Bắt vít qua da cố định cột sống cho bệnh nhân thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng
Bằng phương pháp mới bắt vít qua da cố định cột sống, các bác sĩ đã điều trị thành công bệnh lý cột sống cho bệnh nhân bị hẹp ống sống kèm mất vững cột sống và thoát vị đĩa đệm.
Căn bệnh đau lưng do thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng kèm trượt đốt sống thắt lưng đã đeo bám anh Trần Anh Đ. (42 tuổi, ở quận Ô Môn, TP Cần Thơ) hơn 15 năm, cũng từng ấy năm, anh chịu đựng những cơn đau.
Trước đó, bệnh nhân Đ. bị đau cột sống thắt lưng, điều trị và uống thuốc nhiều nơi mà không giảm.
Bác sĩ tiến hành bắt vít điều trị bệnh lý cột sống cho bệnh nhân
Chị Dương Thị Cẩm T., vợ anh Đ. cho biết: “Anh Đ. rất sợ mổ xẻ, thế nên dù biết bệnh kéo dài sẽ nguy hiểm nhưng vẫn cố gắng tìm các phương pháp khác điều trị thay cho phẫu thuật.
Đi điều trị ở nhiều nơi, từ đông y rồi chuyển sang tây y, nghe chỗ nào có bác sĩ giỏi tôi đều khuyên chồng đến khám nhưng căn bệnh cứ tái đi tái lại mà không khỏi.
Mỗi lần xoay trở người, anh nhăn nhó mặt mày, có khi đang ngủ, 2 chân bị giật mạnh. Công việc gì cần dùng sức như vận động, khuân vác nặng gần như anh không thể làm được. Cho đến khi không còn chịu đựng nỗi những cơn đau anh mới chịu nhập viện”.
Video đang HOT
Sau khi thăm khám, các bác sĩ đã quyết định điều trị cho bệnh nhân bằng phương pháp mới bắt vít qua da cố định cột sống.
Đây là phương pháp điều trị bệnh lý cột sống thắt lưng mới, ít xâm lấn, an toàn, phục hồi nhanh…
Chỉ sau 1 ngày phẫu thuật, bệnh nhân Trần Anh Đ. đã đi đứng cử động nhẹ nhàng. Đến hôm xuất viện anh Đ vẫn chưa hết bất ngờ về khả năng hồi phục nhanh và giảm các triệu chứng đau đớn rõ rệt nhiều đến vậy.
Đối với bệnh lý này, bệnh nhân có thể lựa chọn phẫu thuật hở. Tuy nhiên, bệnh nhân sẽ mất nhiều máu do vết mổ dài (từ 20- 25cm), thời gian hồi phục sau mổ có thể kéo dài nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng.
Đặc biệt, khả năng để bệnh nhân trở lại công việc sau phẫu thuật một thời gian dài. Bên cạnh đó, mổ hở tạo ra một sẹo cơ lớn rất mất thẩm mỹ, bệnh nhân có thể bị đau lưng, đau vùng vết mổ mỗi khi trái gió trở trời.
Vì bệnh nhân sợ mổ nên các bác sĩ đã tư vấn cho bệnh nhân áp dụng phương pháp bắt vít qua da để điều trị. Ê kíp phẫu thuật (trực tiếp thực hiện là Ths.BS Nguyễn Tấn Luông, Phó trưởng khoa Ngoại thần kinh) đã làm nên bước tiến mới cho bệnh viện trong việc áp dụng các kỹ thuật cao vào điều trị bệnh lý thần kinh cột sống như hẹp ống sống, đau thần kinh tọa, thoát vị đĩa đệm, chấn thương cột sống…
So với phương pháp cũ, kỹ thuật bắt vít qua da cố định cột sống có rất nhiều ưu điểm: Cố định cột sống vững chắc, đường mổ nhỏ (chỉ có những lỗ nhỏ là 1,5 cm đủ cho vít chui qua), không phá vỡ cấu trúc giải phẫu vùng lưng (cơ, xương, hệ thống dây chằng), không gây đau đớn, thời gian phẫu thuật nhanh (khoảng 1,5 – 2 giờ). Bệnh nhân phục hồi nhanh, có thể xuất viện sau 3-5 ngày và không ảnh hưởng đến sức khỏe.
Để tiến hành thành công kỹ thuật bắt vít cột sống qua da, đòi hỏi bác sĩ phẫu thuật viên phải có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao, hệ thống máy móc trang thiết bị đạt chuẩn, hiện đại.
Bác sĩ dùng kim chọc dò cuống sống sau đó tiến hành mở da khoảng 0,5cm rồi dùng hệ thống ống nong để nong vết mổ và thao tác các kỹ thuật để đưa vật dụng vào như thay nhân đĩa đệm. Tiếp theo, ê kíp tiến hành bắt vít, nắn chỉnh cột sống và cố định cột sống.
Hiện nay, bệnh viện đưa vào áp dụng phương pháp bắt vít cột sống qua da thường quy trong điều trị chấn thương cột sống, kết hợp phương pháp này có thể thực hiện phẫu thuật thoát vị đĩa đệm kèm hàn xương liên thân đốt ít xâm lấn, phẫu thuật gù vẹo cột sống… Với việc áp dụng kỹ thuật mới hiệu quả, bệnh viện trở thành địa chỉ đáng tin cậy cho người dân trên địa bàn thành phố và các vùng lân cận.
“Khi có những dấu hiệu như đau lưng kéo dài, teo cơ 2 chân, người dân nên sớm đến cơ sở khám chữa bệnh kiểm tra để phát hiện sớm bệnh lý. Bên cạnh đó, để việc hồi phục sau phẫu thuật tốt hơn, bệnh nhân nên nằm thẳng, tránh cắm cúi đột ngột. Sau 1 tháng, bệnh nhân có thể sinh hoạt bình thường” – Ths.BS Nguyễn Tấn Luông, Phó trưởng khoa Ngoại thần kinh, khuyến cáo.
Theo giadinhmoi
Tư thế sai dễ gây thoát vị đĩa đệm
Ngồi lâu, cúi bê vật nặng gây gia tăng áp lực lên hệ thống đĩa đệm, dẫn đến nguy cơ thoát vị đĩa đệm.
Thoát vị đĩa đệm là bệnh phổ biến ở người cao tuổi, người lao động nặng. Bệnh đang có xu hướng trẻ hóa, đặc biệt là nhân viên văn phòng với đặc thù công việc phải ngồi lâu một chỗ, ít vận động suốt 8-10 tiếng tại công sở. Tình trạng này làm gia tăng áp lực lên cột sống cũng như hệ thống đĩa đệm, dẫn đến nguy cơ thoát vị đĩa đệm. Thường gặp nhất là thoát vị đĩa đệm ở vùng thắt lưng, cổ và ngực.
Tuổi càng cao, các đĩa đệm càng dễ mất nước và trở nên mỏng, phẳng hơn, chức năng đệm giữa các đốt sống sẽ giảm. Sự căng thẳng của các chuyển động hàng ngày và những chấn thương nhỏ qua thời gian có thể gây ra đau đớn ở vòng bao bên ngoài, nơi gần các dây thần kinh. Nếu vòng bao đĩa đệm bị vỡ, lõi mềm của đĩa có thể xuyên qua các vết nứt. Đĩa có thể phình ra hoặc trượt ra khỏi vị trí, được gọi thoát vị.
Đĩa đệm bình thường (bên trái) và đĩa đệm bị thoát vị (bên phải). Ảnh: orthoadc
Tiến sĩ Huỳnh Hồng Châu, Khoa Ngoại Thần kinh, Bệnh viện Quốc tế City cho biết khi người bệnh gặp các triệu chứng như đau lưng kèm tê chân, teo cơ, giảm hoặc mất phản xạ gân xương, tê nhiều, yếu chân hơn, rỉ nước tiểu ngoài ý muốn, cần chụp MRI cột sống lưng để chẩn đoán. Nếu người bệnh đau nhiều ở thắt lưng, bác sĩ sẽ chỉ định chụp X-quang để xác định tình trạng bệnh.
Cần phải điều trị để giảm đau và ngăn chặn biến chứng nguy hiểm. Tùy triệu chứng và tình trạng bệnh nghiêm trọng mức nào mà bác sĩ sẽ chỉ định điều trị nội khoa, tập vật lý trị liệu hay phải phẫu thuật. Khi bệnh nhân đau lan dọc chân, bác sĩ sẽ cho giảm đau với thuốc. Triệu chứng nặng hơn như đau nhiều, tê yếu chân thì phải phẫu thuật, 86-97% sẽ hết đau chân.
Bệnh nhân được bác sĩ tư vấn điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống. Ảnh: M.T
Trẻ em cần được giáo dục tư thế đứng, ngồi, sinh hoạt hàng ngày luôn giữ cột sống ở thế thẳng. Người lớn không nên ngồi lâu, hạn chế khiêng vác nặng. Đặc biệt không nên cúi lưng bê vật nặng, không ngồi lâu liên tục hơn một giờ. Uống nhiều nước để cung cấp nước cho đĩa đệm, tối thiểu 2 lít nước mỗi ngày, duy trì trọng lượng hợp lý và thường xuyên tập thể dục.
Lê Phương
Theo Vnexpress
Bác sĩ cảnh báo 10 dấu hiệu nguy hiểm của bệnh cột sống cần đi khám ngay Việc vận động quá mức làm cột sống bị tổn thương, dẫn đến nguy cơ bị tàn phế, mất chức năng tay chân, đại tiểu tiện không tự chủ... Để phát hiện sớm những dấu hiệu nguy hiểm của bệnh cột sống, Bác sĩ Trần Quốc Khánh, Khoa Phẫu thuật Cột sống, Bệnh viện Việt Đức khuyến cáo, cần chú ý 10 dấu...