Bao giờ văn lại là… văn?
Thời bao cấp có câu “ Dạy toán, học văn, ăn thể dục”. Vào cái buổi mà dạy/học thể dục thể thao được tiêu chuẩn ăn (gạo, thịt…) nhiều nhất, thì những người khác, tiêu chuẩn kém hơn, chỉ nghĩ làm sao cho đỡ tốn calo.
Học văn bấy giờ rất nhàn: tác phẩm văn học phản ánh cuộc sống, mà cuộc sống thì qua thực tế hàng ngày, đài, báo, ai cũng biết cả; bởi vậy, học văn là học cái đã biết, thậm chí biết rồi, khổ lắm, nói mãi…
Nhưng bấy giờ, vì nhiều thứ phải quan tâm, người ta chưa chán văn, đúng hơn chưa có thời gian để chán. Chỉ từ sau 1975, người ta mới thấy cách dạy/học văn theo nguyên lý ấy là khô khan, thậm chí “giết văn”. Nhiều người kêu gọi trở lại với môn văn theo đúng nghĩa văn chương của nó. Người ta lục tìm được câu nói chí lý của nhà phê bình văn học Hoài Thanh khả kính: “văn trước hết phải là văn”. Nghĩa là dạy/học văn phải có cảm xúc, mà muốn có cảm xúc, phải tìm được đặc trưng nghệ thuật của tác phẩm. Nhưng để tìm được tính văn học không thể chỉ bằng những nhận định cảm tưởng chung chung, mà phải có lý thuyết và phương pháp khoa học.
Đây là lúc thi pháp học, phân tâm học, tự sự học được giới thiệu vào Việt Nam và được ứng dụng ít nhiều vào nghiên cứu giảng dạy ở bậc đại học.
Học sinh, sinh viên có đang thờ ơ với văn chương? Ảnh minh hoạ: TL
Điều này đã làm cho việc dạy/học văn khởi sắc. Tuy nhiên do tính chất ứng dụng lý thuyết, nên lý thuyết vẫn được coi là tính thứ nhất, bởi vậy chưa khám phá được nhiều cái đẹp của văn chương Việt Nam và các phương pháp này cũng dễ bị rơi vào công thức, dù là công thức mới. Hơn nữa, các phương pháp trên đều là các phương pháp nội quan chỉ chú trọng đến văn bản, nên đã dần dần xa rời đời sống văn hóa, xã hội. Nghiên cứu văn chương trở thành các tri thức biệt lập, nói bằng một thứ ngôn ngữ đầy các từ chuyên môn, quan tâm đến những vấn đề còn xa lạ với số đông. Tình trạng này lại dẫn đến sự thờ ơ với văn chương ở học sinh, sinh viên…
Lúc này rất ít sinh viên thi vào khoa văn ở các trường đại học. Nhiều trường, nhất là các trường đại học tỉnh/địa phương không mở nổi khoa văn, phải đưa văn vào một tổ hợp gọi là khoa “khoa học xã hội”. Để tăng tính thực tiễn, nhiều khoa văn học không tự thân biến đổi được, nên phải kết hợp với báo chí thành khoa văn – báo, thậm chí văn – báo – du (lịch). Ở những khoa hỗn hợp này thì bộ phận báo chí hay du lịch thường được sinh viên chọn vào hơn. Tuy nhiên, cũng có trường sớm ý thức được việc dạy văn phải thiết thực nên đã mở ra khoa “văn học thực hành”. Điều đáng buồn nhất gần đây là khoa văn Đại học Sư phạm Vinh, một khoa lâu đời, nổi tiếng có nhiều thầy hay, trò giỏi cũng đã phải tự giải thể…
Hiện trạng trên hẳn có nhiều nguyên nhân. Trên kia tôi chỉ chỉ ra một nguyên nhân mang tính chất nội tại của việc học/dạy văn. Còn nguyên nhân lớn nhất là do nhu cầu xã hội. Xã hội hiện nay phân hóa ra nhiều ngành nghề, lối dạy văn theo kiểu “kinh viện” như vậy không thể đáp ứng được. Nhà trường Việt Nam đào tạo theo kế hoạch, theo sự “giao” hoặc “phân bổ” chỉ tiêu, nhiều khi vẫn theo cơ chế xin – cho. Không có nghiên cứu thị trường lao động, nên cung lớn hơn cầu, sinh viên ra trường không có việc làm, lãng phí cho cả xã hội và cá nhân.
Video đang HOT
Còn những nguyên nhân khác như đã đến lúc chuyển đổi cách dạy/học văn, xem xét lại vai trò của sách giáo khoa, kết hợp nghiên cứu và giảng dạy, viện và trường, có chế độ thỉnh giảng bắt buộc, thậm chí xem lại triết lý giáo dục…
Đỗ Lai Thúy
Theo nguoidothi
Nữ sinh nghèo 'góp nhặt' điểm cao từ những đoạn văn, bài báo
Là một trong ba thí sinh hiếm hoi đạt 9,75 điểm môn ngữ văn kỳ thi THPT quốc gia 2018, Trần Thị Hằng ấp ủ giấc mơ làm luật sư dù còn nhiều khó khăn.
Trần Thị Hằng - Trường THPT Đô Lương 2, huyện Đô Lương, Nghệ An, thí sinh đạt 9,75 điểm môn Ngữ văn trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 - Ảnh: NGỌC PHƯƠNG
Những ngày này, trong căn nhà cấp 4 của gia đình Hằng ở xã miền núi Giang Sơn Tây, huyện Đô Lương (Nghệ An) rộng rã tiếng cười nói, lời chúc mừng của bà con chòm xóm đến chúc mừng thành tích của cô học trò nhỏ khi Hằng là một trong ba thí sinh đạt 9,75 điểm (không có điểm 10) môn Ngữ văn của cả nước.
Hằng sinh ra trong gia đình thuần nông, cha mẹ quanh năm lam lũ vất vả với hơn 5 sào ruộng.
Thấu hiểu hoàn cảnh nhọc nhằn của bố mẹ chắt chiu từng đồng để nuôi chị em ăn học nên Hằng và các em luôn bảo ban động viên nhau cố gắng học thật giỏi.
Ở tất cả các cấp học, Hằng luôn là học sinh có thành tích ấn tượng và được nhiều bạn bè thầy cô mến phục về sự thông minh và cần cù chịu khó.
Từ năm học lớp 7, Hằng đã yêu thích môn Văn và liên tục đạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi huyện, tỉnh môn Ngữ văn.
Hằng tâm sự: "Học Văn em tìm thấy mình trong đó, có được nhiều bài học để từ đó tạo được sự thích thú với cả những môn học khác.
Khi đọc các tác phẩm văn học, em cảm thấy văn chương có một sức mạnh kỳ diệu. Văn chương cảm hóa được con người, dạy con người cách sống nhân văn hơn".
Trần Thị Hằng và mẹ - Ảnh: NGỌC PHƯƠNG
Ở một xã miền núi nên việc tiếp cận với máy tính và mạng internet để ôn luyện, tìm các dạng đề với Hằng rất khó. Do vậy, Hằng chọn cho mình phương pháp tự học, học từ thầy cô và bạn bè.
"Mỗi ngày, ngoài việc học ở trường, cố gắng nắm vững những kiến thức thầy cô truyền đạt em dành thời gian từ 3-4 tiếng để học vào buổi tối ở nhà, rồi đi ngủ sớm để lấy sức cho buổi học ngày hôm sau.
Em cũng rất thích đọc báo, nghe báo đài để tích luỹ thêm cho mình các kiến thức thời sự, thực tế...", Hằng chia sẻ.
Với câu hỏi nghị luận xã hội với đề bài "Đánh thức tiềm lực của đất nước", Hằng viết: "Đất nước ta đã khơi dậy được nhiều tiềm năng để xây dựng đất nước giàu mạnh. Tuy nhiên, bên cạnh đó có một số tiềm lực chưa được đánh thức và đang còn ngủ kỹ.
Quan điểm của em là không đánh đồng việc đánh thức tiềm năng với việc đánh thức các tiềm lực của đất nước và khai thác quá mức các tiềm năng vốn có. Sự đánh thức đó phải phù hợp với hoàn cảnh của đất nước, hoàn cảnh của xã hội".
"Lúc thi xong và đối chiếu với đáp án, em nghĩ mình đã làm hết sức nhưng không nghĩ được 9,75 điểm môn Văn và không ngờ là một trong ba thí sinh đạt điểm này trên cả nước", Hằng cười.
Ngoài thời gian học, Hằng còn phụ giúp cha mẹ làm các công việc gia đình - Ảnh: NGỌC PHƯƠNG
Nhận xét về Hằng, cô Đào Thị Kim Dung - giáo viên dạy môn Văn lớp 12B3, cho hay: "Hằng là một cô bé ngoan hiền, cá tính và giàu nghị lực vượt khó. Em ấy không bao giờ tự hài lòng với chính mình. Kết quả này rất xứng đáng với sự miệt mài, nỗ lực của bản thân Hằng".
Với tổng điểm xét tuyển tổ hợp môn xã hội đạt 24,5 điểm (chưa cộng điểm ưu tiên), Hằng dự định đăng ký nộp hồ sơ vào Trường ĐH Luật TP.HCM với ước mơ trở thành một luật sư trong tương lai.
"Nếu thi đỗ vào trường luật, em sẽ đi làm thêm, phụ giúp cha mẹ lo tiền ăn học trong thời gian sinh viên để gia đình đỡ khó khăn", Hằng dự tính.
Theo tuoitre.vn
Bí quyết "10 không" trong nuôi dạy con của bà mẹ có 3 con đỗ ĐH Stanford danh giá Trần Mỹ Linh là bà mẹ 61 tuổi đến từ Hồng Kông (TQ), có 3 đứa con từng theo học tại ĐH Stanford - ngôi trường danh giá hàng đầu nước Mỹ. Bằng những kinh nghiệm thực tế nuôi dạy các con thành tài, bà đã đúc kết ra bí quyết "10 không" vô cùng đơn giản mà hiệu quả gửi đến các...