Bao giờ thầy trò bớt khổ?
Tai họa ập đến với cô giáo Trần Thị Bá Tiền ở tỉnh Gia Lai vào những ngày đầu năm học khiến nhiều bạn đọc thương cảm.
Ảnh minh họa
Sáng 9-9, khi còn cách trường 10 km, xe của cô bị chiếc xe tải đụng phải, cô ngã ra đường, bị bánh xe tải cán dập nát cánh tay trái. Tại bệnh viện, các bác sĩ đã buộc phải cắt bỏ phần cánh tay bị thương để cứu cô.
Nhà ở xã Đăk H’lơ, huyện K’bang, nơi cô dạy là Trường Phổ thông Dân tộc bán trú – Tiểu học xã Hà Đông, huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai. Nhà cách trường 130 km nên mỗi tuần cô Tiền chạy xe máy đến trường vào sáng thứ hai, dạy và ở lại trường đến thứ sáu lại về nhà. Cô mới được nhận vào trường dạy từ năm 2014, là lao động chính của gia đình, cùng chồng (làm thuê) chăm sóc mẹ già yếu và hai con còn nhỏ. Tai nạn xảy ra, cô nằm bệnh viện với nỗi đau thân thể và nỗi lo về tương lai.
Video đang HOT
Trên đất nước này có rất nhiều thầy cô giáo ở vùng sâu vùng xa, miền núi, hải đảo, đã hy sinh sức trẻ, tuổi thanh xuân cho sự nghiệp trồng người. Như cô giáo trong “Vàng trên biển đá đen” của nữ nhà văn Elena Pucillo Trương. Nghe tin trò bệnh, cô tìm đến nhà, rồi cô lên nương, gặp hai cha con học trò gieo hạt bắp trên núi đá Hà Giang. “Gieo hạt để nảy mầm. Công việc của tôi cũng vậy”. Những hạt bắp nuôi đồng bào trên cao nguyên đá, cô gieo chữ để mầm tương lai lớn dần cho chính cô và các học trò.
Nhiều người trong chúng ta không cầm được nước mắt khi thấy cảnh khai giảng ở những điểm trường không đủ bàn ghế, học sinh ngồi học trong phòng học trống hoác, tứ bề gió lùa. Đường đến trường cheo leo, cơm không đủ no, áo không đủ ấm, con chữ được đổi bằng bao gian nan của thầy cô và học trò.
Với trường hợp của cô Tiền, Báo Người Lao Động trong ngày 11-9 đã cử đại diện đến thăm, trao tặng 10 triệu đồng và cùng bạn đọc của báo hỗ trợ gia đình, mong cô sớm bình phục, trở lại bục giảng. Hy vọng ngành giáo dục tỉnh Gia Lai sắp xếp chỗ làm mới thuận tiện cho cô, để cô có thêm niềm tin vào cuộc sống, tình người.
Từ chuyện dạy và học của thầy trò vùng sâu vùng xa, càng thấy rõ những hố sâu chưa được lấp đầy. Ở nhiều địa phương, không chỉ biệt phủ, dinh thự của quan chức, “đại gia” làm ăn cùng phe cánh, lợi ích nhóm mới hào nhoáng xa hoa, mà rất nhiều trụ sở cơ quan nhà nước cũng nguy nga, tốn kém hàng chục tỉ đồng xây nên nhưng không sử dụng hết công năng, nhiều phòng trống trơn, rộng thênh. Trong rất nhiều vụ án phanh phui gần đây, đã chỉ mặt đặt tên quan chức tha hóa, gây nên tình trạng tham nhũng, lãng phí của công số tiền hàng trăm, hàng ngàn tỉ đồng.
Những khoản xây dinh thự, trụ sở nguy nga đó, những khoản lãng phí, tham nhũng đó đủ xây bao trường lớp khang trang, bao chiếc cầu, con đường cho thầy cô và các em khỏi trèo đèo lội suối mỗi ngày? Bao giờ, những bữa cơm có thịt, tấm áo che các em bớt lạnh giữa đường xa, ngọn đèn điện thay cho hiu hắt đèn dầu, chiếc tivi màu xem tin tức để hòa cùng nhịp sống cả nước? Những mong ước đơn sơ, tiện nghi tối giản, vậy mà không dễ có với thầy cô và các em học sinh trong thời buổi công nghệ tiến như vũ bão này. Bao giờ thầy trò vùng sâu vùng xa bớt khổ vẫn là câu hỏi nhức nhối không dễ trả lời…
NGUYỄN THIÊN DI
Theo nguoilaodong
Chạy xe máy 130km đi dạy học, cô giáo bị tai nạn phải cắt lìa tay
Vụ tai nạn thương tâm xảy ra tại tỉnh Gia Lai. Các bác sĩ buộc phải cắt bỏ một cánh tay của cô giáo.
Trưa 10-9, thầy Tống Văn Thu, Phó hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học xã Hà Đông, huyện Đắk Đoa, tỉnh Gia Lai, cho biết nhà trường đang vận động lãnh đạo, giáo viên, học sinh trong ngành và các nhà hảo tâm ủng hộ cho cô Trần Thị Bá Tiền (SN 1984, giáo viên dạy âm nhạc của nhà trường) vừa gặp phải tai nạn giao thông thương tâm trên đường đến trường.
Theo đó, khoảng 4 giờ sáng 9-9, cô Tiền đi xe máy từ nhà tại xã Đắk H'lơ, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai để đến trường cách 130km tại xã Hà Đông, huyện Đắk Đoa công tác. Đến khoảng 8 giờ cùng ngày, khi còn cách trường khoảng 10km thì cô Tiền gặp tai nạn. Cánh tay trái của cô bị xe tải chở củ mì (sắn) chèn qua, dập nát.
Các y bác sĩ buộc phải cưa bỏ cánh tay trái của cô giáo Tiền
Sau khi được đưa đi cấp cứu tại Trung tâm y tế huyện Đắk Đoa, cô Tiền tiếp tục được đưa lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai rồi Bệnh viện Quân Y 211 tiếp tục chữa trị. Tại Bệnh viện Quân Y 211, các bác sĩ sau khi làm các thủ tục cần thiết đã buộc phải cắt bỏ phần cánh tay bị thương của cô Tiền.
Anh Nguyễn Văn Công (SN 1983, chồng cô Tiền) cho biết do nhà cách xa trường 130km, phải qua nhiều đoạn đường rừng khó khăn nên từ năm 2014, khi được nhận vào Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học xã Hà Đông thì cứ sáng thứ 2 cô Tiền dậy sớm đi xe máy đến đường và thứ 6 thì đi xe về nhà. Gia đình cũng muốn xin chuyển cô Tiền về gần nhà giảng dạy để tiện chăm sóc 2 con nhỏ, mẹ già nhưng chưa có điều kiện.
Hoàng Thanh
Theo nguoilaodong
Hạn nặng giữa mùa mưa Trái với những năm trước, trải dài trên con đường bê-tông vào xã Đăk Hlơ (H. Kbang, Gia Lai) là màu xanh bạt ngàn cây trồng của bà con thì năm nay là những cánh đồng xơ xác, vàng úa vì thiếu nước. Bên rẫy mỳ hơn 6 sào được trồng từ tháng 11-2018, bà Trần Thị Hoa (thôn 1, xã Đăk Hlơ)...