái chuối khổng lồ, sáng chói vắt ngang giữa không gian là những hình ảnh mới nhất vừa được công bố từ cuộc phân tích...