Bất ngờ với thu nhập khủng của thầy bói vỉa hè
Hành trang “kiếm cơm” của một “bóng hồng bói” chỉ vỏn vẹn một mảnh bao tải rách với dòng chữ viết nguệch ngoạc “bói bàn tay” là có thể kiếm vài trăm nghìn đồng một buổi tối dễ như bỡn.
Thu nhập hàng tháng mang lại cho “thầy bói” gần 10 triệu đồng. Để an lòng các “thượng đế” đến xem thầy còn ngang nhiên tự xưng là cháu giám đốc Công an TP.Hà Nội?.
Lấp lửng nước đôi
Không dễ nhận ra “chị bói” khá trẻ chừng 24-26 tuổi tối tối với chiếc xe đạp mini cà tàng cùng đồ nghề “kiếm cơm” án ngữ ngay trên vỉa hè đường Xuân Thủy (Cầu Giấy, Hà Nội).
Để thuận tiện hành nghề cũng như bắt được nhiều “gà”, bóng hồng bói đón lõng ngay trên vỉa hè đường dẫn đến cổng “chợ sinh viên” (đối diện ĐH Quốc gia Hà Nội), một chợ “hàng Tàu khủng” thu hút hàng nghìn người mỗi tối.
Một “thầy” bói vỉa hè hành “nghề” buổi tối.
Để tránh tình trạng xem bói quỵt, ngay từ đầu “thầy” thẳng thắn đưa ra mức giá: “Chị chỉ xem bói bàn tay, muốn xem đặt ít nhất 20.000 đồng, chị xem cho mọi đường“. Khi cá đã cắn câu thì việc phán thế nào là chuyện của “thầy”. Trước khi phán “thầy” nhìn “tổng quan” một lượt, rồi hỏi tuổi khách hàng. “Thầy” bảo: “Điều gì thấy đúng thì em bảo đúng, còn không thì bảo không”.
Cứ như vậy, với thượng đế nào “thầy” cũng hỏi những câu tương tự. Còn phần phán về đường tình duyên, đường học hành, gia đình, sự nghiệp thì “thầy” dựa vào tâm lý, phong cách ăn mặc, đoán trúng thì tốt mà không trúng thì thôi.
Tôi chứng kiến “thầy” bói cho một thanh niên với dáng vẻ ngoài khá sành điệu, nước da trắng trẻo, cậu ta đặt hẳn 50.000 đồng để “thầy” xem kỹ. Với những đặc điểm tâm lý trên, “thầy” phán nước đôi: “Ngay từ nhỏ em sinh ra trong một gia đình không giàu không nghèo, bố mẹ buôn bán hoặc đi làm. Bố mẹ em hiền lành, yêu thương con cái không để cho con cái thua bè kém bạn. Cậu luôn sống như công tử, làm ít mà tiêu nhiều. Không phụ công bố mẹ và gia đình cậu học từ lớp 1 đến lớp 12 toàn học sinh giỏi, tiên tiến, đầu óc thông minh….”.
Nhiều bạn xem bói xong, mặt ngẩn tò te, không biết có nên tin hay không. Cậu Việt ở Bắc Giang lên Hà Nội ôn thi là một ví dụ. Thấy đám đông, cậu cũng ngó vào xem. Đặt 20.000 đồng, “thầy” phán liền: “ Em là một người yếu ớt. Nhưng rồi nay mai em lấy được người vợ mau mồm mau miệng, về sẽ làm chồng em, cô này lùn lùn, mặt tròn tròn hay vuông, nhưng cũng xinh. Em rất hiền, không có tài nhưng được cô vợ kéo lại.
Video đang HOT
Em sống ở nhà không sướng đâu, tiền bạc không có mấy, phải lo nghĩ nhiều. Em ra ngoài đời sẽ phải tự lập nhiều hơn, sẽ kiếm được tiền và sống thoải mái hơn nếu sống xa bố mẹ. Trước mắt, sự nghiệp của em vẫn còn lang thang và lông bông lắm, phải cuối đời mới mong khấm khá lên được. Nhìn chung con đường sự nghiệp của em cũng vất vả, khó khăn vì tính em “cả thèm chóng chán”, đứng núi này trông núi nọ”.
Không chỉ xem về đường tình duyên, sự nghiệp mà ngay cả tuổi thọ “thầy” cũng có thể phán. Điều này không ít người nghe xong tỏ ra khá lo lắng, sợ hãi. Việt tiếp tục hỏi thầy về sức khỏe, thầy nhìn kĩ vào lòng bàn tay trái rồi phán: “Em sống đến ngoài 60 tuổi, nếu tai qua nạn khỏi thọ đến 83 tuổi”.
Nghe “thầy” phán, sắc mặt cậu nam sinh biến sắc hẳn, nửa tin nửa ngờ. Dù biết gặp phải thầy bói “rởm” nhưng người xem đã trả tiền trước, nên đành “ngậm bồ hòn làm ngọt”. “ Biết thế này em không xem từ đầu, xem rồi thêm lo. Hiện tại chẳng thấy điều gì đúng, tương lai toàn là điều xui xẻo. Mất tiền thêm lo, may mà có 20.000 đồng, bói với chả toán, thế mà nhiều người vẫn lao vào“, Việt than thở.
Lại mạo danh!?
Tưởng rằng chỉ có một số người vi phạm Luật Giao thông trong thời gian vừa qua tự xưng là cháu bác Nhanh (tức trung tướng Nguyễn Đức Nhanh, giám đốc Công an TP. Hà Nội). Tuy nhiên, ngay cả người bói dạo vỉa hè này cũng tự xưng là cháu bác Nhanh để nhằm xin xỏ cơ quan chức năng khi bị bắt và làm an lòng “thượng đế”.
Chưa đầy năm phút sau, một cô gái lại tiếp tục “xin chết”. Cô này tỏ ra khá cẩn trọng: “ Chị ơi xem bói giữa đường thế này có sợ bị bắt không, nếu đang xem mà công an trật tự phường đi qua thì sao, hay xem xong em trả chị tiền được không?”.
Chị bói rút ngay chiếc điện thoại trong túi và phân trần: “ Em yên tâm đi, chị là cháu bác Nhanh mà, số điện thoại đây, cần thiết chị gọi ngay” (!?).
Trước đó, nhiều chuyện bi hài đã xảy ra trên địa bàn TP. Hà Nội. Một số người vi phạm Luật Giao thông khi bị cảnh sát giữ lại xử phạt thì tự xưng là cháu bác Nhanh, rồi đe dọa, ngăn cản lực lượng chức năng làm nhiệm vụ để hòng thoát tội như trường hợp chủ xe Nguyễn Văn Hoàn (Từ Liêm, Hà Nội), Nguyễn Chí Linh (Tây Hồ, Hà Nội)… Nhưng chuyện một “thầy” bói dạo, tự xưng là cháu ông nọ bà kia, ngang nhiên hoạt động ngay tại Thủ đô, rất cần cơ quan chức năng ngăn chặn và dẹp bỏ.
Thu nhập gấp 3-4 lần lương cử nhân mới ra trường Hết tốp này đến tốp khác sa vào chỗ “thầy” tại góc đường Xuân Thủy, Cầu Giấy chỉ chưa đầy một giờ đồng hồ, thầy đã ôm gọn gần 100.000 đồng. Thầy bảo, ăn thua gì như thế này vẫn còn ít đấy, có những hôm gặp khách VIP đặt luôn 100.000 đồng. Cứ như vậy hàng tháng thu nhập của bói vỉa hè cũng kiếm gần 10 triệu đồng mà không mất vốn mất lãi gì. Tính ra thu nhập riêng buổi tối của “thầy” cũng gấp 3-4 lần lương một cử nhân mới ra trường.
Theo Nguoiduatin
Bói dạo, "nghề" hốt bạc đầu năm
Lợi dụng đầu năm nhiều người du xuân trẩy hội, các "thầy" bói dạo ở công viên và các khu vui chơi công cộng ở Hà Nội ra sức chèo kéo, bắt khách. Rất nhiều người đã sập "bẫy" mà những người bói dạo giăng sẵn.
Tiền mất, niềm vui ngày xuân cũng tiêu tan vì mấy trò vớ vẩn. Tình trạng này diễn ra khá phổ biến trong mọi công viên, vườn hoa của Hà Nội những ngày đầu năm.
Nhiều bạn trẻ mất tiền mua lấy nỗi lo với các "thầy" bói dạo
Chân dung "thầy" bói dạo
Mùng 4 Tết đã có mặt tại Hà Nội, tôi cùng với mấy người bạn cũ lang thang đến một số công viên vừa ngắm cảnh cũng vừa để giết thời gian. Địa điểm đầu tiên chúng tôi ghé thăm là Công viên Thủ Lệ, đây vẫn là nơi được nhiều người, nhất là giới trẻ lựa chọn để đi chơi trong những ngày nghỉ lễ, Tết. Do đó, Công viên Thủ Lệ tập trung nhiều người hành nghề bói dạo nhất.
Vừa đến ngay đầu cổng đã có 3, 4 phụ nữ trạc năm mươi tuổi đi theo chèo kéo, mời mọc: "Xem bói đi cháu ơi, đầu năm xem quẻ để còn biết tài vận, tình duyên, xem đúng thì mới lấy tiền". Sau một hồi chèo kéo, mời mọc không được, một "thầy" có ngoại hình khá mập, quấn trên đầu cái khăn màu xanh rêu bĩu môi phán một câu xanh rờn: "Cái nốt ruồi lù lù trên mặt thế kia, năm nay không ốm thập tử nhất sinh thì cũng tiêu tan về tiền bạc".
Lúc đứng mua vé vào cổng, tiện thể chúng tôi hỏi cô nhân viên bán vé, sao ở cổng lại có nhiều người bói dạo như vậy. Vừa xé vé, cô nhân viên tên N. cho biết: "Ngày trước các "thầy" bói dạo hoạt động mạnh trong công viên, nhưng sau đó bị bảo vệ công viên đuổi nên dạt dần ra bên ngoài cổng để... rình bắt khách. Tin vào lời phán của cái bọn đó có mà bán nhà chả kịp".
Cứ tưởng bị đuổi dạt ra bên ngoài nên trong công viên vắng bóng dáng các thầy. Tuy nhiên, khi vào bên trong công viên, chúng tôi vẫn bắt gặp rất nhiều "thầy" bói dạo ngang nhiên hành nghề. Đi một đoạn lại gặp vài ba cô cậu sinh viên đang vây quanh để nghe "thầy" phán. Ra vẻ tò mò, tôi cũng sà vào để xem "thầy" diễn, cầm tay cô gái độ khoảng 20 tuổi, "thầy" bảo: "Em là người ít nói, tính tình trầm lắng nhưng lại rất đa cảm, ánh mắt em buồn lắm, đặc biệt nốt ruồi phía trên mí mắt sẽ hãm đường chồng con của em sau này, em nên tẩy nốt ruồi ấy đi".
Vừa nói đến đây, mặt cô gái trẻ bỗng biến sắc, buồn rười rượi. Đến một cô gái khác, số phận cô này cũng được "thầy" định đoạt chỉ trong vòng 5 phút. "Nam tả nữ hữu", em đưa tay trái ra đây để chị xem", vừa nói "thầy" vừa nắm lấy bàn tay trái của cô gái, săm soi một lúc rồi phán rằng: "Đường học của em bình thường, nhưng em lại có quý nhân phù trợ. Mà trán em cao thế này là bướng bỉnh lắm đấy". Sau khi xem xong nhóm thanh niên trẻ, bà thầy bói nọ vội vàng thu vén hành lý và quay người bước đi, mắt không quên đảo quanh để kiếm những "con mồi" khác.
Càng đi vào sâu trong công viên, càng gặp nhiều thầy bói trá hình, nghĩa là họ đóng giả khách đến chơi công viên để tránh sự kiểm soát của bảo vệ. Nhưng có một điểm rất dễ nhận ra các thầy bói dạo, đó là hầu hết họ là những phụ nữ trạc 50 tuổi, ăn mặc khá luộm thuộm, tay xách một chiếc túi ni lon bên trong đựng đồ nghề. Đặc biệt, những người này luôn săm soi các "con mồi" là khách đến công viên thay vì vãn cảnh, thấy các nhóm học sinh, sinh viên là sà vào bắt chuyện.
Tôi tiếp tục được một "thầy" bói dạo mời mọc, tôi đồng ý và muốn xem "thầy" diễn đến đâu. Lần này là một phụ nữ người gầy, cao dong dỏng trông khá quê mùa. Vừa hỏi tôi sinh năm bao nhiêu, quê ở đâu, bà vừa cầm lấy bàn tay của tôi và liến thoắng: "Cháu tuổi Dần, nên tính tình nóng nảy, nhưng bộc trực, thẳng thắn. Năm vừa rồi cháu gặp khó khăn về kinh tế, nhưng sang năm chắc chắn sẽ khá lên rất nhiều, đến lúc đó nhớ đừng quên chia lộc với cô nhé". Chỉ mất chừng 5 phút, "thầy" đã làm xong "trách nhiệm" của mình.
Không chỉ tại Công viên Thủ Lệ mà nhiều địa điểm công cộng khác ở Hà Nội đều là nơi hành nghề lý tưởng của thầy bói dạo. Theo quan sát của chúng tôi, ở hồ Thiền Quang (Q. Hai Bà Trưng), hồ Hoàn Kiếm (Q. Hoàn Kiếm), vườn hoa Lý Tự Trọng phía đường Quán Thánh, Công viên Bách Thảo... có rất nhiều "thầy" bói dạo hoạt động, thậm chí trắng trợn chèo kéo, mời mọc du khách.
Nghề hốt bạc chỉ trong nháy mắt
Theo lời của bà bán hàng giải khát trong Công viên Thủ Lệ, thì mỗi ngày bà Lan một "thầy" bói ở Công viên Thủ Lệ xem cho hàng chục khách, mỗi khách thu không dưới 50.000 đồng, với số lượng ấy thì thu nhập hàng ngày của bà Lan cũng không phải là ít. Tuy nhiên, đó chỉ là ngày thường, còn trong dịp đầu xuân, khách vừa đông lại ít cò kè thêm bớt, do đó "doanh thu" của bà Lan tăng vọt. Theo quan sát của chúng tôi, chỉ trong một buổi sáng đầu năm, bà Lan đã bắt được hơn mười khách xem bói, tổng số tiền thu về cũng gấp 2, 3 lần ngày thường.
Chị Nguyễn Nga, nhà ở quận Cầu Giấy, một người cũng thích xem bói cho kể lại, có lần chị đưa con đi chơi ở Công viên Thủ Lệ, đang lúc hai mẹ con ngồi nghỉ thì thấy một phụ nữ ăn vận khá tuềnh toàng đi lại làm quen. Chị ta giới thiệu là người biết xem tướng số, rồi nhận xem cho chị Nga. Vốn thích xem bói, lại được lời đề nghị của bà bói dạo, chị Nga đồng ý ngay. Sau khi nghe bà liến thoắng về số phận của mình, chị Nga thấy hầu như không đúng điều gì, định bụng chào bà bói dạo rồi dắt con ra về. Ai ngờ, "thầy" đòi trả 100.000 đồng tiền công. Cự cãi một lúc không xong, chị Nga đành nộp tiền cho yên chuyện rồi dắt con ra về mà trong lòng vẫn ấm ức mãi. "Đúng là quân lừa đảo", chị Nga vẫn chưa hết bực bội.
Không chỉ ở Công viên Thủ Lệ, tại khu vực hồ Thiền Quang, những ai hay đi thể dục, đi dạo đều quen mặt bà thầy bói tên Hạnh, bởi bà này có thâm niên hành nghề ở đây đã trên 5 năm.
Chị Quyên, nhà ở quận Ba Đình, tuy "nghiện" bói toán, từng đến nhà nhiều thầy bói nhưng chị quan niệm chỉ xem cho vui. "Tôi thấy có nhiều thầy bói lợi dụng tâm lý của người đi xem thích điều tốt lành đầu năm mới nên ai cũng phán tướng phát, số sướng, năm nay nhiều tài lộc... Vì thế nên nhiều người thích và đến càng đông, chứ thật ra không đáng tin một chút nào."
Luật đã có nhưng xử lý chưa nghiêm Tình trạng các thầy bói dạo chèo kéo, mời mọc thậm chí lừa tiền của du khách vẫn diễn ra phổ biến trong những năm gần đây, đặc biệt là vào dịp lễ Tết, nhưng vẫn chưa thấy cơ quan chức năng mạnh tay xử lý. Bởi theo Mục 3, Điều 18 Nghị định 75/2010/NĐ-CP quy định rõ: Các hành vi tổ chức lên đồng, xem bói, gọi hồn, xin xăm, xóc thẻ, yểm bùa, phù chú, truyền bá sấm trạng và các hình thức khác có tính chất mê tín dị đoan đốt vàng mã tại lễ hội, di tích lịch sử - văn hoá, nơi công cộng tuyên truyền mê tín dị đoan để bán vàng mã là vi phạm nếp sống văn hóa, sẽ bị xử phạt từ 500 ngàn đồng đến 3 triệu đồng.
Theo Nguoiduatin