Bạo lực học đường và con dao hai lưỡi mang tên mạng xã hội
Khi phát hiện một vụ bạo lực học đường, nên lựa chọn phương án nào giữa lập tức “phanh phui” lên mạng xã hội và không để mọi chuyện từ đời thực tràn vào cả thế giới ảo?
Ngày 22/3 vừa qua, Y. – học sinh lớp 9 trường THCS Phù Ủng (Ân Thi, Hưng Yên) – bị 5 bạn học cùng lớp lột hết quần áo, túm tóc, liên tục đấm đá vào vùng đầu, mặt… ngay tại trường.
Một trong số nữ sinh tham gia đánh hội đồng Y. gửi clip lại sự việc cho bạn ở nước ngoài. Sau đó, hình ảnh này bị phát tán trên mạng xã hội.
Đoạn video có thời lượng chỉ khoảng 40 giây song nỗi ám ảnh trước cảnh tượng cô gái 15 tuổi ngồi co ro trên nền nhà, không mảnh vải che thân, bất lực trước mọi đòn đau mà bạn học giáng xuống đầu… không thể mất đi trong tâm trí nhiều người.
Sáng 31/3, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ thăm hỏi, động viên nữ sinh Y., khẳng định với gia đình em sẽ xử lý nghiêm vụ việc. Ảnh: N.S.
Có thể nói sau khi vụ bạo lực học đường nghiêm trọng này được “khui” ra trên mạng xã hội, làn sóng phẫn nộ từ cộng đồng phần nào gây sức ép tới việc xử lý người liên quan.
Tuy nhiên, khi tiếp xúc với phóng viên Zing.vn, nạn nhân Y. cảm thấy mệt mỏi khi hình ảnh của mình được chia sẻ khắp các hội, nhóm trên mạng xã hội những ngày qua.
“Giờ thì ai ai cũng biết em cả”, nữ sinh 15 tuổi buồn bã nói.
Không riêng gì vụ đánh hội đồng bạn kể trên, mỗi sự việc khi được đưa lên mạng xã hội, cái kết không phải luôn là “người tốt được khen, người xấu bị chỉ trích”, mà kéo theo nhiều hệ lụy.
Vậy khi phát hiện các vụ bạo lực học đường, nên lựa chọn phương án nào giữa lập tức “phanh phui” lên mạng xã hội và không để mọi chuyện từ đời thực tràn vào cả thế giới ảo?
Khi nạn nhân im lặng, mạng xã hội là nơi phát hiện các vụ bạo lực học đường
Khi cơ quan công an đang điều tra vụ nữ sinh bị bạn đánh hội đồng bạn ở Hưng Yên, ngày 1/4, mạng xã hội lại xuất hiện clip ghi cảnh nữ sinh THCS ở Nghệ An bị nhóm bạn chửi bới, bắt quỳ rồi liên tục tát vào mặt dù nạn nhân khóc lóc, xin lỗi, gây bức xúc dư luận.
Thực tế, từ những năm 2015-2016, hàng loạt vụ tương tự đã xuất hiện nhan nhản trên Facebook.
Cuối tháng 10/2016, cộng đồng mạng phẫn nộ khi xem clip nữ sinh bị nhóm bạn 14 người đánh, bắt quỳ gối, liếm chân xảy ra ở khu vực dân cư tại xã Phú Xuân, huyện Nhà Bè, TP.HCM.
Vụ đánh hội đồng nữ sinh tại TP.HCM vào năm 2016 được phát hiện nhờ clip trên mạng xã hội. Ảnh c ắt từ clip.
Đáng nói, vụ hành hung tàn bạo diễn ra hôm 28/8, song nạn nhân không dám nói với người nhà.
Video đang HOT
Mọi việc chỉ được phát hiện 2 tháng sau đó khi một nữ sinh tham gia đánh bạn tung clip lên mạng xã hội.
Sau khi gia đình nạn nhân làm đơn tố cáo, công an đã mời 14 người liên quan, đều là những thiếu niên dưới 16 tuổi và đa phần đã bỏ học, lên trụ sở làm việc.
Tương tự, “nam sinh lớp 8 đánh bạn nữ lớp 10 gục tại bến xe buýt ở Mai Sơn, Sơn La”, “3 nữ sinh túm tóc, đánh bạn túi bụi ở Văn Lâm, Hưng Yên”, “nữ sinh Sư phạm gọi hội 7 người tới đánh bạn tại quán trà sữa ở Hà Nội”, “nữ sinh đánh hội đồng bạn ở Gia Lâm, Hà Nội”… đều là những vụ bạo lực học đường được phát hiện và xử lý không phải vì nạn nhân lên tiếng.
Với tốc độ lan truyền chóng mặt, các clip bạo lực học đường này nhanh chóng xuất hiện ở khắp các hội, nhóm trên Facebook, gây nên làn sóng bất bình trong cộng đồng mạng. Từ đó, nhờ sự và cuộc của các cơ quan báo chí, đài truyền hình, công an… những vụ việc này mới được xử lý.
Theo báo cáo của ngành giáo dục, trong năm học 2017-2018, cả nước xảy ra hơn 2.000 vụ, 53% trong số đó diễn ra trong môi trường học đường. Trong giai đoạn 2010-2018, 7.735 học sinh, sinh viên tham gia vào các vụ đánh nhau, bị xử lý kỷ luật.
Con số hàng nghìn vụ bạo lực học đường mà báo cáo chỉ ra ở trên có lẽ chưa phải là tất cả. Sẽ có nhiều trường hợp nạn nhân vì quá hoảng sợ, không dám phản kháng, không nói với ai… rồi cứ thế lẩn khuất trong những góc tối xấu xí của môi trường mà lẽ ra, con trẻ chỉ đến với niềm vui được tiếp thu kiến thức và vui chơi cùng bạn bè.
Trong năm học 2017-2018, cả nước xảy ra hơn 2.000 vụ bạo lực học đường. Ảnh: Nhân Lê – Nguyễn Sương.
Mạng xã hội ‘cổ vũ’ nạn bạo lực học đường?
Ngay sau khi vụ đánh hội đồng bạn ở Hưng Yên được phát tán lên Facebook, nhờ sự truy lùng ráo riết của dân mạng, thông tin, hình ảnh, trang cá nhân… được cho là của 5 nữ sinh tham gia hành hung được tìm ra và chia sẻ công khai trong nhiều diễn đàn.
Đó là mô típ quen thuộc khi trên mạng có “biến” (từ được dùng để chỉ sự việc nào đó gây sốc hay nghiêm trọng): Bằng mọi cách truy lùng ra nhân vật chính, rêu rao thông tin về họ rồi tràn vào trang cá nhân tấn công bằng những lời lăng mạ, xúc phạm, dè bỉu mà không cần kiểm chứng đúng sai.
Trong một hội nhóm mà giới trẻ chuyên vào để hóng “drama”, dưới bài đăng công khai 5 tài khoản Facebook được cho là thuộc về các thành viên trong nhóm nữ sinh đánh hội đồng bạn, dân mạng buông lời chửi bới, thóa mạ, gọi các nữ sinh này là “5 con quỷ”, “5 con rắn độc” và nhiều từ ngữ nặng nề khác.
Ảnh chụp màn hình 5 tài khoản Facebook được cho là thuộc về các thành viên trong nhóm nữ sinh đánh hội đồng bạn ở Hưng Yên xuất hiện trên mạng. Ảnh chụp màn hình.
Sau khi trở thành tâm điểm chỉ trích của nhiều người, L. – một trong 5 nữ sinh tham gia lột quần áo và đánh nữ sinh Y. ở Hưng Yên – đã bỏ nhà ra đi.
Gia đình L. cho biết con gái đang tạm lánh ở nhà bà con vì bị nhiều người dọa đánh, giết. Theo lời mẹ của L., mỗi khi nữ sinh này lên mạng lại nhận được những tin nhắn đe dọa “xử” từ người lạ.
Cô bé này nhiều lần sợ đến phát khóc và nói với mẹ phải đi khỏi nhà ngay nếu không ngày hôm sau sẽ bị đánh. Cả gia đình chỉ lo L. vì sức ép của cộng đồng mạng rồi nghĩ quẩn.
Có thể thấy, từ chuyện giúp phanh phui các vụ bạo lực học đường và gây sức ép tới việc xử lý cho các cơ quan chức năng, chính mạng xã hội cũng trở thành con dao 2 lưỡi khi tạo áp lực tinh thần nặng nề lên những đứa trẻ đi bắt nạt lẫn bị bắt nạt.
Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Ngọc Duy – giám đốc Trung tâm Chẩn đoán và Phát triển tinh thần Khơi Nguồn – từng chia sẻ với Zing.vn các bạn trẻ khi trở thành tâm điểm chú ý của cộng đồng mạng trong các sự việc tiêu cực hay nghiêm trọng nào đó sẽ gánh chịu sức nặng tâm lý rất khủng khiếp.
Họ gặp nhiều khó khăn khi đối diện với gia đình, bạn bè, những người ngoài phạm vi tương tác mạng xã hội đã xem clip đó. Những bạn trẻ này có thể bị sang chấn tâm lý do sức ép lớn từ cộng đồng.
Người thân cho rằng Bùi Quang Huy tìm đến cái chết vì hoảng sợ, xấu hổ khi clip mình bị nhóm thanh niên đánh lan truyền trên mạng xã hội. Ảnh: Tây Bắc 24h.
Không ít sự việc đau lòng từng xảy ra với nạn nhân của bạo lực học đường.
Đó là trường hợp của Bùi Quang Huy (sinh năm 2001, học sinh lớp 8A, trường THCS Âu Lâu, TP Yên Bái) treo cổ tự tử vào năm 2016.
Người thân cho hay Huy hành động dại dột như vậy có thể vì hoảng sợ và xấu hổ khi đoạn video mình bị nhóm thanh niên bắt quỳ gối, hành hung bằng tuýp sắt lan truyền trên mạng xã hội.
Nếu như clip không được đưa trên mạng, những nút like, share của cư dân mạng không tiếp tục đẩy mọi chuyện đi xa, có lẽ nam sinh đã không phải tìm đến cái chết khi tuổi đời còn quá trẻ.
Chưa kể, khi những thông tin sai lệch, thiếu kiểm chứng được đưa lên mạng, nhiều người vô can bỗng nhiên bị hàng nghìn người lạ chỉ bởi, dọa dẫm vì… “ném đá” nhầm. Và đôi khi chính những video về bắt nạt học đường nhan nhản trên Facebook lại “cổ vũ” những kẻ đi bắt nạt khác xem rồi bắt chước.
Mạng xã hội cũng sinh ra một kiểu bắt nạt mới là gièm pha, nói xấu nhau trong nhóm chat hay công khai “bóc phốt”, tung ảnh “dìm hàng” trên mạng xã hội.
Theo kết quả khảo sát của nhóm giảng viên khoa Tâm lý – Giáo dục của ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) và ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) trên 500 học sinh tại 2 trường THPT tại Đà Nẵng vào năm 2018, 19,3% học sinh là thủ phạm của việc bắt nạt, xúc phạm nhau bằng các hình thức trực tuyến (thông qua tin nhắn, hình ảnh hoặc video, các thiết bị điện tử…) và 16,7% học sinh từng là nạn nhân của hình thức này.
Nên cân nhắc việc đưa clip bạo lực học đường lên mạng xã hội
“Theo dõi tin tức vài ngày nay mà thấy thương cô bé nạn nhân cùng gia đình. Tuổi thơ của em đã có một nỗi ám ảnh mà cả đời cũng chẳng thể xoá được”, cô Đào Mai Linh – giáo viên ở Hải Phòng – chia sẻ về vụ nữ sinh bị bạn đánh ở Hưng Yên.
Cô Mai Linh biết về sự việc thông qua fanpage của VTV24. Khi nhấn xem clip, nữ giáo viên phẫn nộ đến mức không đủ bình tĩnh để theo dõi toàn bộ.
“Tôi nghĩ các video về bạo lực học đường như vậy không nên xuất hiện trên mạng xã hội. Tuy nhiên, cũng có chút phân vân bởi nếu không có clip được tung lên thì vụ này không biết còn bị ỉm đi đến bao giờ vì nạn nhân không dám nói”, cô Linh bày tỏ.
Mội số Việc đưa clip bạo lực học đường lên mạng xã hội nên được cân nhắc . Ảnh cắt từ clip.
Từ lập trường một người đang làm việc trong môi trường giáo dục, cô Mai Linh chia sẻ nếu bản thân phát hiện một vụ bạo lực học đường, việc đầu tiên cô làm là tìm hiểu nguyên nhân sự việc để nắm rõ ai gây chuyện, ai bị hại.
Sau đó, nữ giáo viên sẽ nói chuyện với học sinh bị bạo lực để em đó chia sẻ rõ hơn về tình trạng hiện tại của mình. Tiếp đến, cô báo cho gia đình các học sinh có liên quan, bởi trong các vụ bạo lực học đường, chỉ khi nhà trường và gia đình phối hợp tốt mới đem lại hiệu quả.
“Với mức độ bạo hành/va chạm nhẹ, tôi sẽ xử lý đến đó, chứ như clip em Y. ở Hưng Yên bị đánh tôi sẽ mời gia đình các em liên quan cùng cơ quan có thẩm quyền để xử lý nặng. Không thể dung túng cho hành vi này được. Tôi sẽ nghĩ đến việc đưa sự việc lên mạng nếu nhà trường và phía công an không có động thái xử lý dù đã biết. Giờ sức mạnh của mạng xã hội khá lớn, chúng ta nên tận dụng trong hoàn cảnh cần thiết”, cô Linh nêu quan điểm.
TS. Vũ Thu Hương (ĐH Sư phạm Hà Nội) từng chia sẻ một trong những nguyên nhân dẫn đến các vụ bạo lực học đường hiện nay là do mâu thuẫn trên Facebook. Từ đó, nữ tiến sĩ đưa ra gợi ý cho mọi người khi dùng mạng xã hội:
- Mỗi gia đình cần đặt ra những nguyên tắc để quy định cho các thành viên. Không đưa những thông tin cá nhân lên Facebook, đặc biệt thông tin về địa chỉ, thân thế, nơi làm việc thực tế ngoài đời.
- Không sử dụng ngôn ngữ thiếu lành mạnh khi bình luận hay đăng các bài viết trên mạng xã hội. Không phê phán, chỉ trích, xúc phạm cá nhân và tập thể trên mạng xã hội.
- Không chia sẻ ảnh của người thân, đặc biệt ảnh nhạy cảm của trẻ nhỏ. Điều này có thể sẽ gây ra nhiều nguy hiểm cho chính các em bé. Có những quy định rất cụ thể về việc trẻ nhỏ sử dụng mạng xã hội theo độ tuổi, trình độ học vấn và nhận thức của các cháu.
Theo Zing
Trước tiên, hãy dạy làm người
Sự việc 5 nữ sinh lớp 9A trường THCS Phù Ủng (Ân Thi, Hưng Yên) ngang nhiên lột quần áo và đánh dã man một nữ sinh cùng lớp ngay trong lớp học, quay video rồi tung lên mạng, thực sự gây bất bình và chấn động trong dư luận.
Ảnh minh họa
Ngay sau khi phát hiện vụ việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đều đã có ý kiến chỉ đạo. Sáng qua 31/3, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cùng lãnh đạo Vụ Học sinh Sinh viên đã về Hưng Yên chủ trì cuộc làm việc với Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phóng. Bộ trưởng Nhạ nhận định, đây là "vụ rất nghiêm trọng, vượt qua phạm vi thông thường của bạo lực học đường, có nguyên nhân ý thức thực thi công vụ của các cấp, đặc biệt là nhà trường chưa làm hết trách nhiệm". Ông Nhạ đề nghị lãnh đạo tỉnh Hưng Yên xử nghiêm và ngay lập tức, đồng thời đề nghị các Chủ tịch tỉnh trên toàn quốc cũng phải vào cuộc, bởi bạo lực học đường không chỉ xảy ra riêng ở Hưng Yên.
Ngay tại buổi làm việc, ông Phóng đã yêu cầu UBND huyện Ân Thi "xem xét làm quy trình cách chức đối với Chi ủy, Ban giám hiệu nhà trường, tổng phụ trách đội; xem xét kỷ luật hội đồng kỷ luật nhà trường vì bao che, nương nhẹ". Giáo viên chủ nhiệm cần bị xử lý nặng hơn "vì không nắm được tâm tư của học sinh". "Công an sẽ xem xét sai phạm của các học sinh này", ông Phóng nói.
Dư luận không những bất bình mà còn ngỡ ngàng, bởi mới chỉ ở độ tuổi 15 mà không hiểu sao các nữ sinh này lại có thể hành hung và làm nhục bạn cùng lớp theo cách dã man và vô nhân tính đến vậy! Đáng buồn và đáng lo hơn, hành động đó xảy ra ngay trước mắt các bạn học sinh khác nhưng tuyệt nhiên không thấy ai can ngăn hay có hành động phản kháng.
Câu hỏi đặt ra, những học sinh đánh bạn và cả những học sinh thản nhiên đứng xem rồi quay clip này, các em đã được dạy và học những gì trong suốt 9 năm ngồi trên ghế nhà trường phổ thông? Vì sao, mới ở lứa tuổi thiếu nữ, lẽ ra phải trong trắng và rất đẹp kia, các em lại có thể hung hãn, độc ác và vô cảm với đồng loại đến vậy?
Rõ ràng, vấn nạn bạo lực học đường đã đến hồi báo động, không thể xem thường. Vấn đề giáo dục đạo đức, lối sống của học sinh trong các trường học trên toàn quốc cần phải được đặc biệt chú trọng. Lâu nay, liệu có phải chúng ta đã quá thiên về dạy chữ mà có phần xem nhẹ việc dạy làm NGƯỜI, dạy học sinh để trở thành công dân tốt, có ứng xử văn minh, trách nhiệm trong xã hội?
Liệu vai trò và vị trí của môn Giáo dục công dân trong các bậc học phổ thông đã được nhìn nhận một cách đúng tầm như lẽ ra nó phải có? Liệu đội ngũ hiệu trưởng các trường phổ thông, giáo viên chủ nhiệm và đặc biệt là giáo viên dạy môn Giáo dục công dân trên toàn quốc đã thực sự đảm bảo chất lượng tương xứng với yêu cầu chuyên môn và đòi hỏi của xã hội?
Vẫn biết, "giáo dục là sự nghiệp của toàn dân", nhà trường không thể là một "ốc đảo", không thể không chịu ảnh hưởng từ những tiêu cực ngoài xã hội. Tuy nhiên, trước nguy cơ về sự xuống cấp của đạo đức xã hội hiện nay, cần khẩn cấp coi trọng và đề cao sứ mạng dạy làm NGƯỜI trong ngành giáo dục bằng những chính sách, nội dung thật cụ thể, ngay lập tức, ở mọi cấp học.
VIỆT HÙNG
Theo Tiền phong
Toàn bộ giáo viên Hưng Yên sẽ họp rút kinh nghiệm sau vụ nữ sinh bị đánh Cuộc họp trực tuyến sẽ được tổ chức trong tuần này nhằm thông báo, rút kinh nghiệm sự việc và tư vấn cách xử lý bạo lực học đường. Sau cuộc làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo sáng 31/3, ông Nguyễn Văn Phóng, Chủ tịch tỉnh Hưng Yên, giao công an tỉnh phối hợp với công an huyện Ân Thi...