Báo động về chất lượng nhân lực ngành giáo dục
Vừa qua, Diễn đàn Dân trí nêu lên chủ đề trao đổi về công việc và đời sống của nhà giáo thu hút được nhiều ý kiến tham gia. Thực tiễn nhiều năm gần đây cho thấy ngành sư phạm ngày càng giảm sức hấp dẫn và không còn thu hút được những HS giỏi.
Một vị là Phó Chủ tịch UBND huyện gặp tôi, tâm sự: “Tôi thấy bây giờ HS giỏi không thi vào trường sư phạm, tình hình rất đáng buồn”. Tôi nói: “Thì người giỏi làm ở lĩnh vực nào cũng tốt chứ bác”, anh đáp: “Đã đành là vậy, nhưng nếu người giỏi làm giáo dục thì sẽ có ích nhiều hơn cho xã hội, đào tạo được nhiều HS giỏi cho thế hệ tương lai”.
Mùa tuyển sinh năm nay, hai xu hướng đã thấy ở nhiều năm gần đây, ngày càng trở nên rõ nét: đó là có rất ít HS đăng ký thi vào khối C và các trường sư phạm. Năm 2010, cả nước chỉ có khoảng 5% thí sinh thi vào khối C, tình hình năm nay cũng tương tự.
Thầy Phan Hoà, Phó Hiệu trưởng THPT Lê Viết Thuật (Nghệ An) cho biết: “Chỉ những HS không theo học được các khối khác mới học khối C”. Những HS thi khối C chủ yếu thi vào các ngành Luật, Báo chí. Còn những thí sinh khá giỏi học khối A,B,D…hầu như không lựa chọn ngành sư phạm.
Năm học 2010, trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (Nghệ An) chỉ có một bộ hồ sơ nộp vào trường sư phạm. Ở các trường THPT lớn trên địa bàn TP Vinh, tỷ lệ HS khối 12 nộp đơn vào các trường sư phạm cũng rất thấp. Điểm trúng tuyển của một số khoa các trường sư phạm chỉ ở mức điểm sàn.
Năm 2010, điểm chuẩn các ngành sư phạm của trường ĐH Vinh thấp đến mức đáng báo động: Toán : 15 điểm; Vật lý: 13 điểm; Hoá: 14,5 điểm; Sinh: 14 điểm; Văn: 17 điểm; Sử: 15 điểm…Trong điều kiện đề thi tuyển sinh ĐH có khoảng 70% là kiến thức cơ bản trong chương trình, một số môn thi theo hình thức trắc nghiệm, với mức điểm đó, ngành sư phạm chỉ “vớt vát” được những HS học lực trung bình, hoặc yếu.
Nguyên nhân HS không mặn mà với ngành sư phạm, vốn được coi là “nghề cao quý” bao gồm cơ hội việc làm khó khăn, chế độ đãi ngộ thấp, môi trường làm việc không tốt và cơ hội thăng tiến không cao. Một nguyên nhân nữa là vị thế xã hội của nhà giáo trong xã hội không được coi trọng.
Theo thông tin của Sở Nội vụ, hiện nay, ngành giáo dục Nghệ An có 1.863 cán bộ, GV, nhân viên dôi dư (bậc tiểu học dôi dư 717 GV, THCS hơn 1.100 cán bộ, nhân viên, GV). Bậc THPT cũng đã bão hoà GV, nhiều trường đã dôi dư. Có môn GV chỉ dạy khoảng 10 tiết/tuần, so với định mức tiêu chuẩn 17 tiết/tuần.
GV dôi dư khiến cho những SV sư phạm mới ra trường không còn cơ hội tìm việc làm trong tỉnh. Hầu hết SV sư phạm đều muốn có việc làm ở gần nhà, vì sẽ tận dụng được sự giúp đỡ của gia đình. Còn đi lập nghiệp ở các địa phương khác là điều bất đắc dĩ.
Thu nhập của GV nói chung, và GV mới ra trường rất thấp so với mặt bằng giá cả hiện nay. Lương GV mới ra trường chỉ ở mức từ 1,5 đến dưới 2 triệu đồng/tháng, nếu không có các nguồn thu nhập khác thì không đủ sống. Đời sống GV ở các vùng sâu, vùng xa gặp rất nhiều khó khăn. Lương GV được trả theo thâm niên, yếu tố năng lực, hiệu quả công tác không được tính đến. GV buộc phải dạy thêm, làm thêm để tăng thu nhập.
Chỉ có một số GV các môn Toán, Lý, Hoá, Ngoại ngữ…mới có HS đăng ký học thêm. Còn việc làm thêm sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến công tác giảng dạy. Trong khi đó, học những ngành KHTN – KT, Ngoại ngữ ra trường làm việc ở các công ty, doanh nghiệp có thể có mức lương cao hơn nhiều lần.
Môi trường của ngành giáo dục, mặc dù đã được cải thiện, song vẫn còn không ít những bất cập. Một số cán bộ quản lý chưa thực sự có sức thuyết phục về đức lẫn tài, những tiêu cực trong khâu tuyển dụng, bổ nhiệm, đánh giá GV vẫn chưa thực sự chấm dứt.
Video đang HOT
(ảnh minh họa)
Những yếu tố tiêu cực của cơ chế thị trường tác động đến nhà trường làm một bộ phận HS xuống cấp về đạo đức, vị thế của nhà giáo không được đề cao. Những yếu tố ấy khiến cho ngành sư phạm không còn sức hấp dẫn. Các GV cũng không định hướng cho con cái nối nghiệp.
Nhà giáo C.V, một GV giỏi ở TP Hà Tĩnh tâm sự: “Tôi phải thật lòng khuyên học sinh của mình HS là sau khi tốt nghiệp cố tìm việc gì đó mà làm, chứ đừng theo nghề sư phạm”. Thầy BVN, GV Ngữ văn ở Gia Lai chia sẻ: “Một bộ phận không nhỏ GV ý thức cầu thị vươn lên rất yếu, chủ yếu là đối phó với các thủ tục thanh tra, kiểm tra của trường, của Phòng, của Sở. Các phong trào trong nhà trường như thao giảng dự giờ, viết sáng kiến kinh nghiệm, đổi mới phương pháp giảng dạy… thường rơi vào hình thức, khuôn sáo. Vào biên chế rồi, lương cứ “đến hẹn lại lên”, nên nhiều GV không có động lực phấn đấu. Nhiều GV Ngữ văn mà hầu như không đọc thêm sách báo gì, kiến thức cứ ngày một teo lại, rồi rơi vào lạc hậu, bảo thủ”.
Không ít cuộc họp tổ chuyên môn nhưng lại không bàn đến một nội dung gì liên quan đến chuyên môn. Việc các GV trao đổi, tranh luận say sưa về chuyên môn đang ngày càng trở nên hiếm hoi.
Chất lượng đội ngũ GV đang trong tình trạng báo động bởi hai nguyên nhân: đội ngũ hiện tại thiếu động lực phấn đấu và thiếu hụt nguồn bổ sung có chất lượng cao.
Một hiện tượng nữa là một số Gv có năng lực đã chuyển công tác đến những vị trí có thu nhập cao hơn, hoặc môi trường làm việc tốt hơn. Hiện tượng này diễn ra từ bậc đại học cho đến phổ thông.
Như vậy, nhân lực ngành sư phạm nói chung và nhân lực ngành sư phạm các môn KHXH nói riêng đang ở trong một giai đoạn rất khó khăn. Và hệ quả dây chuyền tất yếu sẽ đến: chất lượng đầu vào các trường sư phạm thấp thì chất lượng đầu ra cũng không thể cao, cho dù môi trường đào tạo tốt.
Mấy năm gần đây, không ít GV kì cựu phàn nàn về chất lượng của đội ngũ sinh viên thực tập và những GV mới ra trường. Có những GV ngành KHXH nhưng viết một văn bản còn sai cả chính tả, ngữ pháp. GV yếu kém thì cũng không thể đổi mới phương pháp giảng dạy.
Và không có đội ngũ GV giỏi thì cũng không thể có HS giỏi. Không có HS giỏi, tương lai giáo dục, tương lai đất nước sẽ ra sao, đó là một trăn trở lớn của những người có tâm huyết. Bài toán nan giải này, chỉ mỗi ngành giáo dục không giải được, mà cần có những quyết sách, chiến lược của Nhà nước.
Trần Quang Đại
Hà Tĩnh
LTS Dân trí-Bài viết trên đây của một nhà giáo phản ánh đúng tình hình đáng lo ngại về chất lượng đội ngũ giáo viên cũng như trình độ yếu kém của những thí sinh được tuyển chọn vào ngành sư phạm.
Cái gốc của vấn đề vẫn là ở chế độ, chính sách đối nghề sư phạm chưa tạo ra động lực phấn đấu đối với đội ngũ giáo viên cũng như chưa tạo sức hấp dẫn để thu hút nhiều học sinh giỏi thi vào ngành sư phạm.
Nếu để kéo dài tình trạng đó thì e rằng nền giáo dục của nước nhà ngày càng sa sút và sự tụt hậu ngày càng xa đối với nền văn minh thế giới là điều khó tránh khỏi. Suy nghĩ nghiêm túc để tìm ra giải pháp về vấn đề này là trách nhiệm của các nhà lãnh đạo và quản lý đất nước ở tầm vĩ mô chứ không chỉ riêng của Bô Giáo dục và Đào tạo.
Theo Dân Trí
Nhọc nhằn sinh viên đi làm thêm
Những công việc sinh viên đi làm thêm đa phần mang tính chất thời vụ, không có hợp đồng, bảo hiểm y tế, nên khi xảy ra tai nạn, bị lừa cũng đành "ngậm bồ hòn", tự xoay xở khiến nhiều sinh viên lâm vào cảnh "dở khóc dở cười"...
Giữa thời buổi vật giá tăng cao, giá cả sinh hoạt liên tục "nhảy múa", các chi phí sinh hoạt ăn uống đều tăng, khiến cuộc sống sinh viên càng trở nên khó khăn hơn. Để trang trải cho những khoản sinh hoạt đắt đỏ, nhiều sinh viên chen chúc đi làm thêm, thậm chí là chạy sô từ chỗ này sang chỗ khác để có thể cải thiện cuộc sống.
Đông đảo các bạn sinh viên tìm việc tại sàn giao dịch việc làm.
Hợp đồng bằng miệng và lời hứa suông về tiền lương
Mỹ Hạnh, sinh viên năm 4 (Trường ĐH KHXH&NV TP Hồ Chí Minh) mong muốn kiếm việc làm để có thêm thu nhập trang trải các khoản sinh hoạt, có thêm kinh nghiệm khi ra trường. Qua bạn bè giới thiệu, Hạnh nộp hồ sơ xin việc tại một công ty truyền thông. Qua vòng phỏng vấn, Hạnh được nhận vào làm nhân viên PR, kiêm viết kịch bản với mức lương 2 triệu đồng/tháng. Thời gian thử việc là 2 tháng, nếu làm tốt sẽ được ký hợp đồng chính thức và tăng lương tùy theo yêu cầu công việc.
Trong quá trình thử việc tại công ty, Hạnh luôn cố gắng hoàn thành công việc trong khả năng cao nhất, vì vậy những buổi lên giảng đường của Hạnh cũng thưa dần, kết quả học tập cũng bị giảm sút. Những tưởng công việc cũng sẽ êm xuôi, bù lại cho kết quả học tập. Thế nhưng, qua hết 2 tháng thử việc không thấy công ty đoái hoài gì đến tiền lương. Kẹt quá, Hạnh lên phòng kế toán hỏi thì được trả lời đang đợi sếp duyệt.
Trong khi đó, khối lượng công việc Hạnh được giao ngày càng nhiều và khó hoàn thành hơn. Chán nản, Hạnh nghỉ việc, còn tiền lương thì nhiều tháng sau đó, Hạnh cũng không thấy phản hồi gì. Liên hệ lại thì công ty trả lời: "Do Hạnh tự ý nghỉ việc nên công ty không giải quyết tiền lương". Trong khi đó, khi thử việc tại công ty, hợp đồng của Hạnh chỉ là lời nói suông bằng miệng nên cũng đành chịu.
Tương tự, Hữu Tân (sinh viên năm thứ 3) cũng thông qua giới thiệu của bạn bè, Tân xin vào làm tại Công ty V.P. (có trụ sở tại quận Bình Thạnh) với vai trò viết lời bình phóng sự cho một game show truyền hình thực tế.
Hợp đồng cũng chỉ thỏa thuận bằng miệng, tiền lương được tính theo từng chương trình game show công việc của Tân, đi theo đoàn làm phim khảo sát thực tế tại các tỉnh và tiếp xúc với nhân vật được chọn trong mỗi chương trình lấy tư liệu để viết lời bình cho game show. Mỗi chuyến đi như vậy thường kéo dài từ 4-5 ngày tại các tỉnh Tây Nguyên, miền Trung... để chọn nhân vật và viết lời bình cho từng số phát sóng của chương trình với các nhân vật đã được chọn. Gần một tháng ròng rã làm việc cật lực, chương trình dự kiến đi quay và phát sóng 8 số cho 2 tháng tại các tỉnh đã đi khảo sát. Kịch bản đã xong chỉ đợi ngày đi quay game show thực tế thì chương trình bị cắt tài trợ. Game show không thực hiện nữa, theo đó thì tiền lương cũng không thấy công ty đề cập thanh toán.
Chưa kể, liên tục nhiều ngày sau đó điện thoại của Tân bị "tra tấn" bởi các nhân vật khi lấy tư liệu viết lời bình và thậm chí là những lời "trách móc" từ họ khi biết chương trình bị hủy mặc dù Tân đã hết lời xin lỗi, giải thích.
Và những nẻo đường làm thêm
Trường hợp của Nguyễn Văn Dương, sinh viên năm nhất (Trường ĐH KHTN) hoàn cảnh gia đình cũng không mấy khá giả, số tiền gia đình chu cấp eo hẹp. Nên ngay từ học kì đầu năm thứ nhất, Dương sốt sắng đi kiếm việc làm thêm.
Đọc được một tờ rơi quảng cáo, cần tuyển người bán hàng, không cần trình độ, tự chủ thời gian, mức lương đề ra cũng khá hấp dẫn và được hưởng 10% hoa hồng từ giá trị bán hàng nên Dương gọi vào số điện thoại in trên tờ rơi và được hẹn phỏng vấn. Sau đó, phía tuyển dụng nói Dương đóng 500 ngàn đồng tiền thế chân, làm hồ sơ và được nhận vào làm ngay. Công việc của Dương là đi tiếp thị, bán vé máy bay cho các khách hàng có nhu cầu. Thấy công việc cũng dễ dàng, mà hoa hồng lại cao nên Dương đồng ý đóng tiền đi làm. Nhưng gần cả tháng trời, Dương không bán được vé máy bay nào mà phía tuyển dụng cũng không giao việc gì khác nên Dương liên hệ để lấy lại tiền thế chân thì cũng không được.
Còn Hữu Khang (sinh viên năm cuối Trường Quản lý khách sạn Việt Úc), dịp Tết nhiều công việc mang tính chất hỗ trợ sinh viên làm thêm, thu nhập cũng khá nên Khang cũng tranh thủ kiếm việc làm thêm để có tiền mua quà Tết về cho gia đình. Khang nộp hồ sơ qua mạng và được công ty tiếp thị sản phẩm nhận vào làm thời vụ một tháng với mức lương hơn 3 triệu đồng/tháng, làm việc bán thời gian. Công việc Khanh nhận được là tuần làm 3 ngày. Khang tự sắp xếp thời gian để đi phát sản phẩm miễn phí và ghi phiếu khảo sát tại địa bàn quận Tân Phú, tiền lương được tính theo sản phẩm, phiếu khảo sát thực tế từ khách hàng...
Hơn 1 tháng, sau đợt công ty kết thúc đợt khảo sát, nhẩm tính lương được gần 4 triệu đồng Khang mừng thầm và tính các khoản chi tiêu trong tháng và mua quà về cho gia đình. Nhưng khi liên lạc với người phụ trách để nhận tiền lương thì phía công ty lại xin "khuất" đến cuối tháng 3 mới thanh toán, vì công ty còn làm tổng hợp khảo sát của các nhóm trong đợt khảo sát.
Mỗi ngày đi làm, Khang phải chạy từ từ chỗ trọ (quận 9) lên quận Tân Phú để đi phát sản phẩm, tiền xăng đi lại cũng tốn không ít khiến Khang phải lâm vào tình cảnh "dở khóc dở cười" đành "tiễn" con xe vào tiệm cầm đồ để lấy tiền trả nợ bạn bè và về Tết.
Đến những tai nạn bất ngờ
Éo le hơn là trường hợp em Lê Văn Đạt, sinh viên năm thứ 3 (Trường ĐH KHXH&NV TP Hồ Chí Minh), gia đình Đạt có hoàn cảnh khó khăn, mẹ đi bước nữa nên từ năm thứ nhất khi đậu ĐH, Đạt đã tranh thủ kiếm việc làm thêm để trang trải sinh hoạt phí, sống tự lập, không để trở thành gánh nặng cho gia đình. Được biết, Đạt là tấm gương rất đáng khâm phục, mặc dù có hoàn cảnh khó khăn phải vừa học vừa làm đủ thứ công việc từ chạy bàn, phát tờ rơi, giao gas... để tự lo cho mình. Khó khăn là vậy nhưng ý chí vươn lên em luôn cố gắng nỗ lực trong học tập và còn hoàn thành tốt các công tác Đoàn - Hội do trường phát động. Nhưng một tai nạn lao động đã bất ngờ ập đến em trong lúc đang đi làm thêm. Vào ngày 22/3 vừa qua, Đạt đi giao gas cho khách, trong lúc đang thay bình gas thì bất ngờ bình gas bị xì và bén lửa, làm bỏng cả tay, chân và gương mặt phải nhập viện cấp cứu.
Rất may, Đạt gặp được người chủ cửa hàng tốt bụng nên các khoản chi phí em đang nằm viện điều trị được chủ cửa hàng đứng ra thanh toán.
Theo Công An Nhân Dân
Cận Tết sinh viên kéo nhau đi làm thêm Phải giải quyết làm sao với vài trường hợp hoàn cảnh khó khăn, tiền ăn không đủ nói chi mua vé về quê ăn Tết với gia đình. Và rồi giải pháp đi làm ngày Tết mới có thể "cứu nguy" mà thôi! Không muốn những vẫn phải "cam" Là một sinh viên loại khá, chăm ngoan của trường, Minh Khôi (Sv trường...