Bạo lực, xâm hại trẻ em đang có chiều hướng gia tăng
Theo báo cáo của Ủy ban Văn hóa giáo dục Thanh thiếu niên và nhi đồng, việc thực hiện chính sách pháp luật phòng, chống xâm hại trẻ em vẫn còn những hạn chế nhất định.
Tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em giai đoạn 2008-2010 đang có chiều hướng gia tăng và diễn biến ngày càng phức tạp – Là nhận định được đưa ra tại Hội thảo “Đánh giá việc thực hiện chính sách, pháp luật phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em giai đoạn 2008-2010″ do Ủy ban Văn hóa, giáo dục Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc được tổ chức trong hai ngày 21 và 22-12 tại Hà Nội.
Theo báo cáo của Ủy ban Văn hóa giáo dục Thanh thiếu niên và nhi đồng, việc thực hiện chính sách pháp luật phòng, chống xâm hại trẻ em vẫn còn những hạn chế nhất định. Đến cuối năm 2010, cả nước vẫn chưa có mạng lưới dịch vụ bảo vệ trẻ em rộng khắp để có thể hoạt động liên tục. Chưa đảm bảo được môi trường sống an toàn và thân thiện cho trẻ em nói chung và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt nói riêng; chưa có các điều kiện đảm bảo để trẻ em được thực hiện đầy đủ quyền cơ bản của mình theo luật định. Nhận thức và cảnh báo xã hội về nguy cơ và hậu quả để trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt hoặc bị tổn hại còn ở mức thấp.
Nhiều giải pháp về bảo vệ chăm sóc trẻ em được thảo luận tại Hội thảo
Theo thống kê chưa đầy đủ, năm 2010, cả nước đã có trên 1.200 trường hợp xâm hại tình dục trẻ em được phát hiện và xử lý, 25.000 trẻ em lao động kiếm sống; 23.000 trẻ em lang thang… Từ đầu năm 2011 đến nay, đã phát hiện 1.385 trường hợp xâm hại trẻ em. Tình trạng xâm hại trẻ em diễn ra ngày càng phổ biến và thường xuyên, xảy ra ở tất cả các vùng miền, khu vực, diễn ra ở mọi độ tuổi. Tuy nhiên, các trường hợp này lại ít được cộng đồng chủ động phát hiện, trình báo với các cơ quan chức năng mà phần nhiều là do các phương tiện truyền thông phát hiện và tố giác trước công luận.
Báo cáo của Ủy ban Văn hóa giáo dục Thanh thiếu niên và nhi đồng cũng cho biết, tình trạng bạo lực học đường diễn ra ngày càng nhiều, rất manh động và mang tính “bầy đàn”. Trong đó, vụ việc của các học sinh nữ không còn là cá biệt. Từ đầu năm học 2009 – 2010 đến nay, cả nước đã xảy ra gần 1.600 vụ học sinh đánh nhau trong và ngoài trường học. Trong đó, bình quân cứ 5.260 học sinh thì xảy ra một vụ đánh nhau, cứ 9 trường học thì xảy ra 1 vụ học sinh đánh nhau, cứ 10.000 học sinh thì có 1 học sinh bị kỷ luật khiển trách, cứ 5.555 học sinh thì có 1 em bị kỷ luật cảnh cáo vì đánh nhau, cứ 11.111 học sinh thì có 1 em bị buộc thôi học có thời hạn vì lý do này.
Theo các đại biểu, thực trạng nói trên bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân. Nhưng nguyên nhân trước hết, theo Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em Đặng Hoa Nam là do những hạn chế quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này; hạn chế của công tác phối hợp liên ngành. Phía cơ quan văn hóa chưa tạo được sân chơi lành mạnh, thu hút các em, nhằm giúp các em phát triển toàn diện. Từ ngành xây dựng, chưa có quy hoạch tổng thể và chưa có quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn cho các khu vui chơi…
Từ thực trạng kể trên, các đại biểu đã tiến hành thảo luận những giải pháp nhằm thúc đẩy hợp tác liên ngành trong bảo vệ, chăm sóc trẻ em cũng như những kiến nghị với Quốc hội trong việc điều chỉnh chính sách, pháp luật khi sửa đổi bổ sung Luật Bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em vào năm 2013.
Theo PLXH