Bao giờ học sinh mới có quyền lưu ban?
Trả lại quyền được lưu ban cho chính học trò, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phải thôi áp chỉ tiêu về các trường như cách mà lâu nay vẫn làm.
LTS: Tình trạng học sinh “ ngồi nhầm lớp” đã được nhiều phương tiện truyền thông phản ánh.
Tuy nhiên, “bao giờ tình trạng này mới chấm dứt, bao giờ học sinh được quyền lưu ban” là câu hỏi cô Thảo Ly đặt ra trong bài viết sau đây.
Tòa soạn trân trọng gửi đến cùng độc giả.
Học sinh lên lớp 6 bị trả về trường học lại từ lớp 1. Học sinh chuyển trường vì học quá yếu cũng không được nhận.
Phụ huynh chạy theo thầy cô năn nỉ “cho con tôi được ở lại lớp”, giáo viên dù cảm thông cũng không thể làm khác.
Những nghịch lý này không còn là chuyện hiếm trong ngành giáo dục hiện nay. Một số phụ huynh bất bình, phẫn nộ, giáo viên cũng chẳng sung sướng gì và chính những học sinh rơi vào tình cảnh ấy cũng gần như sẽ chấm dứt con đường học tập trước mắt.
Vậy tại sao những chuyện buồn, những nghịch lý bất thường kia vẫn cứ nhơn nhơn tồn tại? Câu hỏi “bao giờ học sinh mới được quyền lưu ban?”cứ vang lên không chỉ một lần mà rất nhiều lần vẫn như lọt vào khoảng không vô định.
Học sinh ngồi nhầm lớp trách nhiệm sẽ thuộc về ai? Đương nhiên giáo viên sẽ là người phải gánh chịu đầu tiên. Nhưng mấy ai biết được rằng, các thầy cô đã phải nỗ lực rất nhiều nhưng không phải học sinh nào cũng có thể tiến bộ.
Ảnh minh họa học sinh ngồi nhầm lớp, nguồn: http://congly.vn
Những nỗ lực trong vô vọng
Gặp chị bạn đồng nghiệp than rằng “lớp mình năm nay (lớp 4) có 2 đứa gần như không biết đọc. Nhà trường kêu kèm, không biết phải kèm sao đây?”.
Ai cũng biết, lớp 4 làm gì có tiết học vần, có giờ phát âm? Giáo viên dạy còn chưa xong kiến thức cho lớp, thời gian nào ngồi kèm riêng cho những em này?
Lẽ ra, ngay từ khi còn học lớp 1 những học sinh học yếu phải được lưu ban. Học lại lớp 1 thêm năm nữa, chắc chắn sẽ giúp các em biết đọc. Nhưng buộc phải lên lớp, chẳng khác nào chặt đứt cơ hội biết chữ của các em.
Video đang HOT
Không thể để học sinh lưu ban, chị đồng nghiệp phải vừa dạy lớp 4, vừa dạy lớp 1. Cứ vào giờ ra chơi, chị lại cùng hai học trò đọc âm, ghép vần.
Rồi những tiết được nghỉ, chị đưa hai trò về văn phòng dạy tiếp. Hai đứa được đặc cách chỉ học đọc, học viết, những môn học khác gần như miễn luôn.
Giáo viên khốn đốn, Ban giám hiệu cũng lo ngay ngáy chứ nào thảnh thơi gì.
Họ nhẩm tính, nếu hai trò này không thể lên được lớp thì mọi chỉ tiêu của trường đều tuột khỏi tầm tay.
Nào thế đã hết, trường mất thi đua thì có hề gì? Nhưng mất chuẩn mới kéo theo bao hệ lụy.
Sẽ có nhiều đơn vị “chết chùm” vì vướng chỉ tiêu phổ cập. Đơn cử là xã phường, phòng giáo dục và Ủy ban nhân dân huyện.
Thế nên, nhà trường yêu cầu lên danh sách, ghi rõ những mặt mạnh, những điểm yếu của các em.
Chẳng hạn, yếu môn gì, yếu nhất mảng kiến thức nào?…rồi phân công cho các tổ lên kế hoạch giúp đỡ, phân công cụ thể từng giáo viên kèm cặp (dĩ nhiên là miễn phí) luân phiên. Dạy vào giờ nghỉ, ngày nghỉ.
Thế nhưng cuối năm học, trình độ các em cũng cải thiện không nhiều. Kế hoạch kèm trong hè lại được vạch ra. Và thầy cô lại tiếp tục công việc kèm cặp như trước.
Những nỗ lực của thầy cô, của nhà trường cũng chỉ cải thiện được một phần nào đó. Và rồi dù các em vẫn chỉ đọc cà rịch cà tang cũng phải lên lớp.
Nếu thật sự tốt cho các em, những học sinh này cần được ở lại lớp. Dù ai cũng hiểu nhưng chẳng trường học nào dám mạnh dạn làm điều đó.
Cần đổi mới từ cấp Bộ
Chuyện học sinh ngồi nhầm lớp đã được đề cập rất nhiều nhưng vẫn chưa được giải quyết triệt để. Bởi, sự lên án, công kích của công luận đang đi chệch hướng, sai đường.
Mục tiêu công luận chĩa mũi nhọn khi có học sinh ngồi nhầm lớp thường đổ trách nhiệm lên giáo viên và nhà trường nhưng công luận lại quên mất rằng chính những chỉ tiêu đưa ra từ cấp Bộ, những danh hiệu thi đua lá cờ đầu, danh hiệu trường chuẩn quốc gia, chuẩn phổ cập… nên nhiều trường đã không dám thẳng tay.
Trả lại quyền được lưu ban cho chính học trò, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phải thôi áp chỉ tiêu về các trường như cách mà lâu nay vẫn làm.
Theo giaoduc.net.vn
Cử tri Đà Nẵng than phiền với nhiều chính sách của ngành giáo dục
Cử tri bày tỏ bức xúc trước việc sử dụng sách giáo khoa một lần, làm tiêu tốn cả ngàn tỷ đồng mỗi năm nên đề nghị đại biểu Quốc hội góp ý, giám sát.
Không tin nhà xuất bản giáo dục lỗ 40 tỷ đồng/năm
Ông Lê Tự Cường - Chủ nhiệm câu lạc bộ Thái Phiên (nơi sinh hoạt của các cán bộ trung và cao cấp) cho biết, những năm gần đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có nhiều chính sách ban hành không được tốt.
Cử tri bức xúc trước những vấn đề nóng hiện nay là: chính sách giáo dục, sách giáo khoa, đất quốc phòng, xây dựng trái phép. Ảnh: TT
Nếu Luật Giáo dục (sửa đổi) được thông qua thì đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội Đà Nẵng quan tâm, góp ý, xây dựng để hoàn thiện.
Theo ông Cường, vấn đề được quan tâm nhất là hiện vẫn chưa có chương trình chuẩn quốc gia. Trong khi lại có thông tin đã biên soạn sách giáo khoa chuẩn.
Việc chưa có chương trình nhưng lại có sách giáo khoa là chuyện vô lý, ngược đời, chẳng khác nào "cái cày đi trước con trâu".
"Bộ Giáo dục là đơn vị được đầu tư nguồn ngân sách khá lớn, là nơi tập trung nhiều chuyên gia, Tiến sĩ, giáo sư hàng đầu, có học vấn cao nhưng thời gian qua vẫn không làm đạt yêu cầu. Chưa thực sự đáp ứng mong mỏi của người dân".
Ông Cường nói tiếp, vấn đề sách giáo khoa thì ai cũng phàn nàn cả. Một bộ sách giáo khoa hàng trăm ngàn nhưng chỉ sử dụng một lần gây lãng phí. Trong khi nhà nước phải chi cả ngàn tỷ đồng để in ấn, phát hành sách giáo khoa.
"Còn nghịch lý nữa là ở chỗ ông Nhà xuất bản giáo dục lại kêu lỗ hơn 40 tỷ đồng/năm vì in sách giáo khoa. Tôi không tin điều này. Vì nhìn vào đời sống của những người làm ở nhà xuất bản sẽ thấy, sẽ biết hết", ông Cường nói.
Theo ông Cường thì mỗi năm thay sách một lần là rất tốn kém nên đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội quan tâm vấn đề này.
Cử tri này cho rằng, Chính phủ đã thiếu quan tâm khi để Bộ Giáo dục muốn làm gì thì làm trong vấn đề này. Bởi cách điều hành của Bộ Giáo dục thời gian qua là không chấp nhận được.
Tiếp tục góp ý về các chính sách giáo dục, ông Cường nói hiện có hàng trăm, hàng ngàn sinh viên, thạc sĩ, Tiến sĩ... ra trường thất nghiệp.
Đây đều là những vấn đề bức xúc của xã hội hiện nay, chứ không phải là chuyện đơn giản. Giáo dục liên quan đến sự thịnh suy của một quốc gia, dân tộc nên phải được quan tâm nhiều hơn nữa.
Về kỳ thi 2 trong 1, ông Cường cho rằng, Bộ Giáo dục nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp, chỉ thi đại học. Bởi dù có tổ chức kỳ thi tốt nghiệp thì cũng có đến 98% học sinh đậu.
Mà chúng ta đã phổ cập thì nên bỏ thi và chỉ xét tốt nghiệp qua điểm số của hai học kỳ năm cuối cấp (lớp 12). Những học sinh nào có đủ năng lực thì tiếp tục thi Đại học.
Chính kỳ thi 2 trong 1 đã khiến nảy sinh tình trạng sửa điểm, ăn gian điểm để được chọn vào các trường Y, an ninh, quân đội... thời gian qua.
"Nếu để những thí sinh ăn gian điểm đó vào các trường tốt như vậy thì rất nguy hiểm. Do đó, phải bỏ ngay kỳ thi tốt nghiệp từ năm học sau".
Ngoài ra, cử tri đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội quan tâm, góp ý về các chính sách lương bổng cho nhà giáo. Bởi hiện tại mức lương của giáo viên rất thấp.
Quốc hội sẽ bàn kỹ luật giáo dục sửa đổi
Ông Trương Quang Nghĩa - Bí thư Thành ủy Đà Nẵng (Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố) đã ghi nhận những đóng góp ý kiến của cử tri và hứa sẽ nghiên cứu, phát biểu những vấn đề mà cử tri bức xúc, quan tâm trong kỳ họp Quốc hội tới.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa giải đáp những thắc mắc của cử trị. Ảnh: TT
Ông Nghĩa cũng thông tin thêm là Thường trực Quốc hội đã nghe chất vấn các vấn đề về luật giáo dục và đúng là nó có nhiều vấn đề đáng bàn như: chương trình mới, sách giáo khoa, chế độ cho giáo viên...
Có một thực tế là giáo viên chỗ thừa, chỗ thiếu, tiền lương cũng không ổn định nên kỳ họp này sẽ bàn nhiều.
Bí thư Đà Nẵng cũng dẫn lại câu chuyện sử dụng sách giáo khoa của thế hệ trước. Đó là việc các gia đình không có tiền mua sách giáo khoa mới mà phải xin hoặc mượn của người học trước.
Một bộ sách có thể được dùng qua nhiều thế hệ, nó khác với câu chuyện của sách giáo khoa bây giờ. Và hiện Bộ Giáo dục đang phát động phong trào giữ sách (sử dụng nhiều lần).
Cũng tại buổi tiếp xúc cử tri lần này, Bí thư Đà Nẵng đã giải đáp nhiều thắc mắc của người dân trong việc xử lý sai phạm về trật tự xây dựng, vấn đề sử dụng đất Quốc phòng....
Theo giaoduc.net.vn
Học tiếng Nhật: Đi tìm phương pháp luyện giao tiếp khi không có bạn bè người Nhật Có rất nhiều khó khăn mà người học tiếng Nhật thường gặp phải như từ vựng, Kanji,,..và một trong số đó là giao tiếp. Vậy làm sao để luyện giao tiếp hàng ngày khi không có bạn bè người Nhật. Hãy cùng tham khảo bài viết dưới đây để có câu trả lời nhé. Học tiếng Nhật: Đi tìm phương pháp luyện giao...