“Bật mí” ôn thi trong giai đoạn nước rút
Lịch sử là môn học đòi hỏi tư duy cao, nên học sinh cần chăm chỉ và có phương pháp học tập phù hợp, nhằm đạt kết quả trong kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới.
Giờ học môn Lịch sử của học sinh Trường THPT Chiêm Hóa ( Tuyên Quang). Ảnh: NVCC
Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Giáo dục & Thời đại có cuộc trò chuyên với cô Quan Thị Vân – giáo viên Trường THPT Chiêm Hóa (Tuyên Quang).
Nhận diện từ khóa
* Kỳ thi tốt nghiệp THPT đang đến gần, theo cô thời điểm này, giáo viên cần lưu ý gì trong quá trình dạy – học?
- Tôi cho rằng, giáo viên cần tiến hành ôn luyện theo các chuyên đề ôn thi theo kế hoạch đã định; kết hợp tổ chức kiểm tra, thi thử để khảo sát chất lượng học sinh. Qua đó sàng lọc các đối tượng học sinh để có phương pháp giảng dạy và ôn luyện phù hợp, hiệu quả.
Đồng thời, giáo viên cần phụ đạo nhiều hơn cho những học sinh có học lực yếu, kém. Mặt khác, tăng cường bồi dưỡng cho học sinh khá, giỏi để đáp ứng yêu cầu tuyển sinh vào đại học, cao đẳng.
* Cô có lưu ý gì đối với học sinh trong quá trình ôn tập ở giai đoạn nước rút?
- Kỳ thi tốt nghiệp THPT đang đến gần, đây là thời điểm gấp rút, nên học sinh cần tập trung cho các hoạt động ôn tập để nắm vững kiến thức, tạo tâm lý vững vàng bước vào kỳ thi để đạt kết quả cao nhất. Căn cứ vào đặc điểm và khả năng nhận thức của mình, các em tự tìm ra cho mình phương pháp hữu hiệu nhất.
Video đang HOT
Điều quan trọng là, các em cần lập kế hoạch cá nhân, phân phối thời gian hợp lí cho từng chuyên đề ôn tập. Ngoài tài liệu trắc nghiệm do giáo viên cung cấp, các em có thể tự luyện đề qua các kênh ôn tập có độ tin cậy cao.
Cô Quan Thị Vân trng một giò lên lớp. Ảnh: NVCC
* Nhiều giáo viên thường hướng dẫn học sinh học và làm bài thi theo “mẹo”. Theo cô có nên khuyến khích việc này?
- Để làm tốt bài thi, ngoài việc nắm vững kiến thức trọng tâm và rèn các kĩ năng làm bài thi, thì việc làm bài theo “mẹo” cũng là một cách nên khuyến khích vận dụng.
Chẳng hạn như: Tìm từ khóa trong đề thi để xác định nội dung trọng tâm câu hỏi. Không tập trung quá nhiều thời gian vào câu khó, câu dễ làm trước, câu khó làm sau. Đọc kĩ đề, tìm ra phương án trả lời nhanh và đúng nhất.
Ngoài ra, các em cần biết cách loại trừ phương án sai đối với những câu không nhớ chính xác phương án trả lời. Cụ thể, thay vì tìm phương án đúng, các em có thể tìm phương án sai để loại trừ, càng nhiều phương án càng tốt, đến khi nhận thấy phương án khả thi nhất thì lựa chọn đáp án vào phiếu trả lời trắc nghiệm.
Bí quyết để đạt điểm cao
* Cô có lưu ý gì cho học sinh khi làm bài thi để đạt điểm cao?
- Để làm bài thi đạt điểm cao, các em cần lưu ý một số điều sau: Thứ nhất: Phân biệt một số dạng câu hỏi thường gặp. Trên cơ sở đó có, xác định các phương án trả lời cho từng dạng câu hỏi trắc nghiệm khách quan.
Các câu hỏi thường gặp như: Dạng câu hỏi yêu cầu thí sinh lựa chọn phương án trả lời đúng. Dạng câu hỏi yêu cầu thí sinh lựa chọn câu trả lời đúng nhất.
Dạng câu hỏi yêu cầu thí sinh phải hoàn thành câu bằng hình thức điền vào ô trống những kiến thức đúng.
Dạng câu hỏi yêu cầu thí sinh phải kết nối đúng hoặc sắp xếp đúng trật tự (thứ tự) logic của các sự kiện, hiện tượng lịch sử theo cách: Sự kiện nào có trước, có sau, sự kiện nào quyết định sự kiện nào, sự kiện nào là nguyên nhân, sự kiện nào là hệ quả…
Ngoài ra, còn có dạng câu hỏi yêu cầu thí sinh đọc hiểu một đoạn văn bản. Dạng câu hỏi yêu cầu thí sinh phải lựa chọn ý phủ định khi câu hỏi cố tình sai buộc thí sinh nêu quan điểm khoa học trước các câu hỏi như vậy.
Cô Quan Thị Vân
Thứ hai: Thí sinh đọc tất cả các câu hỏi và đáp án có trong đề thi, từ đó xác định các câu hỏi dễ để trả lời trước, không cần theo thứ tự.
Không dừng và mất quá nhiều thời gian cho một câu hỏi nào đó mà phải phân phối thời gian đều và hợp lí để đủ thời gian tiến hành giải quyết hết 40 câu trong đề thi, thời gian trung bình cho mỗi câu chỉ khoảng 1,25 phút.
Thứ ba: Trong quá trình làm bài cần đọc kĩ đề, xác định (gạch chân) từ khóa trong đề để hiểu rõ yêu cầu của đề. Đây là khâu hết sức quan trọng để các em không bị lạc đề trong quá trình làm bài.
Thứ tư: Đối với những câu hỏi thí sinh không nắm chắc hoàn toàn kiến thức thì có thể thực hiện phương án loại trừ như đã nói ở trên.
Tuy nhiên, trong quá trình ôn luyện và thi tốt nghiệp THPT môn Lịch sử, để đạt được điểm cao cần hội tụ đủ các yếu tố khách quan, chủ quan; trong đó bao gồm cả yếu tố may mắn.
“Việc hướng dẫn học sinh ôn tập cần bám sát chương trình sách giáo khoa, đồng thời chú ý phần kiến thức mở rộng liên hệ thực tiễn. Hướng dẫn học sinh giải các đề thi minh họa của Bộ GD&ĐT, từ đó tích lũy kinh nghiệm, kĩ năng nhận diện đề cũng như cấu trúc, nội dung trong chương trình học”- cô Quan Thị Vân.
Để không lo lắng với môn Lịch sử trước kỳ thi tốt nghiệp THPT
Chia sẻ về dạy học, ôn tập môn Lịch sử trước kỳ thi tốt nghiệp THPT, các thầy cô đều nhấn mạnh việc học bằng sơ đồ tư duy, nắm kiến thức theo chủ đề và phải chắc kiến thức cơ bản.
Ảnh minh họa/internet
Giáo viên Nguyễn Tôn Thanh Nguyên - Trường THPT Chi Lăng, An Giang khi chia sẻ kinh nghiệm ôn tập môn học này đã nhắc đến đầu tiên việc hệ thống kiến thức bằng sơ đồ nhánh hoặc sơ đồ tư duy. Giáo viên không cần ôn tập nhanh, nếu cần có thể giảng lại, nhắc lại nhiều lần kiến thức đã học, cho học sinh rèn luyện bài tập thật nhiều. Tập trung chú ý kèm cặp học sinh có học lực trung bình - yếu kể cả khi ôn lại kiến thức lẫn khi rèn luyện bài tập, giải đề.
"Tôi thường xuyên dành thời gian trả bài học sinh bằng nhiều hình thức. Có thể là chia lớp ôn tập thành nhóm đôi hoặc nhóm bốn để thực hiện trả bài trên giấy.
Tôi cho các nhóm ghi lại tóm tắt các sự kiện, nội dung kiến thức theo khung cho sẵn; cùng với đó, nối cột sự kiện; điền khuyết nội dung kiến thức, chọn nội dung đúng, sai... Mục đích để các em cùng nhớ lại kiến thức đã học. Có thể cho nhiều bài khác nhau cho các nhóm khác nhau, làm xong, các nhóm sẽ tiến hành chấm điểm chéo cho nhau.
Giao mỗi nhóm một nội dung kiến thức theo từng giai đoạn, yêu cầu các nhóm thảo luận và thống nhất, lên bảng ghi lại nội dung cơ bản của giai đoạn được giao. Nhóm nào làm trong thời gian nhanh hơn, nội dung cơ bản đảm bảo hơn thì có thưởng" - giáo viên Nguyễn Tôn Thanh Nguyên chia sẻ.
Đưa lời khuyên trong học và ôn tập cũng như làm bài thi để có kết quả cao nhất trong kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới, giáo viên này đặc biệt lưu ý học sinh nắm thật kỹ kiến thức đã học, nhất là kiến thức cơ bản có trong sách giáo khoa Lịch sử lớp 12. Khi làm bài, cần đọc nhanh qua đề thi, những câu hỏi dễ (dạng câu hỏi ở mức độ biết) khoanh đáp án ngay. Những câu hỏi dạng khó hơn (dạng câu hỏi ở mức độ hiểu và vận dụng) dành nhiều thời gian hơn một chút (có thể là 1 hoặc hơn 1 phút) để phân tích câu dẫn và chọn đáp án thật chính xác.
Cũng với môn Lịch sử, cô giáo Tiêu Cẩm Vân - Tổ trưởng chuyên môn tổ Sử - Địa - Giáo dục công dân, Trường THPT Võ Thành Trinh, An Giang cho rằng, giáo viên nên tập trung vào giải quyết các câu hỏi nhận biết để học sinh nắm chắc 5 điểm. Cùng với đó, hướng dẫn giải bài tập trắc nghiệm tại lớp; có kế hoạch hỗ trợ kiểm tra bài thường xuyên, động viên tư tưởng đối với học sinh yếu, lười học.
"Với học sinh, các em cần nắm kiến thức theo chủ đề, tránh nhầm lẫn giữa các chuỗi kiến thức theo tiến trình lịch sử; đọc sách giáo khoa nhiều; tham khảo các bài giảng qua các kênh truyền hình. Các em cũng chú ý làm câu hỏi trắc nghiệm qua tài liệu của giáo viên bộ môn, học sinh khá giỏi tham khảo thêm các đề trên trang web các trường THPT" - cô Tiêu Cẩm Vân đưa lời khuyên.
Ôn thi tốt nghiệp THPT môn Toán: Phương trình mũ và phương trình lôgarit Bài giảng dưới đây của TS. Thái Thị Kim Chung - Giảng viên Bộ môn Toán, Trường Đại học Công nghệ GTVT sẽ giúp thí sinh ôn tập một số phương pháp giải phương trình mũ và phương trình lôgarit. Tiến sĩ Thái Thị Kim Chung cho biết, trong đề thi THPT quốc gia môn Toán những năm gần đây và trong hai...