Bão số 9: Đà Nẵng khẩn trương sơ tán người dân tại nơi nguy cơ cao
Đối tượng sơ tán là người dân, sinh viên, công nhân sống trong các nhà không kiến cố, nhà tạm, khu vực trũng, ngập úng.Nguyên tắc sơ tán là ưu tiên sơ tán tại chỗ, đến các nhà kiên cố, an toàn.
Người dân khẩn trương thu dọn đồ đạc, chuyển đến nơi an toàn để tránh bão số 9. (Ảnh: Quốc Dũng/TTXVN)
Ngày 27/10, các quận huyện, xã phường trong thành phố Đà Nẵng đồng loạt sơ tán, di dời người dân ở các khu vực nguy hiểm đến nơi trú ẩn an toàn để ứng phó với bão số 9.
Sáng cùng ngày, trong buổi làm việc với Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh do biết, thành phố dự kiến sơ tán 12.067 hộ dân với 52.180 nhân khẩu. Công tác sơ tán tại các địa phương sẽ hoàn thành trong chiều 27/10.
Đối tượng sơ tán là người dân, sinh viên, công nhân sống trong các nhà không kiến cố, nhà tạm, khu vực trũng, ngập úng.
Nguyên tắc sơ tán là ưu tiên sơ tán tại chỗ, đến các nhà kiên cố, an toàn, gần nhất trong khu vực; sơ tán dân tập trung đến các địa điểm đã được quận, huyện lựa chọn và được Sở Xây dựng thành phố Đà Nẵng thẩm định.
Video đang HOT
Theo ghi nhận của phóng viên TTXVN, chiều 27/10, công tác sơ tán chống bão diễn ra rất khẩn trương tại tổ dân phố 89, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng. Đây là khu vực thuộc diện nguy hiểm, trũng thấp, sát bờ sông Cẩm Lệ, có 90 hộ với 361 nhân khẩu đang sinh sống.
Đã ở khu vực này hơn 70 năm, ông Nguyễn Phan Vinh (Tổ trưởng tổ dân phố 89, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng) nhớ lại trận lụt năm 1964, nhà ông ngập gần hết và phải leo lên chóp mái để tránh nước lụt.
Ứng phó với bão số 9, chính quyền địa phương quan tâm hỗ trợ, kêu gọi sơ tán nên ông cảm thấy rất yên tâm. Vừa khẩn trương dọn dẹp đồ đạc cho người thân sơ tán, ông Nguyễn Phan Vinh vừa cùng với đoàn công tác của phường Hòa Xuân đi kêu gọi các hộ gia đình khác trong tổ khẩn trương sơ tán.
Ông Vinh cho biết, đây là khu vực trũng thấp nhất của quận Cẩm Lệ, nên mỗi khi có mưa bão người dân đều phải sơ tán, nhất là cơn bão số 9 này được đánh giá là rất nguy hiểm. Các nhà ở khu vực này đều đã được xây dựng hơn 10 năm nay, phần lớn là nhà cấp 4, mái tôn, nên không an toàn khi trời mưa bão.
Khi được lực lượng chức năng vận động sơ tán, bà Phan Thị Trinh (tổ dân phố 89, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng) đã chuẩn bị đầy đủ đồ ăn, vật dụng thiết yếu để đi tránh bão.
Bà Trinh chia sẻ: “Tôi già yếu, ông chồng thì bị khuyết tật, nên rất cảm ơn lực lượng chức năng của phường tới hỗ trợ sơ tán về nơi tập trung của phường. Từ hôm qua, khi nghe tin bão số 9, chúng tôi rất lo sợ nhưng chưa biết nhờ ai.”
Trực tiếp chỉ đạo tổ công tác sơ tán, di dời người dân trước bão số 9, bà Hồ Thị Cẩm Nhung, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng cho biết, ngoài tổ 89, trên địa bàn phường còn 313 hộ dân đang ở nhà cấp 4, tất cả các hộ dân này đã cam kết là tạm thời di dời đến nhà người thân, nhà hàng xóm kiên cố trước 15 giờ ngày 27/10.
“Sau khi có chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng và quận Cẩm Lệ, chúng tôi đã họp bàn triển khai ngay công tác di dân để ứng phó với bão số 9, một cơn bão được dự đoán rất mạnh và nguy hiểm. Lực lượng chức năng của phường gồm công an, dân quân, bảo vệ dân phố đã đi tuyên truyền, vận động các hộ dân từ 9 giờ ngày 27/10. Tới 14 giờ ngày 27/10, lực lượng tiếp tục đi kiểm tra, nếu hộ dân nào cần giúp đỡ sơ tán sẽ hỗ trợ, nếu hộ dân nào không chịu sơ tán sẽ bị cưỡng chế. Những hộ dân không có nơi tránh trú an toàn sẽ được đưa về điểm tránh trú bão tập trung của phường Hòa Xuân tại khu nhà đa năng của Trường Trung học cơ sở Nguyễn Thiện Thuật,” bà Hồ Thị Cẩm Nhung nói.
Đến 17 giờ ngày 27/10, tại thành phố Đà Nẵng vẫn chưa có mưa, nhưng đã xuất hiện gió lớn; những hộ dân cuối cùng trong diện nguy hiểm đang được khẩn trương sơ tán./.
Chuyên gia dự báo bão số 9 có thể có "sức tàn phá cực kỳ khủng khiếp"
Tối nay (27/10), bão số 9 được nhận định tiếp tục mạnh lên do di chuyển trong điều kiện thuận lợi trên biển. Thông tin được Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết tại buổi họp thông tin về cơn bão số 9 diễn ra chiều nay.
Hình ảnh vệ tinh bão số 9 thấy khá rõ mắt bão, ở thời điểm bão đạt sức gió cấp 13, giật cấp 15 sáng 27/10. Ảnh: Windy.
Đoàn công tác của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng dẫn đầu đang trực tiếp chỉ đạo ứng phó bão số 9 tại Ban Chỉ đạo đặt ở Đà Nẵng.
Đưa ra nhận định về diễn biến của cơn bão số 9 đặc biệt nguy hiểm này, ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, nhấn mạnh: "Nếu cơn bão số 9 đổ bộ vào đất liền gây ra gió mạnh với cường độ từ cấp 12 trở lên thì đây sẽ là một trong những cơn bão ảnh hưởng trực tiếp mạnh nhất trong vòng 20 năm qua".
Dự báo, vùng trọng tâm chịu ảnh hưởng của bão là các tỉnh Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định với gió mạnh cấp 11-13, giật cấp 15. "Nếu tình huống này xảy ra thì sức tàn phá của bão là cực kỳ khủng khiếp. Nhà cấp 4, cây cối... không thể chịu được. Đây sẽ là một trong những cơn bão mạnh nhất ở Việt Nam trong 20 năm qua", ông Lâm nhấn mạnh.
Qua tham khảo tình hình từ Cơ quan Khí tượng Philippines, nơi cơn bão số 9 (bão Molave) vừa đi qua, ghi nhận có gió mạnh cấp 12, nhà cấp 4 nếu có kết cấu không chắc chắn gần như bị phá hủy rất nhiều. Mưa bão gây ra tình trạng ngập lụt diện rộng khiến nhiều hộ dân phải đi sơ tán.
Một số cơn bão mạnh tương đối với bão số 9 (Molave) được cơ quan khí tượng chỉ ra là bão số 6 - Xangsane năm 2006, bão số 5 - Lekima năm 2007, bão số 8 - Sơn Tinh năm 2012, bão số 1 - Marinae năm 2016, bão số 10 - Doksuri năm 2017, bão số 12 - Damrey năm 2017.
Ngay từ hôm qua (26/10), dự báo về bão số 9, ông Nguyễn Bá Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm, cho biết, với cấp gió 12-13, bão số 9 sẽ gây ra sóng cao trên 10m ở Biển Đông. Khu vực ven bờ, sóng có thể cao 6-8m. Các tỉnh Bắc Trung Bộ, sóng cao 3-5m. Thời gian sóng lớn nhất là vào 7-13h ngày 28/10.
Vùng biển từ Nghệ An - Bình Định đều có nguy cơ nước biển dâng từ 0,5-1m. Riêng khu vực Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Huế nước dâng do bão có thể đạt 1,5m. Từ đêm 27/10 đến ngày 29-10, ở khu vực từ Thừa Thiên - Huế đến Phú Yên có mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 200-400mm/đợt; Bắc Tây Nguyên 100-200mm/đợt.
Từ ngày 28 đến 31/10, khu vực từ Nghệ An đến Quảng Trị có mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 200-400mm/đợt; riêng Nam Nghệ An và Hà Tĩnh có lượng mưa phổ biến 500-700mm/đợt. Cấp độ rủi ro thiên tai do bão số 9 là cấp 4.
Tại cuộc họp về bão số 9 chiều nay, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cũng đánh giá bão số 9 là cơn bão mạnh và như các dự báo đã nêu, có thể khi đổ bộ vào đất liền sẽ mạnh nhất trong vòng 20 năm qua. Với mức độ ảnh hưởng trên, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị các cơ quan chức năng cần có dự bão rõ ràng về hướng đi, cường độ, cảnh báo cụ thể, đặc biệt trên biển để người dân, địa phương nắm được, chủ động biện pháp phòng tránh.
Theo VOV, đến 19h, tại Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã có gió mạnh. Bão số 9 đang là cơn bão mạnh nhất kể từ đầu mùa và có khả năng ảnh hưởng từ Hà Tĩnh đến Bình Định của nước ta.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: 'Đêm nay không được ngủ' "Đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân là trên hết. Công tác ứng phó phải khẩn trương vì không còn thời gian nữa", Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường kiểm tra công tác ứng phó bão số 9 tại biển Cửa Đại (TP Hội An,...