Bạo lực gia đình vẫn “nóng rực”
“Tình trạng bạo lực gia đình vẫn phức tạp” là nhận định của nhiều chuyên gia tại phiên giải trình của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội về trách nhiệm quản lý nhà nước và phối hợp trong phòng chống bạo lực gia đình (BLGĐ), vừa được tổ chức.
Hỗ trợ, bảo vệ nạn nhân chưa hiệu quả
Bà Nguyễn Thúy Anh – Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, theo khảo sát của ủy ban này, tình hình BLGĐ xảy ra ở nhiều vùng miền và các nhóm đối tượng. “Sau 10 năm triển khai Luật Phòng chống BLGĐ đã cơ bản thay đổi nhận thức của cá nhân, gia đình và cộng đồng về BLGĐ. Tuy nhiên, dù công tác phòng chống BLGĐ đã có nhiều định hướng chỉ đạo nhưng hiệu quả thực hiện còn hạn chế do thiếu những quy định pháp lý đặc thù, khiến việc hỗ trợ, bảo vệ nạn nhân còn chưa hiệu quả; thiếu các quy định mang tính pháp lý để giáo dục, xử lý người gây bạo lực” – bà Thúy Anh cho biết.
Bạo lực gia đình diễn ra phức tạp với nhiều vụ việc nghiêm trọng. Ảnh minh họa: Cảnh trong một bộ phim lên án bạo lực gia đình. Ảnh: T.L
“Chúng ta vẫn cần đến một hệ thống pháp lý đủ sức mạnh, và cần hơn nữa là những chuyển đổi từ trong nhận thức của người dân về BLGĐ, về văn hóa trong gia đình”.
Bộ trưởng Bộ VHTTDL
Nguyễn Ngọc Thiện
Nhiều đại biểu cho rằng, BLGĐ càng ngày càng có chiều hướng gia tăng, nhiều vụ việc có mức độ nghiêm trọng, trong đó không thiếu những vụ thảm án. BLGĐ không chỉ là chồng đánh vợ mà xảy ra ở nhiều đối tượng khác trong gia đình, vợ bạo hành chồng, con cái bạo hành cha mẹ, cha mẹ đánh đập con cái…
Video đang HOT
Đại biểu Thu Dung (tỉnh Thái Bình) nhận định: “Chúng ta chưa có được giải pháp thấu đáo để ngăn chặn tình trạng BLGĐ vốn đã xảy ra nhiều năm nay theo chiều hướng ngày càng nghiêm trọng. Một số gia đình khi xảy ra vấn đề BLGĐ không biết phải làm gì, hàng xóm cho rằng BLGĐ là việc riêng, không can dự. Đa số các nạn nhân cũng không dám tố cáo, gắng chịu đựng vì cho rằng “xấu chàng hổ ai”… cho đến khi xảy ra hậu quả đáng tiếc thì đã muộn”.
Thiếu chế tài xử phạt
Theo Phó chánh TAND Tối cao Nguyễn Thúy Hiền, những cuộc hôn nhân tan vỡ do BLGĐ ngày càng tăng với nhiều hình thức từ thể xác đến tinh thần. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn thiếu chế tài để xử lý các vụ việc BLGĐ. “Các quy định chưa rõ ràng về các hành vi gây bạo lực và đối tượng gây bạo lực. Thí dụ định nghĩa: “BLGĐ là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế đối với thành viên khác…”, làm sao để xác định được “hành vi có khả năng gây tổn hại”? Hay như luật quy định: “BLGĐ là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình” là chưa cụ thể. Ngoài ra khái niệm “thành viên gia đình” là chưa rõ ràng, thậm chí có trường hợp nhiều cặp sinh sống không đăng ký kết hôn, nhưng vẫn xảy ra bạo lực.
Còn ông Trần Công Phàn – Phó Viện trưởng Viện KSND Tối cao nhận định: “Vấn đề là việc phổ biến, giáo dục pháp luật không chỉ tuyên truyền suông, mà phải đi sâu vào phân tích những khía cạnh cụ thể, chỉ rõ trách nhiệm thừa hành pháp luật của từng đơn vị, cá nhân. Như hiện nay, ở không ít địa phương, khi nạn nhân tìm đến gõ cửa các cơ quan có trách nhiệm thì lại bị lảng tránh. Điều đó cũng làm giảm số người dám đứng lên tố cáo, đấu tranh với hành vi BLGĐ”.
Hình thức phạt tiền đối với người gây bạo lực tiếp tục bị nghi ngại về tính hiệu quả. Có khá nhiều trường hợp con đánh cha mẹ không có tiền nộp phạt cha mẹ lại đi nộp thay, hoặc vợ bị chồng đánh lại phải bỏ tiền nộp phạt cho chồng, về nhà chồng xót tiền lại… đánh tiếp. Những quy định về biện pháp cấm tiếp xúc giữa người gây bạo lực và nạn nhân, hay mức xử phạt chưa đủ sức răn đe…
Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện nhấn mạnh: “Số liệu thống kê về BLGĐ là chưa đầy đủ. Bộ VHTTDL cũng đã có đề xuất, kiến nghị liên quan đến sửa đổi luật, các nghị định nhằm mang lại tính răn đe cao, tuy nhiên sửa đổi luật là việc không thể làm thường xuyên. Muốn phòng, chống hiệu quả BLGĐ thì cần nhân rộng các mô hình hỗ trợ cộng đồng về phòng, chống BLGĐ hoạt động có hiệu quả, những nơi trú ẩn an toàn có tác dụng giúp đỡ những nạn nhân bị BLGĐ, xây dựng các địa chỉ tin cậy ở cộng đồng để nhằm tư vấn giải quyết mâu thuẫn, phòng, chống BLGĐ…”.
Theo Danviet
Nhiều lần đánh vợ, tòa cho ly hôn
Ngay trong thời gian tòa giải quyết ly hôn, người chồng cũng có hành vi bạo lực gia đình và đã bị công an xã ghi nhận.
TAND huyện Cái Bè, Tiền Giang xử sơ thẩm vụ án ly hôn giữa chị LND với anh PVB, tuyên chấp nhận yêu cầu ly hôn của chị D., đồng thời buộc anh B. phải giao hai con chung cho chị D. nuôi dưỡng.
Theo đơn khởi kiện và các lời khai trong quá trình giải quyết vụ án, chị D. trình bày chị và anh B. chung sống với nhau từ năm 2005, có đăng ký kết hôn theo quy định. Sau đó hai bên phát sinh mâu thuẫn do bất đồng quan điểm sống, vợ chồng thường xuyên cự cãi nhau.
Đặc biệt, anh B. đã nhiều lần đánh chị và có hành vi bạo hành về tinh thần đối với chị và hai con. Hết sức chịu đựng nên chị D. yêu cầu được ly hôn với anh B., chị muốn được nuôi hai con chung và không yêu cầu anh B. phải cấp dưỡng.
Anh B. thừa nhận quá trình kết hôn, chung sống như chị D. trình bày. Nguyên nhân chị D. nộp đơn ly hôn là do vợ chồng chung sống có cự cãi qua lại và do hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Anh cũng thừa nhận có vài lần đánh chị D. và thời điểm ly hôn thì chị D. đã bỏ về nhà cha mẹ ruột sinh sống. Tuy nhiên, anh không đồng ý ly hôn vì cho rằng vẫn còn thương yêu vợ, con. Việc đánh vợ chỉ là nóng giận tức thời.
Ảnh minh họa: HTD
Tuy nhiên, chị D. đã cung cấp chứng cứ cho tòa là ngay trong thời gian TAND huyện Cái Bè đang thụ lý giải quyết hồ sơ vụ ly hôn này thì anh B. cũng có hành vi bạo lực gia đình. Theo đó, chiều 8-7, anh B. đi nhậu về rồi ghé nhà mẹ vợ (bà N.) để chở con đi chơi nhưng cháu bé không đi.
Thấy vậy anh B. xông vào dùng tay đánh lên đầu và người cháu. Bà N. vào ôm cháu để can ngăn cũng bị anh B. đánh trúng vào tay và người làm bà bị thương phần mềm ở lưng và tay. Sau đó anh B. còn đập bể chậu kiểng và đòi kêu giang hồ xử nhà bà N. Bà N. đã trình báo và công an xã đã đến ghi nhận sự việc, bà N. cũng đang yêu cầu xử lý hình sự anh B. với hành vi này.
Ngoài ra, chị D. cũng cung cấp cho tòa án đoạn clip do cha ruột chị quay cảnh chị bị anh B. lôi từ nhà tắm ra, vừa lôi vừa đánh chị.
Tại phiên tòa, chị D. kiên quyết giữ yêu cầu ly hôn, trong khi anh B. vẫn bảo lưu ý kiến là không đồng ý ly hôn.
HĐXX nhận định nguyên nhân dẫn đến việc chị D. kiên quyết ly hôn là do trong cuộc sống vợ chồng phát sinh bất đồng ý kiến, vợ chồng thường xuyên cãi vã nhau và anh B. đã nhiều lần đánh chị D. Như vậy, có cơ sở để nói rằng anh B. có hành vi bạo lực gia đình với chị D. dẫn đến mâu thuẫn vợ chồng ngày càng trầm trọng.
Thực tế hai bên cũng đã cắt đứt quan hệ vợ chồng khoảng hai tháng, chứng tỏ tình cảm vợ chồng thật sự tan vỡ, không có khả năng hàn gắn đoàn tụ. HĐXX xét thấy yêu cầu ly hôn của chị D. là có căn cứ nên chấp nhận vì phù hợp với Điều 51, 56 của Luật Hôn nhân và Gia đình.
Về con chung, do cả hai con chung đều có ý kiến mong muốn sống với chị D., mặt khác anh B. thường xuyên có hành vi bạo lực gia đình nên để đảm bảo sự phát triển bình thường của các bé cần giao cả hai con chung cho chị D. nuôi dưỡng. Điều này phù hợp quy định tại Điều 81 của Luật Hôn nhân và Gia đình và thực tế.
TÂN SƠN
Theo PLO
Quảng Nam: Bí thư xã Tam Lộc mất chức vì hành hung vợ nhập viện Bí thư xã Tam Lộc hành hung vợ nhập viện đã bị Huyện ủy Phú Ninh quyết định cách chức Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy xã do vi phạm về bạo lực gia đình. Ngày 11.1, ông Huỳnh Kim Kính - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam cho biết, Ban Thường vụ Huyện ủy Phú...