Bắt buộc kiểm định chất lượng đầu vào công chức từ tháng 1/2024
Bộ Nội vụ đã công bố dự thảo Nghị định quy định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức để lấy ý kiến góp ý rộng rãi của dư luận.
Bộ Nội vụ đề xuất hình thức kiểm định là thi trắc nghiệm trên máy vi tính. Ảnh minh họa
Dự thảo Nghị định quy định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức đề xuất, trước ngày 31/1 hàng năm, Bộ Nội vụ phải ban hành kế hoạch tổ chức kiểm định chất lượng đầu vào công chức, số lần tổ chức kiểm định trong năm, thời gian, địa điểm tổ chức kiểm định. Đồng thời công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Nội vụ. Đây là quy định mới mà người lao động cần đặc biệt quan tâm.
Không bắt buộc thi ngoại ngữ và tin học
Trường hợp các bộ, ngành, địa phương có nhu cầu kiểm định chất lượng đầu vào công chức cho kỳ tuyển dụng công chức hàng năm của các cơ quan, đơn vị được phân công quản lý thì xây dựng kế hoạch, thông báo và lập danh sách thí sinh gửi Bộ Nội vụ để tổ chức kiểm định.
Bộ Nội vụ đề xuất hình thức kiểm định là thi trắc nghiệm trên máy vi tính. Nội dung kiểm định gồm: Hiểu biết chung về hệ thống chính trị, tổ chức bộ máy của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị – xã hội; quản lý hành chính Nhà nước; quyền, nghĩa vụ của công chức. Cùng với đó là kiến thức về văn hóa, lịch sử, đạo đức công vụ… và đánh giá năng lực tư duy, nhận thức, khoa học, năng lực ứng dụng vào thực tiễn của thí sinh.
Tại dự thảo Nghị định đề xuất không yêu cầu phải thi môn Ngoại ngữ và Tin học. Bởi theo yêu cầu chuẩn đầu ra về ngoại ngữ của sinh viên tốt nghiệp các trình độ trung cấp chuyên nghiệp, cử nhân đều yêu cầu đáp ứng trình độ ngoại ngữ bậc 3. Đồng thời, tại các cơ sở giáo dục đại học hiện quy định chuẩn đầu ra trình độ ngoại ngữ đối với sinh viên khi tốt nghiệp theo Quyết định số 1400. Trong khi, chuẩn đầu ra về trình độ ngoại ngữ đó phù hợp với yêu cầu về trình độ ngoại ngữ tương ứng với ngạch công chức tham gia dự tuyển.
Đối với tin học, do hiện nay yêu cầu sử dụng công nghệ thông tin trong các cơ sở giáo dục cũng như quy định việc tổ chức thi tuyển trên máy tính cũng là bước kiểm tra kiến thức và kỹ năng sử dụng tin học. Tuy nhiên, đối với những vị trí việc làm yêu cầu phải có trình độ ngoại ngữ hay tin học ở trình độ cao thì cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức có thể yêu cầu kiểm tra tại lúc thực hiện quy trình tuyển dụng công chức.
Kiểm định chất lượng đầu vào đối với người tham gia thi tuyển vào vị trí việc làm có yêu cầu trình độ đại học trở lên sẽ trong thời gian 120 phút. Số lượng câu hỏi không quá 100 câu.
Kiểm định chất lượng đầu vào đối với người tham gia thi tuyển vào vị trí việc làm có yêu cầu trình độ trung cấp, cao đẳng có thời gian 100 phút. Số lượng câu hỏi không quá 80 câu.
Kết quả kiểm định được xác định theo số câu trả lời đúng trong bài thi. Thí sinh trả lời đúng từ 60% số câu hỏi trở lên thì được xác định là đạt yêu cầu kiểm định chất lượng đầu vào công chức.
Video đang HOT
Kết quả kiểm định chất lượng đầu vào của thí sinh được xếp loại như sau: Loại xuất sắc phải trả lời đúng từ 90% số câu hỏi trở lên. Loại giỏi phải trả lời đúng từ 80% đến dưới 90% số câu hỏi; loại khá trả lời đúng từ 70% đến dưới 80% số câu hỏi; đạt yêu cầu khi trả lời đúng từ 60% đến dưới 70% số câu hỏi.
Điều kiện tham gia kiểm định
Dự thảo Nghị định quy định người có đủ các điều kiện sau đây, không phân biệt dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo được đăng ký tham gia kiểm định chất lượng đầu vào công chức. Đó là có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam; đủ 18 tuổi trở lên; có giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời hoặc bằng tốt nghiệp chuyên môn ở trình độ đào tạo phù hợp với yêu cầu kiểm định.
Còn đối với những người không cư trú tại Việt Nam hoặc mất, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đang chấp hành hoặc đã chấp hành xong bản án, quyết định về hình sự của tòa án mà chưa được xóa án tích; đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở chữa bệnh, cơ sở giáo dục thì không đủ điều kiện đăng ký kiểm định.
Dự thảo Nghị định nêu rõ, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị của Bộ Nội vụ được giao thẩm quyền tổ chức kiểm định quyết định thành lập Hội đồng kiểm định để tổ chức việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức.
Hội đồng kiểm định có 5 hoặc 7 thành viên. Bao gồm Chủ tịch Hội đồng; Phó Chủ tịch Hội đồng; Ủy viên kiêm Thư ký Hội đồng; Các ủy viên khác do người đứng đầu của cơ quan, tổ chức, đơn vị của Bộ Nội vụ được giao thẩm quyền tổ chức kiểm định.
Hội đồng kiểm định chất lượng đầu vào công chức làm việc theo nguyên tắc tập thể, quyết định theo đa số. Trường hợp số ý kiến bằng nhau thì quyết định theo ý kiến của Chủ tịch Hội đồng.
“Không bố trí những người có quan hệ là ông, bà, cha, mẹ, anh, chị, em ruột của người đăng ký kiểm định hoặc của bên vợ (chồng) của người đăng ký kiểm định; vợ hoặc chồng, con đẻ hoặc con nuôi của đăng ký kiểm định. Những người đang trong thời hạn xử lý kỷ luật hoặc đang thi hành quyết định kỷ luật làm thành viên Hội đồng kiểm định, thành viên các bộ phận giúp việc của Hội đồng kiểm định”, dự thảo Nghị định nêu rõ.
Trong vòng 5 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc kỳ kiểm định, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao thẩm quyền tổ chức kiểm định phải báo cáo Bộ Nội vụ phê duyệt kết quả.
Kết quả kiểm định được đăng tải công khai trên trang thông tin điện tử hoặc Cổng thông tin điện tử của Bộ Nội vụ và của cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao thẩm quyền tổ chức kiểm định.
Kết quả kiểm định chất lượng đầu vào công chức có giá trị sử dụng trong thời hạn 24 tháng kể từ ngày có quyết định phê duyệt của Bộ Nội vụ. Trong thời hạn kết quả kiểm định còn giá trị, người đạt kết quả kiểm định được đăng ký thi tuyển vào làm công chức tại các bộ, ngành, địa phương trong phạm vi toàn quốc.
Cơ quan, tổ chức có thẩm quyền tuyển dụng công chức được căn cứ xếp loại kết quả kiểm định để quy định điều kiện đăng ký dự tuyển công chức phù hợp với yêu cầu tuyển dụng.
Bộ Nội vụ đề xuất việc yêu cầu bắt buộc người đăng ký tham gia thi tuyển công chức phải đạt kết quả kiểm định chất lượng đầu vào công chức được thực hiện kể từ ngày 1/1/2024.
Việc tổ chức thi tuyển công chức tiếp tục sẽ được thực hiện theo Nghị định số 138/2020 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức đến hết ngày 31/12/2023.
(Còn nữa…)
Khả quan chất lượng tuyển sinh ngành Sư phạm
Theo đại diện các cơ sở đào tạo giáo viên, chúng ta đang chứng kiến sự quay trở lại tốp đầu nhóm ngành khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên.
Với ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào (điểm sàn) của Bộ GD&ĐT và đơn vị đào tạo cho thấy, sư phạm đã có sức hút với thí sinh.
Sinh viên Trường ĐH Sư phạm (ĐH Huế).
Tín hiệu vui
Mùa tuyển sinh năm 2021, điểm chuẩn vào các trường sư phạm tăng cao và được coi là tín hiệu mừng của ngành đào tạo giáo viên. Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, cả nước có 56 trường đại học đào tạo giáo viên, với 31 ngành đào tạo trình độ đại học; 1 ngành trình độ cao đẳng. Năm 2021, tuyển sinh ngành sư phạm có bước tiến cả về số lượng và chất lượng. Trong số 265 mã ngành tuyển sinh có điểm chuẩn tăng từ 5 điểm trở lên, nhóm ngành sư phạm vươn lên vị trí thứ hai với 64 ngành.
Năm nay, Bộ GD&ĐT xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với nhóm ngành đào tạo giáo viên trình độ đại học, ngành Giáo dục mầm non trình độ cao đẳng bằng với năm 2021. Cụ thể, "điểm sàn" các ngành sư phạm trình độ đại học là 19 điểm; các ngành Giáo dục Thể chất, Huấn luyện thể thao, Sư phạm Âm nhạc, Sư phạm Mỹ thuật là: 18 điểm; ngành Giáo dục mầm non trình độ cao đẳng là: 17 điểm.
Cho rằng, sư phạm đã và đang có sức hút riêng với thí sinh và nhận được sự quan tâm của xã hội, GS.TS Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội - nhấn mạnh, việc xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng nhóm ngành đào tạo giáo viên là cần thiết. Thí sinh muốn vào sư phạm phải có khả năng tối thiểu. "Trên cơ sở điểm sàn của Bộ GD&ĐT, các trường có thể xác định mức "điểm sàn" cho trường mình" - GS.TS Nguyễn Văn Minh trao đổi.
TS Nguyễn Trung Triều - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương Nha Trang - ghi nhận, Hội đồng tư vấn đã phân tích rất kỹ trên nhiều góc độ (cả khoa học và thực tiễn) để xác định ngưỡng đầu vào. Việc quyết định giữ mức ổn định như năm ngoái phù hợp với các trường đào tạo giáo viên, trong đó có trình độ cao đẳng ngành Giáo dục mầm non. Đồng thời, đảm bảo nguồn tuyển cho các trường. Quan trọng hơn là đáp ứng yêu cầu chất lượng nguồn tuyển.
Đồng quan điểm, PGS.TS Lê Hoằng Bá Huyền - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Hồng Đức (Thanh Hóa) - bày tỏ, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào như năm nay là phù hợp, tạo điều kiện để nhà trường lựa chọn được sinh viên có chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực về đội ngũ giáo viên của địa phương và đất nước.
Mức điểm trên được xác định trên cơ sở phân tích rất kỹ từ thực tế đào tạo, tuyển sinh và tỷ lệ trúng tuyển, nhập học của thí sinh qua các năm 2020, 2021. Ngoài ra, Bộ GD&ĐT cũng căn cứ vào thực tế kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2022, có phân tích đến phổ điểm của từng tổ hợp. Mặt khác, Bộ cũng tính đến phương án: "Điểm sàn" vừa đảm bảo chất lượng nhưng cũng đủ để các trường có dư địa để tuyển sinh. Trên cơ sở đó, có thể lựa chọn được những thí sinh đáp ứng được yêu cầu.
Ngành sư phạm vẫn có sức hút riêng.
Sức hút riêng
Ngay sau khi Bộ GD&ĐT công bố "điểm sàn" cho khối ngành đào tạo giáo viên, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đã thông báo điểm sàn từng ngành của trường. Theo đó, thí sinh có nguyện vọng xét tuyển vào trường phải đạt tối thiểu 18 - 21,5 điểm thi tốt nghiệp THPT. Trong đó, ngành Sư phạm Hóa học dạy bằng tiếng Anh có mức "điểm sàn" cao nhất là 21,5. Ba ngành yêu cầu điểm sàn 18 gồm: Giáo dục Thể chất, Sư phạm Âm nhạc và Sư phạm Mỹ thuật.
GS Nguyễn Văn Minh lưu ý, điểm sàn chỉ là điều kiện cần, chưa phải điều kiện đủ. Ví dụ, ngưỡng điểm sàn năm ngoái đặt ra là 19, trong khi đó ngành Sư phạm Tiếng Anh của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội có điểm trúng tuyển lên tới 28,53; ngành Sư phạm Toán dạy bằng tiếng Anh lấy điểm chuẩn là 27,7.
Do đó, trong quá trình điều chỉnh nguyện vọng, thí sinh cần bảo đảm yêu cầu về điểm sàn, đồng thời chú ý những điều kiện khác như hạnh kiểm. Ngoài ra, hồ sơ phải đầy đủ và đúng. Thí sinh nên tham khảo điểm xét tuyển, trúng tuyển của các trường khác nhau trong những năm gần đây để có căn cứ sắp xếp thứ tự nguyện vọng xét tuyển.
Theo PGS.TS Lê Hoằng Bá Huyền, mùa tuyển sinh năm nay, các trường đào tạo giáo viên có những tín hiệu tích cực. Hầu hết cơ sở đào tạo đều công bố mức điểm sàn bằng hoặc cao hơn so với điểm sàn của Bộ GD&ĐT.
Đáng chú ý, từ năm học 2021 - 2022 sẽ áp dụng Nghị định 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ, trong đó có chính sách về đặt hàng đào tạo giáo viên, hỗ trợ sinh viên sư phạm về học phí, sinh hoạt phí, đảm bảo đầu ra sau tốt nghiệp... khiến ngành sư phạm càng thêm sức hút. "Năm 2019, thí sinh trúng tuyển nhập học các ngành đào tạo giáo viên trên 27.300 em bằng 52,97% tổng chỉ tiêu. Đến năm 2020, con số này là gần 36 nghìn, tương đương 61,58%" - PGS.TS Lê Hoằng Bá Huyền viện dẫn.
Trên cơ sở Nghị định 116/2020/NĐ-CP và nhu cầu thực tế của địa phương, tỉnh Thanh Hóa đã "đặt hàng" với Trường ĐH Hồng Đức để đào tạo giáo viên, nhằm đáp ứng nguồn nhân lực cho ngành. "Do vậy, nguồn tuyển sinh của nhà trường trong những năm qua rất tốt" - PGS.TS Lê Hoằng Bá Huyền thông tin.
TS Nguyễn Trung Triều nhìn nhận, hai năm gần đây, điểm chuẩn trúng tuyển đại học các ngành khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên tăng cao. Một số ngành "nóng", điểm chuẩn trung bình các phương thức tuyển sinh lên tới 8 - 9 điểm/môn.
"Hiện, tình trạng thiếu giáo viên diễn ra ở hầu hết địa phương trên cả nước. Dự báo những năm tới, đặc biệt đến năm 2026 - 2027 vẫn thiếu giáo viên rất nhiều. Đó là thông tin và cơ sở để thí sinh lựa chọn ngành sư phạm. Các trường khối sư phạm cũng rộng cửa đón người có nguyện vọng và đáp ứng yêu cầu đầu vào" - TS Nguyễn Trung Triều khẳng định.
"Với một số ngành như Giáo dục mầm non, Giáo dục tiểu học, nhu cầu tuyển dụng giáo viên của các địa phương rất cao. Sinh viên tốt nghiệp được các địa phương tuyển dụng rất nhiều. Tôi cho rằng, đây là tín hiệu vui, các trường đào tạo ngành này có thể lựa chọn những sinh viên chất lượng tốt hơn" - PGS.TS Lê Hoằng Bá Huyền nói.
Toàn cảnh điểm sàn các trường đại học y dược năm 2022 Sau khi Bộ GD&ĐT công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với nhóm ngành sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề, các trường, khoa đào tạo nhóm ngành này đã công bố mức điểm sàn nhận hồ sơ xét tuyển, điểm chuẩn theo phương thức xét tuyển sớm - xét học bạ và đánh giá năng lực năm nay....