Bạo lực học đường “vá” chỗ nọ “thủng” chỗ kia gây ra “lỗ hổng” nhân cách
Thời gian qua, dư luận bức xúc về hàng loạt vụ việc bạo lực học đường như vụ nữ sinh Hưng Yên, Nghệ An bị đánh hội đồng, học sinh lớp 5 đâm bạn, học sinh ở Quảng Ninh bị đánh hội đồng đến tụ máu não…
Ngay sau khi báo chí phản ánh, cơ quan chức năng đã vào cuộc, tuy nhiên, đáng buồn, vấn đề chưa được giải quyết từ gốc, trường học vẫn chưa là môi trường bình yên cho học sinh.
Cảnh báo đỏ nạn bạo lực học đường
Trước những hiện tượng trên, TS. Khuất Thu Hồng, Viện trưởng viện Nghiên cứu phát triển xã hội cho rằng: “Chương trình giáo dục của Việt Nam hiện nay vẫn đang nặng giáo dục về kiến thức mà không chú trọng giáo dục đạo đức và kỹ năng sống. Vì vậy, khi xảy ra mâu thuẫn, học sinh không biết cách nào để giải quyết ngoài việc lựa chọn sử dụng vũ lực. Đó là một “khoảng trống” rất lớn về giáo dục đạo đức, giáo dục nhân cách của chương trình giáo dục tại Việt Nam.
Giáo dục Việt Nam đã và đang “sản xuất” ra hàng loạt những người “biết chữ”, nhưng khi lớn lên lại là người không có đủ năng lực để bước vào cuộc sống. Điều đó trở thành một vấn đề “nổi cộm” khiến ngành giáo dục Việt Nam cần phải thay đổi”.
“Theo tôi, bạo lực học đường đang phản ánh những hiện tượng bạo lực trong gia đình và ngoài xã hội. Những mâu thuẫn trong gia đình, từ việc bố sử dụng bạo lực với mẹ, cũng có thể khiến học sinh học theo, suy nghĩ và sử dụng vũ lực với bạn bè, để giải quyết mâu thuẫn. Học sinh đó lại chưa được trang bị, hướng dẫn các kỹ năng để giải quyết những mâu thuẫn đó, chưa được gia đình, nhà trường giáo dục trong khi xã hội tràn ngập bạo lực, dễ bị tiêm nhiễm”, bà nhấn mạnh.
Bạo lực học đường xảy ra liên tiếp trong thời gian qua. Ảnh minh họa
Đồng tình với quan điểm đó, TS. Nguyễn Hiệp Thương, Trưởng khoa Công tác xã hội, trường đại học Sư phạm Hà Nội cũng cho rằng: “Nhiều trường học, cơ sở giáo dục vẫn chỉ chú trọng tới dạy chữ, truyền thụ tri thức, kiến thức, chưa coi trọng việc giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh. Chương trình học quá nặng, số lượng học sinh trong một lớp học ở nhiều địa phương đặc biệt trong các thành phố lớn, đô thị quá tải so với quy định nên giáo viên không thể quan tâm sâu sát tới từng học sinh. Giáo viên chủ nhiệm và những giáo viên khác chỉ chú trọng giảng dạy chuyên môn, không có nhiều thời gian để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, những vấn đề bất thường của học sinh. Hơn nữa, nhiều giáo viên thiếu kinh nghiệm, không đủ kiến thức, kỹ năng để nhận biết, giải quyết những vấn đề này, khi gặp tình huống trong thực tế, nhiều thầy cô đã xử lý không phù hợp, thậm chí sai trái hoặc nhiều người đã chọn giải pháp tảng lờ, bỏ qua không giải quyết…”.
Thầy giáo Trần Trung Hiếu, trường THPT Phan Bội Châu (Nghệ An) cho rằng: “Giáo dục trong nhiều năm qua mang tính hình thức, chịu ảnh hưởng nặng của bệnh thành tích. Học sinh đến trường chịu nhiều áp lực về điểm số, thi cử, ít được giáo dục đạo đức, hành vi. Đây không phải vấn đề của một trường mà là vấn đề chung của rất nhiều trường”.
“Mạng xã hội cũng tạo sự kích động đối với thực trạng bạo lực học đường, thông qua sự tiện lợi tiếp cận internet, tạo điều kiện cho sự đua đòi, a dua… Lứa tuổi trong các vụ bạo lực học đường vừa qua cũng tập trung ở “tuổi nổi loạn”, dễ bị tiêm nhiễm, kích thích. Không có sự phối hợp giữa ba yếu tố gia đình, nhà trường và xã hội, những vụ việc tương tự sẽ còn bùng phát nữa chứ chưa dừng lại, và biểu hiện sẽ ngày càng rầm rộ hơn. Việc những học sinh quay clip tung lên mạng xã hội với thái độ rất hả hê để trả thù, như một biểu hiện của bạo lực có ý thức”, thầy Hiếu phân tích.
Loay hoay giải quyết phần “ngọn” vấn đề
Trước vấn nạn bạo lực học đường ngày càng xảy ra nhiều, TS. Nguyễn Hiệp Thương khẳng định: “Đây cũng như hồi chuông cảnh báo đối với các nhà quản lý giáo dục, giáo viên, phụ huynh, học sinh và các cấp chính quyền, cộng đồng xã hội trong việc nâng cao nhận thức và trách nhiệm để ngăn chặn và đẩy lùi những vấn nạn trong trường học, trong đó có bạo lực học đường”.
Video đang HOT
Ông phân tích: “Ngay sau khi những sự việc đó xảy ra, các cơ quan chức năng đã có trách nhiệm, giải quyết, xử lý sự việc kịp thời và đúng quy định. Bên cạnh trách nhiệm góp phần giảm bớt những hậu quả tiêu cực đối với các nạn nhân của bạo lực học đường, chúng ta cũng cần lưu ý đến việc phần nào giảm bớt những bức xúc, lo lắng trong dư luận xã hội trong thời gian qua. Tuy nhiên, theo tôi, những giải pháp, biện pháp đang thực hiện có thể rất hiệu quả và kịp thời khi giải quyết những vụ việc đã xảy ra, nhưng hiệu quả trong việc phòng ngừa và ngăn chặn những vấn nạn xảy ra trong trường học chưa phù hợp và không hiệu quả”.
Ông lý giải: “Bởi, chúng ta đang như giải quyết phần ngọn chứ chưa giải quyết phần gốc rễ của vấn đề. Nếu chỉ dừng ở những quy định, chính sách, hoặc những giải pháp như hiện nay, nếu chỉ nhìn thấy trách nhiệm của nhà trường, của những cơ sở giáo dục mà không chú trọng đến vấn đề giáo dục trong gia đình; không chú ý đến sự tác động tiêu cực của mặt trái xã hội đến học sinh, hệ thống nhà trường; không có giải pháp để phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình, các cấp, các ngành và cả xã hội thì những vấn đề nổi cộm trong trường học như bạo lực học đường, hành vi lệch chuẩn của học sinh không những không giảm đi mà có thể tiếp tục gia tăng trong thời gian tới…
Cùng với đó, việc thực hiện các hoạt động phổ biến, nâng cao nhận thức, kiến thức về phòng chống xâm hại, bạo lực học đường hay giải quyết các vấn đề “nổi cộm” trong các cơ sở giáo dục hiện nay còn nhiều bất cập, hạn chế”.
TS. Khuất Thu Hồng, Viện trưởng viện Nghiên cứu phát triển xã hội
Bảo vệ môi trường học đường
TS. Khuất Thu Hồng cho biết: “Sau khi các vụ bạo lực học đường xảy ra, ngành giáo dục cần phải thay đổi nội dung giảng dạy, tăng cường các nội dung giáo dục kỹ năng sống, văn hóa ứng xử, bổ sung các kiến thức xã hội trong khung giảng dạy. Trước hết, phải siết chặt những quy tắc, nội quy ứng xử trong trường lớp giữa thầy và trò, giữa các trò với nhau… những quy định thật nghiêm khắc, có chế tài theo dõi và xử lý.
Bên cạnh đó, mỗi trường nên có đội ngũ công tác xã hội, tư vấn tâm lý cho học sinh, giải quyết những vấn đề tâm lý, mâu thuẫn, giải thích và tư vấn để kịp thời giúp học sinh giải tỏa khúc mắc, tránh dẫn đến tình trạng sử dụng vũ lực để giải quyết. Việc nhà trường có đưa nội dung giảng dạy, xây dựng bộ quy tắc ứng xử, nội quy nhằm củng cố những hành vi tích cực phải được xây dựng đồng thời trong gia đình, nhà trường và ngoài xã hội”.
TS. Nguyễn Hiệp Thương cho rằng rất cần những người có kiến thức, kỹ năng và được đào tạo chuyên sâu. Kinh nghiệm thực tiễn ở các nước có nền giáo dục tiên tiến trên thế giới như Hoa Kỳ, Thụy Điển, Australia… hoặc các nước ở khu vực châu Á có một số nét tương đồng về văn hóa với Việt Nam như Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Singapore thì người làm công việc này chính là nhân viên công tác xã hội trong trường học, cán bộ tham vấn, tư vấn tâm lý trong trường học.
Để phòng ngừa, ngăn chặn, giải quyết kịp thời những vấn đề tiêu cực nảy sinh trong trường học, đặc biệt là với học sinh như xâm hại tình dục, bạo lực học đường…, các trường có đào tạo ngành sư phạm cần đưa chuyên đề Công tác bảo vệ, chăm sóc giáo dục trẻ em trong đó có những nội dung về công ước quốc tế về quyền trẻ em, luật trẻ em… kiến thức kỹ năng về phòng chống xâm hại, bạo lực, các tệ nạn xã hội đối với học sinh là một môn học chung cho các sinh viên sư phạm.
Cần tổ chức các khóa đào tạo tập huấn cho các lãnh đạo quản lý giáo dục, lãnh đạo các cơ sở giáo dục để tăng cường kiến thức về công tác xã hội trường học và mô hình công tác xã hội trường học, hướng tới chuyên nghiệp ở Việt Nam”.
Thầy Trần Trung Hiếu cũng cho rằng: “Tuyên truyền thông qua các tiết học ngoại khóa, những giờ sinh hoạt là một phương pháp hiệu quả để ngăn ngừa những hiện tượng tương tự. Bên cạnh đó, cần những hình thức xử phạt mạnh hơn nữa, không đơn thuần là sự phê bình, sửa đổi, bổ sung thêm điều luật dành cho người dưới 18 tuổi, nếu không lứa tuổi này sẽ tiếp tục bùng phát những hành vi sai phạm”.
Cẩm Mịch
Theo ĐS&PL
Sống nhân văn, sẽ triệt tiêu mầm ác
Bạo lực học đường liên tiếp diễn ra trong thời gian qua, vừa gây bất bình dư luận, vừa làm vấy bẩn môi trường học đường. Tại sao những đứa trẻ đang còn ngồi trên ghế nhà trường lại có thể nhẫn tâm với bạn học của mình? Bạo lực học đường từ đâu ra, có ngăn chặn được không?...
Bà Trần Kim Lê - Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Dịch vụ truyền thông, Cục Trẻ em (Bộ LĐTB&XH) - đã có cuộc trao đổi với báo Đại Đoàn Kết xung quanh vấn đề này.
Bà Trần Kim Lê.
PV: Thưa bà, nguyên nhân của bạo lực học đường đã được các chuyên gia chỉ ra rằng do thế gắn kết chân kiềng "Gia đình- nhà trường- xã hội lâu" nay quá lỏng lẻo. Theo bà, còn có nguyên nhân nào khác nữa?
Bà Trần Kim Lê: Theo tôi có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân căn cốt dẫn đến tình trạng bạo lực học đường có phần không nhỏ bởi tính ích kỷ, thói vô cảm. Trẻ ích kỷ bởi ngày nay mỗi gia đình có ít con, trẻ được sự nuông chiều của cha mẹ, chỉ biết đến mình. Sự vô cảm từ bạn bè, từ người lớn ngang qua đường nhìn thấy cảnh con trẻ đánh lộn lẫn nhau mà không can ngăn; hoặc khi có học sinh thưa lại với thầy/cô có bạn A, bạn B đánh lộn, cãi cọ... không ít giáo viên cho đó là chuyện xích mích của trẻ con, phải chờ đến cuối tuần có buổi sinh hoạt lớp mới nhân tiện nhắc nhở học sinh.
Sự thờ ơ, vô cảm từ những người xung quanh - nhất là người lớn - vô tình đang tiếp tay cho những mầm ác. Nếu không được ngăn chặn kịp thời, sẽ không còn là chuyện "trẻ con" nữa mà trở thành vấn đề xã hội như chúng ta đang thấy. Cùng với đó, hiện ở nhiều trường học chưa chú trọng tới tư vấn tâm lý học đường. Trẻ không được quan tâm đến vấn đề tâm lý, không có nơi để chia sẻ. Ấm ức vì những chuyện nhỏ không được phân xử kịp thời, lâu dần tích tụ lại sẽ dẫn đến bạo lực học đường.
Một nguyên nhân nữa là trẻ bây giờ thiếu quá nhiều kỹ năng sống. Kỹ năng sống không phải dạy trẻ trong ngày 1 ngày 2 mà trẻ phải được học hàng ngày tại gia đình, tại trường học. Cha mẹ phải dành thời gian giúp con bồi dưỡng kỹ năng. Thầy cô hướng dẫn học trò qua các giờ học trên lớp. Trẻ sử dụng bạo lực cũng là do thiếu kỹ năng tự bảo vệ, tự thương thuyết, hòa giải. Từ những vụ việc bạo lực học đường/bạo lực ở lứa tuổi học đường diễn ra gần đây, còn cho thấy khoảng trống về kiến thức pháp luật cho lứa tuổi học sinh. Trên thực tế, nhiều em không ý thức được mình sẽ bị trừng phạt thế nào khi có hành vi xâm hại bạn khác.
Thưa bà, có quan điểm cho rằng lối sống "lệch chuẩn" của không ít người trẻ hôm nay có nguyên nhân từ mạng xã hội, và đôi khi là sự thái quá của truyền thông?
- Việc sử dụng mạng xã hội trong thời đại công nghệ số là cần thiết, nhưng ở lứa tuổi học trò, không phải đứa trẻ nào cũng biết cách hoặc đủ khôn ngoan/thông minh để chọn lọc thông tin. Nhất là khi xu hướng của tuổi teen là hay "a dua", hưởng ứng "trend" cho theo kịp xu thế... Thậm chí ngay cả người lớn cũng dễ mắc vào những cái bẫy hiệu ứng mạng xã hội, chia sẻ những thông tin chưa được kiểm chứng. Rõ ràng việc sử dụng mạng xã hội không đúng cách đã dẫn tới nhiều hệ lụy.
Những gì diễn ra trên mạng xã hội cũng chính là tấm kính phản chiếu đời sống. Do đó, ngoài sự quan tâm, theo dõi sâu sát của cơ quan quản lý nhà nước về nội dung trên internet, mỗi người dùng cần đọc kỹ điều khoản sử dụng trước khi lên mạng xã hội, cân nhắc có chọn lọc xem: nên xem gì, học tập gì từ những thần tượng ảo. Đặc biệt con trẻ sử dụng mạng xã hội cần có sự giám sát từ phụ huynh/giáo viên. Việc trẻ sử dụng Internet nếu có sự định hướng của cha mẹ thì rất hữu ích. Bởi đó là kho dữ liệu khổng lồ, song đó cũng là cạm bẫy nếu trẻ sa đà và bị lôi cuốn bởi những trang web độc hại. Nếu chúng ta không định hướng, uốn nắn, thiếu giám sát, sẽ dẫn đến những hành vi lệch chuẩn và những hệ lụy không lường trước được.
Điều đáng lưu ý là sau mỗi vụ việc trẻ em (nói chung) bị bạo hành, Cục Trẻ em luôn lên tiếng đề nghị các cơ quan truyền thông không đưa tin và hình ảnh quá chi tiết gây tổn hại tinh thần nạn nhân.
Việc không đưa thông tin chi tiết các vụ việc cũng là một cách bảo vệ trẻ trước nguy cơ xâm hại?
- Vâng, Đây là điều mà Cục Trẻ em luôn quan tâm trong quá trình bảo vệ trẻ trước một vụ xâm hại, bạo lực, đặc biệt là xâm hại tình dục. Trẻ bị xâm hại luôn bị sang chấn tâm lý rất nặng nề. Khi cơ quan báo chí truyền thông đưa tin về vụ việc mà đưa quá nhiều chi tiết cụ thể thì các em lại bị xâm hại lần thứ hai. Đây sẽ là lỗi của chúng ta. Bởi nỗi đau của các em và gia đình các em luôn bị nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Không chỉ 1 báo đưa, nhiều báo đăng tin rồi trên mỗi bài báo sau khi đăng thêm tình tiết mới thì lại nhắc lại vụ việc diễn ra như thế nào. Điều này ảnh hưởng rất nhiều tới gia đình trẻ bị xâm hại. Có trường hợp gia đình trẻ bị xâm hại phải chuyển khỏi địa phương để trẻ có cơ hội đi học trở lại. Có em bị sang chấn tâm lý, việc trị liệu cho trẻ mất rất nhiều thời gian mà các em luôn phải đối diện với những thông tin về mình thì trị liệu sẽ khó khăn hơn gấp nhiều lần.
Tuy báo chí truyền thông đã có nhiều đóng góp trong việc đưa ra công luận và lên án các vụ xâm hại, bạo lực, song việc cẩn trọng khi đưa thông tin về các em rất cần thiết như tôi vừa nói là xâm hại trẻ lần thứ hai. Để giải quyết tình trạng này, tới đây Cục Trẻ em sẽ phối hợp với Cục Báo chí có văn bản pháp lý qui định cụ thể một vụ việc trẻ bị xâm hại tình dục thì báo chí thông tin ở mức độ nào, không được nhắc tên, địa chỉ của trẻ... Trong tuần vừa qua, lãnh đạo Bộ LĐTBXH và Bộ GDĐT cũng đã có cuộc họp khẩn để đưa ra kế hoạch phòng chống xâm hại, bạo lực trẻ em trong trường học.
Thưa bà, theo báo cáo của Tổng đài Quốc gia Bảo vệ trẻ em 111, từ 1/1/2019 đến 31/3/2019, Tổng đài tiếp nhận hơn 300.000 cuộc gọi đến. Tổng đài đã tư vấn 6.794 ca, can thiệp 207 ca. Trong đó số ca trẻ bị bạo lực 74 ca (chiếm 35,8% số ca hỗ trợ, can thiệp của Tổng đài); Trẻ em bị xâm hại tình dục là 63 ca (chiếm 30,4%). Điều này cho thấy tình trạng trẻ em bị xâm hại bạo lực không nhỏ, nhưng trong thực tế vẫn còn nhiều em chưa được tiếp cận, hoặc chưa có điều kiện tiếp cận với Tổng đài?
- Hiện thách thức trong hoạt động của Tổng đài là nhiều trường hợp Tổng đài không kết nối được với người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã, không kết nối được với công an do không nghe máy, bận họp và từ chối hợp tác, không tiếp nhận thông tin từ phía Tổng đài; chưa thực sự tiếp cận hiệu quả nhóm trẻ em cần được bảo vệ đặc biệt, trẻ em vùng sâu vùng xa, dân tộc thiểu số. Điều đó hạn chế việc đáp ứng kịp thời nhu cầu được giúp đỡ của trẻ em. Nhiều vụ việc các gia đình cũng từ chối sự trợ giúp của Tổng đài do chưa có sự tin tưởng.
Dẫu thế cũng có những trường hợp người dân vẫn còn thiếu thông tin về Tổng đài quốc gia Bảo vệ trẻ em 111, hoặc ít nhiều phụ huynh còn e dè khi liên lạc với tổng đài. Để khắc phục tình trạng này, chúng tôi sẽ tăng cường truyền thông, quảng bá rộng rãi về chức năng của Tổng đài 111 để can thiệp, trợ giúp được nhiều hơn trẻ bị xâm hại, bạo lực. Nhiều năm nay Tổng đài đã trực 24/24h và hoàn toàn miễn phí.
Vậy trong trường hợp trẻ bạo hành "cầu cứu", Tổng đài 111 đã giúp đỡ các em ra sao?
- Nhiều vụ việc trẻ bị bạo hành, Tổng đài đã kết nối với công an xã, Trung tâm Công tác xã hội địa phương để can thiệp. Trong tình huống khẩn cấp ảnh hưởng đến tính mạng của trẻ, chúng tôi phải kết nối khẩn trương với Cục Cảnh sát hình sự C02, cảnh sát 113 để cùng can thiệp kịp thời. Tổng đài 111 được ví như cầu nối, là "trung tâm thông tin" giữa các ngành, các đơn vị chức năng để trợ giúp cho một em bé trong tình huống khẩn cấp. Sau khi trẻ được giải cứu, chúng tôi lại tiếp tục trị liệu tâm lý và hỗ trợ pháp lý nếu trẻ có nhu cầu. Năm 2018, chúng tôi đã thành lập thêm 2 Tổng đài vùng đặt tại Đà Nẵng và An Giang để can thiệp, trợ giúp trẻ tại các khu vực này. Bên cạnh đó Tổng đài 111 có chức năng can thiệp, hỗ trợ các nạn nhân bị mua bán qua biên giới.
Câu hỏi cuối cùng: Trong vai trò phụ huynh bà thấy cần phải trang bị kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ cho con trẻ ra sao?
- Tôi vẫn muốn nhấn mạnh rằng sau mỗi sự việc xảy ra, những giải pháp đưa ra rất giống nhau và có phần chung chung. Đơn cử như: Gia đình, nhà trường và xã hội cần nâng cao nhận thức, ý thức cho học sinh, sinh viên và con em mình về những hành động bạo lực và hậu quả của những hành động bạo lực này...
Thực chất mọi giá trị sống đang thay đổi, âu cũng chính là hệ quả của lối sống (gấp) mà ra. Vì thế, dù ở môi trường nào đi chăng nữa (gia đình, nhà trường hay ngoài xã hội), chỉ cần mỗi người lớn hãy sống thực nhân văn. Khi người lớn thực sự là tấm gương - thì chúng ta cũng không phải bàn quá nhiều về việc trang bị kỹ năng sống cho trẻ.
Xin cảm ơn bà về cuộc trò chuyện này!
Hương Lê
Theo Đại đoàn kết
Ngăn chặn bạo lực học đường Nhận định tình trạng bạo lực học đường có chiều hướng gia tăng, xuất hiện thêm nhiều vụ việc phức tạp, tại hội thảo về vấn đề chống bạo lực học đường do Bộ GDĐT tổ chức mới đây, ông Dương Văn Bá- Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên, đã nhấn mạnh: Các cơ...