“Báo động đỏ” ở thư viện trường đại học, cao đẳng
Thư viện nhiều trường đại học, cao đẳng đang ở tình trạng “báo động đỏ” với cơ sở vật chất chưa đáp ứng kịp, giáo trình thư viện quá cũ không đáp ứng nhu cầu học tập và nghiên cứu của sinh viên, giảng viên.
Khi các trường đại học, cao đẳng chuyển từ đào tạo niên chế sang tín chỉ, chú trọng việc tự học và nghiên cứu của sinh viên, vai trò của thư viện được nâng cao rõ rệt. Sinh viên đến thư viện trường tìm tài liệu nhiều hơn so với trước.
Nhưng theo ông Trần Duy Tạo, Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất và thiết bị trường học, đồ chơi trẻ em, Bộ Giáo dục-Đào tạo, thực trạng cơ sở vật chất, giáo trình của thư viện nhiều trường hiện nay đã không thể đáp ứng được nhu cầu của cán bộ, giảng viên, sinh viên học tập và nghiên cứu.
Và ngược lại, chính sinh viên lại chưa đủ khả năng tiếp cận với giáo trình mới. Tình trạng thư viện “lão hóa, giáo trình “mọc râu” không còn xa lạ đối với không ít sinh viên nhiều trường cao đẳng và đại học.
Sinh viên Đại học Mỏ-Địa chất Nguyễn Đình Mạnh bày tỏ: “Có những giáo trình ở thư viện khoa và trường gần như không thể sử dụng vì quá “nát” về hình thức (giáo trình nhập về từ những năm 1970, 1980). Mình có hỏi thủ thư, chỉ biết là quyển đó họ không xuất bản nữa. Nhiều giáo trình “hiếm,” sinh viên muốn mượn phải tiếp cận với những giáo sư, phó giáo sư.”
Một góc của thư viện Trường Cao đẳng Sư phạm Thừa Thiên-Huế.
Ca thán về giáo trình cũ, không cập nhật cái mới là chuyện xưa, thư viện nhà trường được sinh viên thời nay coi là nơi… giải trí, thậm chí là nơi ngủ. Phó giáo sư, tiến sỹ Trần Đình Kiên, Hiệu trưởng Đại học Mỏ-Địa chất Hà Nội cho biết với đặc thù là trường đào tạo kỹ thuật đa chuyên ngành thuộc các lĩnh vực về mỏ, địa chất, dầu khí, trắc địa-bản đồ, cơ điện…, sách báo tiếng Việt, tiếng nước ngoài chưa đáp ứng được yêu cầu về số lượng, chất lượng.
Video đang HOT
Mặt khác, do hạn hẹp về kinh phí nên nhiều loại sách tham khảo, tài liệu nghiên cứu còn thiếu. Đây là một trong những nguyên nhân cơ bản làm chất lượng phục vụ cho cán bộ, giáo viên, sinh viên nghiên cứu thấp, không đáp ứng được yêu cầu.
Một số thư viện tại các khoa gần như không hoạt động, thiếu sự liên kết với thư viện trường. Nhà trường chưa có cơ sở xuất bản các tài liệu nghiên cứu khoa học đáp ứng yêu cầu cho cán bộ, giáo viên cũng như sinh viên. Trớ trêu hơn khi giáo trình mới nhập về bằng tiếng Anh để phục vụ việc nghiên cứu nhưng sinh viên… “khó nhằn,”, ông Kiên cho biết thêm.
Một thủ thư ở Thư viện Tạ Quang Bửu, Đại học Quốc gia Hà Nội, tiết lộ : “một số giáo trình mới nhập về nhưng được rất ít sinh viên động tới, do không đủ trình độ tiếng Anh. Vì vậy, giáo trình vẫn còn mới nguyên trên kệ.”
Trong đợt khảo sát quy mô lớn nhất từ trước tới nay ở gần 200 trường đại học, cao đẳng về cơ sở vật chất, Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá tỷ lệ trường có thư viện truyền thống là 87%, đồng nghĩa với việc13% trường không có thư viện. Đây là tình trạng báo động đối với giáo dục đại học Việt Nam, trong khi các trường đại học trên thế giới luôn coi thư viện là linh hồn, trái tim của một trường đại học.
Ông Trần Duy Tạo cho biết mức độ đáp ứng nhu cầu đọc của sinh viên còn rất thấp, trung bình 21,2 sinh viên mới có một chỗ ngồi. Trong khi trung bình mỗi thư viện đều được đầu tư 536,9 triệu đồng/năm để bổ sung tư liệu, tăng cường cơ sở vật chất.”
Theo đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo, số lượng trường có thư viện đáp ứng nhu cầu học tập, nghiên cứu khoa học và thu hút được đội ngũ giảng viên, sinh viên còn rất ít. Nhìn chung các thư viện hiện tại còn rất thiếu thốn về cơ sở vật chất, nghèo nàn về nguồn tư liệu, sức hút đối với giảng viên và sinh viên thấp.
Thư viện chưa đáp ứng được nhu cầu tra cứu, tìm tư liệu phục vụ học tập, giảng dạy và nghiên cứu khoa học của sinh viên, giảng viên, nhất là khi các trường chuyển từ đào tạo niên chế sang tín chỉ.
Theo Vietnam Plus
Sinh viên "khát" không gian tự học
Không gian thư viện hạn chế, điều kiện ngặt nghèo là lý do khiến nhiều SV không hứng thú với thư viện.
Thư viện luôn quá tải
Phương pháp học đại học (ĐH) hiện nay đã thay đổi nhiều, sinh viên (SV) tự học là chính, không còn việc "thầy đọc trò chép" như trước đây. Hơn nữa, hiện nay nhiều trường đã áp dụng hình thức học tín chỉ. Và trong thời gian tới, Bộ GD-ĐT cũng đã có định hướng chuyển tất cả các trường ĐH còn đào tạo theo hình thức niên chế sang đào tạo theo hình thức tín chỉ. Với hình thức đào tạo này thì thời gian trên lớp cho SV chỉ chiếm 2/3, còn lại SV phải tự nghiên cứu và học, do vậy, việc SV đến thư viện học là rất quan trọng.
Một thực tế là dù thư viện chỉ mở cửa cho SV trong trường nhưng ở nhiều trường, SV lại không thể dùng chính thẻ SV của mình để vào đọc hay mượn sách, mà phải làm thêm thẻ thư viện. Như Trường ĐH Bách khoa, SV muốn vào thư viện phải làm thẻ thư viện riêng. Ở nhiều trường, SV muốn vào phòng đọc và mượn sách của thư viện phải để cặp, túi bên ngoài, cũng như không được mang sách bên ngoài vào. Điều này là một trở ngại với những bạn muốn kết hợp việc học bài và tra cứu thông tin. Bạn Thu Phương, SV năm thứ nhất, Học viện Hậu cần cho biết: "Chúng mình cần có thẻ thư viện và phải đặt cọc 100 nghìn đồng nếu muốn mượn sách".
Có thể thấy, không gian tự học cho SV ở hầu hết các trường ĐH là rất hạn chế, đặc biệt là đối với một số trường ĐH dân lập lại càng hạn hẹp hơn. Thầy Nguyễn Thanh Tĩnh - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH dân lập Đông Đô khẳng khái nói: "Nhà trường hiện nay có 4.500 SV, do chưa có địa điểm xây trường nên phải thuê 3 địa điểm trên đường Nguyễn Trãi, Tôn Thất Tùng và Nguyễn Công Hoan, để học tập và giảng dạy. Ở mỗi địa điểm này chúng tôi đều có thư viện, nhưng do diện tích chật hẹp nên chỉ đáp ứng được nhu cầu cho SV mượn sách. Vào mùa thi, mùa làm khóa luận của SV, đúng là nhà trường gặp nhiều khó khăn về không gian tự học cho SV".
Theo nguyên tắc, thư viện là nơi dành cho SV, nếu như toàn bộ không gian đó dành cho SV thì có lẽ không xảy ra tình trạng quá tải thư viện. Nhiều trường đầu tư xây dựng thư viện rất lớn, khang trang, sạch đẹp, nhưng lại hoạt động "đa chức năng", trong đó có thể bố trí cả phòng đào tạo, phòng hội họp, phòng in ấn... còn phòng đọc cho SV chỉ chiếm diện tích nhỏ, nên thường bị quá tải vào mùa thi, việc SV ăn đợi, ngồi chờ để giữ chỗ ngồi học ở thư viện các trường ĐH diễn ra rất thường xuyên.
Cần nhân rộng giảng đường tự học
Trường ĐH Y Hà Nội có truyền thống từ rất lâu về việc mở cửa các giảng đường cho SV tự học ngoài giờ chính khóa. Mặc dù tự học, nhưng ý thức học của SV rất cao, các phòng đọc luôn yên tĩnh và nghiêm túc. Không thể phủ nhận, việc SV Ttrường ĐH Y vốn có tinh thần chăm học, một phần do đặc trưng ngành nghề, nhưng điều quan trọng hơn đó là ý thức ham học của SV và môi trường học đóng vai trò quan trọng hơn cả.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Đức Hinh - hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội nói: "Môi trường tự học cho SV là vô cùng cần thiết, chúng tôi luôn xác định SV là trung tâm của trường, mọi hoạt động đều dành cho SV, nhà trường luôn tạo điều kiện tốt nhất cho SV tự học ngoài giờ chính khóa. Hiện tại, trường có trên 10.000 SV, ngoài không gian thư viện, nhà trường dành một khu giảng đường khoảng 10 lớp, cho SV tự do đến học, giờ giấc thoải mái, từ 6h sáng tới 11h đêm, có bảo vệ trông coi và phục vụ các dịch vụ cho SV".
Ngoài ra, ông Hinh cũng cho rằng, cách bài trí thư viện ở nhiều trường ĐH của chúng ta như hiện nay là không thể đủ để đáp ứng nhu cầu. "Thỉnh thoảng có thời gian rảnh, xuống khu giảng đường tự học của trường, tôi thấy SV ngồi học rất đông, rất nghiêm túc. Tôi hỏi thăm và ngạc nhiên khi thấy rất nhiều SV các trường khác cũng đến đây học, các em có tinh thần học như vậy tại sao chúng ta lại không tạo điều kiện cho họ!" - ông Hinh chia sẻ.
Bạn Đỗ Thị Lương, SV năm cuối khoa Cộng Đồng, Trường ĐH Y cho biết: "Ngoài giờ học và giờ lên viện, mình thường lên giảng đường tự học nghiên cứu bài vở, không khí học của mọi người cao nên mình học chăm chỉ hơn ngồi học ở ký túc xá". Còn bạn Trần Hữu Hùng, SV năm thứ 3, Học viện Ngân hàng, chia sẻ: "Trường tớ không có giảng đường tự học như trường Y, nên nhiều SV trường tớ hay sang đây học nhờ giảng đường ngoài giờ chính khóa, tớ sang đây học thường xuyên từ năm thứ nhất".
Đã đến lúc nhiều trường cần tích cực hơn trong việc giúp đỡ SV trong quá trình tự học cũng như tìm tòi tư liệu. Không nên cho rằng SV "cần" thư viện thì phải đến, mà nên biến không gian thư viện nói riêng và môi trường trường học nói chung trở nên hấp dẫn, thu hút đông đảo số lượng SV, từ đó nâng cao chất lượng đào tạo và chiều sâu kiến thức của các cử nhân tương lai.
Theo Giáo Dục Online
Học sinh vùng lũ đang 'khát' sách giáo khoa "Chúng tôi đang thiếu hàng trăm nghìn bộ sách giáo khoa ở tất cả các cấp và tài liệu giảng dạy của giáo viên nhưng chưa có nơi nào ủng hộ học sinh," ông Mai Trọng Bình, Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Bình chia sẻ. Đây cũng là tình hình chung của ngành giáo...