Bạo hành từ… dạy thêm – học thêm
Dạy thêm – học thêm tiêu cực, ép người học có thể xếp vào dạng hành vi bạo hành con trẻ. Không chỉ có tác động từ phía phụ huynh, giáo viên cũng góp sức không nhỏ.
Học thêm không tự nguyện gây ra nhiều áp lực và tổn thương cho học trò (Ảnh minh họa)
Đó là câu chuyện về cậu bé học lớp 3 tại một trường tiểu học ở quận Bình Thạnh, TPHCM. Mỗi buổi chiều tối, khi mẹ chở đến nhà cô giáo học tiếng Anh là cậu lăn ra khóc, vùng vằng nhất quyết không chịu. Bà mẹ phải la mắng, kêu gào, lôi con xồng xộc ra xe. Ông bố đang bận rộn với công việc sửa máy tính ngay cửa hàng tại nhà, nhiều hôm cũng phải dừng tay để bế xốc con lên xe với tiếng quát: “Lo học đi”.
Người mẹ biết rõ lý do con phản kháng là cháu không thích học thêm với cô H., cô giáo dạy tiếng Anh ở lớp. Chị vẫn cho con học thêm tuần hai buổi ở trung tâm nhưng… vẫn học thêm tại nhà cô. Đã có người góp ý, cháu đã không thích cô thì học cũng không vào nhưng bà mẹ lắc đầu với lý lẽ, cô là giáo viên trên lớp. Muốn không học cô thì với người mẹ, chỉ khi con chuyển lớp, chuyển trường.
Bà mẹ kể trên là hình ảnh của không ít phụ huynh mang một gánh nặng vô hình về học thêm và trút gánh nặng đó lên những đứa con. Ngoài lý do khách quan nhất là xuất phát từ nhu cầu thật sự, chương trình học nặng thì nhiều đứa trẻ bị đẩy đến lớp học thêm với vô vàn lý do.
Nhiều gia đình không có thời gian cho con, nên xếp lịch học thêm dày đặc và xem đây là một phương pháp quản lý con an toàn nhất. Nhiều đứa trẻ học thêm để thi vào trường này trường nọ theo kỳ vọng của bố mẹ; học để cho bằng “con người ta” trong tâm thế bị so sánh, đối chiếu với những tấm gương khác… Những điều này đều có thể coi là hành vi bạo hành con trẻ. Các em không chỉ phải đánh đổi bằng những bữa ăn qua loa vội vàng, giấc ngủ không trọn mà còn là bị ảnh hưởng đến tâm lý, ảnh hưởng đến sự phát hiện hài hòa, cân bằng.
Chúng ta vẫn nhắc đến quyền được đến trường của trẻ, những em bị bỏ rơi, không được đi học cũng là bị bạo hành thì giờ đây, phải nói rằng ép trẻ học quá nhiều cũng là một dạng bạo hành.
Không chỉ từ phụ huynh, việc dạy học thêm tiêu cực là sự cộng hưởng từ nhiều yếu tố, trong đó một bộ phận giáo viên góp sức không nhỏ. Có những học sinh mới vào lớp 1 đã bị cô đay nghiến vì… chưa biết đọc, biết viết. Bố mẹ thì được “thúc” cho con con đi học thêm đi.
Video đang HOT
Nhiều học sinh đến giờ hỏi bài, kiểm tra của một số thầy cô là hoảng loạn. Không ít giáo viên công khai việc “làm khó” học sinh không học thêm thông qua kiểm tra, đánh giá, điểm số, nhận xét hay những lời chê bai, miệt thị. Mà với một đứa trẻ, lời chê đó có thể đeo đẳng suốt cuộc đời, gây khó cho trẻ trên hành trình tìm giá trị bản thân.
Và khủng hoảng vì không đi học thêm của nhiều em chỉ chấm dứt khi… đi học thêm hay có một động thái khác. Một lãnh đạo trong Sở GD-ĐT TPHCM kể, ông biết có những trường hợp, các em không muốn đi học thêm nhưng bố mẹ vẫn đăng ký, đóng tiền rồi sau đó… lấy cớ nghỉ.
Hay đó là câu chuyện của một nữ sinh, em không đi học thêm môn Toán của thầy giáo dạy trên lớp. Để rồi, cứ vào giờ lên lớp, thầy bước vào, lập cuốn sổ điểm ra dò tên là em hoảng sợ. Cứ vài ba ngày là em được “điều” lên bảng kiểm tra bài cũ với đủ trò “đánh đố” của thầy.
Không thể dùng chiêu học thêm trả “nợ” thầy vì không có nhu cầu và thu xếp được lịch, em đã chọn cách đi quà cáp thầy trong những dịp lễ. Sau đó, việc đến trường của em đã trở nên nhẹ nhàng hơn.
Trong lần Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam TPHCM làm việc với ngành Giáo dục TPHCM, đại diện phía phụ huynh đã lên tiếng về tình trạng o ép học sinh đi học thêm từ phía giáo viên. Nhiều em không đi học thêm thì bị phân biệt, kỳ thị…, có em sợ không dám lên lớp. Nhiều gia đình không có điều kiện, vẫn phải bấm bụng, xoay sở đủ mọi cách cho con đi học thêm mà không phát từ nhu cầu.
Mới đây, TPHCM cũng tiếp tục yêu cầu, tất cả các hoạt động dạy thêm đều phải đăng ký và được cấp phép, kể cả dạy một học sinh thì giáo viên vẫn phải đăng ký.
Nhìn vào quy định trên, nhiều ý kiến sẽ cho rằng “hành là chính” nhưng cũng cho thấy rằng, các cơ quan quản lý rất “đau đầu” với nạn dạy thêm tiêu cực, làm trái quy định ngành của một bộ phận không nhỏ giáo viên.
Theo Dân Trí
Chát đắng dạy thêm - học thêm
Dạy thêm - học thêm được nhiều giáo viên "nâng đỡ" với lý do tự nguyện, có cầu có cung. Nhưng trên thực tế không ít tình huống hình ảnh người thầy méo mó vì dạy thêm - học thêm.
Dạy thêm - học thêm là việc chỉ "quản" được phần "cứng", còn lại tùy thuộc rất nhiều vào nhân cách của nhà giáo.
Trong một tọa đàm về giáo dục, TS. Nguyễn Khánh Trung kể về chuyện chính người thân của ông gặp phải. Cô giáo của cháu gái ông gọi cho mẹ cháu "mắng vốn" rằng cháu học còn yếu, không theo kịp bạn bè, yêu cầu gia đình nên tìm phương án, nhờ người kèm cặp để cháu được tiến bộ. Và sau đó là việc cô giới thiệu... mình dạy thêm, sẽ hỗ trợ cháu.
Ông Trung biết chuyện vô cùng bức xúc. Việc giúp học sinh tiến bộ trong học tập, nắm được bài vở cũng là trách nhiệm của thầy cô nhưng nhiều người "khước từ" và mặc nhiên cho rằng phải học thêm.
Nhiều trẻ nhỏ rũ rượi vì học thiếu thời gian nghỉ ngơi, vui chơi hợp lý (Ảnh minh họa: Hoài Nam)
Tại tọa đàm này, nhiều phụ huynh cũng bày tỏ họ không muốn con đi học thêm, học trước chương trình... nhưng thực tế có nhiều trường hợp, giáo viên "gợi ý" một cách công khai. Điều này làm phụ huynh rất khó xử, bối rối. Có người biết rằng cho con đi học thêm là việc không cần thiết, là không tốt cho con nhưng đành đi học vì áp lực từ giáo viên. Theo TS. Nguyễn Khánh Trung, trong những trường hợp này, chính phụ huynh phải mạnh dạn lên tiếng để bảo vệ con mình, vì nếu ai cũng im lặng chấp nhận thì cái sai sẽ tồn tại.
Trong khi ngành Giáo dục đưa ra nhiều quy định để cấm dạy thêm tiêu cực thì thực tế việc "phát hiện" được giáo viên tiêu cực không phải là chuyện dễ. Hiệu trưởng một trường THPT ở TPHCM cho biết, một khi người thầy đã không có tâm, đã có ý ép học sinh học thêm thì... học sinh rất khó tránh, còn phía quản lý cũng khó biết "tiêu cực" hay không.
"Họ vẫn dạy đủ chương trình, không cắt xén, khi kiểm tra không có vấn đề gì hết nhưng thật ra... một số thầy cô có cách dạy đủ nhưng học sinh không hiểu. Muốn hiểu bài, muốn làm được bài phải đến lớp học thêm", bà cho hay.
Nhắc đến việc dạy thêm - học thêm, ông Nguyễn Văn Ngai, nguyên Phó GĐ Sở GD-ĐT TPHCM lại thở dài đầy tâm tư. Ông kể, trước đây, với học trò yếu kém, giáo viên sẽ tổ chức phụ đạo ngoài giờ không thu một đồng bạc nào hết. Giáo viên chủ nhiệm lớp thấy em này yếu môn này, em khác yếu môn kia sẽ gặp các giáo viên bộ môn để trao đổi, phụ đạo cho các em.
Trong khi, hồi đó giáo viên đi lại rất khó khăn, đi xe đò hoặc đi xe đạp. Đi xe đò, đi vé tháng để tiết kiệm thì vào những giờ cao điểm, xe ưu tiên khách mua vé trực tiếp, giáo viên không đón được xe. Rồi không có phòng trống, nhiều thầy cô tổ chức phụ đạo cho học sinh vào chủ nhật lẽ ra họ được nghỉ, hoặc học ở phòng thư viện... Phải thừa nhận, điều kiện đi lại, ăn ở lúc đó của thầy cô khó khăn vô cùng nhưng người thầy vẫn cố gắng mọi cách chăm lo cho học sinh.
Theo thầy Ngai, mối quan hệ thầy trò giờ đây ít nhiều thay đổi do tác động của việc dạy thêm - học thêm tiêu cực. Dù đây là nhu cầu có thật của người học lẫn người dạy nhưng lại làm "đau đầu" các cấp quản lý, phải đưa ra rất nhiều quy định về dạy thêm - học thêm vì hoạt động này có những biểu hiện tiêu cực.
"Có giáo viên gợi ý khéo léo, có người lộ liễu. Tiêu cực từ người thầy tạo nên tâm trạng lo lắng cho học sinh, phụ huynh. Trong khi phụ huynh mong muốn, con mình đi học thêm nhưng học vì nhu cầu chứ không phải là gợi ý của giáo viên", ông Ngai nói và nhấn mạnh, khi người thầy đã đối phó, có chiêu "ép" học sinh thì... khó ai "bắt" được. Như thầy ra bài ở lớp là những phần thầy dạy thêm, hỏi bài những em không đi học thêm ở vào những nội dung... học thêm.
Nhưng đã là tiêu cực thì luôn mất nhiều hơn được. Theo thầy Ngai, đây là vấn đề là đạo đức của người thầy, họ chỉ nhìn cái trước mắt mà không nhìn xa việc làm của mình ảnh hưởng đến mình, đến học sinh như thế nào. Ông Ngai tâm tư: "Thầy cô dạy thêm theo nhu cầu và thầy cô nào "bày trò", các em học sinh biết hết. Họ đã tự tay hạ thấp con người và nghề nghiệp của mình".
Phải nói, TPHCM là nơi ra văn bản, quy định để quản lý hoạt động dạy thêm nhiều nhất trong cả nước cùng với rất nhiều biện pháp xử lý. Vậy nhưng, như lời một đại biểu giám sát của Hội đồng nhân dân thành phố, có thể quản lý về mặt giấy tờ, điểm số, bài vở... nhưng làm sao "quản" được thái độ của giáo viên với học sinh. Thái độ của người thầy là sự kỳ thị, phân biệt ảnh hưởng lớn nhất đến học sinh.
Bên cạnh việc phụ huynh dám lên tiếng, nói không với dạy học thêm tiêu cực thì các vấn đề nhức nhối của dạy thêm - học thêm phụ thuộc rất nhiều vào đạo đức, nhân cách của nhà giáo.
Theo Dân Trí
Hiệu trưởng bị giáng chức vì thu tiền học thêm sai quy định Thu tiền dạy thêm, học thêm sai so với quy định của UBND tỉnh Cà Mau, hiệu trưởng trường THCS Phan Bội Chậu bị giáng chức. ảnh minh họa Ngày 2/1, UBND TP (tỉnh Cà Mau) cho biết vừa thi hành quyết định kỷ luật bằng hình thức giáng chức đối với bà Tạ Thị Huế, hiệu trưởng trường THCS Phan Bội Châu...