Báo Thái Lan: Vì sao giáo dục Việt Nam được đánh giá cao?
Tờ Bangkok Post vừa đăng tải bài viết lý giải tại sao thành tích giáo dục Thái Lan lại thua kém Việt Nam và Singapore.
Theo báo cáo đánh giá học sinh quốc tế gần đây của Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển (OECD), sinh viên Thái Lan đạt thành tích khá khiêm tốn. Điều này gây ra những lo ngại về chất lượng và khả năng của học sinh, sinh viên nước này. Trong khi đó, hệ thống giáo dục của Singapore và Việt Nam dường như đang tạo ra được những sinh viên giỏi nhất thế giới, Bangkok Post viết.
Kết quả Chương trình đánh giá sinh viên quốc tế 2015 (PISA 2015) được công bố gần đây cho thấy điểm số của sinh viên Thái Lan sụt giảm trong khi Singapore vượt qua Trung Quốc, vươn lên đứng thứ nhất trong 70 nước thuộc danh sách phân tích.
Một bất ngờ lớn hơn là điểm số của sinh viên Việt Nam, quốc gia có sự cải thiện đáng kể trên bảng xếp hạng, lên vị trí thứ tám (cao hơn Hong Kong, Trung Quốc) từ vị trí thứ 17 trong bảng đánh giá trước đó năm 2012.
Trong khi đó, Thái Lan xếp thứ 54. Điểm số của tất cả các môn đều thấp hơn so với đánh giá năm 2012. Phân loại theo từng môn học, Thái Lan đứng thứ 54 ở môn Toán, thứ 57 môn Đọc hiểu và vị trí 54 đối với môn Khoa học.
Kết quả xếp hạng PISA 2015 của các quốc gia và vùng lãnh thổ. Ảnh: POSTGraphics.
Vì sao giáo dục Việt Nam và Singapore thành công?
Một đoạn trong bài viết trên BBC, giám đốc giáo dục của OECD Andreas Schleicher cho rằng yếu tố chính là tiêu chuẩn giảng dạy. Singapore quản lý giáo dục giành được kết quả xuất sắc mà không có sự khác biệt lớn giữa trẻ em đến từ gia đình giàu hay có hoàn cảnh khó khăn.
“Singapore đầu tư mạnh vào đội ngũ giáo viên chất lượng để nâng cao uy tín và vị thế của việc giảng dạy, thu hút các sinh viên tốt nghiệp giỏi nhất”, ông Schleicher nói. Theo vị này, đảo quốc sư tử tuyển giáo viên thuộc top 5% các sinh viên tốt nghiệp đại học có thành tích cao nhất.
Đối với Việt Nam, ông Schleicher cho rằng thành công là nhờ tư tưởng tiên tiến của các quan chức chính phủ, một chương trình đào tạo tập trung và đầu tư vào giáo viên.
Video đang HOT
Schleicher rất chú ý đến chương trình đào tạo của Việt Nam. Theo vị này, chương trình được thiết kế cho phép học sinh có những hiểu biết sâu về các khái niệm cốt lõi và làm chủ những kỹ năng quan trọng. Điều này trái ngược với kiểu đào tạo “rộng những không sâu” của châu Âu và Bắc Mỹ.
“Gần 17% học sinh 15 tuổi nghèo nhất của Việt Nam nằm trong số 25% sinh viên giỏi nhất đến từ các quốc gia và nền kinh tế tham gia các bài kiểm tra của PISA. Trong khi đó, trung bình ở các nước OECD, chỉ 6% học sinh có hoàn cảnh khó khăn nằm trong nhóm này”, trích dẫn bài viết trên BBC.
Viện thúc đẩy giảng dạy Khoa học và Công nghệ của Thái Lan nhận định kết quả PISA cho thấy một quan niệm đã không còn chính xác. Đó là hiệu quả giáo dục liên quan mức GDP của một quốc gia và ngân sách dành cho giáo dục của nước đó.
Cũng theo viện này, nguyên tắc của người Việt Nam là đảm bảo rằng giáo viên phải làm tận tâm, có trách nhiệm và có kỷ luật. Họ hiếm khi bỏ giờ.
Học sinh Việt Nam cũng rất ham học. Nghiên cứu chỉ ra rằng không giống như học sinh Thái Lan, học sinh Việt Nam không sợ môn Toán.
Học sinh Việt Nam dành trung bình 227 phút mỗi tuần để học Toán, trong khi học sinh Thái chỉ dành 206 phút. Tổng số giờ học của học sinh Việt Nam là 32 giờ/tuần, thấp hơn so với Thái Lan 36 giờ/tuần.
Những vấn đề tồn tại của giáo dục Thái Lan
Ông Athapol Anunthavorasakul – học giả đến từ khoa giáo dục của Đại học Chulalongkorn tại thủ đô Bangkok – nhận xét kết quả PISA phản ánh sự chênh lệch nghiêm trọng giữa học sinh các trường nổi tiếng và học sinh ở khu vực nông thôn.
“Tình trạng này cho thấy Thái Lan không thể cải thiện sự công bằng trong phân bổ nguồn lực giáo dục”, ông nói.
Dù đầu tư cho giáo dục, kết quả PISA của Thái Lan khá khiếm tốn. Ảnh: Bangkok Post
Ông Athapol cho biết trong 2 – 3 năm gần đây, Bộ Giáo dục Thái Lan đầu tư tiền bạc đào tạo giáo viên và học sinh theo đánh giá của PISA nhưng việc thực hiện vẫn còn hạn chế.
“Tôi nghĩ rằng bộ đã đi sai hướng. Thay vì chi tiền vào việc đào tạo giáo viên và học sinh ở một số trường cho kỳ thi PISA, bộ cần tập trung việc thu hẹp khoảng cách giữa sinh viên ở những trường nổi tiếng và trường khó khăn”, ông Athapol nhận định.
Bộ trưởng Giáo dục Teerakiat Jareonsettasin thừa nhận ông cũng thất vọng với kết quả của học sinh Thái Lan. Nó phản ánh một khoảng cách rất lớn giữa học sinh những trường ưu tú và những người học ở trường nghèo nàn.
Ông Teerakiat nhấn mạnh rằng nếu chỉ tính riêng các trường như Mahidol Wittthayanusorn và Chulabhorn Wittayalai, điểm Khoa học, Đọc hiểu và Toán của học sinh tương đương các quốc gia đứng vị trí cao trong kết quả PISA.
Tuy nhiên, điểm PISA là số điểm chung của sinh viên tất cả trường học trên cả nước.
Theo Zing
GS Mỹ không hiểu vì sao VN nghèo mà kết quả PISA lại cao
GS Paul Glewwe (ĐH Minnesota, Mỹ) thốt lên rằng ông không hiểu được vì sao Việt Nam có kết quả PISA cao như vậy, trong khi GDP và các điều kiện khác thấp hơn nhiều nước.
Sáng 15/12, tại tiểu ban về Giáo dục đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong khuôn khổ Hội thảo khoa học quốc tế Việt Nam học lần thứ 5, GS Paul Glewwe đã có bài trình bày nghiên cứu của ông về kết quả chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA) của Việt Nam năm 2012.
GS Paul Glewwe cho biết mặc dù nghiên cứu của mình sử dụng kết quả năm 2012 - năm đầu tiên Việt Nam tham gia thi PISA, kết quả PISA năm 2015 vừa công bố hồi đầu tháng 12 của Việt Nam cũng rất cao.
GS Paul Glewwe ngạc nhiên vì kết quả PISA "khác thường" của học sinh Việt Nam.
GS người Mỹ tỏ ra khá ngạc nhiên với kết quả học sinh Việt Nam đạt được trong 2 kỳ PISA vừa qua. Ngay tiêu đề bài phát biểu của ông tại phiên thảo luận đã đặt câu hỏi: "Điều gì lý giải nên kết quả khác thường của Việt Nam trong mối tương quan với các nước khác?".
Theo GS Paul, năm 2012, lần đầu tiên học sinh Việt Nam tham gia chương trình đánh giá PISA và xếp thứ 8 về Khoa học, thứ 17 về môn Toán và thứ 19 về môn Đọc hiểu trong số 65 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia.
Vào năm 2015, trong số 72 nước tham gia, Việt Nam xếp thứ 8 về Khoa học, thứ 22 về Toán và thứ 32 về Đọc hiểu, cao hơn nhiều nước phát triển như Mỹ, Australia.
"Theo khảo sát của chúng tôi, xếp hạng PISA tỷ lệ thuận với trình độ GDP của quốc gia đó, nhưng đối với trường hợp của Việt Nam thì không đúng", vị giáo sư Mỹ nói.
"Điều gì đã làm nên điều khác biệt và diệu kỳ này của Việt Nam? Nói thật, chúng tôi cũng không hiểu chuyện gì đang xảy ra", GS Paul nói. "Liệu có sự tác động của đầu vào, sách học thêm, tham khảo... hay giáo viên dạy Toán ở Việt Nam giỏi hơn, chất lượng hơn các nước khác không?".
GS Paul Glewwe cũng cho biết khi so sánh Việt Nam với các nước, nghiên cứu của ông không chỉ lấy GDP mà còn tính cả các yếu tố khác như trình độ học vấn/giáo dục của cha mẹ, số tài sản trong nhà... và ở yếu tố nào Việt Nam cũng thấp hơn các nước khác. Điều này khiến ông càng cảm thấy khó hiểu hơn với kết quả PISA của Việt Nam.
Trao đổi với GS người Mỹ, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ - người chủ trì của phiên thảo luận sáng nay - cho rằng GS Paul đã có một nghiên cứu rất công phu và dành nhiều thời gian cho nó, tuy nhiên ông đã không hiểu hết những yếu tố đặc thù của Việt Nam.
Theo Bộ trưởng Nhạ, kết quả PISA của chúng ta đã khiến nhiều người nghi ngờ rằng tại sao nghèo mà lại giỏi đến thế. Tuy nhiên, ở đây không thể chỉ tính toán dựa trên chỉ số GDP bởi lẽ Việt Nam vốn rất đặc biệt.
"Đặc biệt ở chỗ, cha mẹ Việt có thể hy sinh tất cả, bán hết nhà đất, ruộng vườn để lo cho con cái học tập, du học", Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định. "Đặc điểm đó ở các nước như Trung Quốc, Nhật Bản cũng có thể có nhưng ở các nước châu Âu chắc không có".
Theo Lê Văn / Vietnamnet
Báo nước ngoài lý giải thành tích cao của giáo dục Việt Nam Dựa trên khảo sát của các nhà nghiên cứu, Business Insider vừa đăng bài lý giải nguyên nhân học sinh Việt Nam đạt kết quả cao tại các kỳ thi quốc tế. Việt Nam được coi là ngoại lệ lớn nhất của giáo dục thế giới. Về cơ bản, đây là nước thu nhập thấp duy nhất đạt kết quả tương đương những...