Bát nháo giao thông tại sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM): Taxi tắt đồng hồ, xe dịch vụ hét giá
Vừa bước chân ra khỏi ga quốc nội sân bay Tân Sơn Nhất, hành khách sẽ bị “tra tấn” bởi vô số lời mời từ các “cò xe”. Khung cảnh ồn ào, bát nháo này xảy ra hằng ngày, hằng giờ ở các làn đón xe dịch vụ, các lối ra tại sân bay.
Nhân viên mặc áo Hãng xe Toàn Thắng tiếp cận hành khách để mời đi xe 4 chỗ – Ảnh: LÊ PHAN
Nếu hành khách chọn đi taxi của các hãng cũng không khá hơn, khi vẫn xuất hiện tình trạng “lùa” khách lên xe rồi tắt đồng hồ, ra giá sau khi rời khỏi sân bay.
“Xe sân bay” nên mắc tiền!
Chiều 2-8, khi vừa đến làn đón xe, chúng tôi được một người đàn ông tên P. mặc đồng phục Hãng xe HaiVan đi đến hỏi cần về đâu. Khi nghe chúng tôi ngỏ ý muốn đến chợ Bà Chiểu ( quận Bình Thạnh), người này báo giá 250.000 đồng.
Chúng tôi thắc mắc quãng đường chỉ khoảng 6km nhưng giá quá cao và muốn giảm giá, người này khẳng định cước ở đây là cố định như vậy. Còn muốn bắt xe rẻ hơn thì đi sang chỗ khác. Không bắt được khách, thái độ anh này bực bội và bỏ qua chúng tôi để chào mời người khác.
Một ngày trước, cũng nhân viên của hãng xe trên báo giá 250.000 đồng cho quãng đường chỉ khoảng 3km từ sân bay đến đường Trường Chinh, trong khi nếu đặt qua ứng dụng chỉ khoảng 70.000 đồng.
Đồng ý với giá trên, khoảng 2 phút sau chúng tôi được dẫn đến một chiếc xe mang biển số 51H-609**. Điều đáng nói là xe này có biển số trắng. Chúng tôi hỏi về điểm bất thường này, tài xế xe im lặng một lúc rồi mới nói rằng đây là “hãng xe của sân bay nên sẽ có biển số màu trắng”.
Về việc sao xe không có đồng hồ tính tiền, tài xế cho biết xe hãng này chỉ chạy theo chuyến chứ không tính kilômet. Tài xế này lý giải thêm đường ngắn nhưng lấy tiền cao vì đây là xe… sân bay.
Tới cuối chặng đường chúng tôi yêu cầu lấy hóa đơn của chuyến xe, tài xế nói muốn có hóa đơn phải vào sân bay và trả thêm 10% của chuyến đi.
Vừa thoát ra khỏi mê trận bắt xe trong sân bay, bên ngoài khu vực nhà giữ xe TCP đã có các nhân viên mặc áo Hãng xe Toàn Thắng tiếp cận chúng tôi để mời đi… xe 4 chỗ.
Hai nhân viên này báo cho chúng tôi giá về khu du lịch Suối Tiên, TP Thủ Đức cho xe 4 chỗ là 450.000 đồng, còn xe ôm thì 200.000 đồng. Điều đáng nói là các nhân viên này mặc áo thuộc hãng xe chạy tuyến TP.HCM – Vũng Tàu, không kinh doanh loại hình xe 4 chỗ.
Tài xế cho biết do xe hãng sân bay nên có giá cước cao dù đi đoạn đường ngắn – Ảnh: LÊ PHAN
Đi taxi nhưng được trả giá
Video đang HOT
Sau khi đón chiếc taxi của Hãng Vinataxi, chúng tôi hỏi giá từ sân bay đến chợ Bà Chiểu, tài xế giục lên xe mau rồi nói “cỡ trăm mấy thôi, chạy theo đồng hồ mà!”.
Nhưng khi chiếc xe rời sân bay và chạy tới khu vực vòng xoay Lăng Cha Cả, tài xế đưa tay tắt đồng hồ khi đang hiển thị 20.000 đồng rồi báo giá 170.000 đồng để về tới chợ Bà Chiểu.
“Ở trong sân bay buộc phải bật đồng hồ, chạy được đoạn khoảng vài chục ngàn thì tắt, tiền đó mình chấp nhận chia theo thỏa thuận giữa mình và công ty. Sau đó mình thương lượng với khách một khoản tiền khác cho chuyến đi. Tùy theo tình huống có thể bao trọn gói, ví dụ chuyến này tôi lấy 160.000 đồng, thêm 10.000 phí vé ra cổng”, tài xế lý giải.
Khi chúng tôi đề nghị giảm giá cước cho chuyến đi, tài xế cho rằng buổi trưa không có xe, chờ lượt rất lâu nên giá cước anh ta đưa ra là hợp lý. Ngoài ra phải lót tay cho người điều xe 20.000 đồng/chuyến, trong sân bay đụng tới đâu cũng tốn tiền nên không giảm được nữa.
Trước đó chiều 31-7, khi chúng tôi vừa bước vào khu vực đón xe của Hãng taxi Vina ở sân bay, tài xế ra giá đi đến quận 1 là 180.000 đồng.
Chưa để chúng tôi kịp thắc mắc về giá, người điều phối phía ngoài hỏi có vấn đề gì và đóng cửa cái “rụp”, không khác gì ép hành khách phải đi. Trên đường đi, khi nghe thắc mắc về mức cước phí quá cao, tài xế cho biết do giá xăng tăng cao, sau đó tắt đồng hồ tính tiền với lý do “đường thường xuyên kẹt xe, đồng hồ nó nhảy tùm lum”.
“Mình hơi gian lận một chút bằng cách tắt đồng hồ đi để công ty không biết đường chia chiết khấu. Cuốc nào mình tắt thì khỏi chia cho hãng.
Thôi! Em hỏi nhiều quá anh giảm giá cho em luôn đó. Lúc nãy anh báo giá 180.000 đồng, nhưng giờ anh giảm còn 150.000 đồng thôi đó. Giờ anh em mình biết nhau rồi, lần sau khỏi trả giá cả, khỏi qua tổng đài”, tài xế này nói.
Sẽ tăng các tuyến và tần suất xe buýt tại sân bay
Chiều 4-8, ông Lê Hoàn – phó giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM – cho biết đơn vị này đang phối hợp với Cảng vụ Hàng không miền Nam tổ chức tăng chuyến, tăng tuyến để giải tỏa bớt căng thẳng giao thông tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất.
Cụ thể, trung tâm đang nghiên cứu để đề xuất thêm tuyến xe buýt có trợ giá 103 (bến xe Chợ Lớn – bến xe Ngã Tư Ga) ra vào sân bay rước khách, hoạt động từ 5h30 đến 18h30 mỗi ngày, với khoảng 12-20 phút sẽ có một chuyến.
Ngoài ra, các đơn vị thống nhất khôi phục tuyến xe buýt không trợ giá 109 (bến xe buýt Sài Gòn – sân bay Tân Sơn Nhất) phục vụ người dân di chuyển ra khỏi sân bay.
Sau thời gian dừng hoạt động do dịch, lượng khách dần phục hồi nên việc khai thác lại tuyến xe buýt 109 là cần làm sớm. Trung tâm đã tổ chức mời đấu thầu khai thác tuyến, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia cùng phát triển vận tải công cộng ở TP.
Các đơn vị vận tải tham gia nộp hồ sơ phải có đủ năng lực khai thác tuyến, thời gian thực hiện hợp đồng là 5 năm. Sau thời gian đó, Sở GTVT TP sẽ đánh giá tình hình thực hiện hợp đồng của đơn vị khai thác tuyến và xem xét gia hạn hợp đồng thêm tối đa hai năm.
Các đơn vị tham gia đấu thầu nộp hồ sơ đến hết ngày 11-8. Dự kiến, tuyến xe buýt này có cự ly tuyến hơn 9km, thời gian hành trình chuyến là 45 phút, tổng số chuyến hoạt động trong ngày là 110 chuyến, chuyến đầu xuất bến lúc 5h45, chuyến cuối lúc 23h40.
Cũng theo ông Hoàn, có hai tuyến xe buýt đang hoạt động ở khu vực sân bay Tân Sơn Nhất là tuyến xe buýt 152 có trợ giá (lộ trình khu dân cư Trung Sơn – Bến Thành – sân bay Tân Sơn Nhất) và 72-1 không trợ giá (lộ trình sân bay Tân Sơn Nhất – bến xe Vũng Tàu). Hai tuyến này được phép vào ga quốc nội tại làn B (ô B18, B19, B20) để đón trả khách.
Cả hai tuyến sẽ hoạt động tới 21h30 để đón trả khách đi về hai đầu bến. Tuy nhiên, nhằm phục vụ tối đa nhu cầu hành khách thì trung tâm tăng số chuyến tuyến xe buýt 152 lên 120 chuyến/ngày (trước đó là 76 chuyến/ngày) từ ngày 5-8.
Sẽ xử nghiêm việc ép khách, vòi vĩnh thêm tiền cước
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Minh Tuấn – phó giám đốc Cảng vụ Hàng không miền Nam – cho biết hạ tầng quá tải, khách đi lại đông, thiếu hụt taxi nên xảy ra tình trạng “chặt chém”, xe dù… tại sân bay Tân Sơn Nhất.
“Còn rất nhiều vụ chèo kéo khách, thái độ tài xế không tốt mà khách chưa phản ảnh. Cần phải thống nhất các biện pháp phối hợp, phát hiện xảy ra vi phạm xử lý ngay từ thấp nhất, thậm chí tới mức khởi tố”, ông Tuấn đề nghị.
Trong văn bản được gửi UBND TP về các giải pháp để xử lý tình trạng giao thông bát nháo tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, ngoài việc tăng cường các tuyến xe buýt và khôi phục tuyến buýt đang tạm dừng hoạt động vì dịch bệnh, Sở GTVT cho biết sẽ phối hợp kiểm tra, chấn chỉnh ngay các nội dung phản ảnh của người dân như: lái xe tự ý từ chối phục vụ vận chuyển đối với tuyến đường có cự ly gần, lân cận khu vực sân bay, “bắt ép” hành khách sử dụng dịch vụ ngoài ý muốn, vòi vĩnh nhận thêm tiền cước.
Đặc biệt, sẽ áp dụng các biện pháp chế tài nghiêm đối với các lái xe vi phạm như đình chỉ hoạt động lái xe 1 tháng.
'Sân bay Tân Sơn Nhất là bộ mặt quốc gia chứ đâu riêng ngành hàng không'
Không thể đổ thừa do thiếu xe để biện minh cho việc khó bắt xe, nạn chèo kéo khách tại sân bay Tân Sơn Nhất bởi TP.HCM không thể thiếu xe.
Ngành hàng không phục hồi ngoài các dự báo, lượng khách trên các đường bay nội địa tăng trưởng mạnh mẽ, kéo theo tình trạng ùn tắc, mất nhiều thời gian bắt xe tại các sân bay lớn, nhất là tại sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM).
Hết cảnh vác hành lý leo lầu bắt xe
Để tháo gỡ tình trạng ùn tắc, chèo kéo khách, xe dù trá hình làm giá cao khiến khách mất nhiều chi phí, ngày 27-7, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn đã thực địa khảo sát tình hình khách đi/đến Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Tân Sơn Nhất và hoạt động đón, trả khách ở nhà giữ xe TCP tại Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Tân Sơn Nhất.
Sau một vòng thực địa quan sát, Thứ trưởng Bộ GTVT đã có các chỉ đạo nóng tại hiện trường. Cụ thể, yêu cầu nhà để xe TCP ngừng đưa xe công nghệ vào đón khách từ tầng 3 đến tầng 5.
Vị lãnh đạo Bộ cũng yêu cầu lực lượng thanh tra giao quyết liệt xử lý các trường hợp vi phạm để hạn chế tình trạng xe dù, xe công nghệ hoạt động lộn xộn từ nhà xe TCP đến cửa ngõ vào/ra sân bay Tân Sơn Nhất.
Trao đổi với PV lãnh đạo Sở GTVT TP.HCM khẳng định thành phố quyết tâm tháo gỡ, giải quyết tình trạng ùn tắc, khó bắt xe tại sân bay lớn nhất cả nước. Chính phủ cũng rất quan tâm đến tình trạng ùn tắc tại sân bay Tân Sơn Nhất và sẽ có cuộc làm việc với thành phố để tháo gỡ.
Khách chật vật bắt xe tại sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: PHONG ĐIỀN
Vị lãnh đạo Sở GTVT TP.HCM đánh giá, sân bay Tân Sơn Nhất là bộ mặt của đất nước, là cửa ngõ ngoại giao chứ không chỉ là câu chuyện của ngành hàng không.
Theo lãnh đạo Sở GTVT, không thể đổ thừa do thiếu xe để biện minh cho tình trạng khó bắt xe tại sân bay Tân Sơn Nhất, bởi TP.HCM không thể thiếu xe.
Chạy lòng vòng mới đến chỗ đón khách
Trong khi đó, cánh tài xế thừa nhận sân bay Tân Sơn Nhất luôn dồi dào khách bất kể ngày, đêm nhưng họ không mặn mà đón khách tại đây do phải chạy lòng vòng leo lầu, thậm chí vòng xuống nhà để xe TCP rất mất thời gian.
"Anh em chỉ vào bắt khách vào khuya muộn tại sân bay chứ giờ cao điểm rất bất tiện, xếp hàng dài ngoài cửa ngõ rồi chạy lòng vòng" - anh An Bình, một tài xế xe công nghệ nói.
Với chỉ đạo của Bộ GTVT khách hết cảnh vác hành lý đón xe tầng cao. Ảnh: PHONG ĐIỀN
Đánh giá về tình trạng ùn tắc, khó bắt xe tại sân bay Tân Sơn Nhất thời gian gần đây, một lãnh đạo Cảng vụ hàng không miền Nam cho rằng sân bay Tân Sơn Nhất đã vượt công suất thiết kế từ 25 triệu khách lên hơn 40 triệu khách/năm.
Khách đông đúc trong khi hạ tầng hạn chế nên xảy ra ùn tắc. Vị này đánh giá chưa khi nào sân bay Tân Sơn Nhất có nhiều lực lượng để đảm bảo an toàn, an ninh, phân luồng tuyến, chống ùn tắc như hiện nay.
Tuy nhiên, tình trạng ùn tắc, khó bắt xe vẫn chưa khắc phục trong đó có trách nhiệm của nhà khai thác sân bay, nhà chức trách cấp phép, giám sát các hoạt động vận tải tại sân bay, nhà để xe TCP.
Có 12 hãng xe đón khách sân bay Tân Sơn Nhất
Phía Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cho biết, theo tính toán có khoảng 15% khách đến có nhu cầu bắt xe. Nếu có 42.000 khách đến/ngày thì cần 6.300 lượt xe đón khách, còn tăng lên 60.000 khách/ngày thì cần 9.000 lượt xe mới đáp ứng nhu cầu.
Đại diện sân bay cho biết hiện có 12 hãng xe taxi, xe hợp đồng, xe công nghệ đón khách tại sân bay. Để đảm bảo lượng xe đón khách và dẹp nạn chèo kéo khách, sân bay đã làm biên bản thống nhất trong các dịp cao điểm yêu cầu các hãng xe cung cấp đầy đủ số lượng xe để phục vụ khách.
Lực lượng Thanh niên xung phong nhắc nhở xe công nghệ bát nháo bắt khách tại cửa ngõ vào sân bay. Ảnh: PHONG ĐIỀN
Tuy nhiên, theo ghi nhận của PLO, thời gian qua khách đến sân bay Tân Sơn Nhất đều than phiền tình trạng dòng khách đi/đến lộn xộn chưa có sự phân luồng, gây tình trạng ùn tắc và mất an toàn.
Đáng quan tâm, hành khách mất quá nhiều thời gian để bắt xe, chưa kể phải lòng vòng leo cầu thang, vượt vòng qua nhà để xe TCP mới bắt được xe và tình trạng chèo kéo khách vẫn còn diễn ra dù có nhiều lực lượng an ninh hàng không tuần tra liên tục nhắc nhở và xử lý.
Sân bay Tân Sơn Nhất mất điểm đâu chỉ có chuyện bắt khách bát nháo, kẹt xe! Theo bạn đọc Trần Huỳnh Tuyết Như, thay cho cử chỉ nồng hậu chào đón khách, một số nhân viên tại sân bay Tân Sơn Nhất đã đáp lại bằng ánh mắt sắc lẹm, không một nụ cười, thậm chí bực dọc khi khách nhờ giúp đỡ. Và đây là điểm trừ. Người lớn tuổi được nhân viên mặt đất hỗ trợ xe...