Bảo vật quốc gia 1.200 tuổi ở Sài Gòn
Từng được bảo hiểm đến 5 triệu USD khi trưng bày, tượng Phật Thích Ca Mâu Ni được phát hiện ở Quảng Nam và do nghệ nhân Chăm Pa cổ chế tác.
Tại bảo tàng lịch sử TP HCM, tượng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni bằng đồng thau được bảo quản rất cẩn thận. Đây là một trong 30 bảo vật quốc gia được chính phủ công nhận đợt đầu tiên (năm 2012).
Tượng được một người Pháp phát hiện năm 1911 tại làng Đồng Dương, xã Bình Định, huyện Thăng Bình (Quảng Nam) nên có tên khác là tượng Phật Đồng Dương.
Tượng Phật Đồng Dương đang được lưu giữ tại Sài Gòn. Ảnh: Tư liệu
Pho tượng cao 120 cm, nặng 120 kg, chỗ rộng nhất dài 38 cm, vị trí dày nhất cũng 38 cm. Bức tượng là hình ảnh Đức Phật đứng thuyết pháp trên bệ tròn 2 tầng có cánh sen xung quanh. Tóc trên đỉnh đầu được bới từng vòng, quăn hình ốc.
Khuôn mặt Đức Phật tròn đầy đặn, đôi tai dài và mắt sâu, cổ ba ngấn. Vai phải để trần, áo từ vai trái rũ xuống theo kiểu nam thần Yaksha, thân dưới mặc Antariya dài tới mắt cá chân.
Khi phát hiện, các nhà khảo cổ học ở Trường Viễn Đông Bác Cổ và Hội Nghiên cứu Đông Dương đánh giá tượng Phật Đồng Dương có hình dáng hài hòa, kỹ thuật tạo y phục tinh tế làm toát lên vẻ uy nghiêm và là một trong những pho tượng Phật cổ thuộc hàng đẹp nhất Đông Nam Á thời bấy giờ.
Họ nhận định tượng Phật Đồng Dương giống các tượng Phật của Amaradhapura (nước Sri Lanka), từ đó suy đoán bức tượng có niên đại khoảng thế kỷ III – IV, được mang về từ Ấn Độ hoặc Sri Lanka. Nhưng nhiều nhà khảo cổ nghiêng về khả năng là tượng do người Chăm xưa làm nên.
Hiện, các nhà nghiên cứu xác định bức tượng có niên đại vào khoảng thế kỷ VIII – IX. Thời kỳ này vương quốc Chăm Pa cùng nền Phật giáo phát triển hưng thịnh nhất.
Tượng phật là bảo vật quốc gia được công nhận lần đầu tiên. Ảnh: Tư liệu
Ngoài thiết kế tinh xảo, tượng Phật còn hội tụ 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp tùy hảo trong quan niệm của đạo Phật. Một trong các tướng tốt là bàn chân Phật chấm sát đất, khít với mặt phẳng đến cây kim cũng không luồn qua được.
Video đang HOT
Diệu tướng thứ 17 của nhà Phật cũng thể hiện ở hai tay, chân, mắt. Giữa cổ có khắc 3 ngấn chìm gộp lại thành “7 chỗ đầy đặn”. Điểm đặc biệt nữa của pho tượng cổ là phần nổi trên đỉnh đầu, đây là tướng “nhục kế” trong Phật giáo.
Tượng Phật Đồng Dương đã được đưa đi trưng bày ở nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Pháp, Bỉ… Trong triển lãm cổ vật Đông Nam Á tại Bảo tàng Guimet ở Paris (Pháp), tượng được mua bảo hiểm 5 triệu đôla. Đây là mức giá bảo hiểm cao nhất cho một pho tượng của Việt Nam trưng bày tại nước ngoài.
Nơi phát hiện tượng Phật Đồng Dương năm 1902 và hiện tại. Ảnh: Tư liệu
Sau khi phát hiện tại Quảng Nam, tượng Phật được đưa ra bảo quản ở Hà Nội. Đến năm 1954, tượng được đưa vào Sài Gòn cho đến ngày nay.
Làng Đồng Dương nơi tìm ra pho tượng vốn là Phật viện lớn nhất của người Chăm xưa. Khu vực này hiện xuống cấp nghiêm trọng do sự tàn phá của chiến tranh và cả con người.
Theo các nhà nghiên cứu, Phật giáo du nhập vào Chăm Pa từ trước công nguyên thông qua những nhà buôn Ấn Độ. Họ vừa trao đổi văn hóa đồng thời truyền đạo Phật vào vùng đất giàu về trầm hương và vàng này.
Ngoài tượng Phật Thích Ca Mâu Ni, năm 1978, người dân còn đào được tại Đồng Dương tượng Bồ tát Laskmindra – Lokesvara. Tượng đúc bằng đồng thau, cao 1,14 m, trước kia được đặt trên bệ thờ của đền thờ chính. Tượng này sau đó cũng được công nhận là bảo vật quốc gia
Sơn Hòa
Theo VNE
Bảo vật quốc gia Đại hồng chung bị viết bậy
Đại hồng chung ở chùa Thiên Mụ (TP Huế, Thừa Thiên Huế) là bảo vật quốc gia, nhưng đang bị nhiều du khách viết, vẽ bậy lên.
Vào năm 1601, chúa Nguyễn Hoàng cho xây dựng chùa Thiên Mụ (hay còn được gọi là chùa Linh Mụ) nằm bên bờ sông Hương thuộc phường Hương Long (thành phố Huế, Thừa Thiên Huế).
Vào năm 1710, chúa Nguyễn Phúc Chu đã cho đúc quả Đại hồng chung bằng đồng và đặt chiếc chuông tại chùa Thiên Mụ. Chuông cao 240 cm (thân cao 188 cm; quai cao 52 cm), đường kính miệng 140 cm, đường kính thân 114,6 cm, nặng 1.985,8 kg.
Phần quai chuông tạo hình con bồ lao 2 đầu quay ra 2 phía, 4 chân trước của bồ lao gắn với đỉnh chuông. Thân bồ lao uốn cong, trên lưng là một bông sen. Râu, mắt, vi, kỳ lưng và chân của bồ lao đều được chạm khắc rất tinh vi. Vào năm 2013, Đại hồng chung chùa Thiên Mụ được công nhận bảo vật quốc gia.
Là ngôi chùa nổi tiếng, hàng ngày chùa Thiên Mụ đón hàng trăm lượt khách tham quan. Nhiều du khách nước ngoài khi đến chùa Thiên Mụ rất ấn tượng với chiếc chuông Đại hồng chung đặt phía bên phải tháp Phước Duyên nằm trong khuôn viên chùa.
Xưa kia, tiếng chuông Đại hồng chung chùa Thiên Mụ rất nổi tiếng, đi vào thi ca. Nhiều người mê tín cho rằng mong muốn điều gì ghi lên chuông, khi tiếng chuông phát ra sẽ đến tai chư Phật và mong ước sẽ thành hiện thật. Vì vậy, nhiều người bất chấp quy định của nhà chùa biến bên trong Đại hồng chung như một chiếc bảng, chật kín dòng chữ cầu an, nguyện cầu tình yêu.
Dòng chữ cầu thi đậu vào trường cấp 3 Nguyễn Huệ của một bạn trẻ ở thành phố Huế.
Hay những lời cầu sức khỏe...
...lời hẹn thề yêu đương. Hầu hết khách dùng bút màu trắng viết lên mặt trong chuông đồng.
Bề ngoài chuông cũng bị khách tham quan viết vẽ bậy, nhưng ít hơn. Chuông Đại hồng chung được lưu giữ phía trước khuôn viên cách xa nơi ở của sư thầy nên việc quản lý, bảo vệ gặp khó khăn.
Du khách người Anh khi biết bên trong chuông bị viết vẽ bậy đã cố vào chụp lại hình ảnh. Họ tỏ ra ngạc nhiên vì Đại hồng chung là bảo vật quốc gia của Việt Nam, nhưng lại bị nhiều người xâm hại, viết vẽ bậy.
Mai rùa, các bia lớn đặt đối diện Đại hồng chung cũng bị viết vẽ bậy. Tuy nhiên, nhà chùa không biết vì không có người trực thường xuyên tại nơi này.
Mặc dù nhà chùa dán biển cấm vẽ bậy trước nhà trưng bày chuông Đại hồng chung nhưng tình trạng viết vẽ bậy vẫn diễn ra.
Bà Huỳnh Thị Anh Vân, Giám đốc Bảo tàng cổ vật Cung đình Huế (Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế) cho biết, việc quản lý chuông thuộc về nhà chùa. Lâu nay, nhà chùa không phản ánh sự việc Đại hồng chung bị xâm phạm nên Trung tâm không biết, mặc dù đã bố trí một bảo vệ túc trực thường xuyên tại chùa.
"Nếu có sự việc chuông Đại hồng chung bị viết vẽ bậy, Trung tâm sẽ phối hợp với nhà chùa chùi tẩy để trả lại nguyên trạng", bà Vân nói.
Võ Thạnh
Theo VNE
Bia cổ hơn 500 tuổi khắc ghi công trạng hoàng thái hậu Bảo vật quốc gia Khôn Nguyên Chí Đức Chi Bi (Lam Kinh, Thanh Hóa) được khởi dựng hơn 500 năm trước. Nặng 13 tấn, tấm bia khắc ghi công trạng Hoàng thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao, bậc mẫu nghi thiên hạ, tài đức vẹn toàn. Bia Khôn nguyên chí đức hay còn gọi bia Quang thục Hoàng thái hậu Ngô Thị Ngọc...