Bát nháo thị trường phân bón NPK: Chi triệu đô tìm hướng đi mới
Về dài hạn, phân bón hỗn hợp NPK chất lượng cao được xác định là động lực tăng trưởng chủ yếu đối với ngành phân bón vô cơ Việt Nam. Thế nên, không ngạc nhiên khi các doanh nghiệp (DN) sẵn sàng chi hàng chục triệu USD để đầu tư công nghệ mới dù khả năng “hấp thụ” NPK của thị trường được dự báo đã bão hòa.
Mạnh tay đầu tư công nghệ
Dẫn đầu trong nhóm các DN phân bón “mạnh tay” đầu tư dây chuyền công nghệ sản xuất phân bón NPK trong giai đoạn 2018-2019 là một “ông lớn” ngành – Đạm Phú Mỹ.
Cụ thể, để đầu tư dây chuyền NPK công suất 250.000 tấn/năm theo công nghệ hóa học (công nghệ tiên tiến nhất hiện nay), Đạm Phú Mỹ đã chi khoản tiền lên tới 95 triệu USD.
Phân bón Bình Điền được vận chuyển lên tàu để xuất khẩu sang Campuchia. Ảnh: P.V
Sản phẩm NPK được sản xuất từ Phú Mỹ đã được thương mại hóa trên thị trường từ quý III.2018 và được người nông dân đánh giá khá tích cực.
Kế đến, một DN phân bón khá mới trên thị trường là Hàn Việt (100% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài bởi HUCHEMS Hàn Quốc – một thành viên của Tập đoàn Taekwang) cũng mới đưa ra các sản phẩm NPK từ quý III.2018. Được biết, dây chuyền sản xuất NPK của DN này áp dụng công nghệ tạo hạt bằng hơi nước và ure hóa lỏng với tổng công suất lên tới 360.000 tấn/năm, tổng vốn đầu tư khoảng 52,9 triệu USD.
Cũng đầu tư rình rang không kém dây chuyền NPK công nghệ mới là Đạm Cà Mau với tổng giá trị đầu tư 38,8 triệu USD. Hiện DN này dự kiến đưa sản phẩm NPK công nghệ nóng chảy với công suất 300.000 tấn/năm ra thị trường vào quý II.2019.
Một loạt DN phân bón NPK khác cũng quyết định chi hàng chục triệu USD để đầu tư dây chuyền NPK theo công nghệ mới, điển hình như: Lâm Thao (11,4 triệu USD); Phân bón Miền Nam (7,9 triệu USD); Bình Điền (6,4 triệu USD)…
Video đang HOT
Theo chia sẻ của các DN, mục tiêu đầu tư dây chuyền sản xuất NPK công nghệ cao này bởi hiện nay lượng nhập khẩu từ nước ngoài mới đáp ứng được 8-9% nhu cầu, thị trường sản phẩm này đang rất tiềm năng nên các DN đều kỳ vọng sẽ thay thế toàn bộ sản phẩm nhập khẩu trong tương lai.
Hơn nữa, xu thế tiêu dùng của người nông dân hiện nay, theo dự báo của các công ty phân bón là chuyển sang dùng NPK chất lượng cao vì các sản phẩm này giúp nông dân tiết kiệm 20-30% tổng chi phí phân bón do khối lượng phân bón cần sử dụng thấp hơn mà vẫn đảm bảo hiệu quả.
Mục tiêu “canh tác bền vững”
Theo các chuyên gia nông nghiệp, một vấn đề trong ngành nông nghiệp của Việt Nam là việc sử dụng phân bón với số lượng nhiều nhưng kém hiệu quả. Cụ thể, theo chuyên gia nông nghiệp Văn Tiến Thanh, hiện nay hiệu suất sử dụng phân đạm mới chỉ đạt 30-45%, lân 40-45% và kali 40-50%, tùy theo đất, giống cây trồng, thời vụ, phương pháp bón, loại phân bón…
Như vậy, còn 60-65% lượng đạm (tương đương 1,77 triệu tấn urê), 55-60% lượng lân (tương đương 2,07 triệu tấn super lân) và 55-60% lượng kali (xấp xỉ 344.000 tấn kali clorua) được bón vào đất nhưng chưa được cây trồng sử dụng, hấp thu.
Vì vậy, một lượng rất lớn các chất này sẽ bị mất đi qua con đường thoát hơi, tự rửa trôi, thấm xuống đất, nước ngầm… dẫn đến ô nhiễm đất, nước và không khí. Tuy nhiên, nếu xét về mặt kinh tế, khoảng 2/3 lượng phân bón hàng năm cây trồng chưa sử dụng được đồng nghĩa với việc 2/3 lượng tiền nông dân bỏ ra mua phân bón bị lãng phí, với tổng thất thoát lên tới 30.000 tỷ đồng/năm.
Việc Chính phủ quan tâm hơn đến phát triển nông nghiệp bền vững, đồng thời người nông dân cũng đang thay đổi các phương thức trồng trọt dẫn đến nhu cầu tăng cho các loại phân bón chất lượng cao và thân thiện với môi trường. Vì vậy, các DN phân bón đã nhanh chóng nắm bắt xu hướng đầu tư với mục tiêu “canh tác bền vững”.
Cụ thể, ngoài việc đầu tư dây chuyền công nghệ NPK hiện đại, một số DN lớn trên thị trường như Bình Điền, Phân bón Miền Nam, Đạm Cà Mau… đã có kế hoạch xây dựng nhà máy phân hữu cơ và sinh học để bắt kịp xu hướng thị trường.
Theo dự báo của Modor Intelligence, giá trị thị trường phân bón hữu cơ của Việt Nam đạt 930,5 triệu USD trong năm 2017 và dự báo sẽ đạt tăng trưởng kép 11% trong giai đoạn 2017-2022. Trong khi đó, số liệu từ Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT) cho thấy, công suất phân hữu cơ hiện tại ở Việt Nam chỉ khoảng 2,5 triệu tấn/năm, thấp hơn nhiều so với tổng công suất phân bón ở mức 29,5 triệu tấn/năm, cho thấy phân khúc này còn nhiều tiềm năng tăng trưởng.
Theo Danviet
"Bát nháo" thị trường phân bón: Nhà nhà, người người làm NPK (bài 1)
LTS. Có rào cản gia nhập ngành thấp do vốn đầu tư ban đầu để xây dựng nhà máy và chi phí vận hành thấp hơn nhiều so với nhà máy urê/NH3 hoặc các loại phân khoáng khác, trong khi đó, quy trình sản xuất rất đơn giản, chỉ cần phối trộn 3 loại phân đơn chứa N, P và K là xong, những điều này đang khiến cho thị trường phân bón NPK trở nên "báo nháo", khó quản lý.
Đây cũng là mảnh đất màu mỡ cho các doanh nghiệp (DN) sản xuất, kinh doanh phân bón kém chất lượng sinh sôi, nảy nở...
Bài 1: Người người, nhà nhà làm... NPK.
Cả nước chỉ có một số ít doanh nghiệp (DN) sở hữu nhà máy công suất cao (trên 100.000 tấn/năm) với công nghệ hiện đại, còn lại trên thị trường có đến hàng trăm DN nhỏ và vừa với công nghệ thô sơ lạc hậu, sản xuất ra các sản phẩm chất lượng trung bình, thậm chí yếu kém...
Đó là nhận định khá chung chung của lãnh đạo một cơ quan quản lý ngành nông nghiệp, khi được phóng viên đặt vấn đề: "Cả nước có bao nhiêu đơn vị sản xuất phân bón NPK?".
Tuy nhiên, vị này cũng đưa ra con số thống kê: Có 545 cơ sở sản xuất phân vô cơ được Bộ Công Thương cấp phép, 100 cơ sở của Bộ NNPTNT cấp phép, khoảng 200 bộ hồ sơ đang chờ... cấp phép. Còn những cơ sở "phối trộn" không xin phép thì... chịu thua.
"Miếng bánh" thị phần phân chia thế nào?
Dù có quy mô sản xuất khoảng 30.000 tấn NPK/năm nhưng các quy trình sản xuất tại DN phân bón này khá thô sơ. Ảnh: Q.H
Không giống như phân khúc urê (đạm) tập trung vào 4 nhà sản xuất chính (Đạm Phú Mỹ, Đạm Cà Mau, Đạm Hà Bắc và Đạm Ninh Bình), thị phần phân bón NPK đang bị chia nhỏ khi số lượng nhà sản xuất rất lớn. Theo thống kê, chỉ có khoảng 13 - 15 DN có nhà máy công suất cao (trên 100.000 tấn/năm) với công nghệ hiện đại. Trong khi đó, có đến hàng trăm DN nhỏ và vừa (chưa tính quy mô hộ gia đình dưới vai trò đại lý) với công nghệ thô sơ lạc hậu.
Trong bối cảnh đó, không những không có DN phân bón NPK nào có khả năng "thống lĩnh" thị trường mà còn phải đối mặt với tình trạng cạnh tranh gay gắt giữa các DN cùng ngành.
Về quy mô sản xuất NPK, Bình Điền là DN dẫn đầu ngành với công suất 925.000 tấn/năm (tính đến năm 2018). Kế đến là Lâm Thao với công suất 750.000 tấn/năm (năm 2017), bước sang giai đoạn 2018-2019, DN này bổ sung thêm dây chuyền sản xuất NPK công suất 150.000 tấn/năm; nâng tổng công suất sản xuất NPK của Lâm Thao lên tới 900.000 tấn/năm.
Một loạt DN phân bón NPK khác cũng được xếp loại "đầu tư bài bản", công suất lớn (trên 100.000 tấn/năm tính đến hết năm 2017) như: Phân bón Miền Nam (công suất 300.000 tấn/năm); Việt Nhật (350.000 tấn/năm); Baconco (200.000 tấn/năm); Năm Sao (300.000 tấn/năm);...
Có thể thấy, lượng phân bón NPK trên thị trường Việt Nam hàng năm là rất lớn. Đáng nói, con số thống kê từ một số công ty chứng khoán cho thấy, có khoảng 41% thị phần phân bón NPK đang nằm trong tay các DN nhỏ lẻ. Đây là một điều đáng suy ngẫm bởi đa phần lượng phân bón giả, kém chất lượng được "tuồn ra" từ các DN này.
Vì sao thị trường NPK hấp dẫn?
Có thể thấy, trong những năm qua, sản lượng phân NPK tại thị trường Việt Nam tăng lên rất nhanh. Nếu năm 2000 chỉ khoảng 898.000 tấn thì đến hết năm 2018 đã đạt khoảng 4 triệu tấn. Nguyên nhân khiến lượng NPK tăng nhanh tại thị trường Việt Nam được xác định là do "rào cản gia nhập ngành" phân bón NPK (về vốn và kỹ thuật) rất thấp khiến... "người người làm NPK, nhà nhà làm NPK".
Trong một phát biểu mới đây tại hội thảo "Thực trạng hàng giả, hàng nhái tại Việt Nam nguy cơ, thách thức và giải pháp", ông Bùi Thế Chuyên - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cho biết, các đơn vị trong Tập đoàn sản xuất phân NPK chỉ đạt được lợi nhuận trước thuế 5%/doanh số. "Mức lợi nhuận như thế là rất thấp, nhưng tại sao phân bón NPK giả, kém chất lượng lại làm nhiều như vậy. Câu trả lời là do lợi nhuận loại phân bón này rất cao" - ông Chuyên nói.
Giám đốc một DN sản xuất phân bón quy mô nhỏ tại Long An chia sẻ: "Rất dễ để tăng lợi nhuận khi sản xuất NPK, nhiều cơ sở sản xuất nhỏ thường sử dụng xảo thuật quen thuộc là... ăn bớt. Cụ thể, với NPK hàm lượng cao khi bớt 1 - 2% của các thành phần trong đó, năng suất, chất lượng của cây trồng không bị ảnh hưởng nhiều trong khi lợi nhuận cho người sản xuất lại tăng vọt.
Theo ông Lê Quốc Phong - Chủ tịch HĐQT Công ty Phân bón Bình Điền II: Có nhiều hình thức gian lận trong sản xuất, kinh doanh phân bón trong đó có việc làm giả phân bón các nhãn hiệu nổi tiếng. Nhiều DN nhỏ làm ra các loại phân bón chất lượng kém bằng chiêu thức làm giả các thông số kỹ thuật trên bao bì, khiến người nông dân nhầm lẫn. Ví dụ, họ ghi hàm lượng là 20/20/15, bà con nhìn tưởng là 20% đạm, 20% lân, 15% kali, nhưng thực chất, thông số 15% không phải kali mà là 15% silic.
Theo Danviet
Bài 4: Bát nháo thị trường phân bón NPK: Các ông lớn "so găng" Cả 5 "ông lớn" ngành phân bón (có sản xuất NPK) đang niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Việt Nam có những điểm mạnh và yếu khác nhau về vốn, thị trường... Tuy nhiên, mỗi doanh nghiệp (DN) đều có chiến lược phát triển khá "độc đáo" để giữ vững thị trường và chiếm thị phần còn lại của đối...