Bao nhiêu trường sư phạm là đủ?
Từ cách đây hàng chục năm, vấn đề quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm đã được đặt ra nhưng chỉ từ vài năm trở lại đây, khi tình trạng cung vượt quá cầu ở mức đáng báo động, con số thống kê cử nhân sư phạm thất nghiệp (chưa nói đến những người làm trái ngành, trái nghề) tăng cao thì vấn đề này mới được đưa vào danh mục những việc cấp bách cần làm ngay.
Cần đào tạo giáo viên theo địa chỉ, không theo cơ chế thị trường.
Thống kê của Bộ GDĐT, hiện nay, cả nước có 58 trường ĐH, 57 trường CĐ và 40 trường trung cấp (TC) có ngành đào tạo giáo viên, trong đó, có 14 trường ĐH sư phạm, 40 trường CĐ sư phạm và 2 trường TC sư phạm. Mỗi mùa tuyển sinh, khi hàng loạt các trường sư phạm “trắng” thí sinh, liên tục xét tuyển bổ sung, các ngành sư phạm chất lượng cao cũng chỉ có ít sinh viên “mặn mà”… khiến nhiều người đã phải thốt lên câu hỏi: “Thí sinh đi đâu hết?”.
“Chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm” trong khi chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm đã không còn phát huy tác dụng, nếu không muốn nói là có phần lãng phí khi không thu hút được người giỏi vào sư phạm như mục tiêu ban đầu đặt ra. Hàng nghìn sinh viên sư phạm chất lượng cao với xuất phát điểm đầu vào cao, kết quả học tập và rèn luyện trong 4 năm ĐH khá, giỏi vẫn phải chật vật tìm việc làm nhiều năm… do các môn này đang thừa giáo viên. Thực trạng này đặt ra yêu cầu phải quy hoạch lại nhằm nâng cao chất lượng đào tạo sư phạm.
Gần đây nhất, nhóm nghiên cứu quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm ở Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2035 phục vụ đề án sắp xếp lại các trường sư phạm mà Bộ GDĐT đang xây dựng đã đưa ra đề xuất, tới năm 2025, cả nước sẽ chỉ còn 6 – 8 trường sư phạm chủ chốt. Trong 5 năm tiếp theo (tới năm 2030), tiến hành sắp xếp tổ chức thành một hệ thống với 3 trường sư phạm trọng điểm (1 trường ở miền Bắc, 1 ở miền Trung và 1 miền Nam) phát triển theo mô hình ĐH cùng với 3 – 5 trường sư phạm chủ chốt.
Trước đó, tại phiên họp Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực diễn ra vào cuối tháng 5 năm 2018, Bộ GDĐT cho biết sẽ rà soát, sắp xếp và quy hoạch để hình thành 10 cơ sở đào tạo giáo viên, trung tâm có uy tín, đủ năng lực đào tạo giáo viên cho toàn ngành. Các cơ sở đào tạo khác sẽ chuyển đổi hoạt động để trở thành phân hiệu hay vệ tinh của các trường trung tâm và tập trung vào nhiệm vụ đào tạo lại và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên cho toàn hệ thống. Toàn bộ chương trình đào tạo của các trường sư phạm sẽ được chuẩn hóa và sử dụng đồng bộ trong toàn hệ thống.
Từ phía các trường sư phạm cũng có các quan điểm khác nhau. Đơn cử như ông Nguyễn Văn Minh – Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, quan điểm tập trung đầu tư cho các cơ sở chủ lực ở các thành phố lớn và co hẹp hoặc giải thể các cơ sở vùng sâu, vùng xa là quan niệm khá cực đoan. Trong khi đó, một chuyên gia khác nhìn nhận hiện nay việc quy hoạch mới chỉ tập trung vào giảm số lượng các trường ĐH công lập mà chưa đề cập nhiều đến các trường tư thục, dân lập.
Trong một diễn biến khác, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam cũng vừa có công văn gửi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ GDĐT, các bộ, ngành và địa phương liên quan chưa sáp nhập các trường sư phạm với các đơn vị khác thuộc thẩm quyền đồng thời thực hiện phân tầng hệ thống này thành các trường ĐH sư phạm – ĐH giáo dục trọng điểm, các trường – khoa ĐH sư phạm địa phương, các trường – khoa CĐ sư phạm địa phương đồng thời Nhà nước hỗ trợ thành lập trường thực hành chất lượng cao trong các trường sư phạm.
Thực hiện đào tạo và bồi dưỡng giáo viên chủ yếu theo địa chỉ, không theo cơ chế thị trường là đề xuất của nhiều chuyên gia lâu nay để tránh lãng phí trong đào tạo giáo viên vì hiện nay giáo viên mầm non vẫn còn thiếu nhiều, trong khi giáo viên ở bậc tiểu học, THCS, THPT về cơ bản đã đủ và thừa.
Bên cạnh đó, do thực hiện tinh giản biên chế nên dù giáo viên mầm non thiếu nhưng số lượng giáo viên tuyển ở các bậc học trên (đặc biệt là THCS và THPT) có xu hướng thừa so với nhu cầu, do đó không còn biên chế cho bậc học mầm non.
Video đang HOT
Đào tạo ra để rồi thất nghiệp là điều cả nhà trường và người học, xã hội đều không mong muốn, nhất là khi tiền học phí lại lấy từ ngân sách đầu tư cho giáo dục trong khi ngành còn biết bao điều phải làm. Quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm rõ ràng là chủ trương đúng và cấp bách nhưng như phân tích của nhiều chuyên gia, cần quan tâm đến tính động, tính mở trong thực hiện. Chẳng hạn, cần tính đến yếu tố vùng miền, mô hình đào tạo giáo viên cần tiếp cận xu hướng thế giới nhưng phải linh hoạt theo điều kiện đặc thù của từng cơ sở đào tạo giáo viên.
Bên cạnh đó, việc xây dựng một bộ quy chuẩn cho các trường sư phạm dùng để làm thang đo là rất cần thiết. Tuy nhiên cần xem xét các yếu tố chỉ báo để khi áp dụng thang đo này phải đảm bảo khách quan, công bằng.
Thu Hương
Theo daidoanket
Cả nước sẽ chỉ còn 6 - 8 trường sư phạm
Theo đề án đang được Bộ GD-ĐT chuẩn bị trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tới năm 2025, cả nước sẽ chỉ còn 6 - 8 trường sư phạm chủ chốt.
Sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, một trong các trường sư phạm trọng điểm - ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
Đề án sắp xếp, tổ chức lại các trường sư phạm và thành lập một số trường sư phạm trọng điểm đang được Bộ GD-ĐT chuẩn bị nội dung và dự kiến sẽ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong thời gian tới.
Giải thể các trường không đạt chất lượng
Theo dự thảo, mục tiêu của đề án là hình thành mạng lưới các trường sư phạm với một số trường ĐH sư phạm trọng điểm và chủ chốt; tinh gọn số lượng các trường sư phạm trong cả nước; khắc phục tình trạng manh mún, dàn trải và trùng lắp; nâng cao hiệu quả phân bổ và sử dụng nguồn ngân sách nhà nước, thu hút nguồn lực xã hội hóa cho đầu tư phát triển các trường sư phạm; hội nhập với xu hướng phát triển của khu vực và thế giới.
Cụ thể, về số lượng, đề án đặt ra mục tiêu tới năm 2025 hình thành một mạng lưới các trường sư phạm gồm từ 6 - 8 trường chủ chốt. Trong 5 năm tiếp theo (tới năm 2030), tiến hành sắp xếp tổ chức để hệ thống có 3 trường sư phạm trọng điểm (1 trường ở miền Bắc, 1 miền Trung và 1 miền Nam) phát triển theo mô hình ĐH. Bên cạnh đó, sẽ có 3 - 5 trường sư phạm chủ chốt.
Các cơ sở đào tạo giáo viên (GV) khác sẽ được tổ chức, sắp xếp để chuyển thành vệ tinh của các trường sư phạm trọng điểm và chủ chốt nói trên; sẽ giảm số lượng các trường sư phạm ở các địa phương theo hướng sáp nhập, giải thể các trường không đạt chuẩn chất lượng. Đề án cũng đặt mục tiêu giải thể các trường trung cấp sư phạm và không tổ chức đào tạo GV ở các trường trung cấp chuyên nghiệp khác. Các trường cao đẳng đa ngành có chương trình đào tạo GV xây dựng lộ trình giảm chỉ tiêu đào tạo GV và chấm dứt đào tạo GV trước năm 2025.
Về giảng viên, trường sư phạm trọng điểm phải đạt tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ từ 60% trở lên, trường sư phạm chủ chốt từ 40% trở lên.
Dừng đào tạo giáo viên trình độ trung cấp
Về lộ trình thực hiện cụ thể, dự thảo đề án nêu rõ, trong năm 2019 - 2020 sẽ ban hành chi tiết đánh giá các tiêu chuẩn, tiêu chí phân mức chất lượng các trường sư phạm theo Bộ chuẩn trường sư phạm. Tiến hành đánh giá, rà soát các trường để xác định cơ sở không đạt chất lượng tối thiểu, đồng thời công khai kết quả đánh giá, yêu cầu các cơ sở không đạt chuẩn lập kế hoạch phát triển để đạt ngưỡng chất lượng tối thiểu.
Trong giai đoạn 2021 - 2025 sẽ dừng tuyển sinh các trường sư phạm không đạt chuẩn chất lượng; tiến hành các phương án sáp nhập, hợp nhất, giải thể các cơ sở không đáp ứng chuẩn tối thiểu sau thời hạn cam kết. Cũng trong giai đoạn này, sẽ hình thành các trường sư phạm chủ chốt và các trường sư phạm vệ tinh của các trường chủ chốt, đồng thời giải thể các trường trung cấp sư phạm và dừng phân bổ chỉ tiêu tuyển sinh sư phạm đối với các trường trung cấp đa ngành.
Trong giai đoạn 2025 - 2030, sẽ hình thành các trường sư phạm trọng điểm, tiếp tục phát triển các trường sư phạm chủ chốt và các trường sư phạm vệ tinh. Trong giai đoạn này sẽ dừng phân bổ chỉ tiêu tuyển sinh ngành sư phạm đối với các trường cao đẳng đa ngành có chương trình đào tạo GV.
Xếp hạng các trường theo 3 mức
Bộ chuẩn trường sư phạm bao gồm 5 tiêu chuẩn và 14 tiêu chí. Trong đó 5 tiêu chuẩn: Điều kiện đảm bảo chất lượng (gồm 3 tiêu chí: cơ sở vật chất, giảng viên sư phạm, tài chính), đào tạo (3 tiêu chí: tỷ lệ sinh viên có việc làm phù hợp với ngành đào tạo, đánh giá của người học về chất lượng và hiệu quả đào tạo, kiểm định chương trình đào tạo GV), nghiên cứu khoa học (3 tiêu chí: số bài báo của GV được công bố, số đề tài và dự án nghiên cứu được ứng dụng hoặc chuyển giao, kinh phí nghiên cứu); hợp tác quốc tế và kết nối cộng đồng (3 tiêu chí: tỷ lệ kinh phí thu được từ hoạt động hợp tác, tỷ lệ người nước ngoài đến giảng dạy và nghiên cứu, tỷ lệ người học là người nước ngoài), quản trị ĐH (2 tiêu chí: mô hình quản trị và hiệu quả hoạt động, năng lực ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị cơ sở).
Trong số 14 tiêu chí thì có 4 tiêu chí thuộc phần "cốt lõi" (cơ sở vật chất, giảng viên sư phạm, tài chính, số bài báo của GV được công bố). Các tiêu chí được đánh giá theo 3 mức: mức 1 (đạt chuẩn), mức 2 (đạt chuẩn mức cao), mức 3 (đạt chuẩn mức xuất sắc). Việc xếp hạng các trường sư phạm sẽ được chia làm 3 hạng: A, B và C.
Nhũng nhiễu tiêu cực xảy ra do cung vượt cầu
Theo dự thảo đề án, cả nước hiện có 114 cơ sở đào tạo GV, trong đó trường đại học sư phạm (ĐHSP) gồm 6 trường ĐHSP, 5 trường ĐHSP kỹ thuật, 2 trường ĐHSP thể dục thể thao và Trường ĐHSP nghệ thuật T.Ư; 48 trường ĐH đa ngành và trường ĐH đặc thù (ngoại ngữ, nghệ thuật, thể thao) có đào tạo GV; 30 trường cao đẳng sư phạm ở các địa phương; 19 trường cao đẳng đa ngành có đào tạo GV; 2 trường trung cấp sư phạm.
Dự thảo đề án đánh giá, mỗi tỉnh, thành có từ 2 - 4 cơ sở đào tạo GV. Với số lượng trường nhiều như vậy nên việc cung vượt cầu cũng là điều tất yếu. Nhiều năm qua, nhiều trường sư phạm mới được mở ra, các trường không phải là sư phạm cũng thành lập khoa sư phạm, các trường cao đẳng thì nâng lên ĐHSP nên đã khiến nguồn cung ngày càng thừa, nhiều trường chỉ tuyển được học sinh trung bình, học sinh yếu. Một khi cung đã vượt cầu cũng đồng nghĩa nhu cầu việc làm của sinh viên sư phạm nhiều hơn, trong khi chúng ta đã định mức số lượng GV. Vì thế, nhũng nhiễu về tiêu cực trong tuyển dụng xảy ra ở nhiều nơi.
Ý KIẾN
Rất tâm đắc với chủ trương này
Đây là một chủ trương mà cá nhân tôi rất tâm đắc. Giờ nếu Bộ ra được cái đề án cụ thể hóa chủ trương này, hiển nhiên là tôi rất ủng hộ.
Tôi được một số nơi mời đến giảng, qua đó nhận thấy nhiều cơ sở giáo dục ĐH, đặc biệt là các trường công lập, tồn tại rất lãng phí. Cơ sở vật chất, phòng ốc của nhiều trường rất khang trang, nghĩa là họ có được đầu tư, nhưng rất vắng người học. Nhìn mà tiếc! Trong khi đó nhiều trường lớn dù đã được đầu tư xây dựng, nhưng trên thực tế điều kiện về cơ sở vật chất chưa đáp ứng được so với mong muốn.
Cho nên việc sáp nhập, hoặc giải thể những trường ĐH hoạt động không hiệu quả là đúng.
PGS Bùi Đức Triệu (Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Kinh tế quốc dân)
Chỉ là giải pháp tình huống
Tôi nghĩ việc sắp xếp, giải thể, hợp nhất các trường ĐH để đạt mục tiêu giảm số lượng trường ĐH công lập thực chất chỉ là giải pháp tình huống. Nó có thể đạt được những mục tiêu trước mắt như giảm đầu mối, tinh giản biên chế, tái tổ chức các đơn vị sự nghiệp công lập... Tuy nhiên, nếu như hướng tới việc đào tạo nhân lực một cách hợp lý cho tương lai thì phải đặt ra những vấn đề lớn của đào tạo nhân lực hiện nay.
Thứ nhất là tỷ trọng thanh niên trong độ tuổi đi học sau phổ thông mà ta tạm tính là từ 18 - 22 tuổi đi học cao đẳng, ĐH chiếm bao nhiêu phần trăm. Con số đó của VN hiện nay chưa được 30% là thấp so với trung bình của thế giới và khu vực. Do đó, điều đầu tiên là chúng ta có xác định con số này tăng hay không. Thứ hai là việc phân bổ các trường theo địa phương nên như thế nào để phát triển nhân lực phục vụ cho chính địa phương đó. Thứ ba là tỷ trọng trường công và trường tư như thế nào. Ở đây không chỉ đơn thuần là số trường mà quan trọng nhất chính là tỷ lệ sinh viên. Chỉ khi nào giải quyết được những vấn đề then chốt đó thì quy hoạch mới có thể mạch lạc được.
TS Lê Trường Tùng (Chủ tịch HĐQT Trường ĐH FPT)
Theo Thanh niên
Tăng chỉ tiêu tuyển sinh sư phạm: Bất hợp lý Chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo ngành sư phạm (SP) phải theo nhu cầu thị trường việc làm. Việc Bộ GD&ĐT để cho các trường đưa ra tiêu chí tuyển sinh dựa trên căn cứ vào năng lực đảm bảo chất lượng đào tạo là chưa hợp lý. 4 vạn cử nhân sư phạm thất nghiệp Thống kê của Bộ GD&ĐT, năm 2019,...