“Bật mí” chạy trường
Để con được vào trường tiểu học mong muốn, nhiều phụ huynh tiết lộ đã dùng những cách như “trả lệ phí cao”, nhờ người quen biết và kể cả việc chuyển hộ khẩu đến nhà người thân…
Đó là kết luận từ đề tài nghiên cứu khoa học “Xu hướng chọn trường tiểu học của phụ huynh TP.HCM” do một nhóm sinh viên khoa xã hội học – công tác xã hội Trường ĐH Mở TP.HCM thực hiện trong tháng 3-2012. Đề tài được thực hiện bằng cách khảo sát trên 150 phụ huynh có con đang học tiểu học ở Q.3, Q.Tân Bình và huyện Hóc Môn (mỗi nơi 50 phụ huynh).
Khảo sát cho thấy học sinh ngoại thành có tỉ lệ học trái tuyến thấp hơn hẳn so với nội thành. (Nguồn: Cuộc khảo sát tháng 3/2012 tại TP.HCM)
Gần một nửa học trái tuyến
Kết quả nghiên cứu cho thấy trong 150 phụ huynh được hỏi, tỉ lệ có con học trái tuyến chiếm gần một nửa với 45,3%. Phụ huynh lý giải việc họ phải “chạy” trường cho con học trái tuyến là do những yếu tố sau: chú trọng danh tiếng của trường, chất lượng giảng dạy của giáo viên, trường đúng tuyến chất lượng không tốt, không xin vào được trường đúng tuyến và cả “gần nơi làm việc để thuận tiện đưa đón”.
Và để con mình được học tại trường trái tuyến như mong muốn, 54,4% phụ huynh khi được hỏi đã thừa nhận mình có nhờ người quen biết “chạy” trường cho con. Trong khi đó, 30,9% phụ huynh khác cho biết mình “tự nộp hồ sơ vào trường không đúng tuyến”. Đáng lưu ý, cứ mười phụ huynh được hỏi thì có một người tiết lộ mình “phải trả lệ phí cao để được nhận hồ sơ” chạy trường cho con.
Video đang HOT
Cụ thể về cách thức “chạy”, trả lời nhóm nghiên cứu, phụ huynh cho biết như sau: đầu tiên, phụ huynh xác định trường sẽ “chạy” cho con, sau đó bằng mọi giá phải chuyển hộ khẩu (thường trú hoặc tạm trú) về địa bàn trường đóng càng sớm càng tốt. Với phụ huynh khác, sau khi xác định trường xong sẽ cố gắng nhờ cậy người uy tín giới thiệu với ban giám hiệu nhà trường để đặt vấn đề. Người khác lại chuẩn bị tiền và… chờ đợi.
“Bình thường”
Việc “chạy” trường đã không còn xa lạ với phụ huynh khi 76% trả lời “có biết” việc này và 24% không biết. Thái độ của ông/bà đối với vấn đề “chạy” trường như thế nào? Với câu hỏi này, có đến 64,9% cho rằng đó là việc… bình thường. Còn lại 31,6% phụ huynh không đồng tình và số lượng phụ huynh đồng tình với “chạy” trường chỉ chiếm con số nhỏ, với 3,5%.
Ở một góc độ khác, trả lời của phụ huynh từ cuộc nghiên cứu cho thấy yếu tố nghề nghiệp của họ cũng ảnh hưởng đến việc chọn trường cho con. Chẳng hạn, nhóm phụ huynh làm công nhân, lao động tự do có thu nhập thấp cho biết họ thường lựa chọn trường công lập, đúng tuyến cho con theo học. Ngược lại, những phụ huynh làm việc ở những ngành lao động bậc cao, kinh doanh, buôn bán… thường chọn trường công lập nhưng trái tuyến cho con mình theo học.
Trong khi đó, việc “chạy” trường cho con của phụ huynh cũng “dao động” theo địa bàn sinh sống. Đơn cử kết quả cho thấy phụ huynh ở nội thành “chạy” trường tiểu học cho con nhiều hơn ở ngoại thành. Cụ thể: tại Q.3 (nội thành) tỉ lệ phụ huynh có con học trái tuyến lên đến 64%, đúng tuyến 36%. Trong khi đó, tỉ lệ phụ huynh có con học trái tuyến ở Q.Tân Bình là 44%, đúng tuyến 56%. Tỉ lệ phụ huynh có con học trái tuyến tại ngoại thành thấp hơn hẳn so với hai địa bàn kể trên với 28%…
Theo Tuổi Trẻ
TPHCM giữ nguyên học phí, không thu tiền cơ sở vật chất
Năm học 2012 - 2013, TPHCM tiếp tục giữ nguyên mức học phí cũ, các khoản thu khác như thu hộ, thu theo thỏa thuận... yêu cầu phải rõ ràng, minh bạch. Đặc biệt, từ năm nay ngành không thu tiền cơ sở vật chất.
Đó là nội dung văn bản hướng dẫn các trường thực hiện các khoản thu năm học 2012 -2013 được ông Lê Hoài Nam - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM ký chiều qua 27/8.
Theo đó, mức học phí đối với các trường công lập nội thành và ngoại thành từ bậc Mầm non đến THPT thấp nhất là 10.000 đồng và cao nhất là 50.000 đồng/tháng. Đối với trường công lập theo quyết định 54 của UNND TPHCM (còn gọi là trường tự chủ tài chính) nội thành và ngoại thành có mức dao động 70.000 đến 250.000 đồng/tháng.
Các Trường THPT Lê Quý Đôn, THPT Nguyễn Hiền, THPT Nguyễn Du thực hiện thu học phí theo "mô hình trường tiên tiến theo xu thế hội nhập ". Cụ thể, trường Lê Quý Đôn, lớp 10: 890.000 đồng/HS/tháng lớp 11: 850.000 đồng/HS/tháng và lớp 12: 900.000 đồng/HS/tháng.
Phụ huynh xem thông báo tạm thu năm học 2012 - 2013 tại Trường tiểu học Huỳnh Mẫn Đạt (Q.5, TPHCM).
Trường THPT Nguyễn Hiền và Nguyễn Du năm học này sẽ tạm thu theo mức thu của Trường THPT Lê Quý Đôn trong khi chờ Sở GD-ĐT TPHCM căn cứ vào phương án thu chi của các trường để trình UNND TP phê duyệt mức thu phù hợp với tình hình thực tế.
Tiền tổ chức học 2 buổi và học phí tăng cường Ngoại ngữ - tin học tương đương bậc tiểu học từ 20.000 - 30.000 đồng và 40.000 - 50.000 đồng, THCS là 30.000 - 40.000 đồng và 50.000 - 60.000 đồng, THPT 40.000 - 50.000 đồng/HS và 60.000 đồng/HS/tháng.
Đối với các khoản thu mang tính chất thu hộ - chi hộ để mua sắm phục vụ trực tiếp cho HS học tập, sinh hoạt như: quần áo đồng phục, quần áo thể dục thể thao, ấn chỉ hồ sơ HS, học phẩm - học cụ (đối với bậc học mầm non), ấn chỉ đề kiểm tra... ngay từ đầu năm học các đơn vị cần thống nhất chủ trương với phụ huynh học sinh để có cơ sở lựa chọn và quyết định hình thức tổ chức thích hợp.
Các khoản này đảm bảo thu đủ bù chi và sử dụng đúng mục đích thu, thực hiện công khai từng khoản thu hộ-chi hộ đến phụ huynh HS trước khi thực hiện thu.
Các khoản đóng góp để thực hiện một số nhiệm vụ thay cha mẹ HS trong công tác nuôi, dạy HS như tiền tổ chức phục vụ bán trú, tiền vệ sinh bán trú, thiết bị vật dụng phục vụ bán trú, tiền ăn, tiền nước uống, tiền học môn năng khiếu, tự chọn sẽ do thỏa thuận giữa nhà trường và phụ huynh.
Yêu cầu nhà trường phải thoả thuận với phụ huynh HS về chủ trương, công khai mức thu, nội dung chi đảm bảo nguyên tắc thu đủ bù chi.
Đối với thu phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ HS do cuộc họp đầu năm của cha mẹ học sinh quyết định, không sử dụng để hỗ trợ các hoạt động dạy học và giáo dục, khen thưởng cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường.
Tất cả các khoản thu phải thông báo đầy đủ, công khai bằng văn bản đến từng phụ huynh học sinh (nêu rõ những khoản thu theo quy định, theo thoả thuận, thu hộ - chi hộ) khi thu phải cấp biên lai thu tiền cho từng HS đồng thời thực hiện đầy đủ các chế độ quản lý tài chính theo quy định.
Hoài Nam
Theo mực tím
TPHCM: Trình đề án tăng học phí Sở GD-ĐT TPHCM vừa trình đề án tăng học phí cho UBND thành phố. Nếu đề án được Hội đồng nhân dân thành phố phê duyệt thì mức học phí mới sẽ được áp dụng ngay trong năm học 2012 - 2013. Đây là đề án thực hiện nghị định 49 của Chính phủ về miễn giảm học phí và cơ chế thu,...