Bao giờ chính thức có sách giáo khoa mới?
Chiều nay, 19.1, Bộ GD ĐT đã tổ chức họp báo công bố chính thức dự thảo các môn học, hoạt động giáo dục trong chương trình giáo dục tổng thể để nhận các góp ý của dư luận xã hội và các nhà chuyên môn.
Theo dự thảo, chương trình mới sẽ có 20 môn/hoạt động giáo dục. Trong đó, có những môn học bắt buộc xuyên suốt từ lớp 1 đến lớp 12 như: tiếng Việt/ngữ văn, toán, giáo dục công dân, giáo dục thể chất, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp.
Toàn cảnh họp báo chiều 19.1
Một số môn học tích hợp mới như: lịch sử và địa lý (cấp THCS), khoa học (cấp tiểu học), khoa học tự nhiên (THCS), giáo dục kinh tế và pháp luật; một số môn học/hoạt động giáo dục lần đầu tiên được đưa vào chương trình dưới hình thức bắt buộc là hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, tin học; hay môn học tự chọn ở cấp THPT như môn nghệ thuật…
GS Nguyễn Minh Thuyết – Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới cho biết, các chương trình môn học và hoạt động giáo dục được công bố lần này là cụ thể hóa của chương trình giáo dục tổng thể đã được Bộ GD ĐT công bố năm trước. Theo đó, chương trình mới sẽ có 1 số điểm khác biệt cụ thể:
Thứ nhất, đây là chương trình phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực người học. Chính vì vậy, mỗi môn học sẽ được người làm chương trình phân giải cụ thể các năng lực cần có để xác định mức độ học sinh cần đạt được ở mỗi lớp và cấp học.
Tăng cường các hoạt động trải nghiệm trong chương trình giáo dục phổ thông mới (ảnh minh họa: IT)
Thứ 2, chương trình mới có tính phân hóa rõ rệt hơn so với chương trình hiện hành, sự phân hóa được thực hiện ngay từ tiểu học. Càng ở các cấp học cao, phân hóa càng sâu. Đến cấp trung học phổ thông, sự phân hóa sâu nhất, tức là phân hóa theo định hướng nghề nghiệp của học sinh. Học sinh không phải học tất cả các môn nữa mà tập trung vào một số môn theo nguyện vọng và theo định hướng nghề nghiệp của mình.
Thứ ba, chương trình lần này mang tính tích hợp cao vì kiến thức của nhân loại đang mỗi ngày một nhiều, nếu tách từng môn ngay từ bậc tiểu học và trung học cơ sở thì học sinh sẽ học quá sâu về môn đó, vừa quá tải vừa khó cho học sinh tổng hợp kiến thức để vận dụng trong cuộc sống.
Thứ tư là các chương trình môn học mới sẽ tăng cường tính thiết thực, tính thực hành. Trước nay, chúng ta vẫn nói học đi đôi với hành, lý luận gắn với thực tiễn. Hiện tại, có nhiều môn càng ngày càng xa với thực tiễn, học sinh học xong không biết làm gì. Các em học kiến thức trên lớp, làm bài kiểm tra để trả lại cho thầy cô những điều thầy cô đã nói.
Video đang HOT
Để áp dụng những thay đổi này, ông Thuyết cho biết, các địa phương sẽ phải chuẩn bị 3 yêu cầu sau: “Các trường tiểu học phải đảm bảo được học sinh học 6 buổi/ tuần tương ứng với 2 buổi/ ngày. Và cần làm rõ là tăng thời lượng không phải tăng tải mà là giảm tải. Sĩ số phải đảm bảo đúng điều lệ (tiểu học 35 học sinh/ lớp; THCS 40 học sinh/ lớp) để lớp học có thể bố trí theo kiểu khác giúp các em học nhóm được” – ông Thuyết nói.
Ông Thuyết cũng cho biết thêm, thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH CĐ sẽ được giữ ổn định tự nay đến năm 2020 nhưng sau đó sẽ có thay đổi. Cũng theo ông Thuyết, hiện nay chưa thể khởi động viết sách giáo khoa mới được, khi nào chương trình mới được chính thức ban hành thì các tổ chức, cá nhân mới chính thức bắt tay tham gia viết sách giáo khoa.
Theo Danviet
Thí điểm cuốn chiếu sách giáo khoa kiểu này không ổn
Chưa có sự tiếp cận kiến thức từ các lớp học dưới thì học sinh sẽ không thể học được ở các lớp học trên.
Nhằm thực hiện chủ trương đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục, Khung chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới đã chính thức được Bộ Giáo dục và Đào tạo thông qua, sau hai lần lấy ý kiến nhân dân.
Đây được coi là một bước cụ thể hóa quan trọng nhằm thực hiện một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước đã được đặt ra từ nhiều năm nay.
Mục tiêu hướng đến là tạo một diện mạo mới cho nền giáo dục trước các yêu cầu của đổi mới, tạo ra một lớp người mới trong nhu cầu của sự phát triển đất nước.
Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 14/10/2017 có đăng bài viết "Chi tiết lộ trình dự kiến áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới".
Theo đó, bài viết đã cung cấp những nội dung về lộ trình dự kiến áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới do Chính phủ đề xuất theo Tờ trình số 408/TTr-CP ngày 14/10/2017 về tình hình thực hiện đổi mới chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông, được gửi tới Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội.
Hình minh họa, nguồn: Vtv.vn.
Tuy nhiên, khi nhìn vào những nội dung trong đề xuất này có thể thấy những bất cập và không hợp lý cho lộ trình thực hiện một chương trình giáo dục phổ thông lớn, liên quan đến tất các học sinh trong đất nước chúng ta.
Vì vậy, cần thiết phải có sự trao đổi và xem xét lại về lộ trình thực hiện này.
Cụ thể, theo những nội dung đã được đề xuất thì thời gian thực hiện chương trình và sách giáo khoa mới cho học sinh phổ thông sẽ được áp dụng đối với cấp tiểu học là từ năm học 2019-2020;
Đối với cấp trung học cơ sở là từ năm học 2020-2021 và đối với cấp trung học phổ thông là từ năm học 2021-2022.
Bởi kiến thức luôn có sự liền mạch, logic theo một chỉnh thể thống nhất.
Vì thế, nếu học sinh không có sự tiếp cận từ lớp dưới thì học sinh sẽ không thể học được ở các lớp trên.
Đó là chưa kể đến trong chương trình giáo dục phổ thông mới còn có những môn học mới.
Chúng ta biết, nguyên tắc chung nhất cho một chương trình giáo dục và cũng được đặt ra trong việc dạy học là:
Học sinh được bắt đầu từ những kiến thức căn bản và cơ sở, sau đó nội dung sẽ được định hướng và phát triển dần lên theo một mạch kiến thức và tư duy, mang tính hệ thống và logic chung.
Và trong chủ trương đổi mới giáo dục lần này, đó là sự đổi mới căn bản và toàn diện, vì thế có thể nói, những nội dung mà học sinh sẽ được học là những kiến thức mới.
Như thế, nếu học sinh chưa có sự tiếp cận kiến thức từ các lớp học dưới thì học sinh sẽ không thể học được ở các lớp học trên.
Vì thế, có thể nói, lộ trình cùng với cách thực hiện này đã thể hiện một sự vội vàng, mang tính áp đặt nên đã bộc lộ như những bất cập.
Bởi vì đã không đảm bảo được các yêu cầu về mặt khoa học của kiến thức và các yêu cầu về giảng dạy trong sư phạm theo một sự thống nhất chung.
Trên thực tế, một chương trình giáo dục được xây dựng công phu, nhằm đảm bảo được các yêu cầu đặt ra cho việc đổi mới, có đủ thời gian tập huấn cho các giáo viên cũng như có sự chuẩn bị đầy đủ về cơ sở vật chất nhưng lộ trình thực hiện không hợp lý, nếu như không muốn nói là phản khoa học sẽ không mang lại được được hiệu quả và gây trở ngại cho sự học tập của các học sinh.
Vì thế, để đảm bảo hiệu quả cho việc thực hiện một chương trình giáo dục mới với các yêu cầu về mặt khoa học cũng như sư phạm thì một lộ trình hợp lý sẽ được thực hiện là:
Chương trình và sách giáo khoa mới sẽ phải được thực nghiệm và áp dụng dần lên bắt đầu cho học sinh từ lớp 1 cho đến lớp 12, cũng có thể được hiểu đó là theo hình thức cuốn chiếu dần lên.
Nghĩa là, năm đầu tiên sẽ tiến hành thực nghiệm và áp dụng cho lớp 1, sau đó khi học sinh học lên lớp 2 là sẽ có sự thực nghiệm và áp dụng tiếp chương trình cho lớp 2, và sau đó là lên lớp 3...
Và cứ như như thế cho đến khi học sinh học đến hết lớp 12.
Như thế, theo lộ trình với cách thực hiện này thì phải sau 12 năm, chương trình cùng với sách giáo khoa mới sẽ được triển khai và áp dụng hoàn toàn.
Tuy đó là một thời gian dài nhưng đảm bảo được các yêu cầu chung cho giáo dục, đặc biệt là về mặt khoa học và sư phạm trong việc đảm bảo hiệu quả học tập cho học sinh.
Từ đó, các khóa học của các học sinh ở các lớp sau sẽ được học tiếp nối theo một chương trình mới thống nhất.
Do vậy, đây là lộ trình dự kiến được đề xuất trong cách thực hiện nên cần thiết phải được xem xét lại.
Bởi đó là những bước thực hiện một chương trình giáo dục quan trọng của quốc gia nên không thể có sự triển khai một cách nóng vội, theo sự áp đặt mang tính chủ quan.
Từ đó sẽ gây ra sự bất lợi cho các học sinh ngay trong những năm đầu thực hiện.
Trên đây là một vài trao đổi để chúng ta cùng chia sẻ và làm rõ hơn về vấn đề này nhằm tránh gây thiệt hại cho các học sinh và đảm bảo hiệu quả cho việc thực hiện một chương trình giáo dục mới mang tính toàn diện trong tiến trình đổi mới của đất nước.
Rất mong có được sự quan tâm để cùng được trao đổi.
Theo GDVN
Chương trình phổ thông mới không ưu việt hơn 40 năm trước Theo TS Vũ Thu Hương, dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới được ban hành không ưu việt hơn so với năm 1979 và không có tầm nhìn trong 10 năm tiếp theo. Dự thảo chương trình phổ thông tổng thể mới nhất được ban hành vào ngày 28/7 đã có nhiều điểm mới, tiếp thu ý kiến của...