Bất cập trong quản lý Nhà nước về giáo dục: Cần được chủ động về nhân sự
Hiện nay ở các địa phương, cơ quan chuyên môn là Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT không phải là đơn vị chủ trì, đầu mối về tuyển dụng giáo viên và bổ nhiệm nhân sự. Qua đó phát sinh một số bất cập, gây khó khăn cho ngành trong thực hiện chuyên môn và nghiệp vụ. Báo GD&TĐ có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quí Đôn – nguyên Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ về vấn đề này.
Ngành Giáo dục cần được chủ động trong việc tuyển dụng và sắp xếp nhân sự tại các cơ sở GD – ĐT
Cần cơ chế linh hoạt hơn
- Thưa ông, hiện nay ở nhiều nơi việc tuyển dụng GV do ngành Nội vụ chủ trì, trong khi ngành GD trực tiếp sử dụng lại không được tuyển dụng, xin ông cho ý kiến về vấn đề này?
- Nghề giáo (đặc biệt là GV) không phải như viên chức thông thường, GV còn có đặc thù về chuyên môn nghiệp vụ. Họ thi tuyển đầu vào ngành Sư phạm, được đào tạo sư phạm và phải thi tốt nghiệp ra trường với quá trình kiến tập, thực tập bài bản. Quá trình lao động của nhà giáo cũng đặc thù, họ đảm nhiệm vai trò GD-ĐT con người. Đảng, Nhà nước luôn xem GD là quốc sách hàng đầu nên vai trò của công tác GD&ĐT trong xã hội là rất lớn. Trách nhiệm của nhà giáo rất lớn trong việc dạy chữ, dạy người, là tấm gương về đạo đức, lối sống chuẩn mực trước các em HS và trước xã hội.
Theo quan điểm của tôi, ngành Sư phạm đã đào tạo SV với đầu vào, với quy trình như vậy thì không cần phải thi tuyển đầu vào công chức, viên chức. Điều cốt yếu hơn là ngành GD phải được tự quyết về vấn đề nhân sự vì đây là ngành đặc thù, ở đâu có HS, có người học thì ở đó phải có GV. Trong thực tế, quy mô trường lớp, quy mô HS, chuyện thừa, thiếu GV như thế nào thì ngành GD là rõ nhất. Vì vậy, ai sử dụng thì người đó phải là người tuyển.
- Như vậy, phải giao quyền tuyển dụng nhân sự, bổ nhiệm nhân sự hết cho ngành GD, thưa ông?
- Ý tôi nói ở trên là cần phải có cơ chế linh hoạt hơn cho ngành trong vấn đề này. Tuyển dụng GV phải khác với tuyển dụng viên chức ngành khác bởi GV ở 4 cấp học (mầm non, tiểu học, THCS, THPT) được đào tạo khác nhau. Hơn nữa, nhu cầu tuyển dụng giáo viên ở mỗi cấp học của từng địa phương là khác nhau chứ không thể tuyển dụng cào bằng về số lượng như các ngành khác.
Video đang HOT
Ông Nguyễn Quí Đôn – Nguyên Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ
Không phải giao hết quyền tuyển dụng, bổ nhiệm nhân sự cho ngành GD mà ngành Nội vụ vẫn tham gia. Khi đó, ngành Nội vụ có vai trò quan trọng là giám sát, là “người gác cửa” cho việc tuyển dụng của ngành GD cũng như các ngành khác. Với tầm nhìn lâu dài, ổn định và phù hợp với sự phát triển kinh tế – xã hội, ngành GD sẽ chủ động trong việc hoạch định kế hoạch đào tạo, tuyển dụng, bổ nhiệm nhân sự. Ngành Nội vụ phối hợp để kiểm tra, giám sát quá trình tuyển dụng, bổ nhiệm đúng quy định, đảm bảo công bằng và đúng luật định. Nếu ngành Nội vụ can thiệp quá sâu vào việc tuyển dụng của GD, đặc biệt là áp dụng cứng nhắc các quy định về tuyển dụng công chức, viên chức thì rất khó. Việc phân cấp quản lý, tuyển dụng nhân sự cho ngành GD đang có nhiều bất cập, nếu không giải quyết thì tình trạng này sẽ còn kéo dài. Thời gian tới ngành GD cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa với ngành Nội vụ trong vấn đề bố trí, sắp xếp, kể cả công tác tuyển dụng nhân sự.
Tinh giản biên chế cần có lộ trình
- Đối với việc bổ nhiệm nhân sự trong ngành GD hiện nay nhiều nơi cũng than khó vì ngành cũng không thể chủ động. Đây có phải là bất cập, khó khăn lớn của ngành, thưa ông?
- Như tôi đã trao đổi ở trên, nghề giáo có tính chất đặc thù riêng và người thầy cũng là lao động đặc biệt. Cán bộ quản lý ngành GD cũng vậy, tất cả đều phải kinh qua hoạt động chuyên môn rồi mới đến làm quản lý.
Vấn đề đặt ra hiện nay là người quản lý trực tiếp hiểu rõ công chức đó thực sự có năng lực hay không, lại không có quyền được tuyển dụng, bổ nhiệm. Có nơi hiệu trưởng không có quyền tuyển GV; giám đốc Sở không bổ nhiệm được trưởng Phòng GD&ĐT; trưởng Phòng GD&ĐT không bổ nhiệm được hiệu trưởng… Do đó, cần giao quyền chủ động về mặt nhân sự cho ngành GD. Trong khi ngành GD phải chịu trách nhiệm về chất lượng đào tạo, nhưng lại không được trao quyền chủ động tuyển người vào ngành. Từ thực tế trên, chúng ta cần xác định lại việc phân cấp quản lý hoặc để ngành GD chịu trách nhiệm cả đầu vào và phân bổ nguồn nhân lực sư phạm cho các cơ sở GD của mình. Nếu đã giao quyền chủ động như vậy mà để xảy ra tình trạng thừa – thiếu GV, cần xử lý thật nặng người đứng đầu, tránh tình trạng “cha chung không ai khóc”.
Bộ GD&ĐT và Bộ Nội vụ cũng cần phải có chỉ đạo thống nhất trong việc tuyển công chức, cần phải căn cứ đặc điểm ngành nghề cho phù hợp. Làm sao để ngành GD được chủ động trong việc điều tiết số lượng, cơ cấu đội ngũ theo môn học, cấp học và chủ động điều tiết được GV thừa, thiếu.
Quản lý đầu vào nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng trong tiến trình đổi mới GD
- Hiện nay, một số địa phương đang thực hiện chính sách tinh giản biên chế ngành GD theo công thức “ra 2 vào 1″ (2 GV nghỉ hưu thì tuyển mới được 1 GV). Vậy quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
- Quá trình tinh giản biên chế nói riêng và tinh giản biên chế ngành GD nói chung là không hề dễ dàng, cần phải có lộ trình. Đối với GD, không nên cắt giảm biên chế cơ học mà cần làm tốt việc đánh giá phẩm chất, năng lực cán bộ quản lý, GV, nhân viên… Tinh giản biên chế phải gắn với việc đảm bảo các quy định về định mức số lượng GV đối với mỗi cấp học, chế độ làm việc, chính sách cũng như nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, GV, nhân viên và phù hợp với việc rà soát, sắp xếp, điều chỉnh lại hệ thống, quy mô trường, lớp học của địa phương.
Như tôi đã chia sẻ, nhà giáo có tính chất đặc thù, do đó không thể giảm biên chế một cách cơ học và không thể áp dụng theo công thức “ra 2 vào 1″ đối với đội ngũ GV. Đối với ngành GD, ở đâu có HS, có người học thì phải có GV. Để tinh gọn bộ máy ngành GD, trước hết là giải quyết tình trạng thừa, thiếu GV thì công tác dự báo, quy hoạch mạng lưới giáo dục là hết sức quan trọng. Kế đến là mạng lưới các trường sư phạm cũng không thể nằm ngoài cuộc, phải gắn công tác dự báo, quy hoạch để đào tạo GV đáp ứng nhu cầu.
Việc này phải được tiến hành cẩn trọng, với tầm nhìn lâu dài, phải có tính ổn định. Rất cần có sự phối hợp của ngành GD với ngành Nội vụ và chính quyền địa phương trong vấn đề tuyển dụng, bố trí sắp xếp giáo viên và cán bộ quản lý. Chúng tôi mong muốn những vấn đề này sẽ giải quyết được trong Luật GD (sửa đổi) tới đây. Đồng thời, phải thể hiện được vị thế của nhà giáo, khác với viên chức thông thường để tạo động lực cho đội ngũ này.
Xin cảm ơn ông!
Quốc Ngữ (thực hiện)
Theo giaoducthoidai
Lực bất tòng tâm
Thừa thiếu GV cục bộ hay những vấn đề liên quan đến quản lý Nhà nước đối với GD không chỉ là câu chuyện của nội ngành GD mà đã trở thành chủ đề của nhiều diễn đàn, hội thảo lớn. Thực tế cho thấy, ngành GD luôn trăn trở về vấn đề này nhưng quyền quyết định lại không nằm trong tay nên bài toán đến nay vẫn chưa được giải quyết.
Ngành Giáo dục vẫn "ngoài cuộc" trong việc sắp xếp nhân lực, đội ngũ
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng từng lên tiếng, vấn đề thừa thiếu giáo viên (GV), ngành GD đang rất lo lắng nhưng quyết định việc này đâu phải của ngành GD. Ngành GD có nhu cầu nhưng biên chế con người lại phụ thuộc ngành Nội vụ. Vì thế, vấn đề thừa thiếu GV không thể trách oan cho ngành GD.
Còn nhớ vụ hơn 500 GV huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) có nguy mất việc hồi đầu năm 2018 gây rúng động trong và ngoài ngành GD. Sau đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND huyện Krông Pắk tạm ngưng việc chấm dứt hợp đồng lao động đối với hàng trăm GV. Cũng trong năm 2018, hàng trăm GV của huyện Thanh Oai (Hà Nội) cũng phải "đứng ngồi không yên" khi UBND huyện có văn bản đề nghị chấm dứt hợp đồng.
Thực tế, ở nhiều địa phương trên cả nước cũng xảy ra tình trạng này, khiến đội ngũ GV, nhất là những GV hợp đồng như "ngồi trên đống lửa": Người thì lo lắng mất việc, không được tiếp tục dạy học; người thì lo lắng bị điều chuyển sang công việc khác không phù hợp với năng lực, sở trường và trình độ được đào tạo... Nói chung là muôn vẻ lo lắng.
Không bàn đến chuyện đúng sai, nhưng rõ ràng bên trong câu chuyện này ai cũng nhận thấy sự bất hợp lý. Ngành GD rất sốt sắng nhưng "lực bất tòng tâm", bởi nhân sự, biên chế không thuộc ngành quản lý. Ngành GD là đơn vị sử dụng lao động nên khi xảy ra sự việc chỉ biết đề nghị cấp có thẩm quyền, rồi làm tất cả những gì có thể trong thẩm quyền của mình và động viên GV.
Bất cập trên vô hình chung đã tạo ra những rào cản không đáng có cho ngành GD trong quá trình thực hiện đổi mới và nâng cao chất lượng dạy - học. Nói như nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển, cơ quan ra quyết định nhưng không phải chịu trách nhiệm cuối cùng về quyết định của mình. Tuy nhiên hậu quả thì ngành GD phải gánh, trong đó có vấn đề về tổ chức và nhân sự.
Ai cũng biết nghề giáo là nghề cao quý trong các nghề cao quý, vì thế không thể thực hiện cơ chế tuyển dụng GV như những viên chức thông thường khác. Thực tế này đã khiến nhiều đại biểu Quốc hội, các chuyên gia trong và ngoài ngành GD lên tiếng và đề xuất, cần giao việc tuyển dụng GV cho ngành GD. Nhiều quan điểm cũng cho rằng, tới đây việc tuyển dụng GV phải do ngành GD chủ trì và có sự phối hợp với ngành Nội vụ cùng một số ngành liên quan.
Luật GD hiện hành có quy định về quyền hạn và nhiệm vụ của nhà trường là tổ chức giảng dạy, học tập và các hoạt động GD khác theo mục tiêu, chương trình; xác nhận hoặc cấp văn bằng, chứng chỉ theo thẩm quyền; đồng thời được tuyển dụng, quản lý nhà giáo, cán bộ, nhân viên; tham gia vào quá trình điều động của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền đối với nhà giáo, cán bộ, nhân viên.
Thiết nghĩ, tới đây khi sửa Luật GD, Ban soạn thảo cần tiếp tục kế thừa và phát huy quan điểm này; đồng thời cần sửa lại Luật Viên chức để tháo gỡ những bất cập trong cơ chế tuyển dụng GV như hiện nay. GD-ĐT là sự nghiệp của toàn dân và toàn xã hội. Vì thế hơn bao giờ hết, mọi người, mọi nhà, mọi ngành đều phải có trách nhiệm chăm lo cho sự nghiệp "trồng người".
Tâm An
Theo giaoducthoidai
Tuyển sinh lớp 6, lớp 10 tại Hà Nội năm 2019: nhiều đổi mới Theo phê duyệt của UBND TP Hà Nội, kì tuyển sinh cho năm học 2019-2020 sẽ có nhiều điểm mới được áp dụng. Thí sinh tham dự kì thi tuyển sinh vào lớp 10 tại Hà Nội năm học 2018-2019 - Ảnh: NAM TRẦN Đặc biệt, sau nhiều năm bỏ thi, sử dụng phương thức xét tuyển qua hồ sơ, Trường Hà Nội...