‘Bắt con cởi truồng trên phố là phản giáo dục’
Theo TS tâm lý Vũ Thu Hương, cậu bé ăn trộm tiền, bị mẹ phạt cởi truồng trên phố, có thể bị sang chấn tâm lý. Còn luật sư Vũ Tiến Vinh khẳng định, người mẹ này vi phạm pháp luật.
Sự việc cậu bé 12 tuổi ở Hải Phòng ăn trộm tiền bị mẹ quất lằn mông, bắt cởi truồng đi giữa phố đang gây xôn xao dư luận.
Bạo hành trẻ em
Nói về hành động của người mẹ này, cô Đặng Thị Chung, giáo viên Trường tiểu học Bình Hòa (Thuận An, Bình Dương), nhận định: Có những trẻ dù cha mẹ, thầy cô dùng đủ mọi cách nhưng vẫn chứng nào tật ấy. Người mẹ ở Hải Phòng có lẽ đã quá tức giận, khi dùng đủ mọi cách dạy con nhưng vẫn bất lực.
Cháu bé bị mẹ bắt cởi trần truồng đi từ ngõ ra đường. Ảnh: Thùy Linh.
TS Vũ Thu Hương, khoa Giáo dục Tiểu học, Đại học Sư phạm Hà Nội, bức xúc: Đây là hành vi bạo hành trẻ em. Không có lý do nào bào chữa cho người mẹ trong trường hợp này. Mẹ sinh ra bé nhưng không có quyền hạ nhục con.
Nữ tiến sĩ cũng phản đối cách suy nghĩ “muốn tốt cho con thì bạo hành thế nào cũng được”.
Video đang HOT
Chia sẻ trên Zing.vn, độc giả Nguyễn Kiều kể lại câu chuyện: Lúc nhỏ cũng trộm tiền đi chơi, mẹ phát hiện chỉ đánh mấy roi để cảnh cáo rồi khuyên can. Gia đình có con hư thì cha mẹ đóng cửa để uốn nắn, không nên để thiên hạ nhìn vào cười chê, xấu hổ cả hai mẹ con.
Trẻ dễ bị sang chấn tâm lý
Cô giáo Đặng Thị Chung phân tích, với cách làm trên, ban đầu trẻ có thể xấu hổ nhưng sau đó sẽ lì lợm vì mất lòng tự trọng. Quan trọng hơn, bé sẽ không nhận ra lỗi lầm để tự sửa đổi.
Cô giáo Đặng Thị Chung có nhiều kinh nghiệm dạy trẻ tiểu học.
Còn TS Vũ Thu Hương cho rằng, cậu bé bị mẹ phạt có thể bị sang chấn tâm lý. “Đôi khi chỉ một lời nói hay hành động cũng có thể để lại di chứng, chứ chưa nói hành động kinh khủng này”, TS Hương nêu quan điểm.
Gắn bó nhiều năm với giáo dục tiểu học, bà Hương cho rằng, thực tế chứng minh ngày càng nhiều trẻ em tự tử chỉ vì xích mích nhỏ với bạn bè hoặc bị xúc phạm. Cháu bé trong trường hợp trên sẽ mặc cảm với bạn bè, thiếu tự tin, thậm chí còn có cảm giác nhục nhã.
Nhiều người cũng cho rằng cậu bé đã 12 tuổi, đủ nhận thức và trí nhớ để sự việc trở thành nỗi ám ảnh tới khi trưởng thành. Độc giả Tùng Nguyễn gửi lời cảnh báo: Nơi tôi ở 10 năm trước xảy ra trường hợp tương tự. Người mẹ bắt con cởi truồng, đuổi ra khỏi nhà. Đứa trẻ ngày ấy bỏ học, sau này nghiện hút, cờ bạc, cướp giật.
Cần khéo léo và nhẫn nại
“Một số gia đình thường mắc sai lầm khi con trộm cắp tiền thì cấm tuyệt đối việc tiếp xúc với tiền. Bố mẹ vẫn nên cho con tiền nhưng cần hướng dẫn cách tiêu, cũng như khéo léo kiểm soát việc tiêu tiền của con. Khi thấy con có sự lệch lạc, người lớn cần điều chỉnh nhẹ nhàng để trẻ hiểu, từ đó tự giác thay đổi hành vi. Con nghe lời thì có thưởng ngay để động viên, khích lệ”.
Luật sư Vũ Tiến Vinh
Trước những đứa trẻ đã nhiều lần tái phạm lỗi, cô giáo Đặng Thị Chung đã thành công khi giáo dục dựa trên phương pháp “bùng nổ sư phạm”. Đó là cách giáo viên đặt niềm tin vào trẻ, cho các cháu cơ hội lấy lại tự trọng của bản thân.
Từng uốn nắn học sinh lớp 2 có thói quen ăn trộm vặt, nữ giáo viên chia sẻ cần dạy trẻ một cách khéo léo và nhẫn nại.
“Sau khi uốn nắn, con đã nhận lỗi và hứa sửa đổi thì hãy nói: Mẹ tin ở con, tin rằng con sẽ là người hoàn toàn khác, trung thực, đàng hoàng chứ không ăn cắp nữa”, cô Chung bày tỏ.
Cha mẹ cũng có thể tạo cơ hội cho con làm việc tốt như tìm đồ bị mất (tự dựng bối cảnh bị mất). Trẻ giúp mẹ làm việc tốt, người lớn hãy khen con thật lòng. Con sẽ rất vui và vinh dự.
TS Vũ Thu Hương phân tích, nhiều cha mẹ đau đầu khi con có thói xấu ăn trộm. Phụ huynh cần hiểu, con trẻ lấy tiền của cha mẹ là đang học về tính sở hữu. Dù còn nhỏ, chúng cần được dạy về những quy định của pháp luật để không vi phạm. Nhiều em lấy tiền của người khác nhưng khi được giáo dục cẩn thận đã không tái phạm.
“Cha mẹ cần cho con hiểu cảm giác của người bị mất tiền, những khó khăn của họ. Khi các con hiểu sẽ biết được hậu quả hành động của mình. Phụ huynh cũng nên cho các con biết về điều luật quy định xử phạt hành vi lấy trộm tài sản của người khác”, nữ tiến sĩ nói.
Anh Đoàn Trọng Hiếu – người có kinh nghiệm nhiều năm giảng dạy kỹ năng sống cho trẻ – chia sẻ: “Nếu phát hiện tình huống con lấy trộm tiền, mình sẽ chia sẻ thẳng thắn với con bằng cách đặt các câu hỏi: Theo con đó có phải việc tốt không? Con muốn có tiền để làm gì, nếu chính đáng bố mẹ sẽ giúp? Nếu con là người mất tiền, bây giờ con sẽ thấy sao? Con cần làm gì để sửa lỗi của mình?”.
Sau khi trò chuyện, cha mẹ hãy gợi ý con làm một số công việc để bù đắp số tiền đã mất, có thể hướng dẫn trẻ làm việc để bù lại số tiền đó, giúp con hiểu được giá trị của đồng tiền.
Vi phạm pháp luật
Luật sư Vũ Tiến Vinh – Giám đốc Công ty Luật Bảo An (Hà Nội) cho biết: Theo quy định của Bộ luật Dân sự, Luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục Trẻ em, pháp luật nghiêm cấm hành vi xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm của trẻ em. Tùy theo mức độ vi phạm mà có thể bị nhắc nhở, cảnh cáo hoặc xử phạt hành chính. Nếu vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng, cha mẹ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Làm nhục người khác.
“Với sự việc xảy ra tại Hải Phòng mà Zing.vn phản ánh, tôi cho rằng, hành vi của người mẹ mang tính nhất thời, xuất phát từ mong muốn con ngoan ngoãn nên đã mắc sai lầm trong cách giáo dục. Cách làm này là vi phạm pháp luật, xâm hại đến danh dự, nhân phẩm của con”, luật sư Vinh khẳng định.
Ông Vinh cũng cho rằng, đây là cách để lại hậu quả xấu đến tâm lý của trẻ trong việc sửa sai sau này. Tuy nhiên, do tính chất ít nghiêm trọng nên công an khu vực chỉ nhắc nhở mà không áp dụng các chế tài nghiêm khắc hơn là hợp lý.
Theo Zing