Bắt đầu chọn sách giáo khoa cho TP HCM: Chú ý tính đặc thù địa phương
UBND TP HCM vừa ban hành quyết định về tiêu chí chọn sách giáo khoa (SGK) trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn TP. Dựa theo đó, giáo viên các trường tiểu học sẽ tham khảo, lựa chọn 1 trong 5 bộ SGK lớp 1
Ngay sau khi tiêu chí lựa chọn SGK được ban hành và triển khai xuống các trường tiểu học, nhiều quan điểm chọn sách trước đây không còn phù hợp. Theo hiệu trưởng các trường tiểu học, ngoài đáp ứng các nội dung về kiến thức chung, tiêu chí phù hợp với đặc thù riêng của TP HCM cần được giáo viên (GV) tính đến.
Nghe ý kiến giáo viên và phản biện
Ông Trần Trọng Khiêm, Phó Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) phụ trách tiểu học quận Tân Phú, cho biết trước đây khi Bộ GD-ĐT thẩm định và phê duyệt 5 bộ SGK lớp 1 mới và Sở GD-ĐT TP HCM triển khai xuống các trường, GV sau khi tham khảo từng bộ sách có đưa ra những ý kiến ban đầu.
Giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai (quận Gò Vấp, TP HCM) tham khảo các bộ sách giáo khoa.Ảnh: Nga Nguyễn
Tuy nhiên, khi có quyết định về tiêu chí lựa chọn SGK của UBND TP thì quy trình tham khảo, lựa chọn, lấy ý kiến phải tổ chức lại. Lý do vì trước đây GV chủ yếu chọn sách theo kinh nghiệm giảng dạy, có GV lại chọn theo tiêu chí bộ sách nào rẻ nhất, đẹp nhất… Phòng GD-ĐT đã hướng dẫn các thầy, cô không nên chọn vậy mà phải đối chiếu với tiêu chuẩn của TP. “Chọn bộ sách nào, vì sao chọn phải có minh chứng thuyết phục và đưa ra hội đồng nhà trường nên cần phải có đông đủ GV tham gia. Nhưng vì ảnh hưởng dịch bệnh nên đến nay chưa tập trung GV để nghe ý kiến được” – ông Khiêm nói.
Trong khi đó, ông Từ Quốc Tuấn, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lương Định Của (quận 3), cũng cho hay tiêu chí chọn SGK của TP đã triển khai đến tất cả GV dạy lớp 1 để thầy cô tham khảo, đối chiếu. Khi được tập trung trở lại, nhà trường sẽ nghe ý kiến của từng GV, kể cả các phản biện mới có quyết định cuối cùng.
Tại Trường Tiểu học Yên Thế (quận Tân Bình), các GV được chia thành khối, tổ bộ môn trao đổi, thảo luận và trình bày tổng hợp của nhóm, khối về những ưu điểm, khuyết điểm của từng phân môn trong 5 bộ sách.
Ông Nguyễn Thế Văn, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Yên Thế, cho biết nhà trường tiến hành triển khai kế hoạch về việc thay SGK đến cho từng GV ở tất cả các tổ khối, đặc biệt là GV khối 1, nghiên cứu sâu hơn, cụ thể hơn về 5 bộ SGK đã được Bộ GD-ĐT phê duyệt. Sau khi GV tự nghiên cứu, nhà trường tổ chức trao đổi để từng nhóm, tổ chia sẻ về những lợi thế, cũng như nhược điểm của các môn trong từng bộ sách mới công khai. Đây là nền tảng ban đầu, để tiếp theo nhà trường sẽ đưa ra một quy trình lựa chọn SGK và thực hiện các bước theo đúng quy định.
So sánh với SGK hiện tại, nhiều GV cho rằng hầu hết các bộ sách mới có hình ảnh đẹp, gần gũi với học sinh (HS), bài luyện đọc ở môn tiếng Việt được tăng cường nhiều thay vì trước đây ngữ liệu trong sách ít nên GV thường phải tìm thêm để bổ trợ cho HS. Nhưng chọn bộ nào, phải cân nhắc thật kỹ.
Ý kiến cần đi kèm lập luận thuyết phục
Giáo viên một trường tiểu học tại quận 1 cho rằng khi đọc và nghiên cứu các bộ sách, bộ sách “Cánh diều” có lẽ nhận được cảm tình của nhiều GV nhất vì cho đến nay, đây là bộ hoàn chỉnh có tất cả các môn học theo chương trình mới của Bộ GD-ĐT. “Một bộ sách trọn vẹn, đầy đủ, giúp GV hình dung và tiếp nhận rõ ràng hơn nội dung từng môn học, dù chưa được tập huấn giảng dạy theo chương trình mới nhưng nhìn vào sách, GV không bỡ ngỡ, lo lắng vì sách phù hợp với định hướng giảng dạy lâu nay tại TP HCM” – GV này nói.
Theo ông Hà Thanh Hải, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Thị Định (quận 7), khi Sở GD-ĐT TP HCM triển khai 5 bộ sách cho GV nghiên cứu, một số GV cho rằng có 2 bộ sách là “Cánh diều” và “Chân trời sáng tạo” là trội hơn cả do phù hợp với điều kiện giảng dạy của TP HCM. “Nhưng đó chỉ là ý kiến ban đầu, việc chọn sách còn phải căn cứ vào các tiêu chí mà UBND TP HCM vừa ban hành. Các ý kiến GV đưa ra đi kèm với minh chứng, lập luận để hội đồng nhà trường có lựa chọn khách quan, phù hợp” – ông Hải nói.
Nói về các tiêu chí chọn sách của TP, hiệu trưởng một trường tiểu học tại quận 10 nhìn nhận các tiêu chí như đáp ứng được định hướng phát triển GD-ĐT của TP, xây dựng TP HCM thành đô thị thông minh hướng đến đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đạt chuẩn quốc tế, đáp ứng yêu cầu hội nhập khu vực và quốc tế. Khuyến khích HS thực hành nghiên cứu khoa học, phát huy tính tích cực chủ động học tập, hình thành kỹ năng tự học, tự nghiên cứu cho HS, giáo dục gợi mở, tạo cơ hội cho HS trải nghiệm, phát huy tối đa khả năng sáng tạo, chiếm lĩnh và vận dụng kiến thức vào cuộc sống… là những tiêu chí không quá xa lạ với GV và HS TP HCM vì nằm trong định hướng GD-ĐT xuyên suốt trong nhiều năm.
Video đang HOT
“Nhưng vấn đề đặt ra ở đây là tính liên thông của bộ sách, nhiều GV băn khoăn rằng các NXB mới chỉ có bộ SGK lớp 1, đến tháng 9, Bộ GD-ĐT mới thẩm định bộ SGK lớp 2, tính liên thông giữa các bộ sách thế nào? Nếu lựa chọn được bộ lớp 1 của một NXB phù hợp tiêu chí nhưng đến các năm học tiếp theo không phù hợp buộc phải chọn bộ sách của NXB khác thì có hợp lý không?” – vị này băn khoăn.
Sắp trình 2 đề án về giáo dục
Theo Sở GD-ĐT TP HCM, thực hiện chương trình công tác năm 2020 của UBND TP HCM và chỉ đạo của Thường trực Thành ủy, trong quý II/2020, sở sẽ trình UBND TP HCM các đề án “Đào tạo nhân lực trình độ quốc tế ở 7 lĩnh vực (công nghệ thông tin – truyền thông; cơ khí – tự động hóa – trí tuệ nhân tạo; quản trị doanh nghiệp; tài chính – ngân hàng; y tế, du lịch, quản lý đô thị) và khuyến khích đại học chia sẻ giai đoạn 2020-2035″ và đề án “Giáo dục thông minh và học tập suốt đời giai đoạn 2020-2030″.
Đặng Trinh
Địa phương cần tiêu chí nào để chọn sách giáo khoa mới?
Ngoài hai tiêu chí của Bộ, mỗi địa phương cần có tiêu chí chọn sách giáo khoa do Sở Giáo dục và Đào tạo tham mưu, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra quyết định.
Ngày 30/1, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành thông tư số 01/2020/TT-BGDDT hướng dẫn việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông.
Thế nhưng hiện nay có không ít cơ sở giáo dục vẫn chưa thấy sách giáo khoa đâu. Không có bản mẫu sách giáo khoa, khó khăn lớn nhất cho hội đồng chọn sách.
Bên cạnh đó, khó khăn không kém, các tỉnh chưa có tiêu chí chọn sách giáo khoa cho địa phương mình.
Địa phương cần tiêu chí nào chọn sách giáo khoa mới? (Ảnh minh họa: Báo Quân đội nhân dân)
Bộ Giáo dục và Đào tạo có hai tiêu chí chung cho chọn sách ghi tại Điều 3 của Thông tư:
1. Phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của địa phương.
2. Phù hợp với điều kiện tổ chức dạy và học tại cơ sở giáo dục phổ thông.
Ngoài hai tiêu chí của Bộ, mỗi địa phương cần có tiêu chí chọn sách giáo khoa do Sở Giáo dục và Đào tạo tham mưu, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra quyết định.
Địa phương cần tiêu chí nào chọn sách giáo khoa?
Tham khảo tại địa phương, người viết giới thiệu cho bạn đọc tham khảo: Hình thức và nội dung Sách giáo khoa phải đạt các tiêu chí:
Tiêu chí 1: Phù hợp năng lực học tập của học sinh:
- Sách giáo khoa được trình bày hấp dẫn, cân đối, hài hòa giữa kênh chữ và kênh hình, đảm bảo tính thẩm mĩ, tạo được sự hứng thú cho học sinh và phù hợp với đặc trưng môn học.
- Nội dung sách giáo khoa đảm bảo tính khoa học, hiện đại, thiết thực, dễ sử dụng, thuận lợi cho việc triển khai hoạt động dạy - học, đảm bảo các yêu cầu cần đạt của chương trình.
- Nội dung sách giáo khoa chú trọng đến việc rèn luyện cho học sinh khả năng tự học, tự tìm tòi kiến thức, bồi dưỡng phẩm chất, năng lực, vận dụng kiến thức thông qua giải quyết nhiệm vụ học tập đặt ra trong mỗi bài học.
- Cấu trúc sách giáo khoa tạo cơ hội học tập tích cực, chủ động, sáng tạo, rèn kỹ năng hợp tác, phát huy tiềm năng và khả năng tư duy độc lập của học sinh.
Tiêu chí 2: tạo điều kiện cho giáo viên đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá
- Các bài học/chủ đề trong Sách giáo khoa được thiết kế, trình bày với đa dạng các hoạt động, tạo điều kiện cho giáo viên linh hoạt lựa chọn hình thức tổ chức và phương pháp dạy học tích cực.
- Nội dung sách giáo khoa có các chủ đề, nội dung chú trọng tới việc thực hiện tích hợp kiến thức liên môn, giúp giáo viên có thể thực hiện dạy học gắn kết với thực tiễn cuộc sống.
- Nội dung sách giáo khoa với các yêu cầu cụ thể, giúp giáo viên có thể đánh giá được mức độ cần đạt về phẩm chất, năng lực của học sinh, đánh giá được kết quả giáo dục.
- Mục đích, yêu cầu, nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức dạy học và kiểm tra đánh giá nêu trong bài học phải liên quan và hỗ trợ cho nhau.
- Nội dung sách giáo khoa tạo điều kiện để nhà trường, tổ/nhóm chuyên môn xây dựng kế hoạch kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh phù hợp với kế hoạch giáo dục, hoạt động giáo dục của nhà trường theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất người học.
Tiêu chí 3: Phù hợp với yếu tố đặc thù của địa phương
- Nội dung sách giáo khoa đảm bảo tính kế thừa, phù hợp với văn hóa, lịch sử, địa lý của địa phương.
- Cấu trúc nội dung sách giáo khoa tạo cơ hội để các nhà trường, tổ/nhóm chuyên môn và giáo viên bổ sung những nội dung thích hợp, gắn với thực tiễn của địa phương.
- Hệ thống câu hỏi, bài tập và yêu cầu hoạt động được thể hiện với các mức độ khác nhau phù hợp với đặc điểm, trình độ đối tượng học sinh và đặc điểm kinh tế, xã hội vùng miền.
- Nhà trường có thể chủ động, linh hoạt xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục 2 buổi/ngày hoặc 1 buổi/ngày theo nội dung Sách giáo khoa.
Tiêu chí 4: Phù hợp với kế hoạch đảm bảo chất lượng giáo dục địa phương
- Nội dung sách giáo khoa đảm bảo tính mềm dẻo, tính phân hóa, có thể điều chỉnh phù hợp với nhiều nhóm đối tượng học sinh tại địa phương.
- Nội dung sách giáo khoa đảm bảo tính khả thi, phù hợp với trình độ của học sinh, năng lực của đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lí giáo dục tại địa phương.
- Nội dung sách giáo khoa có thể triển khai tốt với điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị và các điều kiện dạy học khác tại địa phương.
- Nội dung sách giáo khoa giúp nhà trường và giáo viên tự chủ, sáng tạo trong việc xây dựng, thực hiện kế hoạch giáo dục.
Học sinh nghỉ học vì phòng chống dịch nCoV, đây là dịp thuận lợi cho cơ sở giáo dục chọn sách giáo khoa. Chỉ còn khoảng 3 tháng cho việc chọn sách giáo khoa mới, đòi hỏi các cơ sở giáo dục phải tăng tốc thực hiện để niêm yết kết quả tại trường học trước khi bắt đầu năm học mới ít nhất là 04 (bốn) tháng.
Chọn đúng bộ sách phù hợp với giáo viên và học sinh là nhiệm vụ và hạnh phúc của hội đồng chọn sách mỗi trường học.
Tài liệu tham khảo:
1:bariavungtau.edu.vn/Default.aspx?sname=SoGDDT&sid=4&pageid=3048&p_steering=12870
2:luatvietnam.vn/giao-duc/thong-tu-01-2020-tt-bgddt-huong-dan-lua-chon-sach-giao-khoa-180213-d1.html
Sơn Quang Huyến
Theo giaoduc.net
"Chốt" phương án cuối cùng lựa chọn SGK mới: Chỉ được lựa chọn 1 đầu SGK cho mỗi môn học Người đứng đầu cơ sở GDPT (Hiệu trưởng) có quyền lựa chọn SGK sử dụng trong trường của mình, mỗi môn học, hoạt động giáo dục sẽ chỉ được lựa chọn 1 đầu SGK và đầu tháng 5, Hiệu trưởng sẽ phải công bố danh mục SGK được chọn sử dụng. Bộ GDĐT vừa ban hành Thông tư hướng dẫn lựa chọn SGK...