Báo động từ nghiên cứu giáo dục
Kết quả xếp hạng mới nhất của nhóm nghiên cứu SCImago (Tây Ban Nha) với vị trí của các viện, trường đại học của Việt Nam tiếp tục tụt hạng là một báo động cho hoạt động nghiên cứu khoa học của Việt Nam.
Đi vào từng lĩnh vực nghiên cứu khoa học sẽ thấy rõ hơn về thực trạng chung này. Chẳng hạn, việc phân tích kết quả nghiên cứu của khoa học giáo dục (KHGD) VN dựa trên các thước đo theo chuẩn mực quốc tế: số lượng, chất lượng và tầm ảnh hưởng của các công trình nghiên cứu có thể cho thấy một số xu hướng rất đáng quan ngại về nghiên cứu giáo dục ở nước ta.
Phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia thuộc ĐHQG TP.HCM. (Ảnh: Minh Đức)
Số lượng ít ỏi
Trong khoảng thời gian từ 1996-2010, ngành KHGD của VN công bố được 39 công trình nghiên cứu khoa học trên các tập san quốc tế. Con số này chiếm khoảng 9% tổng số ấn phẩm khoa học trong ngành khoa học xã hội (354 bài trong cùng thời gian). Tính trung bình mỗi năm VN chỉ công bố trên hai bài nghiên cứu về giáo dục. Đó là một con số rất khiêm tốn khi đối chiếu với số người chuyên làm về nghiên cứu giáo dục trên cả nước.
Tính theo số lượng, VN đứng hạng 14 trong 21 nước khu vực Đông Á (Malaysia hạng 8, Thái Lan hạng 9, Philippines hạng 11). Con số bài nghiên cứu về giáo dục của VN chỉ bằng 1/37 so với Đài Loan (hạng 1) và 1/30 so với Hong Kong (hạng 2)…
Phân tích nội dung của các công trình nghiên cứu này cho thấy phần lớn lại liên quan đến đào tạo trong y khoa và là kết quả của các dự án hợp tác quốc tế trong giáo dục sức khỏe (16 bài). Chỉ có bốn công trình nghiên cứu liên quan đến ngôn ngữ học. Tính chung, số bài viết về KHGD thực thụ chỉ có 13 bài.
Trong số 39 công trình nghiên cứu chỉ bảy bài là “thuần Việt”, hiểu theo nghĩa không có đồng tác giả nước ngoài, phần còn lại đều có tác giả nước ngoài đứng tên. Có 17 bài tác giả chính là người Việt. Điều này cho thấy cũng như trong các lĩnh vực khác, nghiên cứu về giáo dục ở nước ta còn phụ thuộc rất nhiều vào hợp tác quốc tế.
Sẽ rất khó nói đến năng suất với một số lượng công trình ít như vậy. Theo thống kê, ở Úc số người làm nghiên cứu chuyên nghiệp trong KHGD chiếm khoảng 1% tổng số nhân lực của ngành giáo dục và 90% số các nhà khoa học này hoạt động trong các trường đại học. Ở nước ta có khoảng 24.300 người có bằng tiến sĩ, trong đó 7.924 người đang làm việc trong các trường đại học và cao đẳng. Tuy nhiên, chúng tôi không có tư liệu cho thấy trong số này có bao nhiêu người chuyên nghiên cứu về giáo dục, cũng như không có số liệu về kinh phí dành cho nghiên cứu giáo dục. Cho đến nay, ở VN chỉ có một số ít đơn vị nghiên cứu giáo dục chuyên nghiệp. Các trường đại học có khoa giáo dục hay sư phạm thường tập trung vào đào tạo hơn là nghiên cứu. Những đơn vị này đã thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu, trong đó có thể có những nghiên cứu có giá trị, nhưng việc đưa ra những tri thức này cho cộng đồng học thuật nước ngoài kiểm nghiệm giá trị thì còn rất hạn chế, thậm chí việc phổ biến những tri thức ấy đến với giới hoạch định chính sách và cộng đồng giáo dục trong nước cũng rất hạn chế.
Số lần trích dẫn các công trình nghiên cứu giáo dục từ vài quốc gia châu Á:
Nước,
lãnh thổ
Số bài
Số lượng trích dẫn
Số lượng trích dẫn mỗi bài
Chỉ số H
1
Ðài Loan
1.455
7.672
9,11
34
…8
Video đang HOT
Malaysia
399
895
4,93
14
9
Thái Lan
177
310
2,91
8
10
Philippines
111
136
2,75
6
…13
VN
39
62
2,22
4
14
Campuchia
8
6
0,54
2
Chất lượng thấp
Chất lượng của các công trình nghiên cứu có thể thể hiện qua số lượng trích dẫn và chỉ số H. Bảng so sánh dưới đây cho thấy xét về số lượng và về chỉ số H, xét về tỉ lệ trích dẫn trên mỗi bài báo VN đều đứng hạng 13/14, chỉ hơn Campuchia. Điều đáng lưu ý là khoảng cách giữa VN và các nước khá xa: chỉ số H ngành giáo dục của VN là 4, trong khi Đài Loan, Hong Kong và Trung Quốc theo thứ tự tương ứng là 34, 28 và 17.
Một thước đo khác cho thấy chất lượng của hoạt động nghiên cứu là mức độ tồn tại ít hay nhiều những tác giả có ảnh hưởng trong chuyên ngành, tức là những người có năng suất cao, viết nhiều và được nhiều người trích dẫn. Các thống kê cũng cho thấy VN không có tác giả nào có trên năm công bố khoa học quốc tế trong giáo dục trong vòng 15 năm qua (trong lúc Singapore có 71 tác giả như thế). Ngoài ra, tổng số trích dẫn của các bài báo từ VN là thấp nhất và khoảng cách rất xa so với các nước còn lại trong khu vực.
Phát triển không tương xứng…
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng vị trí nghiên cứu về giáo dục của VN còn quá khiêm tốn. Trong đó, nhiều nhân tố đúng với cả những lĩnh vực nghiên cứu khác. Hạn chế về kinh phí nghiên cứu, tiếng Anh và văn hóa công bố quốc tế là những yếu tố chính. Đối với lĩnh vực giáo dục, hạn chế trong phương pháp nghiên cứu và năng lực tiếp cận nguồn thông tin của giới nghiên cứu là những rào cản quan trọng. Giới hạn trong nhận thức của những nhà hoạch định chính sách về tầm quan trọng của việc sử dụng kết quả nghiên cứu giáo dục cho việc xây dựng chính sách giáo dục cũng có thể là một trong những hạn chế trong sự phát triển của KHGD ở nước ta.
Chưa có chứng cứ để nói rằng sự yếu kém trong KHGD góp phần vào sự tụt hậu của giáo dục, nhưng những dữ liệu hình như nhất quán với nhận xét đó. Tính từ thập niên 1970 đến nay, khoảng cách của VN với các nước trong khu vực (trừ Philippines) càng lúc càng xa. So với năm 1970 thì thu nhập trung bình trên đầu người của VN đã tăng gần 20 lần, trong lúc đó Malaysia tăng 21 lần, Thái Lan tăng 24 lần, Indonesia tăng 36 lần, Singapore tăng 45 lần. So sánh tương quan giữa các nước với VN thì năm 1970 thu nhập bình quân đầu người của Indonesia cao hơn VN 1,3 lần, đến năm 2010 Indonesia đã cao hơn VN 2,4 lần. Cùng thời gian đó, tương quan GDP đầu người giữa Malaysia và VN là 6,3 lần và 6,8 lần giữa Singaporevà VN là 14,9 lần và 34,2 lần giữa Thái Lan và VN là 3,1 và 3,7 lần.
Sự yếu kém về KHGD của VN thể hiện qua công bố quốc tế đã phần nào cho thấy sự bất cập của giáo dục trong việc đổi mới để đáp ứng yêu cầu của một nền kinh tế đang thay đổi nhanh chóng dưới tác động của toàn cầu hóa. Việc đối chiếu với kết quả nghiên cứu giáo dục của các nước trong khu vực cho thấy trong vòng 15 năm qua, tất cả các nước đều có bước phát triển nhảy vọt, kể cả VN, nhưng nhịp điệu phát triển của KHGD VN còn khoảng cách xa so với các nước và không tương xứng với nhịp điệu phát triển của nền kinh tế.
Phạm Thị Ly ( ĐHQG TP.HCM) – Nguyễn Văn Tuấn ( ĐH New South Wales, Úc)
Theo Tuổi Trẻ
Cần thành lập Ban chỉ đạo quốc gia về cải cách giáo dục
Trước thực trạng còn nhiều bất cập, yếu kém và nhu cầu cấp thiết phải đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam, Giáo sư - TSKH, NGND Bành Tiến Long, nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ GD-ĐT đã chia sẻ một số ý kiến, tâm tư của mình cùng Dân trí.
Tư duy phát triển GD không theo kịp tư duy đổi mới KT-XH
Xin GS cho biết đánh giá của GS về thực trạng nền Giáo dục Việt Nam hiện nay?
GS - TSKH Bành Tiến Long: Đánh giá về thực trạng giáo dục hiện nay, về cả thành tựu và bất cập, đã được nhiều nhà khoa học, nhà giáo và các cơ quan quản lý các cấp đề cập và có rất nhiều ý kiến khác nhau.
Bên cạnh những thành tựu không thể phủ nhận như: giáo dục đã có sự phát triển mạnh mẽ về quy mô và mạng lưới, đảm bảo công bằng giáo dục, chất lượng có tiến bộ, phát triển nhanh đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, xã hội hóa hoạt động giáo dục phát triển v.v..., thì giáo dục còn rất nhiều bất cập. Có thể liệt kê tóm tắt như sau:
Thứ nhất, tư duy phát triển giáo dục chậm đổi mới, không theo kịp tư duy đổi mới kinh tế, xã hội, nhất là trong quản lý giáo dục;
Thứ hai, các hoạt động chuyên môn của giáo dục còn nhiều yếu kém, bất cập, đó là: chất lượng và hiệu quả giáo dục chưa cao; việc dạy chữ chưa kết hợp tốt với dạy người, dạy nghề; đào tạo kiến thức chưa gắn với rèn luyện kiến thức mềm, kỹ năng thực hành; mục tiêu, nội dung, chương trình, phương pháp giáo dục còn lạc hậu, chưa đáp ứng nhu cầu xã hội; năng lực nghề nghiệp, trình độ công nghệ thông tin, ngoại ngữ còn thấp; chưa giải quyết tốt mối quan hệ giữa tăng quy mô và chất lượng giáo dục, giữa giáo dục chính quy và các hình thức giáo dục khác, giữa các vùng miền, giữa công lập và ngoài công lập; chưa giải quyết tốt các mối quan hệ giữa giáo dục và xã hội hóa, giáo dục và cơ chế thị trường, giáo dục và cơ chế phân cấp; công tác xây dựng đội ngũcòn bất cập về cả số lượng và chất lượng;
Thứ ba, chính sách phát triển giáo dục còn thiếu đồng bộ và chậm đổi mới hoặc chậm triển khai và rất nặng hình thức; cơ chế đầu tư, tài chính còn bất hợp lý, đất đai chật hẹp, trang thiết bị còn lạc hậu.v.v...
Thứ tư, cấu trúc hệ thống giáo dục cả bậc phổ thông và bậc đại học đều chưa hợp lý;
GS. TSKH Bành Tiến Long
Những tồn tại, yếu kém đáng lo ngại nào theo GS cần nhanh chóng khắc phục?
Để khắc phục triệt để những tình trạng nêu trên trên thì cần thiết xây dựng một đề án tổng thể mang tính cải cách hay nói cách khác là đổi mới tận gốc rễ, đổi mới căn bản và toàn diện. Có những bất cập cần phải nhanh chóng khắc phục:
- Trước hết là phải đổi mới tư duy phát triển giáo dục, loại bỏ nhanh chóng tư duy của nền kinh tế tập trung, bao cấp, mệnh lệnh, hành chính, xơ cứng, thiếu năng động; cần chủ động, sáng tạo, khai phóng. Luôn luôn phải có tư duy của một nền giáo dục chuẩn, chất lượng, hội nhập trong môi trường cạnh tranh lành mạnh. Giáo dục phải gắn dạy chữ với dạy người, dạy lý thuyết gắn với kỹ năng thực hành, ứng dụng, đáp ứng nhu cầu của xã hội. Giáo dục phải trung thực, loại bỏ bệnh thành tích, bệnh giả dối, sính bằng cấp.
- Giải quyết sự mất cân đối giữa quy mô và chất lượng giáo dục, đặc biệt đối với giáo dục đại học. Do nhu cầu của đào tạo nguồn nhân lực thì vẫn phải phát triển quy mô giáo dục đại học nhưng phải phân tầng trình độ đại học, cao đẳng, đào tạo nghề cho cân đối, cho phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội. Từ đó phải có ngay các biện pháp để nâng cao chất lượng giáo dục đồng bộ với phát triển quy mô.
- Đổi mới cơ chế quản lý giáo dục, gồm một loạt công việc như: thể chế lãnh đạo, cơ chế quản lý, cách sử dụng đội ngũ nhàgiáo và cán bộ quản lý, phân cấp quản lý, vấn đề tiền lương v.v. Trong đó cần phân ra nội dung đổi mới quản lý nhà nước và quản lý ở cơ sở.
- Đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp giảng dạy từ phổ thông tới đại học. Vấn đề này trực tiếp ảnh hưởng tới chất lượng giáo dục. Cần tập trung dạy học sinh phương pháp tư duy và giáo dục nhân cách. Phương pháp tiếp cận theo nội dung sang tiếp cận theo năng lực. Chúng ta đã làm nhưng không cơ bản, không bài bản và làm chưa đúng, chưa triệt để hoặc chậm trễ; trước hết là công tác tổ chức để làm việc này chưa tốt.
- Giải quyết nhanh chóng về đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý từ phổ thông đến đại học về cả quy mô, chất lượng, cơ cấu và chế độ bồi dưỡng, tuyển dụng, sử dụng, đặc biệt là chế độ tiền lương, điều kiện làm việc v.v...
- Cần giải quyết nhanh chóng về cơ chế đầu tư, tài chính và đất đai. Cơ chế phân bổ và quản lý nguồn tài chính hiện nay rất bất hợp lý. Cần lưu ý là Bộ GD ĐT quản lý nhà nước về giáo dục nhưng nguồn lực lại bị chi phối hoàn toàn bởi các Bộ, ngành và các địa phương. Không có sự ưu tiên đầu tư cho ngành nghề chiến lược của quốc gia, không có tiêu chí để đầu tư cho các trường trọng điểm mà lại đầu tư rất dàn trải; đất đai vẫn không "gỡ" được cho giáo dục đại học v.v.
- Cần xem xét để giải quyết cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân từ giáo dục phổ thông, giáo dục nghềđến giáo dục đại học để hệ thống thống nhất, công bằng, vận hành chất lượng, hiệu quả và hội nhập quốc tế.
Cần thành lập Ban chỉ đạo quốc gia về cải cách giáo dục
Rõ ràng là chúng ta cần phải đổi mới căn bản, toàn diện Giáo dục ViệtNam trước khi quá muộn. Vậy theo GS, chúng ta cần làm những gì và nên bắt đầu từ đâu?
Trước hết chúng ta phải phải trả lời cặn kẽ nhiều câu hỏi: Vì sao phải đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục? Đổi mới căn bản và toàn diện là đổi mới như thế nào? Nội dung đổi mới căn bản và toàn diện gồm những gì và công tác tổ chức triển khai đổi mới ra sao?
Chúng ta phải xây dựng một bản Đề án bài bản, hoàn chỉnh, chi tiết. Cần tổ chức điều tra, khảo sát từ các cơ quan trung ương, địa phương, các cơ sở giáo dục, các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, nghề nghiệp... Phải có số liệu thống kê và xửlý số liệu có độ tin cậy cao. Cần tổ chức nhiều Hội nghị, hội thảo với các thành phần khác nhau, thế độ tuổi khác nhau để đánh giá, tổng kết, đề xuất các quan điểm, quan niệm, yêu cầu, phương châm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, tổ chức và lộ trình thực hiện thật minh bạch, mạch lạc, cụ thể. Đồng thời có trang Web riêng để tiếp thu ý kiến của toàn dân.
Sau khi thống nhất chủ trương, rất cần có một Ban chỉ đạo hay Ủy ban quốc gia để thực hiện chủ trương này. Ban chỉ đạo hay Ủy ban sẽ quyết định đến mức độ thành công của công cuộc đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục, do đó cơ cấu phải thực sự hợp lý, có nhiệm vụ, chức năng rõ ràng và phải chịu trách nhiệm toàn bộ công việc. Ban chỉ đạo (Ủy ban) này sẽ hoạt động từ khi bắt đầu xây dựng Đề án cho đến khi sơ kết từng giai đoạn và tổng kết công cuộc đổi mới. Cũng cần lưu ý rằng, trong thực tế nhiều Ban chỉ đạo hoạt động không có kết quả.
Một trong những vấn đề dư luận quan tâm hiện nay là lương và phụ cấp cho Giáo viên còn quá thấp, dẫn đến tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan và nảy sinh tiêu cực, đồng thời là trở ngại để xây dựng và phát triển nguồn lực giáo viên phổ thông. Từng là nhà quản lý giáo dục, theo GS cần có những quyết sách gì để giải quyết trực trạng trên?
Lương, phụ cấp của nhà giáo hiện nay quá thấp. Ngành nghề nhà giáo là thực hiện nhiệm vụ "Quốc sách hàng đầu" vì vậy là nghề cao quý, được tôn vinh. Ngoài việc giáo dục chuyên môn và đạo đức cho học sinh thì mọi hoạt động, hành động của nhà giáo là hình ảnh rất ấn tượng tác động tới học sinh, sinh viên. Nhưng ngạch, bảng lương hiện nay lại không thể hiện sự đặc thù đó.
Một số điều chỉnh như phụ cấp thâm niên, phần trăm giảng dạy là sự cố gắng lớn của nhà nước nhưng quá khiêm tốn và không đặt hệ số, thang lương đúng ý nghĩa. Tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan và các hiện tượng tiêu cực một phần cũng vì nhà giáo có mức thu nhập thấp như vậy. Từ ngày đất nước độc lập đến nay, có thời kỳ lương nhà giáo đủ nuôi sống cả gia đình, người thầy chỉ tập trung cho công việc dạy học. Nhưng hiện nay mức lương chính thống của đại bộ phận thầy cô giáo có lẽ chỉ nuôi sống gia đình đủ 1 tuần đến 10 ngày.
Tuy nhiên có một câu hỏi đặt ra là: Khi tăng lương tới ngưỡng cho phép thì liệu có còn hiện tượng tiêu cực giáo dục như trên nữa không? Chất lượng giáo viên có được tăng lên không? Như vậy việc giải quyết lương cho nhà giáo cần kèm theo việc thực hiện nghiêm túc các chế tài, quy định đối với việc tuyển dụng, sàng lọc, nhiệm vụ của nhà giáo. Trên cơ sở dự toán ngân sách tiền lương cho toàn đội ngũ nhà giáo thì hàng năm Quốc hội nên phê chuẩn quỹ lương riêng cho ngành giáo dục. Coi đây là thực hiện nhiệm vụ "Quốc sách hàng đầu".
(Còn nữa)
Mạnh Hải
Theo dân trí
Cần tổng điều tra toàn diện trước khi đánh giá Để có được cơ sở vững chắc cho một đánh giá khách quan, toàn diện về thực trạng nền giáo dục nước ta hiện nay, có lẽ cần có một cuộc tổng điều tra toàn diện, khoa học với quy mô thích hợp. Đó là quan điểm của GS. TSKH Phạm Thị Trân Châu - Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Khoa...