Bảo Yến: ‘Showbiz Việt là thế giới không tình người’
Nữ ca sĩ nổi danh một thời tiết lộ chuyện chèn ép đồng nghiệp của một ca sĩ rất nổi tiếng với ca khúc “Bài ca không quên” và một nữ ca sĩ khác có biệt danh “Bống”.
Vào một buổi sớm tiết trời hanh hao của mùa thu Sài Gòn chợt mưa chợt nắng, tại căn hộ khang trang “3 tấm rưỡi” lọt thỏm trong khu chung cư Ngô Thời Nhiệm tĩnh lặng, “nữ hoàng nhạc Gò Công” không son phấn Bảo Yến đã trải lòng về chuyện nghề, chuyện tình và chuyện đời.
“Tôi không bao giờ ‘dựa hơi’ chồng”
- Con đường đến với âm nhạc của chị có suôn sẻ không? Bởi người Huế như cha chị thường đánh giá nghề hát là “xướng ca vô loài”?
- Tôi tên thật là Nguyễn Khắc Kim Yến, sinh năm 1958 tại Huế, 8 tuổi theo bố mẹ về lập nghiệp tại thành phố Cần Thơ, học trường tư thục Phan Thanh Giản. Sau 30/4/1975, gia đình tôi chuyển vào Sài Gòn sinh sống. Tôi là chị cả, hai người em là Nguyễn Khắc Kim Phượng tức ca sĩ Nhã Phương và Nguyễn Khắc Kim Tuấn – nhạc sĩ hòa âm phối khí, tác giả hai tình khúc nổi tiếng Biển cạn và Hãy để mưa rơi.
Ngay từ nhỏ, tôi đã mê tiếng hát nữ danh ca Thái Thanh qua biệt tài luyến láy rất tài tình với ca khúc Ngọc Lan hay Đưa em tìm động hoa vàng… Còn nhạc nước ngoài tôi hâm mộ ban nhạc Bee Gees.
Thật may mắn khi cha tôi xuất thân là ca sĩ của Đài Phát thanh Huế vì thế con đường ca hát của 3 chị em vô cùng thuận lợi (cười). Ông cụ chẳng những không ngăn cấm mà ngược lại còn động viên khuyến khích các con đến với âm nhạc bằng cách gửi ba chị em chúng tôi đến học tại lớp nhạc của nhạc sĩ Ôn Văn Tài – nhạc công lừng lẫy trong dàn nhạc hoàng gia Campuchia ở Phnom Penh – học nhạc lý, violon và guitar suốt 5 năm ròng rã.
Ca sĩ Bảo Yến (giữa) cùng em gái, ca sĩ Nhã Phương (bên phải) và bà Thùy Dung, Giám đốc Trung tâm băng nhạc Rạng Đông tại khách sạn Sofitel năm 2005.
- Cơ duyên nào đưa đẩy chị hội ngộ nhạc sĩ Quốc Dũng – chồng chị hiện nay?
- Năm 1975, khi lên Sài Gòn, tôi đã 17 tuổi. Với ngoại hình ưa nhìn, tôi và Nhã Phương may mắn được nhà báo Bửu Huyền tuyển vào làm thư ký tại Ban Văn nghệ Đài Truyền hình TP.HCM.
Trong thời gian 6 tháng ngắn ngủi công tác tại đây tôi thường xuyên gặp gỡ nhạc sĩ Quốc Dũng – chuyên viên hòa âm phối khí các chương trình văn nghệ của đài. Chúng tôi đã phải lòng nhau sau khi anh ấy sáng tác tình khúc Bài ca Tết cho emdành tặng riêng tôi!
Tôi và anh Dũng đã ngồi đón giao thừa bên nhau trong một căn gác gỗ ọp ẹp, dẫu trong phòng không có hộp mứt, bánh chưng, nhành mai hay phong pháo nhưng chúng tôi vẫn cảm thấy vô cùng hạnh phúc. Sau đó, anh Dũng đã sáng tác Mùa xuân đầu tiên cũng để tặng tôi.
Video đang HOT
- Nhạc sĩ Quốc Dũng trước lúc yêu chị đã từng ly dị vợ, cha mẹ chị có phản đối cuộc tình này không?
- Tất nhiên là cha mẹ tôi không chấp nhận cuộc hôn nhân “lệch pha” này bởi ngoài chuyện đã có vợ con, anh ấy còn lớn hơn tôi đến bảy tuổi. Hai năm sau khi anh Dũng ly dị với người vợ cũ, trước tình yêu mãnh liệt của chúng tôi, cha mẹ cuối cùng cũng phải “đầu hàng”, chấp nhận cho tôi và anh Dũng lấy nhau vào năm 1987.
- Hiện tượng “nữ hoàng nhạc sến”Bảo Yến xuất hiện vào thời điểm nào và trong hoàn cảnh nào?
- Đó là vào đầu thập niên 1980, sau khi lãnh đạo TP.HCM kêu gọi các đơn vị nhà nước thành lập ban nhạc chuyên biểu diễn phục vụ ca khúc chính trị, thế là nhiều ban nhạc lần lượt ra đời gồm Sinco, Sao Sáng, Đại Dương, Hải Âu, Rạng Đông, Hy Vọng…
Thời điểm 1980-1984, phong trào ca khúc chính trị rất đình đám, lan rộng khắp các tỉnh thành cả nước. Biết tôi có ý định sẽ chuyển đến hát cho ban nhạc Hy Vọng, có lẽ do… sợ mất tôi, nên năm 1984, anh Quốc Dũng quyết định thành lập ban nhạc Hoàng Hôn với hai giọng ca chủ lực Bảo Yến – Sĩ Thanh. Nghệ danhBảo Yến chính thức được khai sinh từ ban nhạc này.
- Dư luận cho rằng tài năng Bảo Yến thăng hoa là nhờ bệ phóng từ ông chồng nhạc sĩ. Chị nghĩ sao?
- Không đúng! Anh Quốc Dũng hòa âm phối khí nhằm trau chuốt các bài hát của tôi và chỉ vậy thôi. Tôi thành danh nhờ vào nhiều yếu tố như thanh sắc, vóc dáng, phục trang, cách thể hiện bài hát, 25 năm đứng trên sân khấu tôi chưa bao giờ nảy sinh ý định dựa dẫm tên tuổi chồng tôi nhằm tạo dựng vị thế cho mình!
Cạn chén tình đành nương mình cửa Phật
- Vài kỷ niệm khó quên trong cuộc đời ca hát của chị?
- Thập niên 1980, Sở Văn hóa Thông tin quy định mỗi ca sĩ chỉ được trình bày tối đa 3 bài trong một chương trình. Khi đó, tôi và Nhã Phương là ca sĩ thuộc hàng vedette vì thế tiền cát-xê hát 3 bài lúc đó tương đương 2 chỉ vàng. Nhờ vậy, tôi mới có điều kiện dành dụm mua được 2 căn hộ khang trang trên đường Bà Huyện Thanh Quan và Ngô Thời Nhiệm (quận 3). Tôi nhớ da diết cái thời mỗi đêm chạy show khắp 8 tụ điểm ca nhạc trong thành phố với chiếc Honda cà tàng, tiếng pô xe nổ bành bạch như tàu hỏa!
- Được biết chị còn có thú sưu tập những chiếc ô tô đắt tiền? Một kiểu chơi xa xỉ trong thời điểm kinh tế nước nhà khó khăn của sao?
- Từ bé tôi đã mê xe hơi đồ chơi, vì vậy năm 1993, sau thời gian dài dành dụm từ tiền đi hát, tôi đã tậu được cho mình một chiếc ô tô Toyota Corola trị giá đến 12 lượng vàng. Tôi dám khẳng định tôi và NSƯT Bảo Quốc là 2 nghệ sĩ Sài Gòn đầu tiên sở hữu ô tô. Chạy được 7 năm tôi mua xe Fiat của Ý, 2 năm sau chạy chán lại đổi sang chạy Toyota Camry.
Hiện tại, tôi đã đặt hàng từ nước ngoài chiếc ô tô 4 chỗ BMW đời 528I, tháng 12 này sẽ nhập về Việt Nam. Tôi thích ô tô đẹp, sang trọng nên mua chạy chơi và chạy show vậy, chẳng lòe thiên hạ làm gì. Hai cậu con trai Nguyễn Quốc Hoàng Kim, 25 tuổi và Nguyễn Quốc Bảo Châu, 20 tuổi cũng tỏ ra rất thích sưu tập ô tô y như mẹ vậy.
- Việc chồng ngoại tình đã khiến chị suy sụp tinh thần đến nỗi phải tìm sự tĩnh tâm bằng cách nương nhờ cửa Phật? Có phải chị cũng chạy theo mốt quy ẩn chọn lối sống khép mình thờ phật tại gia hiện khá phổ biến trong giới nghệ sĩ mà Thẩm Thúy Hằng, Kim Cương, Bạch Tuyết, Việt Trinh đang áp dụng?
- Đó là năm tôi 31 tuổi (1989), khi tôi và Quốc Dũng đã lấy nhau được 2 năm. Một hôm, anh Dũng nói phải lên tận Đà Lạt bán gấp một dàn loa, âm ly cho người bạn tại đây bởi bán ở Sài Gòn sẽ bị rớt giá. Khi anh Dũng đi rồi, linh tính mách bảo cho tôi biết ánh mắt và lời nói của anh Dũng có gì không thật.
Tối đó, tôi cứ trằn trọc không sao chợp mắt được, nửa đêm nằm mơ thấy chồng tôi ngoại tình, giật mình tỉnh mộng. Thế là ngay trong đêm, tôi bèn chở cha tôi tức tốc phóng ô tô lên tận Đà Lạt và sau một hồi lùng sục đến tận 5h sáng đã “bắt tại trận” chồng tôi đang giở trò “mèo chuột” với nhân tình trong một khách sạn bên rừng thông.
Sau cú sốc đó, tôi quyết định chọn lối sống ẩn dật, khép kín, cắt đứt mọi quan hệ bạn bè cũng như báo giới và tìm đến Thiền viện Vạn Hạnh học Phật pháp, được sư trụ trì đặt pháp danh Hoa Yên (tức khói trên núi Yên Tử). Những ngày lễ Tết hay sóc vọng, tôi đều đến cúng dường và giảng 10 điều Phật răng cho trẻ ở chùa.
Tôi nương nhờ cửa Phật từ năm 1989 đến nay đã mấy chục năm, không phải mới đây mà dư luận lại đàm tiếu cho là tôi bắt chước người khác bày trò quy ẩn nơi cửa thiền!
Ông ăn chả, nhưng bà chửa nếm nem!
- Có phải sau cú sốc đó, hạnh phúc gia đình chị đã thật sự vỡ vụn, bằng chứng là chị đã buông xuôi qua việc chấp nhận cho chồng mình có quyền tằng tịu với những người phụ nữ khác trong khi bản thân cũng quan hệ với một người nước ngoài đáng tuổi em mình?
- 23 năm qua, vết thương trong lòng tôi đã lành hẳn, nỗi buồn hận đã không còn ám ảnh tôi trong từng giấc ngủ. Chồng tôi có số đào hoa, vì thế nhiều phụ nữ tự nguyện tìm đến với anh ấy chẳng khác nào như bị nam châm hút, có cố ra sức ngăn cản cũng chẳng giải quyết được gì, thôi thì đành phó thác cho định mệnh, cho số phận.
Khi nào anh Dũng muốn đi bước nữa với người khác, ngỏ lời, tôi sẵn sàng chấp nhận ly dị, giải phóng anh ấy khỏi sự ràng buộc mang tính hình thức. Tôi không ghen tuông nữa vì đã quá mệt mỏi với người chồng phản bội. Chúng tôi tôn trọng nhau, thỉnh thoảng thăm viếng nhau không phải vì tình mà vì nghĩa và vì hai đứa con.
Là phụ nữ đã có tuổi, với tôi bây giờ cần nhất là một chỗ dựa về mặt tinh thần. Tôi cần tình yêu chứ không phải nhu cầu tình dục, do đó tôi mới chấp nhận quen với J. Sau 7 năm, tất nhiên sự thân mật giữa chúng tôi thể hiện trên mức tình bạn nhưng quan hệ tình dục thì tuyệt đối không. Tôi tình cờ quen J. trong một quán bar trên đường Lê Thánh Tôn (quận 1), J. là người Canada, nhỏ hơn tôi 5 tuổi, đã ly dị vợ, từng là nhạc công rồi nhạc sĩ sáng tác, bây giờ là nhà tổ chức chương trình ở Toronto.
Tuổi của tôi đủ lý trí để dừng bước trước ngưỡng cửa vườn địa đàng. Một trong 10 điều răn của nhà Phật là “Nghiêm cấm ngủ với người không phải chồng mình”. Chồng tôi quan hệ trai gái lăng nhăng đã rõ nhưng chẳng bao giờ có chuyện “bà ăn nem”, bởi giữa tôi và anh Dũng vẫn còn sự ràng buộc, thậm chí, tôi còn công khai đưa J. về nhà với tư cách là một người bạn, giới thiệu với chồng và các con tôi. Tôi luôn cố gắng giữ hạnh phúc gia đình êm ấm cho dù đó là thứ hạnh phúc mong manh tạm bợ bởi những cuộc phiêu lưu tình ái của chồng tôi!
- Sau nhiều năm ly thân với Quốc Dũng, chị tránh tụ tập với bạn bè, đồng nghiệp, vậy chị đối chọi với nỗi cô đơn trống vắng trong gian phòng lạnh lẽo bằng cách nào?
- Mỗi ngày tôi dành ra 1h tụng kinh, xem phim nước ngoài trên tivi và đọc Tự lực văn đoàn của Khái Hưng, Thạch Lam, thỉnh thoảng bật máy nghe lại “giọng ca dĩ vãng” của mình qua những tình khúc Gò Công như Thương một người ở xa, Chuyện ba người, Mẹ Gò Công, Hoa sứ nhà nàng... để nhớ nhung và mơ mộng về một quá khứ vàng son. Tôi tuyệt đối không bao giờ theo dõi các chương trình ca nhạc trong nước hiện phát trên truyền hình.
“Tôi từng bị dụ đóng cảnh thoát y”
- Nếu không lầm, vào thời hoàng kim, với thân hình bốc lửa, áo mouselin mỏng tang, cổ khoét sâu hở nửa bộ ngực đồ sộ, váy chẻ sâu quá đùi, “nữ hoàng sexy” Bảo Yến từng bị một đạo diễn dụ đóng cảnh nude trong phim?
- Khoảng đầu năm 1989, tôi bất ngờ được đạo diễn kỳ cựu – NSND Lâm Tới mời tham gia một vai trong bộ phim Cô kỹ sư. Sau khi nhận lời, về đọc kịch bản mới tá hỏa bởi nhân vật phải diễn cảnh thoát y trên giường với bạn tình. Hoảng quá, tôi lập tức chấm dứt hợp đồng với đoàn làm phim. Sau này, cảnh nóng trên do cô đào bốc lửa Bích Liên thể hiện rất mùi mẫn cùng diễn viên Quang Đại. (Nữ diễn viên Bích Liên từng tạo scandal với cảnh phơi ngực trần trong bộ phim Vụ án viên đạn lạc, đóng cặp cùng Thương Tín).
- Nhận xét thật lòng về giới ca sĩ trẻ nói riêng và showbiz Việt nói chung hiện nay như thế nào?
- Ca sĩ theo tôi gồm 2 loại, loại thứ nhất là ca sĩ thực thụ, chuyên nghiệp và loại thứ hai là những người hát tựa ca sĩ. Với tôi, trời ban cho Đàm Vĩnh Hưng, Mỹ Tâm, Hồ Ngọc Hà, Thanh Thảo, Hồ Quỳnh Hương… chút tài năng để họ bước lên sân khấu múa may quay cuồng như một con rối. Tên tuổi người nghệ sĩ phải trụ vững và tỏa sáng trên sân khấu 20 năm mới đạt đẳng cấp nghệ sĩ thực thụ! Đến như ca sĩ Phương Thanh cũng chỉ là một trường hợp “sớm nở tối tàn”.
Ngày xưa, thời của tôi không có hát nhép, ca sĩ không tổ chức họp báo nhét tay phóng viên phong bì nhờ thổi phồng bơm đẩy tên tuổi, cũng chẳng có phòng thu digital nâng cấp chất giọng ca sĩ tràn lan như bây giờ.
Showbiz Việt bao lâu nay vốn là một thế giới không có tình người, những đồng nghiệp thân thiết bữa trước còn lớn tiếng tung hô chúc tụng bạn, ngay ngày hôm sau chính kẻ đó đã “đạp” bạn xuống bùn một cách không thương tiếc. Trong giới nghệ sĩ từ trước đến nay rất hiếm người tốt, chỉ toàn những kẻ luôn mồm xỏ xiên, nói xấu, bêu rếu nhau, chực chờ toan tính hãm hại những ai tài giỏi hơn mình. Tôi từng nhiều lần là nạn nhân của những đồng nghiệp xấu bụng, tóm lại thế giới showbiz Việt luôn đầy rẫy sự bon chen, ghen tỵ.
Tôi không bao giờ quên chuyện một nữ ca sĩ rất nổi tiếng với Bài ca không quêntừng chống nạnh, sừng sộ tuyên bố một câu xanh rờn trước đông đảo thành viên đoàn ca nhạc nhẹ Tháng Tám: “Con Bảo Yến làm sao có đủ tư cách đi lưu diễn nước ngoài!”. Quả thật, sau đó tôi bị gạch tên ra khỏi danh sách đi Liên Xô và Ba Lan biểu diễn. Còn nữa, một nữ ca sĩ biệt danh là “Bống” từng lớn tiếng cảnh tỉnh đồng nghiệp Bằng Kiều: “Mày cũng bày đặt bon chen nhập băng với đám trong Sài Gòn à?”. Những lời mai mỉa như thế thật thiếu tình người.
- Câu hỏi cuối cùng, trong tương lai, chị có ý định thực hiện liveshow cho mình?
- Không bao giờ tôi có ý định tổ chức liveshow cho mình nhưng viết hồi ký thì có. Tôi đang tổng hợp các dữ liệu trong việc chắp bút về cuộc đời mình trên giấy.
Kỷ niệm nhớ đời chạy showTrong một chương trình ca nhạc tạp kỹ tại Nhà hát Hòa Bình, ca sĩ Thy Nga được ra diễn trước, chẳng biết vô tình hay hữu ý đã hát 2 bài “ruột” của đồng nghiệp Nhã Phương là Tạm biệt chim én và Bambino. Lúc vô hậu đài, Thy Nga lập tức bị hai chị em Bảo Yến – Nhã Phương xúm lại hỏi tội và “đánh hội đồng”. Những tưởng “2 chọi 1 không chột cũng què”, ngờ đâu Thy Nga vốn là cao thủ đai nâu Taekwondo (học trò cưng của võ sư Khúc Văn Bón) do đó chị em Bảo Yến – Nhã Phương bị đối thủ phản đòn khiến cả hai trầy trụa xây xát khắp mình mẩy, tay chân, may nhờ các nghệ sĩ và lực lượng bảo vệ can thiệp kịp thời. Xuất xứ của nghệ danh Bảo YếnMối tình đầu của cô nữ sinh lớp 12 trường làng Nguyễn Khắc Kim Yến với ông thầy dạy Hóa thuộc dòng dõi quý tộc Tôn Thất Thành đành phải đứt đoạn bởi gia đình “nhà gái” không đồng ý.Mối tình tiếp theo của Kim Yến với chàng sinh viên Phạm Ngọc Bảo hào hoa, đẹp trai, con nhà giàu được hai bên gia đình ủng hộ. Tuy nhiên, sau lễ đính hôn thì miền Nam giải phóng, “chàng rể” đóng tàu vượt biên sang Mỹ rồi bặt tin suốt 9 năm ròng, đến khi quay về quê nhà tìm vợ thì hỡi ôi “ván đã đóng thuyền”. Vì thế, khi bước chân vào nghề ca hát, Kim Yến bèn lấy nghệ danh lót chữ “Bảo” để luôn hoài niệm về “người chồng không bao giờ cưới”. Sau đó, Kim Yến cũng tham gia vượt biên nhưng bị chính quyền cách mạng phát hiện bắt nhốt 3 tháng tại trại giam ở Bạc Liêu (Minh Hải).Làng nhạc Sài Gòn giai đoạn 1982 – 1992, ca sĩ Bảo Yến cùng thế hệ với Cẩm Vân, Ngọc Bích, Thu Hà, Ngọc Anh, Ngọc Yến, Kim Yến, Thu Cúc, Nhã Phương, Thy Nga, Thu Nở, sau Lan Ngọc, Họa Mi, Trang Thanh Lan, Trang Kim Yến, Bích Trâm, trước Ngọc Ánh, Thiên Kim, Ngọc Điệp.Hai năm sau khi chồng – nhạc sĩ Lê Hựu Hà – đột ngột qua đời (2003), ca sĩ Nhã Phương, em gái của Bảo Yến, đi bước nữa với người chồng quốc tịch Mỹ. Năm 2009, cô đã cùng hai con theo chồng mới định cư tại tiểu bang Colorado (Mỹ).
Theo Bóng đá