Bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ: Tỷ lệ bỏ phiếu sớm sẽ xấp xỉ kỷ lục của năm 2018
Các cử tri Mỹ đang tích cực bỏ phiếu trực tiếp và qua thư điện tử. Tính đến ngày 21/10, đã có hơn 5,8 triệu người dân nước này bỏ phiếu sớm.
Người dân sử dụng máy bầu cử để bỏ phiếu sớm tại Columbus, Georgia, ngày 17/10. Ảnh: Reuters
Theo các nhà nghiên cứu, tỷ lệ bỏ phiếu sớm trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ đang trên đà đuổi kịp các kỷ lục từng được thiết lập vào năm 2018. Bởi lẽ, đông đảo cử tri đang tích cực bỏ phiếu trực tiếp và qua thư trên khắp các bang.
Hãng CNN trích dẫn số liệu cho hay tính đến tối 21/10, hơn 5,8 triệu người đã bỏ phiếu. Con số này tương đương với tỷ lệ của tuần bỏ phiếu sớm đầu tiên trong cuộc bầu cử năm 2018. Đó là sự kiện có tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu giữa nhiệm kỳ cao nhất trong một thế hệ.
Các bang theo dõi chặt chẽ cuộc bầu cử – trong đó có Georgia, Florida và Ohio – là những bang có số lượng cử tri bỏ phiếu sớm lớn. Trong đó, các cử tri của đảng Dân chủ đang bỏ phiếu sớm nhiều hơn.
Các đảng viên đảng Cộng hòa đã khuyến khích người ủng hộ của họ bỏ phiếu trực tiếp, viện dẫn lý do để đảm bảo an ninh bầu cử.
Báo New York Times đưa tin rằng tỷ lệ cử tri đi bầu trực tiếp đã tăng 70% tại Georgia, nơi thống đốc đương nhiệm của đảng Cộng hòa đang đối mặt với sự thách thức từ đối thủ của đảng Dân chủ Stacey Abrams. Trong khi đó, thượng nghị sĩ Mỹ Raphael Warnock thuộc đảng Dân chủ lại đang cạnh tranh với thượng nghị sĩ Herschel Walker trong cuộc đua giành ghế Thượng viện. Tính đến tối 21/10, khoảng 520.000 người đã bỏ phiếu trong cuộc bỏ phiếu trực tiếp sớm, theo Fox5 Atlanta.
Tại Ohio, hơn 943.000 người đã bỏ phiếu hoặc yêu cầu bỏ phiếu vắng mặt trong tuần đầu tiên của cuộc bỏ phiếu sớm, theo báo cáo của Columbus Dispatch, tăng 2,7% so với tỷ lệ của năm 2018.
Video đang HOT
Hơn 186.000 lá phiếu đã được bầu sớm ở Bắc Carolina hôm 20/10 – ngày bắt đầu bỏ phiếu sớm – tăng từ 155.000 phiếu bầu của cùng giai đoạn vào năm 2018. CNN trích dẫn số liệu của Hội đồng bầu cử bang Bắc Carolina cho biết số lượng cử tri đảng Dân chủ chiếm 42% số lá phiếu sớm và số phiếu bầu của cử tri Cộng hòa chiếm khoảng 29%. Các cử tri không bắt buộc phải tuyên bố trung thành với đảng.
Hơn 122 triệu người đã bỏ phiếu trong cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2018 – con số cao nhất kể từ năm 1978. Hơn một nửa số người Mỹ đủ điều kiện đã tham gia bỏ phiếu năm 2018, tăng lên từ 42% vào năm 2014.
Theo NBC News, đảng Dân chủ đang nắm quyền kiểm soát Hạ viện gồm 435 ghế. Toàn bộ 435 ghế này sẽ được bầu lại vào ngày 8/11 tới. Ghế của 5 trong số 6 thành viên không có quyền bỏ phiếu của Hạ viện cũng sẽ được bầu. Các cuộc bầu cử đặc biệt sẽ được tổ chức để lấp đầy những ghế trống trong Quốc hội Mỹ khóa 117.
Theo kết quả của cuộc bầu cử năm 2020, đảng Dân chủ đang duy trì thế đa số tại Hạ viện, giành được 220 ghế, so với 212 ghế của đảng Cộng hòa. Tính đến ngày 10/10/2022, đảng Dân chủ chiếm đa số với tỷ lệ so với đảng Cộng hòa là 220-212 tại Hạ viện với ba vị trí trống. Đảng Cộng hòa cần giành được tối thiểu 218 ghế để lấy lại quyền kiểm soát Hạ viện.
Ngoài quyền lập pháp – một nghĩa vụ cùng chia sẻ với Hạ viện, Thượng viện có trách nhiệm phê chuẩn các thẩm phán liên bang, các quan chức nội các và đại sứ, cũng như phê chuẩn các hiệp ước. Hiến pháp Mỹ quy định, mỗi bang trong số 50 bang của đất nước đều có hai suất thượng nghị sĩ được bầu với nhiệm kỳ 6 năm, bất kể quy mô dân số của bang đó.
Trước bầu cử giữa kỳ, phe Cộng hòa tại Hạ viện chia rẽ về viện trợ cho Ukraine
Các thành viên đảng Cộng hòa tại Hạ viện đang đưa ra những thông điệp trái chiều về vấn đề viện trợ cho Ukraine trước thềm bầu cử giữa nhiệm kỳ tại Mỹ vào tháng 11 tới.
Ông Kevin McCarthy, thủ lĩnh phe thiểu số đảng Cộng hòa tại Hạ viện. Ảnh: Getty Images
Theo tờ The Guardian, ông Kevin McCarthy, lãnh đạo phe thiểu số đảng Cộng hòa tại Hạ viện, đã nói rằng Quốc hội Mỹ sẽ không "viết séc trắng cho Ukraine" nếu đảng này giành chiến thắng trong cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng tới. Điều này làm dấy lên lo ngại ở Ukraine rằng Mỹ sẽ ngừng viện trợ thiết bị quân sự.
Cụ thể, ông McCarthy nói với trang web Punchbowl News ngày 18/10: "Tôi nghĩ mọi người sẽ rơi vào suy thoái và họ sẽ không viết séc trắng cho Ukraine... Họ sẽ không làm điều đó. Đó không phải là séc trắng miễn phí... Ukraine quan trọng, nhưng đó không phải là vấn đề duy nhất".
Tuy nhiên, vài giờ sau, thành viên Cộng hòa cấp cao trong Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, ông Michael McCaul, lại cho rằng cần tăng cường cung cấp vũ khí cho Ukraine. Ông là người có khả năng sẽ điều hành ủy ban này trong trường hợp đảng Cộng hòa giành chiến thắng vào tháng 11.
Ông nói với Bloomberg: "Chúng ta phải cung cấp cho họ những gì họ cần. Khi chúng ta cung cấp cho họ những gì họ cần, họ sẽ chiến thắng". Đặc biệt, ông đề cập đến Hệ thống Tên lửa Chiến thuật Lục quân (ATACMS), có tầm bắn xa hơn các tên lửa mà chính quyền Mỹ đang cung cấp.
Tới nay, chính quyền Mỹ đã từ chối cấp cho Ukraine ATACMS vì lo ngại rằng nếu Ukraine dùng chúng để bắn vào lãnh thổ Nga, xung đột có thể leo thang mạnh, khiến NATO phải can dự.
Ông McCaul lập luận rằng các tên lửa này sẽ hữu ích trong tấn công các địa điểm phóng tên lửa và máy bay không người lái của Nga ở Crimea.
Tuy nhiên, ông McCaul cũng cảnh báo thêm về việc Mỹ chi tiêu cho viện trợ Ukraine: "Tôi nghĩ nếu chúng tôi giành thế đa số, các bạn sẽ thấy chúng tôi giám sát nhiều hơn và có trách nhiệm giải trình về nguồn vốn và tiền đi đâu. Tôi nghĩ người đóng thuế Mỹ xứng đáng nhận được điều đó".
Các nhà phân tích cho rằng các thông điệp trái chiều nói trên phản ánh cuộc tranh luận nội bộ trong đảng Cộng hòa giữa hai bên: những người bảo thủ về an ninh quốc gia truyền thống và những người theo tư tưởng của cựu Tổng thống Donald Trump.
Theo bà Elisabeth Braw, một thành viên tại Viện Doanh nghiệp Mỹ, khác biệt trong thông điệp như trên phản ánh căng thẳng chính sách đối ngoại nội bộ. Bà nói: "Đây là một ví dụ rõ ràng về hai phe trong đảng Cộng hòa. Chúng ta đã có phe Trump và sau đó là phe Cộng hòa truyền thống hơn. Về vấn đề Ukraine, điều này đã diễn ra rất rõ ràng".
Trong một ví dụ khác về chia rẽ nội bộ, tài khoản Twitter của Ủy ban Hành động Chính trị Bảo thủ (CPAC), đã đăng một bài vào cuối tháng 9 và đặt câu hỏi khi nào Tổng thống Biden và đảng Dân chủ sẽ ngừng tặng quà cho Ukraine.
Cựu Tổng thống Donald Trump thường được mô tả là người ngưỡng mộ Tổng thống Nga Vladimir Putin và đã đề xuất rằng người Ukraine nên thỏa thuận với ông Putin. Ông Trump nói: "Chúng ta phải yêu cầu đàm phán ngay lập tức về việc chấm dứt xung đột ở Ukraine một cách hòa bình, nếu không chúng ta sẽ xảy ra thế chiến thứ ba. Sẽ không còn gì trên hành tinh của chúng ta. Tất cả chỉ vì những kẻ ngu ngốc không biết gì... Họ không hiểu sức mạnh của hạt nhân".
Các thành viên đảng Cộng hòa cực hữu theo tư tưởng của ông Trump như Marjorie Taylor Greene đã lặp lại các quan điểm trên về Nga, nói rằng chính phủ Ukraine chỉ tồn tại vì Bộ Ngoại giao Mỹ thời ông Barack Obama đã giúp lật đổ chế độ trước đó.
Dù vậy, bà Victoria Coates, cựu phó cố vấn an ninh quốc gia của ông Trump, nói rằng chỉ số ít người trong đảng Cộng hòa có những quan điểm như vậy. Bà nói: "Người dân Mỹ ở cả hai đảng ủng hộ rộng rãi việc hỗ trợ Ukraine, vì vậy sẽ có sự ủng hộ rộng rãi của lưỡng đảng trong Quốc hội". Bà Coates cũng nhận định rằng với nhiều người trong phe Cộng hòa, dường như chính quyền đang ném tiền vào Ukraine... Bà nói: "Tôi nghĩ rằng chúng ta rất cần Quốc hội giám sát các quỹ bổ sung được sử dụng cho mục đích này".
Những mối quan tâm hàng đầu của cử tri da màu thế hệ Z ở Mỹ Lạm phát, quyền tiếp cận phá thai và công bằng chủng tộc là những mối quan tâm hàng đầu của cử tri da màu thế hệ Z (những người sinh trong khoảng thời gian từ năm 1997 đến năm 2012) ở Mỹ. Nhân viên bầu cử phân loại phiếu bầu Tổng thống Mỹ qua đường bưu điện tại Kenosha, bang Wisconsin, Mỹ, ngày...