Bất cập khi giáo viên ‘2 trong 1′, ‘3 trong 1′ dạy học môn tích hợp khoa học tự nhiên
Sau 2 năm triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông mới, việc dạy học môn tích hợp Khoa học tự nhiên vẫn là một khó khăn lớn của các nhà trường, nhất là trong bối cảnh giáo viên chưa được đào tạo nhưng phải đảm nhiệm từ 2 đến 3 môn.
Giáo viên liên môn nhưng “trái” chuyên môn
Ngoài 50 tuổi và đã có dự định muốn được về hưu sớm nhưng cô giáo Lê Thị Phương Thảo – giáo viên môn Sinh học của Trường THCS Nghi Phong (huyện Nghi Lộc) vẫn quyết định đảm nhiệm hai môn, gồm môn Sinh học lớp 7 và lớp 9, môn Hóa học lớp 6. Đây cũng là giáo viên duy nhất của Trường THCS Nghi Phong đảm nhiệm được yêu cầu này. Việc cùng lúc dạy hai môn học và soạn giáo án cho ba bậc học khiến cô mất khá nhiều thời gian và công sức. Chưa kể, ở môn Hóa học, là một chuyên ngành trái với chuyên ngành chính mà cô được đào tạo.
Môn Khoa học tự nhiên là môn học mới theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, tích hợp 3 môn Vật lý – Hóa học – Sinh học. Ảnh: Mỹ Hà
Chia sẻ về điều này, Cô Phương Thảo cho biết: Môn Khoa học tự nhiên của Chương trình giáo dục phổ thông mới được xây dựng tích hợp với 3 môn Vật lý – Hóa – Sinh và thiết kế bài học có sự liên kết với nhau. Vì vậy, nếu một giáo viên có thể đảm nhiệm ba môn thì việc dạy học sẽ hiệu quả hơn thay vì mỗi người dạy môn phân môn khác nhau. Cá nhân tôi, khi quyết định dạy hai môn, tôi cũng khá đắn đo. Nhưng may mắn là trong những năm qua, tôi vẫn thường xuyên dạy con tự học ở nhà tất cả các môn Toán, Lý, Hóa, Sinh và các cháu không đi học thêm nên tôi có lượng kiến thức khá vững. Vì vậy, dù là chương trình mới nhưng tôi chỉ cần xem lại bài là có thể làm được.
Do chỉ có một giáo viên có thể dạy được liên môn nên dù đã là năm thứ 2 thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới nhưng Trường THCS Nghi Phong vẫn triển khai dạy học môn Khoa học tự nhiên theo hình thức song song, nghĩa là đồng thời phân công 3 giáo viên dạy 3 môn khác nhau. Điều này giúp nhà trường thuận lợi trong việc phân công, bố trí giáo viên nhưng chất lượng của môn học lại phần nào bị ảnh hưởng.
Nói về lý do, thầy giáo Nguyễn Đình Điền – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Hiện nay, việc dạy học ở trường chúng tôi vẫn diễn ra bình thường nhưng thực sự chưa thuận lợi vì không có đủ giáo viên dạy học đáp ứng được yêu cầu của chương trình. Trong khi đó, nếu dạy song song đồng thời 3 môn sẽ dẫn đến tình trạng có những môn đi trước chương trình, ví như có những kiến thức môn Hóa chưa dạy nhưng môn Sinh đã dạy rồi và thiếu sự kết nối giữa các môn. Hoặc có trường hợp, một môn học nhưng lại có sự lồng ghép giữa hai, ba môn nên giáo viên phải tự tìm hiểu thêm các môn học khác để có thể lồng ghép. Giải pháp của nhà trường hiện nay đó là nếu chương trình có liên quan đến bài khác mà học sinh chưa học, các giáo viên phải ngồi lại với nhau để xem lại bài giảng và hỗ trợ nhau về mặt kiến thức.
Ở tuổi ngoài 50, cô giáo Lê Thị Phương Thảo là nữ giáo viên duy nhất có thể dạy liên môn tại Trường THCS Nghi Phong. Ảnh: Mỹ Hà.
Trong khi Trường THCS Nghi Phong đang thực hiện hình thức dạy học song song thì tại Trường THCS Hà Huy Tập – thành phố Vinh, phương án này không thể thực hiện bởi trường có trên 2.000 học sinh. Hiện theo phân phối, mỗi tuần nhà trường có 84 tiết Lý, Hóa hoặc Sinh, trong khi nhà trường chỉ có 3 giáo viên Hóa, 3 giáo viên Lý và 3 giáo viên Sinh.
Áp lực càng đè nặng hơn với học sinh hai khối 6,7 – hai khối đầu tiên thực hiện theo Chương trình Giáo dục phổ thông mới, bởi mỗi khối nhà trường có đến 13 lớp. Nếu phân giáo viên theo từng môn sẽ không đáp ứng đủ giáo viên đứng lớp. Giải pháp hiện nay của nhà trường đối với môn Khoa học tự nhiên đó là phân công 1 giáo viên phụ trách, dù rằng giáo viên đó chỉ được đào tạo chính khóa một phân môn hoặc tốt nghiệp ngành Lý, ngành Hóa học, hoặc Sinh học.
Tôi tốt nghiệp ngành Sư phạm Vật lý nên hiện nay đảm nhiệm dạy thêm môn Sinh học, Hóa học nên chắc chắn không tránh khỏi những khó khăn.
Video đang HOT
Mặc dù trước năm học, chúng tôi có được đi tập huấn để dạy liên môn nhưng thời gian không nhiều và phần lớn chúng tôi đang phải tự học. Ngoài ra, các tổ chuyên môn trong nhà trường cũng phải thường xuyên hỗ trợ bằng hình thức các giáo viên chủ trì sẽ tổ chức họp chuyên môn, hướng dẫn và giúp các giáo viên dạy liên môn thiết kế bài giảng. Quá trình triển khai, nếu phần nào chưa hiểu, chưa rõ chúng tôi sẽ tự học hỏi thêm trong sách vở và từ các đồng nghiệp.
Cô giáo Như Hoa – Giáo viên Trường THCS Hà Huy Tập
Băn khoăn khi triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông mới
Với cách bố trí giáo viên như hiện tại, Trường THCS Hà Huy Tập đã cơ bản phần nào giải quyết được bài toán thiếu giáo viên. Tuy nhiên, với một trường có số lượng học sinh đông nhất tỉnh và chất lượng giáo dục hàng năm nằm ở tốp đầu của thành phố thì cách thức này chỉ giải quyết được khó khăn trước mắt.
Nói về điều này, cô giáo Nguyễn Thị Huyền Nga – Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Tất cả những giáo viên của nhà trường đang bố trí dạy môn Khoa học tự nhiên đều là giáo viên trẻ, yêu nghề và ham học hỏi. Tuy nhiên, chúng tôi cũng đang xác định, điều này chỉ phù hợp với lớp 6, lớp 7 khi lượng kiến thức các môn học còn đơn giản. Tuy nhiên, sang lớp 8, lớp 9 lượng kiến thức nhiều hơn, khó hơn thì rõ ràng cách bố trí giáo viên “2 trong 1″, “3 trong 1″ sẽ không còn phù hợp và nếu cứ “gắng” thì sẽ ảnh hưởng đến chất lượng dạy học của nhà trường.
Tiết học môn Khoa học tự nhiên của Trường THCS Hà Huy Tập. Ảnh: Mỹ Hà.
Điều lo lắng của Ban lãnh đạo Trường THCS Hà Huy Tập hoàn toàn có cơ sở bởi từ năm lớp 8, ngoài lượng kiến thức khó hơn thì nhà trường cũng đang phải chuẩn bị lực lượng để bồi dưỡng cho các kỳ thi học sinh giỏi cấp thành, cấp tỉnh và tạo nguồn để chuẩn bị cho kỳ thi cuối cấp thi vào các trường chuyên. Nhiều giáo viên cho rằng “nếu học theo hình thức cuốn chiếu hoặc dạy theo từng chuyên đề” như hiện nay học sinh sẽ quên rất nhiều kiến thức, vì thời gian học các môn học có khi sẽ gián đoạn nhiều tháng. Hơn nữa, nếu giáo viên phụ trách môn nhưng không được đào tạo bài bản, không có chuyên ngành thì sẽ khó đào tạo được học sinh giỏi…
Nhiều giáo viên cũng lo lắng, đây đã là năm thứ 2 triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông mới và đã dạy học môn tích hợp. Tuy nhiên, cách thi môn học này theo hình thức nào thì vẫn chưa có câu trả lời, nhất là ở kỳ thi học sinh giỏi (thi theo từng phân môn riêng hay thi tích hợp 3 môn Lý – Hóa – Sinh). Vì vậy, thời điểm hiện nay, việc thành lập đội tuyển ở các nhà trường vẫn đang phải cân nhắc.
Qua trao đổi với nhiều giáo viên, lãnh đạo các nhà trường, những lúng túng đang diễn ra trong việc tổ chức dạy học môn tích hợp ở bậc THCS vẫn là do đội ngũ giáo viên chưa đáp ứng được yêu cầu. Thực tế hiện nay, ở các trường sư phạm chưa có sinh viên tốt nghiệp môn tích hợp nên không thể tuyển dụng. Trước đó, một số giáo viên tốt nghiệp hệ cao đẳng có đào tạo giáo viên liên môn nhưng lại chưa phù hợp với thực tế hiện nay, ví dụ như đào tạo giáo viên Văn – Sử, Sử – Giáo dục công dân, Sinh – Thể dục hoặc Địa – Hóa. Trong khi đó, nhu cầu hiện nay phải là giáo viên Sử – Địa, giáo viên Hóa – Sinh hoặc giáo viên Lý – Hóa…
Do giáo viên chưa đáp ứng đủ nên ở nhiều trường học hiện nay, rất nhiều giáo viên đang rơi vào tình trạng dạy quá tải, nhất là với những trường đang thực hiện phương thức dạy học tích hợp theo chủ đề. Như với lớp 7, nếu dạy theo hình thức này, học kỳ I, học sinh đang học hai môn Vật lý và Hóa học và sang học kỳ II học sinh mới học môn Sinh học. Do đó, trong học kỳ I, giáo viên dạy Hóa học có thể dạy đến trên 30 tiết (vượt hơn 10 tiết so với quy định). Nhưng sang học kỳ II, giáo viên Sinh học lại quá tải. Hiện nhiều trường không thể triển khai dạy học theo hình thức này, bởi thứ nhất là không có kinh phí để hợp đồng thêm giáo viên. Trong trường hợp nếu bố trí giáo viên dạy quá tiết lại không có kinh phí để trả thêm giờ cho giáo viên.
Giờ học của học sinh Trường THCS Hưng Lộc – Thành phố Vinh. Ảnh: Mỹ Hà
Bất cập hiện nay ở các nhà trường đó là thừa thiếu giáo viên cục bộ nên rất khó bố trí. Như ở trường chúng tôi, có 3 giáo viên Vật lý, 3 giáo viên Sinh học nhưng chỉ có 1 giáo viên Hóa học. Điều đó, buộc chúng tôi phải hợp đồng thêm giáo viên Hóa học dù cơ cấu giáo viên theo tỷ lệ của trường là đã đủ 1,7 giáo viên/lớp. Tuy nhiên, vì không có giáo viên để hợp đồng nên chúng tôi đang hợp đồng chung với một giáo viên đang dạy ở Trường THCS Đặng Thai Mai.
Cách dạy theo chuyên đề hiện nay cũng buộc nhà trường phải liên tục thay đổi thời khóa biểu để đáp ứng đúng tỷ lệ phân môn cho phù hợp với giáo viên. Điều này, thực sự học sinh rất vất vả, có khi các em phải học liên tục 1 tuần 4 tiết/môn, có khi lại nghỉ gián đoạn. Trong khi đó, chương trình trước đây học sinh chỉ học 2 tiết/môn.
Cô giáo Đậu Thị Hương – Phó Hiệu trưởng Trường THCS Hưng Lộc (thành phố Vinh)
Với những vướng mắc hiện nay, rõ ràng để giải quyết khó khăn này vượt tầm của các nhà trường, thậm chí của ngành Giáo dục tỉnh nhà. Xa hơn, nhiều giáo viên và các nhà trường mong mỏi, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần nắm bắt thực tế triển khai ở các nhà trường và lắng nghe ý kiến phản hồi của các giáo viên để sớm có sự điều chỉnh, hoặc có giải pháp hỗ trợ giúp cho việc dạy học các môn tích hợp ở các nhà trường đạt hiệu quả và mục tiêu đã đề ra./.
Không để giáo viên 'tự bơi' khi dạy học tích hợp
Các địa phương có nhiều giải pháp để khắc phục khó khăn về đội ngũ dạy học môn KHTN, Lịch sử và Địa lý ở THCS, không để thầy cô phải 'tự bơi'.
Tiết học Khoa học tự nhiên tại Trường THCS Trần Nguyên Hãn, TP Bắc Giang. Ảnh: INT
Lên lộ trình bồi dưỡng
Ông Võ Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đồng Nai, cho biết: Cấp trung học, trình độ chuyên môn được đào tạo của giáo viên đa phần là đơn môn. Do vậy, khi thực hiện Chương trình GDPT 2018 đối với lớp 6, trường học tại Đồng Nai phân công 2 giáo viên dạy môn Lịch sử và Địa lý, 3 giáo viên dạy môn Khoa học tự nhiên theo chuyên môn được đào tạo.
Chương trình môn Khoa học tự nhiên được sắp xếp theo mạch nội dung của từng phân môn. Chẳng hạn lớp 6 chủ yếu là Vật lý, Sinh học; lớp 7 có cả 3 phân môn Vật lý, Sinh học, Hóa học, trong đó có một số nội dung liên môn. Tương tự, môn Lịch sử và Địa lý cũng có mạch nội dung từng phân môn, trong đó gồm nội dung cần tiếp cận liên môn... Do đó, các nhà trường bước đầu sắp xếp giáo viên dạy mạch nội dung thuộc chuyên môn mình; các nội dung yêu cầu liên môn thì trao đổi thảo luận kỹ càng để giao một giáo viên thực hiện.
Tại Bình Định, thông tin từ bà Lê Thị Điển, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT: Đến nay, sở đã phối hợp với Trường ĐH Quy Nhơn hoàn thành việc tổ chức bồi dưỡng và cấp chứng chỉ cho 901 giáo viên môn Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học), 512 giáo viên môn Lịch sử và Địa lý cấp THCS để đáp ứng việc giảng dạy tích hợp theo Chương trình GDPT 2018. Năm học 2022 - 2023, 100% cơ sở giáo dục áp dụng việc dạy liên môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý dành cho lớp 6, lớp 7.
Tuy nhiên, để thuận lợi hơn trong dạy học các môn học này, ông Võ Ngọc Thạch cho rằng, bồi dưỡng giáo viên giảng dạy liên môn cũng cần thiết. Theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, nhằm thực hiện có hiệu quả Chương trình GDPT 2018, Sở GD&ĐT Đồng Nai đã xin ý kiến và được sự chấp thuận chủ trương của UBND tỉnh xây dựng Kế hoạch 2768/KH-SGDĐT về tổ chức bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên dạy môn Tin học và Công nghệ, Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, số lượng giáo viên cần bồi dưỡng là 3.043 người. Trong đó môn Tin học và Công nghệ: 792; Khoa học tự nhiên: 1.594; Lịch sử và Địa lý: 657. Năm 2022, mỗi trường học chọn 1/2 số lượng giáo viên theo đăng ký với sở GD&ĐT, ưu tiên giáo viên được phân công dạy lớp 3, 6, 7.
Năm 2023, mỗi trường học cử 1/2 số lượng giáo viên còn lại, ưu tiên bồi dưỡng cho giáo viên được phân công dạy lớp 4, 8. Năm 2024 bồi dưỡng cho tất cả các giáo viên còn lại. Như vậy, kể từ năm học 2025 - 2026, năm học mà các lớp đều học theo Chương trình GDPT 2018, giáo viên đều hoàn thành công tác bồi dưỡng.
Mỗi chuyên môn là tổ chức học tập
Trước khó khăn do phần lớn giáo viên hiện nay đều được đào tạo đơn môn, bà Lê Thị Điển nhấn mạnh, giải pháp cần tập trung thực hiện đổi mới sinh hoạt của tổ/nhóm chuyên môn dựa trên nghiên cứu bài học. Từ đó thầy cô học hỏi, trao đổi kinh nghiệm; với các chủ đề giao thoa, giáo viên cùng thảo luận, xây dựng nội dung bài giảng bảo đảm đáp ứng yêu cầu môn học.
Ảnh minh họa/INT.
Thành lập tổ tư vấn chuyên môn để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và hướng dẫn trực tiếp cho các giáo viên dạy môn tích hợp. Chỉ đạo tổ chuyên môn tăng cường dự giờ để trao đổi, học hỏi kinh nghiệm dạy các môn tích hợp... không để giáo viên "tự bơi" khi gặp phải khó khăn trong quá trình giảng dạy.
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bình Định cũng chỉ đạo các nhà trường thông qua sinh hoạt chuyên môn định kỳ (1 tháng 2 lần) báo cáo sơ kết tình hình thực hiện chuyên môn của tổ, trong đó có nội dung thực hiện chương trình dạy tích hợp. Trên cơ sở đó, các trường định hướng tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của tổ chuyên môn, giáo viên; đồng thời kiến nghị với phòng/sở GD&ĐT để chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời.
"Cũng cần chú trọng lựa chọn, bồi dưỡng năng lực cho tổ trưởng chuyên môn. Xây dựng tổ chuyên môn thành tổ chức học tập. Phát triển các mối quan hệ theo chiều ngang để đảm bảo sự cộng tác, hợp tác giữa các giáo viên trong tổ và giữa tổ này với tổ khác trong thực hiện nhiệm vụ dạy học, giáo dục.
Đối với giáo viên được cấp chứng chỉ hoàn thành bồi dưỡng các môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý nhưng vẫn quen giảng dạy bộ môn đã được đào tạo phải tự tìm hiểu thêm kiến thức cần thiết, tăng cường dự giờ đồng nghiệp, thực hành nhiều hơn thì phương pháp kỹ năng những môn "tay trái" mới được đảm bảo chất lượng trong quá trình giảng dạy thực tế trên lớp" - bà Lê Thị Điển cho hay.
Tại Hà Nam, trước tháng 8/2021, toàn ngành đã bảo đảm 100% cán bộ quản lý, GV cấp THCS được bồi dưỡng, tập huấn trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng cơ bản để triển khai Chương trình GDPT mới. Cuối tháng 8/2021, sở chỉ đạo, giám sát các phòng GD&ĐT tổ chức hội thảo cấp huyện với nội dung xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường.
Trong đó, tập trung thảo luận thống nhất phương hướng xây dựng kế hoạch giáo dục môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý. Đồng thời, thảo luận phương án xếp thời khóa biểu, phân công chuyên môn cho GV giảng dạy các liên môn trong nhà trường. Cuối tháng 9, đầu tháng 10/2021, sau 1 tháng tổ chức dạy học Chương trình GDPT mới với lớp 6, sở GD&ĐT tổ chức hội thảo chuyên môn cấp tỉnh dành cho 100% GV giảng dạy các môn học lớp 6.
Cùng với đó, tổ chức hội thảo cho 100% cán bộ quản lý trường THCS rút kinh nghiệm, kịp thời điều chỉnh kế hoạch giáo dục nhà trường. Sang năm học 2022 - 2023, các trường THCS không còn vướng mắc, lúng túng khi tổ chức dạy học liên môn lớp 6, lớp 7. Hiện các trường đều thống nhất cao trong việc chủ động, linh hoạt xây dựng, thực hiện kế hoạch giáo dục với các môn liên môn năm học 2022 - 2023, bảo đảm quy định chung của Bộ GD&ĐT, phù hợp với điều kiện đội ngũ thực tế nhà trường.
"Qua rà soát thực trạng GV năm học 2022 - 2023 và nhu cầu sử dụng GV dạy môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý của các đơn vị, tỉnh Hà Nam có 1.072 thầy cô cần được bồi dưỡng, cấp chứng chỉ dạy 2 môn này. Sở GD&ĐT đang tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch bồi dưỡng GV dạy môn Tin học và Công nghệ ở tiểu học, GV dạy môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý cấp THCS. Dự kiến triển khai thực hiện vào năm 2023" - bà Trần Thị Thu Hiền, Phó Trưởng phòng Giáo dục Trung học - Giáo dục Thường xuyên, Sở GD&ĐT Hà Nam cho hay.
"Thầy cô sẽ được bồi dưỡng kết hợp trực tuyến và trực tiếp. Thời gian bồi dưỡng ưu tiên tổ chức trong hè hoặc thứ 7, Chủ nhật" - ông Võ Ngọc Thạch thông tin.
Dạy học môn Khoa học Tự nhiên không thể 'sân ai người đó chơi' Với đặc trưng riêng, hiện nay, đa số trường vẫn phân công từ 2 đến 3 giáo viên phụ trách môn Khoa học tự nhiên. Ứng dụng SGK trong dạy và học là nhiệm vụ của giáo viên. Ảnh minh họa Do đó, việc khai thác, sử dụng sách giáo khoa môn học này cũng có những điểm khác biệt so với môn...