Bảo tàng nước mắm đầu tiên ở Việt Nam
Những ngày gần đây, du khách đến Phan Thiết vô cùng thích thú vì có thêm sản phẩm mới – Bảo tàng Nước mắm Làng Chài Xưa.
Tọa lạc chung khuôn viên của Fishermen Show, bảo tàng là điểm nhấn ấn tượng và đặc sắc về văn hóa. Một bảo tàng đúng nghĩa và đúng chuẩn. Nếu Fishermen Show tái hiện lịch sử hình thành làng chài Phan Thiết bằng nhạc nước, ánh sáng và nghệ thuật vũ kịch đương đại một cách khái quát, bảo tàng Nước Mắm giới thiệu bằng hình ảnh cụ thể, hiện vật lịch sử sống động một cách khoa học và chuyên nghiệp.
Bảo tàng nước mắm đầu tiên của Việt Nam
Nước mắm
Là loại nước rỉ từ mắm, dùng để chấm hoặc nấu thức ăn. Mắm được làm từ thủy, hải sản; ướp muối, lên men với các axit amin được chuyển biến từ protein qua quá trình thuỷ phân, tác nhân là các hệ enzyme có sẵn cùng một loại vi khuẩn kỵ khí chịu mặn. Ngoài Việt Nam, nước mắm còn được dùng ở Thái Lan, Lào, Malaysia, Nam Trung Quốc, Triều Tiên, Nhât Bản và vài nước châu Âu nhưng không phổ biến.
Ở Việt Nam, nước mắm là “Quốc hồn, quốc túy” của dân tộc, được chế biến đa dạng theo vùng miền và không thể thiếu trong các bữa ăn. Thời nghèo khó, nước mắm có khi là thức ăn chính. Nước mắm tạo nên bản sắc, hương vị và phong cách văn hóa ẩm thực Việt.
Chưa ai rõ nước mắm Việt chính xác có tự bao giờ nhưng phải tính hàng ngàn năm. Từ năm 1688, thế giới biết đến nước mắm Việt Nam qua bài viết về cách ngư dân làm nước mắm của William Dampier, nhà hàng hải người Anh khi ghé Đàng Ngoài. Nước mắm được làm nhiều nhất ở các vùng ven biển. Có lẽ do đặc thù thổ nhưỡng và khí hậu, vùng đất lắm nắng, nhiều gió Phan Thiết được xem là thủ phủ của nước mắm Việt Nam; cả chất lượng, hương vị, màu sắc lẫn số lượng.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, năm 2016, cả nước sản xuất hơn 200.000.000 lít nước mắm, trong đó 75% là nước mắm công nghiệp (nước mắm pha loãng với hóa chất). Vì nhiều lý do, nước mắm truyền thống ngày càng giảm, cả qui mô lẫn sản lượng. Có lúc còn bị tạo dựng scandal dối trá, đánh lừa người tiêu dùng. Nước mắm sản xuất hữu cơ ngày càng ít.
Nhiều người lo lắng cho tương lai của nước mắm truyền thống organic và tìm cách chấn hưng, trong đó có chàng trai lãng tử – doanh nhân trẻ Trần Ngọc Dũng. Vốn là dân Phan Thiết, sinh ra và lớn lên giữa làng chài, anh dành phần lớn tài sản kiến thức nhiều năm ở nước ngoài, gom góp vốn liếng về quê làm du lịch văn hóa với nhà hát nhạc nước và nghệ thuật đương đại Fishermen Show. Đam mê như một tín đồ cuồng đạo, anh mở tiếp bảo tàng Nước mắm Làng Chài Xưa để hình thành quần thể văn hóa làng chài duyên hải đặc sắc.
Bảo tàng nước mắm làng chài xưa
Hơn 300 năm trước, Phan Thiết là làng chài quê của dân nghèo tứ xứ, đa phần từ miền Bắc và miền Trung dạt vào kiếm sống. Trải bao khó khăn và trăng trầm thế cuộc, làng chài xưa trở thành thủ phủ nước mắm Việt Nam, giờ là đô thị du lịch sầm uất.
Như tên gọi, bảo tàng Nước mắm Làng Chài Xưa được thiết kế với phong cách đương đại, dạng phim trường tương tác nhập vai. Có diện tích gần 2.000m2, bảo tàng được chia thành 14 không gian, dùng hình ảnh, hiện vật và ánh sáng chủ động tái hiện 300 năm làng chài Phan Thiết xưa; từ thời Chăm Pa, thời vua Nguyễn, thời Pháp và những thập niên 40, 50, 60 của thế kỷ trước.
Tái hiện làng chài xưa
Những thùng gỗ làm nước mắm
ào bảo tàng, từng du khách được nhập vai làm ngư dân chài lưới cá hay diêm dân làm muối; thăm làng chài xưa và phố cổ Phan Thiết, ghé nhà hàm hộ đại gia nước mắm xưa. Khám phá cách người dân làng chài phát hiện ra mắm nước từ việc ướp giữ cá, tên gọi nước mắm ngày xưa, lý do vì sao có tên gọi “nước mắm” như ngày nay. Bao nhiêu hiểu biết kỳ thú về nghề làm nước mắm, cách cẩn (soi) nước mắm và ông quan Bát phẩm Trần Gia Hòa, ông tổ nghề nước mắm tĩn gốm xưa của Phan Thiết.
Tại bảo tàng Nước mắm Làng Chài Xưa, điều đặc biệt nhất mà ai ai đến Phan Thiết cũng mong muốn một lần trong đời, là được nếm thử vị nước mắm rin ngày xưa, loại nước mắm nguyên chất ngon vô đối, kéo rút trực tiếp từ thùng lều gỗ ủ chượp kiểu chín chậm. Đây là loại nước mắm được người dân làng chài xưa Phan Thiết gọi là nước mắm Tĩn, do ông tổ nghề Trần Gia Hòa đưa vào tĩn gốm, dán nhãn vuông chở bằng ghe bầu bán khắp nơi từ lục tỉnh Nam kỳ đến miền Trung, miền Bắc, có thị phần lớn nhất Việt Nam, qua cả Campuchia. Vì công trạng này, ông đã được vua Nguyễn ban tước quan hàm Bát phẩm.
Nước mắm Tĩn xưa
Video đang HOT
Màu nước mắm dưới ánh sáng
Ngoài ra, du khách còn được thực hành “cẩn” nước mắm, cách xác định nước mắm ngon của người xưa dựa vào màu, mùi, vị dưới ánh sáng.
Với bảo tàng Nước mắm Làng Chài Xưa, Phan Thiết Mũi Né không những có thêm sản phẩm du lịch có chiều sâu thu hút khách thập phương mà còn góp phần quảng bá những tinh tế của nước mắm rin truyền thống 300 năm lẫy lừng Việt Nam.
Mách bạn: Có thể đi xe buýt từ Phan Thiết ra, Mũi Né vào. Các loại xe khách Sài Gòn – Phan thiết đều đi qua hoặc có xe trung chuyển đến tận nơi, rất thuận tiện.
Theo motthegioi.vn
Có một Ninh Thuận đẹp say đắm, mê hồn mà bấy lâu ta bỏ lỡ?
Nhiều người từng tiết lộ, họ thích đến các tỉnh miền Trung chỉ vì đồ ăn quá ngon đến mức không thể cưỡng lại được.
Ngoài những "huyền thoại" như bánh căn, bánh xèo, thì Ninh Thuận còn có nào là bánh bèo chén, bún mắm nêm, bánh hỏi lòng heo, bánh tráng nướng... với giá siêu mềm.
Dân du lịch hay kháo nhau: Chẳng cần đi đâu xa, ngay tại mảnh đất hình chữ S này, ai cũng có thể lấp đầy cả tuổi trẻ của mình với hàng loạt địa danh xinh đẹp, thú vị. Từ lâu, một Hội An nắng vàng nhuộm đầy những ngôi nhà cổ kính, một Nha Trang xanh ngắt với đường bờ biển kéo dài đến tận chân trời, một Hà Nội lãng đãng chiều thu phố cổ, hoặc một Đà Lạt se lạnh và dư thừa sự lãng mạn... đã trở thành loạt điểm đến yêu thích của giới trẻ. Thậm chí, có người còn "dành cả thanh xuân" chỉ để đi hoài loạt điểm đến trên, biến chúng trở thành các địa danh hot mỗi khi cần một kỳ nghỉ hoặc một chuyến đi giải tỏa căng thẳng nơi phố thị. Nhưng trong danh sách đó, rất hiếm khi xuất hiện Ninh Thuận - vùng đất ven biển miền Trung xinh đẹp với khí hậu được mô tả ngắn gọn chỉ trong câu nói "Nắng như Phan, gió như Rang".
Ninh Thuận cách Sài Gòn 7-8 tiếng, nằm gần những địa danh nổi tiếng như Phan Thiết, Nha Trang... và cũng sở hữu đường bờ biển đẹp không kém ai, nhưng người ta thường bỏ qua vùng đất này. Trong suy nghĩ của nhiều người, Ninh Thuận chẳng có gì hơn là nắng, là gió, là cát, là biển. Trời lại nóng thế kia, khu vui chơi lại hiếm. Vậy có lý do gì để yêu mến Ninh Thuận đây?
Biển miền Trung từ lâu đã quá nổi tiếng, với sự mênh mông bát ngát, với màu xanh thẫm đặc trưng, với những bờ cát trắng thoai thoải, với ngư dân cặm cụi đánh bắt ngoài khơi và hải sản tươi sống ngon lành. Nhưng có lẽ vì quá đẹp, quá nên thơ và nhiều tiềm năng, nên hàng loạt bờ biển miền Trung đã bị khai thác du lịch triệt để, nằm nép mình sau nào là resort, là hồ bơi, là biệt thự ven biển... Vì vậy, những ai yêu biển bỗng nhiên thèm biết bao cái cảm giác được "thuộc về biển" một cách trọn vẹn, không phải chia sẻ với bất kỳ ai. Nếu bạn cũng đang mang trong mình ước ao như vậy, hãy đến với cảnh quan xuất sắc nhất Ninh Thuận - cung đường ven biển DT702.
Nếu đã từng thót tim khi đổ đèo Sông Pha, từng say đắm với cảnh đẹp trên con đường từ Đà Lạt xuống Nha Trang, thì hãy để bản thân "sướng thêm lần nữa" với DT702 - một trong những cung đường phượt ven biển đẹp nhất Việt Nam. Kéo dài tận 80km, nối liền hai tỉnh Ninh Thuận và Khánh Hòa, đây xứng đáng là cung đường bạn cần phải đi một lần trong đời. Hãy tưởng tượng cái cảm giác đang bon bon chạy xe qua cánh đồng lúa, vườn nho, vườn quốc gia Núi Chúa... để rồi từ đâu, một màu xanh ngắt của biển bỗng xuất hiện trước mắt một cách bất ngờ và không báo trước. Bạn không biết làm gì hơn ngoài việc "Ố! Á!", rồi ngay tắp lự, bạn trở nên lúng túng. Bởi vẻ đẹp ở đây chỉ có thể được chiêm ngưỡng bằng mắt, chứ không một smartphone hoặc máy ảnh nào có thể chụp lại được một cách trọn vẹn. Biển quá rộng, quá mênh mông, cảm giác như kéo dài đến tận đường chân trời.
Để đi hết DT702, bạn cần một khoảng thời gian hơn 45 phút, với yêu cầu về tay lái khá vững vàng vì cung đường sẽ hơi uốn lượn và gấp khúc. Vì nối liền hai tỉnh, nên khi chinh phục DT702, toàn bộ các bãi biển đẹp nhất của 2 tỉnh này như Ninh Chữ, Hang Rái, Vĩnh Hy, Tứ Bình (Bình Hưng, Bình Ba, Bình Lập, Bình Tiên) đều hiện ra trọn vẹn trước mắt. Trên đường đi, còn có vô số bãi biển hoang sơ và xa lạ với dân du lịch như bãi Thùng, bãi Kinh... Bất kỳ ai cũng có thể dừng xe lại, đi bộ xuống bên dưới, thỏa sức ngâm chân trần vào làn nước mát xanh màu ngọc bích. Rồi cứ thế nằm trên cát, lắng nghe tiếng sóng vỗ của đại dương, đến tận chiều tà, chẳng sợ ai làm phiền hoặc đuổi đi. Hạnh phúc đối với một kẻ yêu biển chính là ở chỗ đó.
Để tìm câu trả lời, đầu tiên, bạn hãy xem ngay những bộ ảnh tuyệt đẹp vừa được chụp tại Ninh Thuận của các travel blogger nổi tiếng trên mạng xã hội như Hà Trúc, Monsimi, Lý Thành Cơ... dưới đây. Trước khi đi, có lẽ các bạn trẻ này cũng tự hỏi lòng nhiều câu nghi ngại. Và chỉ đến khi đứng dưới bầu trời Ninh Thuận rồi, họ mới có thể tìm kiếm câu trả lời chính xác cho riêng mình.
Có biển, thì phải có vịnh, có làng chài. Hãy tạm gác lại một bên làng chài Bình Ba, Bình Hưng đã quá nổi danh một thời để đến với vịnh Vĩnh Hy - một trong bốn vịnh đẹp nhất Việt Nam - nằm ngay đầu cung đường DT702.
Vĩnh Hy lạ lắm. Từng có một ai đó nói về Vĩnh Hy như thế này: "Cứ đi mãi thôi, men theo con đường từ Phan Rang xuống Vĩnh Hải, xuyên qua rừng quốc gia Núi Chúa. Đi, đến khi nào trước mắt bạn bỗng hiện lên một thung lũng bé xíu, với những ngôi nhà mái ngói giản dị được bao quanh bởi núi và biển, là bạn biết mình đã đến với Vĩnh Hy. Vĩnh Hy là cuối con đường rồi. Bạn không thể nào đi đâu khác nữa. Bạn bị "trói chặt" lại tại đây, với vẻ đẹp hoang sơ của nó và sự ấm áp, nồng nàn của người dân. Vĩnh Hy mang vẻ e ấp và dịu dàng biết bao, của nơi chốn tận cùng thế giới".
Vĩnh Hy "chán" lắm, thật đấy. Ai mà mong muốn loạt dịch vụ du lịch hấp dẫn, khách sạn sang trọng, người dân nói tiếng Anh nhoay nhoáy thì xin mời đi chỗ khác. Nhưng nếu bạn chọn ở lại, thì Vĩnh Hy sẽ dành hết cho bạn những gì mà nó có.
Đó là con tàu đáy kính chuyên chở những ai chưa một lần được ngắm các rạn san hô tự nhiên trong đời ra khơi. Ngoài đại dương bao la đó, bạn sẽ được tận mắt thấy san hô đầy màu sắc, mà những tưởng chỉ cần giơ tay ra là có thể mang chúng về nhà. Nước trong xanh đến mức ai cũng có thể thấy cát trắng ở đáy. Khi tàu dừng lại, từng tốp các cô bé, cậu bé và cả người lớn đều nhảy ùm xuống biển. Cảm giác như đã lâu rồi mới được đắm mình trong một vùng biển hoang sơ đến thế - không rác thải, không nilon trôi dạt vào bờ, không có cả những tiếng chèo kéo của cò du lịch. Tắm táp no nê, ăn đầy bụng các món hải sản tươi sống được chính người dân nơi đây đánh bắt, chế biến... trực tiếp tại chỗ là những gì mà bạn có thể tận hưởng khi tham gia tour tàu đáy kính này.
Đừng ngạc nhiên khi biết rằng, đó chính là dịch vụ du lịch duy nhất tại Vĩnh Hy. Còn lại, bạn chỉ có thể tự khám phá bằng chính trải nghiệm của mình với người dân nơi đây. Ở Vĩnh Hy, ngày trôi qua rất nhẹ nhàng. Sáng sớm, từng con tàu đánh cá sẽ cập bến, mang theo những giỏ hải sản tươi sống cùng nụ cười mãn nguyện của người dân. Một ai đó cố gắng thu hoạch rong biển gần bờ để đem phơi dưới nắng sớm. Sau đó, trẻ con thì đi học, người lớn thì nấu ăn, dọn dẹp, buôn bán. Chiều đến, hãy đứng trên cây cầu gỗ ven biển để ngắm hoàng hôn bắt đầu buông xuống ở bờ vịnh. Lúc này, đàn ông trong làng lại bắt đầu ra khơi, với gương mặt háo hức, mong về một chuyến đi bội thu. Còn các bà mẹ, bà vợ thì ẵm con cháu mình ra ngoài đường làng tám chuyện, hoặc thoăn thoắt gỡ những con cá khô đã phơi lưới cả ngày ngoài nắng. Cuộc sống có thể cực khổ, tiền làm ra có thể ít, du lịch có thể phát triển chậm, nhưng người Vĩnh Hy lúc nào cũng hồn nhiên với bất kỳ ai xa lạ ghé đến thăm. Cái vịnh bé xíu, đi một ngày là hết, nhưng tình người và sự bình yên nơi đây thì mênh mông như đại dương xanh thẳm ngoài kia vậy.
À, chưa hết đâu, người dân Vĩnh Hy sẽ tự hào cho bạn biết một điều thú vị. Rằng ở ngay tại cái thung lũng nghèo khó này, người ta đã đến và xây nên khu resort sang chảnh bậc nhất Việt Nam, với giá phòng một đêm có thể lên đến 100 triệu đồng! Đó chính là Amanoi. Nằm ẩn mình trong Vườn quốc gia Núi Chúa, nên nếu muốn nhìn Amanoi bằng mắt thường, bạn chỉ có thể nhìn từ vịnh Vĩnh Hy nhìn lên. Khu nghỉ riêng tư nằm rải rác trên núi Chúa với view biển siêu sang chảnh đích thị là "nơi ẩn náu" lý tưởng cho những ai có tiền nhưng đã quá chán sự ồn ào, xô bồ của các khu du lịch đậm chất thành thị. Dù không thật sự thuộc "sở hữu" riêng của vịnh Vĩnh Hy, nhưng cứ nhìn vào sự long lanh nơi đáy mắt người dân nơi đây, bạn sẽ thấy rõ tình yêu và sự tự hào mà họ dành cho công trình này.
Khi ngắm nhìn loạt ảnh mà cô nàng Hà Trúc đăng tải trong chuyến đi Ninh Thuận mới đây, nhiều người đã rất ngạc nhiên trước khung ảnh trông như đang ở... Mông Cổ, Tây Tạng. Chỉ đến khi xem check-in, người ta mới biết đó là Mũi Dinh (thuộc thôn Sơn Hải, huyện Thuận Nam, cách trung tâm thành phố Phan Rang - Tháp Chàm khoảng 30km).
Mũi Dinh được ví như... một mối tình đầu: Hoang sơ, khó chinh phục, ẩn chứa nhiều hấp dẫn mà không phải ai cũng có thể tiếp cận được. Rõ ràng là thế. Hãy nhìn cái cách mà Hà Trúc "chịu khổ" trong nắng để có được những bức ảnh tuyệt vời, bạn sẽ hiểu được vì sao Mũi Dinh lại rất khó chinh phục. Nằm ngay vùng biển Sơn Hải, chính sự khắc nghiệt đã tạo nên cho nơi đây một cảnh tượng rất đặc biệt - với đồi cát trải dài dưới nắng, dãy núi đá hùng vĩ, hiểm trở và nóng bỏng chân. Hãy tưởng tượng như bạn đang ở sa mạc vậy. Nhưng cái sa mạc đó lại có biển, có cây, có những con cừu và cả những dòng suối nhỏ chảy róc rách, khiến bạn không nỡ nào quay về.
Tuy vậy, những điều đó cũng chưa đủ thuyết phục để một ai đó phải "đội nắng" đến Mũi Dinh. Thành quả của hành trình này chính là Tanyoli - khu du lịch thể thao mạo hiểm mang phong cách Mông Cổ. Với độ rộng lên đến 15ha, tọa lạc tại vùng biển hoang sơ đẹp nhất Ninh Thuận, Tanyoli là tập hợp cảnh sắc núi non trập trùng mang dáng dấp của Mông Cổ. Hãy thử một lần biến thành dân du mục, ngủ trong các túp lều xinh xắn ở đây, buổi chiều thì chơi đùa với đàn cừu đang trên đường về chuồng.
Người ta hay nói vui rằng: Ở Mũi Dinh được một ngày, thì nắng nóng ở miền viễn Tây nước Mỹ chẳng có nghĩa lý gì nữa cả. Ninh Thuận nóng, nắng là có thật. Chính thế, nó đã mang đến cho bạn những trải nghiệm có một không hai. Bạn có thể tìm nơi đâu một Mũi Dinh thứ hai đây? Làm sao bạn biết thiên nhiên kỳ thú đến đâu khi chưa một lần chạm chân trần trên lớp cát nóng? Những trải nghiệm ấy thật sự tuyệt vời, đến độ Hà Trúc phải thốt lên rằng: "Có những khoảnh khắc chỉ có thể chụp lại bằng mắt, bằng tâm trí của bạn mà không có bất kì loại máy ảnh nào có thể thay bạn ghi lại khoảnh khắc đó. Bởi vì thế người ta mới hay nói cảnh này cảnh kia ngoài đời trần trụi nhìn bằng mắt đẹp hơn. Như hôm đó, tôi có một buổi chiều thật đẹp có núi trời, có con suối nhỏ và những vệt nắng. Tôi cố gắng ghi lại hình ảnh này đẹp nhất có thể, nhưng tin tôi đi, nếu bạn là tôi, đứng ngay vị trí đó, bạn sẽ thấy lòng bồi hồi rung động hơn gấp một trăm lần".
Người trẻ hay e dè khi tìm hiểu về văn hóa, truyền thống của những vùng đất đặc thù. Nhưng không hiểu sao mỗi khi đến Ninh Thuận, ai cũng muốn được leo lên Tháp Pokrong Garai - hay còn được gọi là Tháp Chàm - biểu tượng bao đời nay của người Chăm ở Ninh Thuận. Dù thế gian xoay vần thế nào, dù bao nhà bê tông mọc lên san sát, thì người Chăm ở Ninh Thuận vẫn thế - hiền lành, thật thà, một lòng với tín ngưỡng và giữ được nhiều phong tục tập quán, nghi lễ hội hè trong kho tàng văn hoá của dân tộc mình.
Nhìn từ xa, Tháp Chàm sừng sững như một biểu tượng tâm linh đặc trưng. Và chỉ cần đặt bước chân đầu tiên lên quần thể này, bạn sẽ cảm nhận được trọn vẹn sự cố gắng của người Chăm trong việc gìn giữ văn hóa của dân tộc mình. Các ngôi tháp dù đứng giữa trời nắng nóng, trải qua nhiều thập kỷ gió mưa, vẫn giữ nguyên vẹn dáng hình với màu đỏ đặc trưng của lớp gạch nung. Dù chỉ nhìn bằng mắt, nhưng chắc chắn bất kỳ ai cũng có thể cảm nhận được sự công phu, vất vả của những nghệ nhân Chăm ngày xưa từng xây nên ngôi tháp này.
Để hiểu hết về văn hóa của một vùng đất, hãy lắng nghe chính con người ở nơi đó kể lại. Tại Tháp Chàm, bạn dễ dàng gặp rất nhiều người Chăm và được nghe họ giới thiệu về các sản phẩm làm từ làng nghề của mình như những bộ trang phục, tấm khăn choàng... được dệt một cách tinh tế, nghệ thuật và đẹp mắt, các sản phẩm gốm đất nung rất khác biệt so với gốm miền Bắc hoặc miền Nam. Tất cả đều được tạo nên từ Làng dệt thổ cẩm Chăm Mỹ Nghiệp và làng gốm Bàu Trúc (thuộc huyện Ninh Phước, cách thành phố Phan Rang - Tháp Chàm 10 km về phía Nam theo Quốc lộ 1A). Đây là niềm tự hào của người Chăm qua bao thế kỷ. Tất cả các sản phẩm đều được tạo ra theo những tiêu chí: Không máy móc, không hóa chất, đề cao sự khéo léo của đôi tay và giữ nguyên vẹn những công đoạn mà tổ tiên để lại. Phải đến đây, tận mắt chứng kiến quá trình làm nên một tấm vải thổ cẩm mềm mại, một bình gốm thô sơ, bạn mới thấy cảm phục hơn bề dày văn hóa của người Chăm.
Và có lẽ đó cũng là lý do mà nhạc sỹ Trần Tiến đã sáng tác tận 3 ca khúc sau nhiều lần lạc bước tới Ninh Thuận và gần gũi với người Chăm. Đó là Tiếng trống Paranưng, Giấc mơ Chapi và Mưa bay tháp cổ. Qua mỗi ca khúc, người nhạc sỹ già bày tỏ sự ngưỡng mộ không thể nói hết bằng lời cho văn hóa, tín ngưỡng và sự thật thà của người Chăm. Họ là những người có gương mặt in hằn nhọc nhằn của cuộc sống, nhưng chưa bao giờ để bản thân thiếu vắng niềm vui, bố mẹ chưa từng để gia đình ly tán, vợ chồng chưa một ngày ngưng yêu thương nhau. Hàng đêm, núi rừng ở đây vẫn vang vọng, xương rồng vẫn tiếp tục đơm hoa dù đất cát có cằn cỗi đến đâu. Rồi cứ tới mùa lễ hội, bản làng lại nô nức cồng chiêng, với hàng loạt những lễ hội Kate, Ramawan, Rija Nagar... tạo nên một vùng không gian đặc sắc, khiến ai đã từng đến một lần thì không thể nào quên.
Những ai sinh ra ở thành thị và chưa từng một lần trải qua mùa hè ở miền quê, chắc sẽ không giấu nổi sự ngạc nhiên khi ở Ninh Thuận, cừu, dê, bò... thong thả đi ngoài đường một cách vô cùng tự nhiên. Xe cộ chẳng dám vượt nhanh, phải đứng lại nhường đường cho chúng. Thậm chí, khi đi trên cung đường thuộc vườn Quốc gia Núi Chúa, thỉnh thoảng sẽ có một chú khỉ, chú sóc vụt chạy ngang qua như trong các bộ phim tài liệu thế giới động vật mà bạn từng xem trên TV.
Vì thế, những năm gần đây, các làng cừu ở An Hòa, Ninh Hải... lúc nào cũng rất đông các đoàn khách du lịch - đa số đều chưa từng một lần nhìn thấy cừu ở ngoài đời. Người dân thả cừu ở các cánh đồng rộng mênh mông, để chúng thoải mái gặm cỏ. Đến chiều tà, họ sẽ lùa chúng về chuồng trong trật tự, ngăn nắp. Cừu Ninh Thuận không trắng muốt như trên phim, mà bộ lông ám chút vàng của nắng, của gió, của đất trời miền Trung. Người dân rất yêu thương và trân trọng công việc chăn nuôi của mình, bởi cừu chính là nguồn thu nhập chính cho rất nhiều hộ dân ở đây. Cừu mang lại giá trị kinh tế rất cao, và thật may mắn làm sao khi điều kiện khí hậu khắc nghiệt ở Ninh Thuận lại phù hợp với loài động vật này.
Thời gian ở Ninh Thuận trôi chậm lắm, bởi nó không hề có sự xô bồ, ồn ào của thành thị. Vì vậy, hãy dành thời gian rảnh rỗi ấy ghé thăm vườn nho - đặc sản nức danh của Ninh Thuận. Từ lâu, các vườn nho đã mở cửa và đón tiếp hàng ngàn lượt du khách mỗi năm. Cái cảm giác được lọt thỏm trong vườn, ngang tầm mắt là những chùm nho xanh, nho đỏ mọng nước thật tuyệt vời làm sao. Thích chùm nào, tự tay cắt chùm đó. Người dân không tính phí tham quan đâu. Họ chỉ muốn bạn mua cho họ vài ký nho về thành phố làm quà. Nho Ninh Thuận không ngọt lịm như nho Mỹ. Trái cũng chẳng to như nho Nhật. Nó nhỏ nhắn thôi, có vị chua ngọt, thanh mát đặc trưng và chất chứa tất cả những nâng niu mà người dân nơi đây dành cho khu vườn của mình. À, rượu nho, mật nho và các sản phẩm làm từ nho cũng rất ngon. Chỉ cần cho vào vài viên đá mát lạnh, là đủ để bạn nhâm nhi hết buổi chiều rồi.
Ẩm thực dường như cũng thể hiện rõ nét tính cách của người Ninh Thuận. Đang chạy xe trên đường là thế, nhưng mùi vị thơm ngon của đồ ăn có thể khiến bạn sà ngay xuống một quán ven đường, gọi nào là bánh căn mực, bánh xèo tôm, bánh căn trứng... cùng 3 thứ nước chấm lạ miệng. Khi cảm nhận được bụng đã căng đầy, thì cũng là lúc "choáng váng" khi hóa đơn được đưa ra. Một bữa ăn linh đình có giá chưa tới 100 ngàn. Thậm chí, bạn có thể xin thêm tóp mỡ, nước cá, rau xanh, xoài sống, trà đá... tất cả đều miễn phí. Vâng, miễn phí!
Nhiều người từng tiết lộ, họ thích đến các tỉnh miền Trung chỉ vì đồ ăn quá ngon đến mức không thể cưỡng lại được. Ngoài những "huyền thoại" như bánh căn, bánh xèo, thì Ninh Thuận còn có nào là bánh bèo chén, bún mắm nêm, bánh hỏi lòng heo, bánh tráng nướng... với giá siêu mềm. Và đâu là thứ vui sướng nhất? Người dân không bao giờ chặt chém bạn, dù bạn có nói giọng Bắc, giọng Nam hoặc tiếng nước ngoài. Bởi họ biết, phải yêu thương vùng đất này đến thế nào, thì bạn mới có thể bỏ qua những định kiến về thời tiết, khí hậu... để ghé thăm. Yêu thương không hết, mắc mớ gì phải chặt chém để đuổi người ta đi, đúng không?
Trước khi đi, không ai biết trước Ninh Thuận sẽ mang đến điều bất ngờ nào. Như thường lệ, bạn lên đường với hành trang sau lưng gồm bản đồ, tiền mặt, sự sẵn sàng đối mặt với các loại du lịch chèo kéo, những tips du lịch mà người ta nói suốt ngày trên báo đài. Bạn trang bị cho mình một cái đầu tỉnh táo, như bao lần du lịch khác. Nhưng rồi bất ngờ thay, Ninh Thuận đối đãi với bạn theo cách rất khác biệt. Như travel blogger Lý Thành Cơ đã nói: "Tôi đến với Ninh Thuận như vậy, không nghĩ suy quá nhiều, không kỳ vọng quá nhiều, nhưng nhiêu đủ để tuyệt vời và thoả mãn. Tôi chỉ việc tận hưởng nơi này".
Hãy cứ đến Ninh Thuận bằng một trái tim trần trụi nhất, để rồi nhận về những gì ban sơ nhất. Nó giống như một cuộc hành trình chứa đựng vô số điều bất ngờ, bởi bạn sẽ không bao giờ biết được điều gì đang chờ đón mình ở phía trước. Ninh Thuận không phải là vùng đất quá nổi tiếng để bạn e dè bị chặt chém, lừa lọc, bị u mê bởi loạt ảnh sống ảo quá đà. Ninh Thuận e ấp như một cô gái Chăm - giản dị, hiếu khách nhưng càng nhìn càng thấy mê, càng trò chuyện càng thấy cuốn hút.
Hãy đi Ninh Thuận một lần trong đời, để thấy rõ miền Trung Việt Nam đẹp đến thế nào. Để biết, nếu thế giới có một Israel chỉ toàn nắng và gió nhưng vẫn khiến cả thế giới nể phục, thì Việt Nam cũng có Ninh Thuận - dù nắng nóng, khô cằn nhưng con người vẫn không vì vậy mà cay nghiệt đi, cảnh sắc vẫn không vì vậy mà xấu xí đi. Như một viên ngọc thô đang cần mài giũa, dần dần lộ ra góc cạnh đẹp đến kinh ngạc dưới ánh mặt trời - bạn có muốn được chạm tay vào viên ngọc đó không?
Theo TTVH
Những địa điểm du lịch hấp dẫn cho những ai đang sợ cái lạnh Khi miền Bắc đang lạnh mà bạn lại muốn tắm biển hay hít thở không khí trong lành thì có những địa điểm du lịch hấp dẫn có thể đáp ứng được sở thích đó. Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) được thiên nhiên ưu ái nằm ở độ cao 1.500 m so với mực nước biển nên có khí hậu mát mẻ quanh...