Bảo tồn rắn hổ mang – Giúp nhà nông làm giàu
Rắn hổ mang được dân gian lưu truyền như một vị thuốc bổ tăng cường sinh lực, điều trị các bệnh liên quan đến xương khớp. Tuy nhiên, loài này đang có nguy cơ bị tuyệt chủng khi nạn săn bắt sử dụng làm thực phẩm cho con người ngày càng tăng lên. Có ý kiến cho rằng càng phải nghiêm cấm, xử lý chặt chẽ, gắt gao hơn vấn nạn này. Lại có ý kiến cho rằng phát triển rắn hổ mang làm nguyên liệu cho thực phẩm, dược phẩm vừa là một cách bảo tồn loài, vừa giúp người nông dân làm giàu. Hãy cùng trao đổi với TS. Võ Văn Sự – Chủ tịch Hiệp hội Bảo tồn Động vật quý hiếm Việt Nam về vấn đề này.
- PV: Thưa ông, hiện nay rắn hổ mang đang bị săn bắt bừa bãi để trở thành những món đặc sản trên bàn tiệc, hay nấu cao, ngâm rượu… phục vụ cho nhu cầu bồi bổ của con người. Ông nghĩ sao về thực trạng này?
-TS. Võ Văn Sự: Có cung thì có cầu. Nó thể hiện những nhu cầu tất yếu của xã hội đang phát triển. Một bộ phận dân chúng giàu có không ngần ngại chi rất nhiều tiền để sở hữu một chai rượu rắn hổ mang chúa hay một lọ cao rắn hổ để chữa bệnh. Đây là một thực tế đáng lo ngại.
- PV: Ông có thể nói rõ hơn về những hệ lụy của việc săn bắt bừa bãi này không?
- TS. Võ Văn Sự: Rõ ràng nếu chúng ta không có ý thức bảo vệ loài này, hậu quả không chỉ là làm mất cân bằng hệ sinh thái tự nhiên, mà chính con cháu chúng ta sẽ không còn cơ hội sử dụng những giá trị dược tính quý mà loài rắn hổ mang đem lại.
- PV: Ông có thể cho biết biện pháp nào khắc phục được tình trạng này?
- TS. Võ Văn Sự: Hiện nay, nhà nước không phản đối hình thức chăn nuôi động vật quý hiếm của người nông dân. Bằng cách này, người nông dân vừa có cơ hội làm giàu, vừa giúp bảo tồn nguồn động vật quý thoát khỏi nguy cơ tuyệt chủng.
Tuy nhiên, việc chăn nuôi động vật hoang dã không đơn giản như chăn nuôi động vật nhà. Cần phải tuân thủ những quy định khắt khe để đảm bảo vật nuôi được sinh tồn trong môi trường tương tự môi trường hoang dã. Nếu không, động vật hoang dã sẽ mất đi giá trị đặc tính của loài, việc bảo tồn không có giá trị.
- PV: Ở Việt Nam hiện nay có những mô hình nào đang đi theo hình thức này, thưa ông?
- TS. Võ Văn Sự: Rất ít. Để được cấp phép hoạt động, các cơ sở phải được các cơ quan chức năng chứng nhận đảm bảo an toàn cho người, được quản lý chặt chẽ số lượng, chất lượng con giống – vật nuôi, chịu sự kiểm soát thường xuyên việc thực hiện nhiệm vụ bảo tồn giống vật nuôi có gene quý hiếm. Hiện nay chỉ có một số trại rắn Vĩnh Sơn (Vĩnh Phúc), Đồng Tâm (Tiền Giang) là được chứng nhận và cấp phép.
- PV: Ngoài những khó khăn từ phía cơ quan quản lý, xin ông cho biết người nông dân còn phải đối mặt với những khó khăn nào khác?
- TS. Võ Văn Sự: Chăn nuôi vất vả là vậy, nhưng nếu không có đầu ra ổn định, người nông dân cũng rất dễ trắng tay. Tôi từng gặp rất nhiều trường hợp thương tâm, lam lũ cả năm trời mong chờ đến ngày thu hoạch, nhưng cuối cùng lại bị thương gia câu kết ép giá. Nuôi tiếp thì không còn vốn, mà bán ra thì bị lỗ gần nửa, coi như cả năm tâm huyết bị đổ sông đổ bể.
- PV: Nói như vậy, việc tham gia của các doanh nghiệp vào mô hình chăn nuôi này cũng đóng vai trò rất quan trọng, phải không ạ?
- TS. Võ Văn Sự: Bạn nói đúng. Hiện nay có không ít các doanh nghiệp sản xuất các chế phẩm từ rắn hổ mang, nhưng theo tôi được thấy, có một số doanh nghiệp chọn cách làm ăn chộp giật, sử dụng nguồn nguyên liệu thu mua nay đây mai đó, cốt chỉ để lấy giá rẻ. Chỉ một số rất ít các doanh nghiệp chịu đầu tư bài bản, mang tầm chiến lược lâu dài, bền vững bằng việc bắt tay với các trại rắn có quy mô để cung cấp đầu vào. Tôi rất ủng hộ các doanh nghiệp này vì đây là việc làm có lợi cho cả 3 bên: doanh nghiệp, nhà nông và hội bảo vệ động vật hoang dã, đem lại sự phát triển cho cả xã hội.
- PV: Xin chân thành cảm ơn ông!
PGS. TS Lê Lương Đống – Phó giám đốc Học viện Y học cổ truyền Việt Nam, Viện trưởng Viện nghiên cứu YHCT Tuệ Tĩnh: Công dụng của rắn hổ mang với bệnh xương khớp như giảm đau tê, nhức mỏi, ngăn ngừa thoái hóa đã được chứng minh bằng kinh nghiệm dân gian, bằng lý luận y học cổ truyền và cả các công trình nghiên cứu của y học hiện đại. Tuy nhiên, để có sản phẩm tốt, rắn hổ mang phải được phối hợp với xương của một số động vật như xương dê và các loại thảo dược như phòng phong, tang ký sinh, ngưu tất… Như sản phẩm Bách Xà của Công ty Nam Dược là một ví dụ.
Bách Xà là sản phẩm đáng tin cậy nhờ 3 lí do. Thứ nhất, nhà máy của Công ty Nam Dược được đầu tư bài bản về công nghệ, đạt nhiều tiêu chuẩn quốc tế. Thứ hai, công ty đã phối hợp với trại rắn Vĩnh Sơn để có nguồn nguyên liệu chuẩn hóa, sạch và ổn định. Thứ ba, đây là một doanh nghiệp có tâm huyết, lương y đạo đức và có đủ tâm với nghề, với sản phẩm.
Theo ANTD
Tan hoang rừng bảo tồn Kim Hỷ
Tình trạng phá rừng và khai thác vàng trái phép tại Khu bảo tồn (KBT) thiên nhiên Kim Hỷ (thuộc địa phận 2 huyện Na Rì và Bạch Thông của tỉnh Bắc Kạn) trắng trợn và manh động còn hơn ở Vườn quốc gia Ba Bể mà báo chí từng lên tiếng.
Video đang HOT
Thông tin về đoàn kiểm tra như bị rò rỉ. Bởi mỗi lần đoàn công tác tiếp cận được hiện trường, thì chỉ còn lại sự im ắng, không một bóng người...
Ông Nông Văn Kỳ - Chủ tịch UBND H.Na Rì
Từ trung tâm xã Lạng San vào tới thôn Thẳm Mu thuộc xã Ân Tình (H.Na Rì) dài chỉ hơn chục cây số nhưng chúng tôi phải mất gần hai tiếng đồng hồ mới đến nơi. Trong vai những sinh viên ngành lâm nghiệp đi thực địa, chúng tôi được ông M., một người dân bản địa, giúp dẫn đường lên đỉnh Cốc Khoang - một trong những điểm lõi của KBT Kim Hỷ rộng trên 14.000 ha này.
"Nghĩa địa nghiến" trong rừng thẳm
Ông M. kể, người dân Thẳm Mu vẫn quen gọi ngọn núi trên đỉnh Cốc Khoang là "nghĩa địa nghiến". Bởi xác các cây nghiến cổ thụ bị lâm tặc đốn hạ cách đây không lâu vẫn còn nằm ngổn ngang nơi đây.
Con đường dẫn lên núi khúc khuỷu, dốc ngược, có chỗ dựng đứng khiến chúng tôi phải nằm rạp người bám vào các mỏm đá mà bò lên. Sau gần một cây số leo núi, chúng tôi đặt chân vào trung tâm "nghĩa địa nghiến". Những thân gỗ nghiến cổ thụ có chu vi đến vài người ôm nằm ngổn ngang khắp nơi. Phần lớn chúng đều bị cưa làm nhiều khúc, bỏ mặc mưa nắng. Ông M. cho biết những cây nghiến này bị lâm tặc đốn hạ từ cuối năm 2011, đầu năm 2012. Nhưng đợt đó, do bị kiểm lâm phát hiện, truy bắt gắt gao nên chúng không mang ra ngay được mà phải cắt thành nhiều khúc rồi giấu trong rừng, đợi thời cơ thuê người chuyển ra.
Dọc con đường mòn ngót cây số nằm sâu trong rừng, chúng tôi đếm được có đến hàng trăm xác nghiến, có nhiều cây vẫn nguyên trạng sau khi bị đốn. Theo ông M., đây là những cây bị sâu, bị nứt hoặc có lõi đồng tâm nên bọn lâm tặc không sử dụng. Trước đó, chỉ chừng hơn 1 năm, núi Cốc Khoang vẫn bạt ngàn nghiến cổ thụ mấy người ôm, nhưng giờ chỉ còn loại nghiến to hơn một người ôm tí chút. Con đường mòn mà ông M. dẫn chúng tôi đi cũng chỉ được hình thành mới đây, khi bọn lâm tặc mở đường để vận chuyển gỗ. Thời điểm nóng nhất, mỗi ngày có hàng chục đoàn người đi gỗ qua lại con đường này.
Theo lời ông M., bọn lâm tặc thường dùng cưa máy để hạ cây. Còn những vết dao quắm trên thân cây là do chúng đánh dấu trước, chờ đêm xuống sẽ quay vào đốn hạ. "Lâm tặc giờ ghê lắm, trời mưa càng to chúng càng đi gỗ nhiều. Vì lúc đó, đồng bào không đi nương, kiểm lâm ngại đi rừng", ông M. nói.
Thân cây nghiến và thớt nghiến bị bỏ lại trên lối mòn trong rừng - Ảnh: Hà An
Xới tung rừng để tìm vàng
Ngoài lâm tặc phá rừng, theo khảo sát của PV Thanh Niên, hiện trong khu vực KBT Kim Hỷ có cả trăm lũng, mỏ khai thác vàng trái phép.
Có mặt tại mỏ khai thác vàng sa khoáng Tốc Lù (bản Kim Vân, xã Kim Hỷ, H.Na Rì) trong nhiều ngày, điều khiến chúng tôi ngạc nhiên hơn cả là dù trời nắng hay mưa, ban ngày hay ban đêm, nơi đây chẳng khi nào yên tiếng máy xúc đào đất, tiếng máy bơm hút nước, tiếng giàn tuyển vàng... vang lên dồn dập. Hiện tại, Tốc Lù có tới 12 chủ bưởng (mỗi chủ bưởng quản lý hơn 20 nhân công) tự phân chia nhau ranh giới để khai thác trái phép vàng sa khoáng. Hàng trăm nhân công, cùng máy xúc ầm ầm hoạt động. Đất đá lật xới tới đâu sẽ đưa ngay vào giàn tuyển, trước khi được sàng lọc bởi những máy bơm công suất lớn. Cứ thế, từng nhóm nhân công vài ba người miệt mài đào đãi tìm vàng sa khoáng không ngừng nghỉ. Thoáng nhìn, chẳng ai lại không nghĩ đây là một đại công trường.
Ngoài xã Kim Hỷ, KBT thiên nhiên này trải rộng qua các xã Lương Thượng, Ân Tình, Lạng San, Côn Minh (cùng thuộc H.Na Rì) đều xảy ra hiện tượng khai thác vàng sa khoáng trái phép. Các chủ bưởng không chỉ dừng lại ở việc xới tung từng khối đất tìm vàng, mà còn ngang nhiên đốn hạ những thân gỗ nghiến, đinh, trai... hàng trăm năm tuổi.
Những gốc nghiến này vừa mới bị đốn hạ
Ông Nông Văn Kỳ, Chủ tịch UBND H.Na Rì, cho hay các cơ quan chức năng của huyện thường xuyên thành lập các tổ công tác để truy quét, xử lý các bãi, các mỏ khai thác vàng sa khoáng. "Tuy nhiên, thông tin về đoàn kiểm tra như bị rò rỉ. Bởi mỗi lần đoàn công tác tiếp cận được hiện trường, thì chỉ còn lại sự im ắng, không một bóng người nơi khai thác vàng", ông Kỳ nói và cho biết sắp tới các tổ công tác chỉ được báo trước một thời gian rất ngắn trước mỗi đợt lên đường truy quét. Chưa hết, các thành viên tham gia tổ công tác sẽ bị thu lại điện thoại để tránh tình trạng lọt thông tin...
Kiểm lâm không biết hay làm ngơ ?
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Ban Quản lý KBT Kim Hỷ, thừa nhận tình trạng chặt phá gỗ nghiến tại khu vực rừng nằm trên địa bàn xã Ân Tình là có thật, và khẳng định những lâm tặc đang hoạt động ở đây phần lớn đều là người địa phương; danh sách 43 lâm tặc cũng đã được chuyển đến cơ quan công an. "Hiện chúng tôi chưa phát hiện ra trường hợp cây nghiến nào bị chặt trong thời gian gần đây, nhưng tình trạng người dân lén lút vào rừng cưa trộm những cây nghiến cũ bị lâm tặc đốn hạ trước kia vẫn thường xuyên xảy ra", ông Dũng nói.
Làm việc với PV Thanh Niên, ông Dũng luôn khẳng định "không có chuyện lâm tặc chặt phá cây tươi", nhưng khi chúng tôi trưng ra những hình ảnh ghi nhận trong chuyến thực địa tại khu vực núi Cốc Khoang thì ông Dũng lập tức lái câu chuyện sang hướng khác: "Trước đây, có một số ý kiến cho rằng cán bộ kiểm lâm KBT tiếp tay cho lâm tặc phá rừng. Nhưng từ trước đến nay, chưa hề có một trường hợp nào cho thấy kiểm lâm đồng ý cho lâm tặc đưa gỗ ra khỏi rừng. Thậm chí nhiều anh em đi làm nhiệm vụ còn bị lâm tặc đuổi đánh, đe dọa trả thù nữa...".
Theo Thanh Niên
Xác định được "lộ trình" bò tót xâm nhập sân bay Phú Bài Sáng 4.8, Chi cục Kiểm lâm Thừa Thiên-Huế cho Thanh Niên Online biết, đơn vị này vào ngày 2.8 đã có báo cáo kết quả điều tra hướng di chuyển của cá thể bò tót đi lạc vào sân bay Phú Bài (Thừa Thiên-Huế). Báo cáo cho biết, ngay sau cuộc cứu hộ con bò tót bất thành ở sân bay Phú Bài...