Bát nháo dạy, tập yoga
Tập yoga đúng cách có rất nhiều lợi ích, ngược lại sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe.
“Sáu năm nay tôi đau nhức khớp gối và cột sống không ngủ được. Nghe nói tập yoga có thể chữa bệnh nên tôi đến một cơ sở dạy yoga ở quận 10 (TP.HCM) đăng ký tập, giá gần triệu đồng/tháng” – bà Nguyễn Thị Mai (54 tuổi, ngụ TP.HCM) cho biết.
Bỏ tiền triệu “mua”… cơn đau
Vậy là đều đặn tuần ba buổi bà Mai đi tập yoga. Lớp học khoảng 40 người, đủ lứa tuổi, huấn luyện viên (HLV) là một phụ nữ trên 30 tuổi. “Khi tập dù thấy đau tôi cũng ráng, hy vọng sẽ bớt bệnh. Những động tác với người trẻ tương đối dễ thì với tôi lại quá khó bởi tay chân cứng đơ. Sau khi theo được hơn 20 buổi, thấy cơ thể đau nhức nên tôi quyết định ngưng tập, đến Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM thăm khám, điều trị” – bà Mai kể.
Tương tự, ông Trần Văn Thành (42 tuổi, ngụ TP.HCM) cũng đóng 1,2 triệu đồng tham gia lớp yoga ở quận 3 với mong muốn xua tan căn bệnh mất ngủ kéo dài gần ba năm. Khi thực hiện các động tác, dù cảm thấy hơi mệt, chóng mặt nhưng vì nghĩ dần sẽ quen nên ông cố gắng. “Được gần 20 buổi, bệnh mất ngủ chẳng những không giảm mà tôi còn bị thêm chứng đau nhức mình mẩy. Bác sĩ nói tôi có bệnh lý huyết áp, khi tập đầu thấp hơn tim nên máu dồn về não gây đau đầu, chóng mặt. Còn đau xương khớp là do gắng tập những động tác không phù hợp” – ông Thành chia sẻ.
Theo TS-BS Trương Thị Ngọc Lan, Phó Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM , tập yoga đúng cách có rất nhiều lợi ích , ngược lại sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe. “Tập yoga phải phù hợp với tuổi tác và bệnh lý. Một số động tác khó chỉ phù hợp với người trẻ khỏe, người lớn tuổi hoặc có bệnh lý tim mạch, hô hấp, cơ xương khớp… nên tập các động tác nhẹ nhàng” – bà Lan nói.
Ông Ngô Hoàng, Ủy viên Ban Chấp hành Liên đoàn Yoga Việt Nam, cho biết tập yoga phải tùy vào sức khỏe từng người. “Có động tác đòi hỏi giữ lâu tám giây nhưng nếu có bệnh thì chỉ nên giữ khoảng năm giây, điều này HLV phải biết để hướng dẫn cho người tập. Do đó khi tập yoga nên chọn nơi uy tín, HLV nhiều kinh nghiệm để không “ôm” thêm bệnh” – ông Hoàng khuyến cáo.
Các học viên đang tập yoga tại một trung tâm. Ảnh: TRẦN NGỌC
Học 200 giờ sẽ thành… HLV
Tiếp cận một cơ sở đào tạo HLV yoga ở quận Phú Nhuận (TP.HCM), PV được biết chi phí khóa học 200 giờ là 38 triệu đồng. “Anh yên tâm, học xong bên em sẽ cấp chứng nhận giá trị toàn quốc. Lúc đó anh có thể đi dạy, lương tháng trên dưới 20 triệu đồng. Anh cũng có thể mở cơ sở đào tạo HLV, tha hồ hốt bạc” – nhân viên trung tâm hào hứng.
Một cơ sở khác ở quận 10 (TP.HCM) cũng quảng cáo học phí trọn gói để trở thành HLV yoga là 20 triệu đồng. “Đang đợt khuyến mãi nên đã giảm 40% rồi đó. Khi học anh sẽ được cấp đĩa DVD hướng dẫn, giáo trình và hai bộ quần áo thun. Giáo viên là những thầy nổi tiếng về yoga của Ấn Độ” – cô nhân viên nói. Cũng theo nhân viên này, trong vòng 200 giờ học viên sẽ được đào tạo về triết lý yoga, giải phẫu học cơ bản, kỹ thuật yoga, thể lực, thực hành. Sau kỳ thi kiểm tra lý thuyết, thực hành giảng dạy và thể lực, nếu đạt thì học viên sẽ được cấp chứng nhận quốc tế có giá trị suốt đời.
Ông Mai Bá Hùng, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL TP.HCM, cho biết các cơ sở đào tạo HLV yoga do Sở quản lý. Theo Thông tư 11/2016 của Bộ VH-TT&DL về điều kiện chuyên môn tổ chức tập luyện và thi đấu môn yoga, chứng nhận đào tạo HLV yoga do các cơ sở trên cấp không có giá trị hành nghề. Ngoài ra, người nước ngoài có chứng nhận yoga quốc tế muốn đứng lớp ở Việt Nam cũng phải trải qua khóa đào tạo do Tổng cục Thể dục thể thao hoặc Liên đoàn Yoga Việt Nam tổ chức. “Tại TP.HCM, Hội Thể dục dưỡng sinh kết hợp với Sở VH-TT&DL mở lớp đào tạo HLV yoga và có cấp chứng nhận nhưng chứng nhận này chỉ có giá trị trên địa bàn TP” – ông Hùng cho biết thêm.
Bà Lê Thị Tố Hải, Phó Chủ tịch Liên đoàn Yoga Việt Nam, cho biết: “Sau khi hoàn thành khóa học 200 giờ tại các cơ sở được cấp phép, học viên phải thực hành giảng dạy 300 giờ. Sau đó tham gia khóa tập huấn 80 giờ của Liên đoàn Yoga Việt Nam. Hoàn thành khóa tập huấn học viên mới được cấp chứng nhận, lúc đó mới chính thức được phép hành nghề HLV”.
25/30 cơ sở hoạt động yoga sai phạm
Năm 2018, TP.HCM phát hiện 25/30 cơ sở hoạt động yoga trên địa bàn mắc sai phạm. Các sai phạm chủ yếu là cơ sở không có giấy phép kinh doanh, không có chứng nhận đủ điều kiện hoạt động yoga, không có bằng cấp chuyên môn theo quy định…
Ông MAI BÁ HÙNG, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL TP.HCM
Trần Ngọc
Theo Pháp luật TPHCM
Hỏa trị liệu: Phương pháp trị bệnh cổ truyền nhiều cấm kị
Chỉ trong thời gian ngắn, phương pháp hỏa trị liệu đã "trăm hoa đua nở" tại các cơ sở spa, được đào tạo cấp tốc cho nhiều học viên. Các chuyên gia y học cổ truyền khẳng định, đây là phương pháp trị bệnh nếu trị không đúng có thể trúng tà khí, nguy hại sức khỏe.
Chuyên gia Hỏa trị liệu đốt lửa trên cơ thể người bệnh
Như Dân trí đã thông tin trong bài viết: "Sự thật về phương pháp hỏa liệu trị bệnh quảng cáo "tràn" trên mạng" phản ánh trào lưu tẩm cồn, đốt lửa trên cơ thể để làm đẹp, trị bệnh tại các cơ sở spa. Bên cạnh đó, nhiều cơ sở còn công khai chiêu sinh đào tạo lành nghề hỏa trị liệu cấp tốc trong 3 ngày.
Trước thực tế trên, cuối tuần qua Hội thảo với chủ đề: "Điều trị bệnh bằng phương pháp hỏa trị liệu" được Viện Y Dược học Dân tộc, TPHCM phối hợp với Bệnh viện Châm cứu Trung ương tổ chức tại TPHCM. Các chuyên gia y học cổ truyền đã chỉ ra nhiều ưu điểm cũng như những nguy hiểm của phương pháp này.
Phương pháp hỏa trị liệu đang lén lút thực hiện tại các cơ sở spa
Theo BS Nguyễn Tuyết Mai, Bệnh viện Châm cứu Trung ương: "Hỏa trị liệu có lịch sử hình thành từ thế kỷ thứ VIII sau công nguyên, xuất phát tại Tây Tạng. Đây là phương pháp cứu của y học cổ truyền qua việc dùng lửa đốt trên cơ thể con người, bên trong thấu đến tạng phủ, bên ngoài thông đến các cân cơ bì phu. Hỏa trị liệu giúp người bệnh cường tráng chân nguyên, điều hòa âm dương, ôn thông khí huyết, trục tà chỉ thống..."
Tại Việt Nam, hỏa trị liệu đã được ứng dụng trong điều trị từ thời Tuệ Tĩnh, Hải Thượng Lãn Ông đến GS.TS Nguyễn Tài Thu. Để tránh bị mai một, thất truyền phương pháp hỏa trị liệu, năm 2017 Bệnh viện Châm cứu Trung ương đã nghiên cứu và ứng dụng vào thực tiễn lâm sàng được Bộ Y tế chuẩn hóa quy trình sử dụng trong cơ sở khám chữa bệnh.
Kỹ thuật hỏa liệu phải tuân thủ thời gian châm lửa, tắt lửa để tránh nguy cơ gây bỏng
Theo BS Tuyết Mai, hỏa trị liệu kết hợp với xông hơi tinh dầu, day ấn huyệt có thể hỗ trợ điều trị một số bệnh như đau lưng, đau vai gáy, viêm mũi dị ứng, viêm dạ dày đại tràng mạn tính, viêm khớp gối, và một số bệnh khác. Tuy nhiên, phương pháp trên cũng tồn tại nhiều tác dụng không mong muốn như: bỏng do tiếp xúc với nhiệt, mất nước và điện giải, kích ứng da hoặc dị ứng với tinh dầu.
Đáng lưu ý, phương pháp hỏa trị liệu sẽ bị cấm kị khi: trời nắng 390C đến 400C hoặc mưa to, phụ nữ có thai, đang trong kỳ kinh nguyệt, bệnh nhân tâm thần, người có bệnh lý về tim mạch, tăng huyết áp, bệnh thận, bệnh truyền nhiễm, bệnh ngoài da có viêm nhiễm, bệnh viêm nhiễm đường tiết niệu, bệnh ung thư.
Mặt khác, người bệnh không được tắm nước lạnh, không ăn đồ lạnh ít nhất 4 tiếng sau trị liệu vào mùa hè và 6 tiếng vào mùa đông; tránh gió, tránh lạnh, luôn giữ ấm cơ thể; uống nước ấm trước và sau khi hỏa trị liệu (nên uống oresol); sau 2 tiếng mới bóc màng tinh dầu; kiêng quan hệ giường chiếu trong vòng 4 tiếng sau hỏa trị liệu.
BS Tuyết Mai khuyến cáo người bệnh đến các cơ sở y tế đã được cấp phép hỏa trị liệu để tránh rủi ro
Trước thực tế hỏa trị liệu được thực hiện bừa bãi tại các spa thẩm mỹ, TS.BS Trương Thị Ngọc Lan, Phó Viện trưởng Viện Y Dược học Dân tộc lo lắng: "Để chỉ định thực hiện phương pháp hỏa trị liệu, người bệnh cần được các y bác sĩ có chuyên môn khám, chẩn đoán và thực hiện hỏa liệu. Tuy nhiên, tại các spa vì mục đích lợi nhuận, tất cả những người có nhu cầu đều được hỏa liệu mà không quan tâm đến tình trạng bệnh hoặc cơ địa có phù hợp hay không. Tình trạng này sẽ khiến người bệnh đối mặt nguy cơ trúng tà khí, mất nước hoặc bỏng nhiệt dẫn đến hậu quả khôn lường cho sức khỏe".
Cũng theo TS Ngọc Lan, hiện Viện Y Dược học Dân tộc đã được Bệnh viện Châm cứu Trung ương đào tại chuyển giao phương pháp hỏa trị liệu cho 53 bác sĩ và kỹ thuật viên. Phương pháp này Viện mới hoàn tất khâu thí điểm trên 200 bệnh nhân và đang chờ Sở Y tế cấp phép hoạt động. Nếu được phê duyệt thì từ năm 2019 hỏa trị liệu mới chính thức ứng dụng trong điều trị bệnh tại TPHCM. Vì vậy người bệnh cần cảnh giác trước những quảng cáo về phương pháp hỏa trị liệu tại các cơ sở hoạt động không phép để tránh nguy cơ tiền mất, tật mang.
Vân Sơn
Theo Dân trí
Tại sao kiểm tra đột xuất bệnh viện? Mới đây, trang web của Sở Y tế TP.HCM đăng nội dung: "Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP.HCM cần xem lại hình thức kiểm tra như vừa qua vì đã gây bức xúc cho người bệnh và tâm lý bất ổn cho cán bộ viên chức của các bệnh viện". Chờ khám bệnh tại một bệnh viện ở TP.HCM - Ảnh: N.C.T. Ý...