Báo Lao Động đoạt Giải A báo chí về “Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam”
Sáng 17.11, giải báo chí “Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam” năm 2018 đã được trao cho 43 tác phẩm ở 4 loại hình báo chí, trong đó có 4 giải A, 8 giải B, 11 giải C và 20 giải Khuyến khích.
Tham dự lễ trao giải có Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng biên tập báo Nhân dân Thuận Hữu; Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa.
Trong đó, Báo Lao Động đạt giải A với tác phẩm “Những người thầy ngày lên bục giảng, tối đi đánh cá nuôi học trò” của nhóm tác giả Đặng Thị Chung, Đặng Văn Phú, Trần Duy Hưng thuộc đơn vị Báo Lao Động điện tử.
Tác phẩm “Những người thầy ngày lên bục giảng, tối đi đánh cá nuôi học trò” nói về những người giáo viên có đóng góp thầm lặng cho sự nghiệp trồng người tại huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại lễ trao giải.
Cuối tháng 8.2018, phóng viên Báo Lao Động đã ghé thăm Trường Phổ thông dân tộc Bán trú Tiểu học và THCS xã Tân Dân (huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình), kết hợp trao quà, tặng quần áo mới, sách vở, để động viên thầy và trò nhà trường trước thềm năm học mới 2018-2019.
Trường Tân Dân nằm ở nơi đặc biệt khó khăn của huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình, biệt lập giữa vùng đồi núi do hồ thủy điện sông Đà chia cắt. Muốn đến Tân Dân chỉ có thể đi theo con đường độc đạo ngoằn ngoèo – một bên là núi, một bên là vực, mem theo bờ lòng hồ thủy điện sông Đà – hoặc thuê thuyền, đi mất mấy tiếng để vào trong.
Đại diện nhóm tác giả, nhà báo Đặng Thị Chung lên nhận giải.
Video đang HOT
Mặc dù thiếu thốn, khó khăn về mọi mặt nhưng những giáo viên nơi đây dành cho học trò của mình một tình cảm to lớn. Thứ tình cảm đó không hẳn là tình thầy-trò, mà là tình yêu thương của những người ruột thịt. Thầy coi trò như con ruột, lũ trẻ coi thầy cô là cha mẹ. Thương những đứa trẻ vùng cao hiếu học, hằng ngày đi bộ hàng chục cây số đến trường, thầy cô kiên trì bám trụ, gieo từng con chữ. Xót trò nghèo, bữa ăn chỉ có cơm trắng, cá khô, đêm đêm khi xếp trang giáo án, các thầy lặng lẽ “rẽ sóng” để đánh cá, cải thiện bữa ăn cho trò.
Nhóm tác giả báo Lao Động đoạt giải A báo chí về Giáo dục.
Công việc này đã được các thế hệ thầy cô Trường Tân Dân duy trì 7 năm nay, mà người tiên phong, người truyền lửa cho các thầy cô khác làm công việc này – chính là thầy Hà Mạnh Quyết – Hiệu trưởng nhà trường.
Khi chưa có bếp ăn bán trú, các thầy tự tay nấu nướng, chia phần ăn của mình cho học trò nghèo. Khi đã có bếp ăn, ngoài việc các em được Nhà nước hỗ trợ, thì đã có những xô cá mà thầy tự tay đánh bắt trên dòng sông Đà, để bữa ăn của trò có thêm dinh dưỡng.
Nhóm tác giả Trần Duy Hưng – Đặng Chung – Văn Phú cùng nhà báo Thanh Tâm đại diện lãnh đạo Báo Lao Động.
Bài viết và phóng sự video được đăng tải trên Báo Lao Động đúng vào ngày 5.9, khi học sinh và giáo viên cả nước hân hoan bước vào năm học mới. Sau khi đăng tải, bài viết đã truyền đi thứ cảm xúc tích cực, được chia sẻ trên nhiều diễn đàn, mạng xã hội.
Nhiều giáo viên, học sinh bày tỏ sự xúc động trước những tình cảm của thầy cô Trường Tân Dân dành cho học trò của mình. Có người tự nhủ, nghề giáo dù ở đâu cũng còn khó khăn, đòi hỏi thầy cô nỗ lực, nhưng không thấm vào đâu so với những hy sinh của thầy cô trên vùng cao, trong đó có tập thể giáo viên Trường Phổ thông dân tộc Bán trú Tiểu học và THCS xã Tân Dân.
Theo Báo lao động
VOV đoạt 4 giải Báo chí toàn quốc "Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam"
43 tác giả, nhóm tác giả đã được trao giải Báo chí toàn quốc "Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam", trong đó VOV có 4 tác phẩm được nhận giải.
Sáng 17/11, Lễ trao Giải Báo chí toàn quốc "Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam" năm 2018 được tổ chức long trọng tại Hà Nội.
Giải Báo chí toàn quốc "Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam" năm 2018 do Bộ GD-ĐT phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông và Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức, Báo Giáo dục và Thời đại là đơn vị thường trực đã nhận được gần 700 tác phẩm của 4 loại hình báo chí gồm: báo in, báo điện tử, phát thanh và truyền hình tham dự Giải sau một thời gian ngắn phát động (từ 17/8 - 15/9).
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại lễ trao giải
Phát biểu tại Lễ trao giải, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh: Giáo dục là một trong những lĩnh vực luôn được sự quan tâm rất lớn của dư luận xã hội, bởi giáo dục tác động tới mọi người, mọi nhà. Có thể nói, không một gia đình nào ở Việt Nam không có người đi học, không chỉ là trẻ em mẫu giáo, học sinh phổ thông, sinh viên cao đẳng, đại học mà còn rất nhiều người lớn cũng đang đi học để cùng xây dựng một xã hội học tập. Cũng vì điều đó, mọi thông tin liên quan đến giáo dục và đào tạo trên báo chí luôn tạo sức hút với dư luận.
Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, sự đồng hành của báo chí thời gian qua đã giúp cho những chủ trương, chính sách, thay đổi lớn về giáo dục và đào tạo đến được với dư luận xã hội; trở thành diễn đàn để giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, học sinh, sinh viên; các chuyên gia, nhà khoa học, toàn thể nhân dân được đóng góp ý kiến và cùng tham gia trong quá trình đổi mới.
Bên cạnh sự đồng thuận, những ý kiến phản biện tâm huyết của toàn xã hội thông qua phản ánh của báo chí đã giúp cho ngành Giáo dục kịp thời điều chỉnh, hoàn thiện các chính sách, quyết sách cho phù hợp với tình hình thực tiễn.
Trao giải cho tác giả và nhóm tác giả đoạt giải A
Báo chí cũng phát hiện, phản ánh và cổ vũ kịp thời những tấm gương người tốt việc tốt; những tấm gương giáo viên, học sinh đổi mới, sáng tạo không ngừng; những tấm gương giáo viên, học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới hải đảo vượt qua khó khăn để dạy tốt - học tốt. Hình ảnh đẹp của ngành Giáo dục được lan tỏa trong dư luận xã hội là nhờ phần lớn từ báo chí.
Theo đánh giá của Ban Tổ chức, đây là năm đầu tiên Giải được tổ chức nhưng các tác phẩm tham dự nhìn chung có chất lượng tốt; phong phú về chủ đề, phản ánh toàn cảnh công tác đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, kết quả trong thực hiện đổi mới, sáng tạo trong dạy và học của ngành Giáo dục trên mọi miền Tổ quốc theo tinh thần Nghị quyết số 29/NQ-TƯ ngày 4/11/2013 của Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Các tác giả gửi tác phẩm dự thi gồm những nhà báo chuyên nghiệp và người viết báo không chuyên.
Với tinh thần trách nhiệm cao, công tâm và nghiêm túc, Hội đồng chấm giải đã chọn ra 43 tác phẩm báo chí đoạt Giải, trong đó có 4 Giải A, 8 Giải B, 11 Giải C và 20 Giải Khuyến khích.
Những tác giả và nhóm tác giả đoạt giải B
Riêng Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) có 4 tác phẩm được nhận giải. Đó là tác phẩm "U Hương của những học sinh khiếm thị" của tác giả Nguyễn Trần Anh Thu, Ban Văn hóa - xã hội (VOV2) đoạt giải A; Giải pháp tạo việc làm cho sinh viên: Cần cái "bắt tay" giữa nhà trường và doanh nghiệp của tác giả Lê Thị Thu, Ban Thời sự (VOV1) đoạt giải B; Thầy giáo Đỗ Duy Hiếu- Nơi nào có ý chí, nơi đó có con đường của tác giả Trần Ý Dịu và Cao Phương Lan, Ban Văn hóa - xã hội (VOV2) đoạt giải C; Giải pháp phát triển việc dạy song ngữ ở vùng dân tộc thiểu số của tác giả Nguyễn Thu Hòa, Ban Dân tộc (VOV4).
Mỗi giải thưởng được nhận phần thưởng bao gồm: Biểu trưng Giải báo chí toàn quốc "Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam" năm 2018; Chứng nhận của Bộ GD-ĐT; Tiền thưởng bằng tiền mặt với Giải A: 30 triệu đồng/giải; Giải B: 15 triệu đồng/giải; Giải C: 10 triệu đồng; Giải Khuyến khích: 5 triệu đồng/giải.
Ban tổ chức cũng đã chọn 1 tác phẩm "Chuyện nghề, chuyện đời của những giáo viên vùng cao Tây Bắc" nhóm tác giả Báo Quân đội nhân dân được xét chọn từ 4 tác phẩm đoạt giải A được nhận phần thưởng là chuyến thăm tìm hiểu giáo dục tại Vương quốc Anh dành cho 1 người, thời gian 14 ngày, trị giá 130 triệu đồng, không quy đổi thành tiền mặt./.
Theo vov.vn
Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi còn nhiều bất cập về tính hệ thống Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh kiến nghị dự thảo Luật Giáo dục cần được chỉnh sửa theo hướng quy định phân hệ các trình độ đào tạo của hệ thống giáo dục quốc dân. Ngày 15/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Giáo dục sửa đổi. Tại đây, nhiều đại biểu quốc hội cũng đã bày tỏ ý...