Bật mí bí quyết giảm căng thẳng, tăng sinh lực của người Triều Tiên
Trước thềm Đại hội Đảng Lao động cầm quyền, người dân Triều Tiên được kêu gọi tích cực tăng ca sản xuất và tham gia diễn tập chào mừng đại hội ngoài giờ. Để đủ năng lượng cho tất cả các hoạt động trên, người Triều Tiên có bí quyết giảm căng thẳng, tăng sinh lực hiệu quả.
Người Triều Tiên vỗ tay hoan nghênh khi nghe nhà lãnh đạo Kim Jong-un phát biểu tại đại hội đảng trên màn hình lớn ở gần ga xe lửa Bình Nhưỡng cuối tuần trước.
Theo AP, Triều Tiên đã phát động “chiến dịch trung thành” kéo dài 70 ngày, kêu gọi người dân tích cực tăng ca sản xuất nhằm thể hiện sự cống hiến hết mình cho đất nước và nhà lãnh đạo Kim Jong-un trước Đại hội Đảng Lao động cầm quyền diễn ra cuối tuần trước.
Sau tăng ca, mọi người phần lớn còn phải tham gia các hoạt động diễn tập, mít tinh chào mừng đại hội và nhằm thể hiện tinh thần đoàn kết dân tộc trong suốt thời gian sự kiện hệ trọng của đất nước diễn ra.
Để đủ năng lượng cho tất cả các hoạt động trên, người Triều Tiên có bí quyết giảm căng thẳng, tăng sinh lực hiệu quả. Theo AP, uống bia là một cách hữu hiệu giúp người Triều Tiên giảm căng thẳng, tăng sinh lực.
Người đàn ông uống bia Taedonggang ở Bình Nhưỡng.
Video đang HOT
Mặc dù rượu soju – vốn được chưng cất từ gạo – là thức uống phổ biến hơn ở Triền Tiên song người dân ở đây thích uống bia hơn. Bình Nhưỡng có một thương hiệu bia đặc biệt, được gọi là Taedonggang, đặt theo tên một dòng sông chảy qua thành phố.
Không giống như rượu soju, bia được xem là thức uống giải khát ở Triều Tiên. Người dân Triều Tiên có thói quen uống bia đứng. Ở Triều Tiên, các quán bia thường không có ghế ngồi và khách phải đứng để thưởng thức bia, có thể cùng với chút thức nhắm đơn giản như cá khô, lạc rang hoặc một loạt ngũ cốc nào đó.
Kim Yon Hui, 29 tuổi, hầu bàn tại một quán bia ở một khu phố mới quy hoạch sầm uất ở Bình Nhưỡng cho hay, cô tin rằng, chăm chỉ làm việc ở quán bia cũng đồng nghĩa với việc tận tụy phục vụ nhà lãnh đạo trẻ của đất nước.
“Nhiều người tới đây để thưởng thức bia. Tôi thích ngắm nhìn họ vui vẻ, hạnh phúc. Tôi muốn tiếp bia cho họ để họ cảm thấy vui vẻ, đáp ứng tâm nguyện của nhà lãnh đạo của chúng tôi”, Kim vừa rót bia Taedonggang vừa nói.
Người Triều Tiên thưởng thức bia Taedonggang cùng với đồ nhắm đơn giản trong một quán bia “đứng” ở Bình Nhưỡng.
Bia ở Bình Nhưỡng bán theo lít, có giá trung bình là 500 won/lít (tương đương 0,55 USD hoặc 12.000 đồng). Tính theo cốc thì chỉ 1.700 đồng/cốc. Trong khi đó, các công nhân có mức thu nhập cao nhất ở Triều Tiên là 600.000 won/tháng (tương đương 1,7 triệu đồng)
Theo một phó giám đốc nhà máy sản xuất bia rượu 26.3 ở Bình Nhưỡng, đời sống của người dân Triều Tiên đang khấm khá dần kể từ khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un áp dụng phương pháp mới để tăng năng xuất sản xuất trong bối cảnh nước này chịu áp lực ngày càng gia tăng từ các lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Theo Danviet
Lằn ranh đỏ trong quan hệ Nga Thổ Nhĩ Kỳ
Vẫn chưa có một dấu hiệu nào cho thấy căng thẳng trong quan hệ Nga - Thổ Nhĩ Kỳ sẽ hạ nhiệt. Không chỉ dừng lại ở việc đấu khẩu, thách thức nhau, Moskva và Ankara còn đang chuẩn bị cho một "trận chiến thương mại" bằng việc đưa ra các đòn trừng phạt.
Có thể nói rằng, vụ máy bay Su-24 của Nga bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ đã làm thay đổi bàn cờ chính trị ở Trung Đông và châu Âu. Mối quan hệ ngoại giao giữa một số quốc gia trong 2 khu vực này mà cụ thể là Moskva và Ankara vốn đã "lỏng lẻo" nay càng trở nên lạnh lùng, xa cách, thậm chí là có nguy cơ đối đầu nhau. Và dù cộng đồng quốc tế đã cùng lên tiếng kêu gọi hai bên giảm căng thẳng, đối thoại nhưng xem ra cả hai vẫn chưa thực sự sẵn sàng cho một bước tiến để xích lại gần nhau.
Kết quả là, lời đề nghị gặp gỡ trực tiếp tại thủ đô Paris của Pháp khi tới tham dự Hội nghị của Liên Hợp Quốc về chống biến đổi khí hậu mà Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan gửi đến Tổng thống Nga Vladimir Putin đã bị từ chối thẳng thừng. Đáp lại, người đứng đầu chính quyền Ankara cũng tỏ thái độ cứng rắn hơn khi cảnh báo "Nga đừng đùa với lửa" và đừng gia tăng sức ép với Thổ Nhĩ Kỳ.
Chưa hết, ông Tayyip Erdogan còn bày tỏ sự tức giận với Nga vì đã tạm giữ 39 doanh nhân người Thổ Nhĩ Kỳ với lý do không có visa nhập cảnh. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ nói: "Nga đang đùa với lửa khi sử dụng sự cố này như một cái cớ để thực hiện những cáo buộc không thể chấp nhận được đối với chúng tôi và đi xa hơn nữa là ngược đãi công dân của chúng tôi, những người đã đến Nga làm ăn buôn bán".
Với Nga, thái độ của Thổ Nhĩ Kỳ càng khiến nước này đẩy nhanh kế hoạch tiến hành những lệnh trừng phạt kinh tế mới. Theo các nhà phân tích, Nga đang thực hiện từng bước của một kế hoạch khá bài bản. Đầu tiên là nước này khuyến cáo công dân không nên đi du lịch tới Thổ Nhĩ Kỳ. Tiếp đó, Bộ Ngoại giao tiếp tục ra thông cáo kêu gọi công dân Nga ở Thổ Nhĩ Kỳ về nước.
Đồng thời, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov còn đưa ra những thông tin mới về các quy định đối với công dân Thổ Nhĩ Kỳ như việc đình chỉ chế độ miễn thị thực với công dân Thổ Nhĩ Kỳ từ ngày 1-1-2016. Song song với đó, Nga đã tạo nhiều áp lực vào Thổ Nhĩ Kỳ khi gia tăng hoạt động không kích ở Syria. Ngày 28-11 là ngày thứ 4 liên tiếp Nga tiến hành không kích vào vùng biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria, gần khu vực chiếc Su-24 bị bắn hạ.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan vẫn chưa nói chuyện trực tiếp với nhau kể từ sau vụ máy bay Su-24 bị bắn hạ. (Ảnh: AP)
Tổng cộng, gần 20 mục tiêu đã bị không kích và theo phân tích dữ liệu của hãng Reuters, có cả các địa điểm nơi đông dân người sắc tộc Thổ sinh sống ở Tây Bắc Syria. Khu vực phía Bắc tỉnh Latakia, miền Tây Syria cũng chịu nhiều đợt bom dội. Một số hãng truyền thông của Đức thì đưa tin rằng, rất có thể, trong thời gian tới Nga sẽ hỗ trợ Tổng thống Syria Bashar al-Assad cả bằng bộ binh và pháo binh. Tờ báo Bild còn nhận định, cùng với sự xuất hiện của các tàu chiến, hệ thống phòng không S-400 của Nga được triển khai ở Latakia đang tạo thế "gọng kìm" nhằm vào Thổ Nhĩ Kỳ.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã quyết định triển khai hệ thống này với mục đích bắn hạ bất cứ mục tiêu nào nguy hiểm đối với máy bay Nga. Theo Zvezda TV, hệ thống phòng không S-400 được triển khai chỉ cách khu vực biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ có 50km và có khả năng bắn hạ tất cả các loại mục tiêu đường không, bao gồm cả tên lửa đạn đạo, với tốc độ phóng gấp 6 lần tốc độ âm thanh.
Một trong những con bài chủ chốt mà Nga đang dùng để đối phó với Thổ Nhĩ Kỳ chính là chiến dịch triệt đường buôn lậu dầu mỏ của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Giới quan sát nhận định, không phải ngẫu nhiên mà Nga lại tung ra những bằng chứng cho thấy có sự liên quan giữa Bilal Erdogan, con trai Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan với một thủ lĩnh cấp cao của IS và cáo buộc anh này cùng buôn lậu dầu với IS. Bởi lẽ, nguồn cung tài chính cho IS đang là vấn đề nhức nhối nhất của liên minh quốc tế chống khủng bố. Vì vậy, khi Nga nêu vấn đề buôn lậu dầu mỏ và tuyên bố ưu tiên cho chiến dịch chặn đứng tuyến đường vận chuyển dầu lậu qua vùng biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ, khó có quốc gia nào lại lên tiếng phản đối...
Rõ ràng, dù chưa có những cuộc đấu khẩu mạnh mẽ hay những đòn trừng phạt trả đũa, song vụ việc Nga - Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đang thực sự chiếm lĩnh mối quan tâm của cả cộng đồng quốc tế và hai bên đang ngày càng tiến sát đến lằn ranh đỏ của sự phá hủy một mối giao bang.
Azerbaijan đề nghị làm trung gian hòa giải căng thẳng Nga - Thổ Nhĩ Kỳ
Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev trong buổi tiếp Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu hôm 27-11 tuyên bố, chính quyền Baku sẵn sàng làm trung gian hòa giải căng thẳng Moskva-Ankara. Trước đó một ngày, Ngoại trưởng Azerbaijan, ông Novruz Mammadov cũng đã đưa ra tuyên bố này và nói: "Thổ Nhĩ Kỳ là đồng minh thân cận của chúng tôi. Nga cũng là một người bạn lâu năm. Azerbaijan đều có quan hệ láng giềng thân thiết với hai quốc gia này từ trong lịch sử. Vì thế, chúng tôi sẵn sàng đứng ra để cùng hai bên giải quyết bất đồng". Nhà phân tích chính trị Sergei Markov nhận định: "Chính quyền Ankara đang cần một nhà trung gian để hòa giải với Moskva. Chúng ta thấy rõ ràng là Baku phản đối xung đột chứ không đối đầu với Thổ Nhĩ Kỳ hay với Nga. Đây là một ý tưởng hay". Còn nhà phân tích chính trị người Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Aksay thì gọi Azerbaijan là "ứng viên thích hợp nhất" cho vị trí làm trung gian hòa giải. ( Châu Anh)
Theo Phan Hiển
Công an nhân dân
"Phá băng" để hết "căng" Từ khi Trung Quốc chính thức trở thành nền kinh tế thứ 2 thế giới, khu vực Đông Bắc Á với sự "góp mặt" của hai nền kinh tế nằm trong Nhóm 10 là Nhật Bản, Hàn Quốc, đã trở thành một trong những khu vực có tiềm lực kinh tế, sức ảnh hưởng mạnh nhất trên thế giới. Tổng thống Hàn Quốc...