Báo động Đại học Việt thiếu “linh hồn”
Kết quả khảo sát của Bộ GD-ĐT công bố cho thấy, thực tế nhiều trường ĐH, CĐ rất thiếu hoặc không có thư viện. Trong 196 trường ĐH, CĐ thuộc diện khảo sát, còn trên 20 trường “trắng” thư viện.
Nhiều đại học trắng thư viện
Một quan chức của Bộ GD-ĐT so sánh, nếu như các trường ĐH trên thế giới luôn coi thư viện là linh hồn, là trái tim của một trường ĐH thì ở Việt Nam lại ngược lại.
Từ khảo sát của Bộ cho thấy, trong số 87,8% trường ĐH, CĐ có thư viện truyền thống thì khối các trường trực thuộc Bộ có tỷ lệ đạt thấp nhất với 80,4%. Các trường trực thuộc các Bộ ngành khác là 92,9%. Các trường trực thuộc UBND tỉnh/ thành phố là 88,6%.
Theo đó, tỷ lệ trường thuộc Bộ GD-ĐT quản hiện chưa có thư viện chiếm gần 20%. Tỷ lệ trắng thư viện ở các trường trực thuộc các bộ ngành khác là 7% và trường thuộc tỉnh/thành phố chưa có thư viện là gần 12%…
“ Nguồn tài liệu ít được cập nhật nên thư viện lạc hậu…” – Trưởng phòng Đỗ Thúy Hằng, HV Báo chí-TT cho hay (Ảnh: Văn Chung)
Với số liệu Bộ đưa ra chứng minh một điều: nhiều ĐH Việt mọc ra nhưng không có “linh hồn”? Mặc dù con số 196 trường Bộ sờ đến mới chiếm chưa được 50% số trường ĐH, CĐ hiện có – chưa kể chất lượng bên trong các thư viện truyền thống có đáp ứng nhu cầu ngành học?
Trong khi đó, Điều lệ trường ĐH quy định, điều kiện để mở ngành đào tạo trình độ ĐH là phải có thư viện đáp ứng yêu cầu của ngành đào tạo. Đồng thời, có đủ phòng học với các phương tiện, trang thiết bị cần thiết đáp ứng yêu cầu giảng dạy và học tập….
Nhưng thực tế, trong tổng số 172 thư viện của 196 trường ĐH, CĐ được khảo sát chỉ có 38,9% thư viện đạt chuẩn thư viện hiện có của Việt Nam hoặc nước ngoài.
Bên cạnh thư viện truyền thống, số trường có thư viện điện tử chỉ có 39,7%. Có 77 thư viện điện tử trong tổng số 196 trường ĐH, CĐ được khảo sát. Con số này được Bộ GD-ĐT bình luận, quá ít. Điều đó thể hiện sự chậm trễ của các trường ĐH, CĐ trong việc khai thác các lợi thế của công nghệ thông tin.
Chất lượng đi xuống
Đại diện Trường ĐH Mỏ – địa chất thừa nhận, hiện số lượng các loại sách báo tiếng Việt, tiếng nước ngoài chưa đáp ứng yêu cầu cả về số lượng và chất lượng. Mặt khác, do hạn hẹp về kinh phí nên nhiều loại sách tham khảo, tài liệu nghiên cứu còn thiếu không cập nhật.
Video đang HOT
Cùng với đó là cơ sở vật chất thư viện và hệ thống thông tin còn nghèo nàn, lạc hậu – đây chính là nguyên nhân cơ bản làm chất lượng phục vụ cho cán bộ, giáo viên, sinh viên nghiên cứu thấp không đáp ứng yêu cầu. Một số thư viện tại các khoa hầu như không hoạt động, thiếu sự liên kết với thư viện trường….
Còn lãnh đạo Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội cho biết, hiện thư viện của trường có khoảng 30.000 đầu sách khoa học kỹ thuật với 130.000 bản sách, trong đó có 20%-30% sách khoa học kỹ thuật bằng tiếng nước ngoài.
Tuy nhiên, là một trường ĐH trọng điểm nhưng đến nay nhà trường vẫn chưa có được thư viện điện tử phục vụ đào tạo và nghiên cứu. Định hướng đến năm 2015 trường đề nghị Bộ GD-ĐT đầu tư kinh phí để xây dựng một thư viện điện tử với quy mô 7 tầng, diện tích sàn khoảng 10.000 m2 .
ĐH Nông nghiệp Hà Nội đặt mục tiêu cải tạo thư viện có kết nối mạng với vốn vay từ World Bank thuộc dự án GD ĐH I là 500.000 USD đang là kế hoạch thì tương lai.
Phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội Kiều Thế Hưng nhìn nhận, những thành quả mà giáo dục ĐH Việt Nam đạt được trong thời gian qua rất đáng trân trọng. Tuy nhiên, so với khu vực và thế giới giáo dục ĐH Việt Nam đang còn ở khoảng cách quá xa.
“Chuyện một trường ĐH lớn ở Việt Nam không đủ phòng học, phải đi thuê, sinh viên phải học nhiều ca, không đủ phòng học bộ môn, thiết bị vừa thiếu vừa quá lạc hậu, môi trường cảnh quan quá chật hẹp…là chuyện quá bình thường và phổ biến ở Việt Nam” – ông Kiều dẫn dụ.
Bất cập quy hoạch?
Trường ĐH Sư phạm Thể dục thể thao TP.HCM tiền thân là Trường Sư phạm thể dục TW2 được thành lập tháng 3/1976. Quy mô đào tạo của trường hệ chính quy hiện có 1.500 sinh viên.
Mặc dù trong những năm gần đây trường rất muốn tăng quy mô đào tạo để đáp ứng nhu cầu của hệ thống các trường từ tiểu học đến ĐH nhưng “lực bất tòng tâm”. Vì trường quá chật hẹp so với chuẩn Việt Nam năm 1985: dưới 2.000 sinh viên phải cần 20 ha. Trong khi diện tích hiện có của trường dưới 1 ha.
Những ngày bình thường, Trung tâm thông tin-thư viện của HV Báo chí Tuyên truyền có rất ít sinh viên tới đọc sách báo hay nghiên cứu tài liệu. (Ảnh: Văn Chung)
Còn vệ hệ thống thiết bị phục vụ cho quá trình đào tạo (giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học…) tính từ khi được nâng cấp thành trường ĐH – Bộ GD-ĐT đã rất qua tâm nhưng vì sống trong “một gia đình đông con, cơm ăn chưa đủ làm sao tính chuyện mặc đẹp”. Do đó, hệ thống thiết bị vẫn còn quá thiếu thốn, đó là chưa dám nói đến huấn luyện nâng cao, phục hồi sau tập luyện…
Tại hội thảo đánh giá thực trạng cơ sở vật chất và thiết bị các trường ĐH, CĐ khối công lập, đại diện lãnh đạo nhà trường đã nêu bất cập trên.
Tiến sĩ Trần Thanh Bình – Viện trưởng Viện Nghiên cứu thiết kế trường học nêu thực trạng, số trường mới được thành lập, chủ yếu là các trường ngoài công lập đều bó buộc trong những diện tích vốn không được thiết kế dành cho đào tạo.
Không ít trường được bố trí ở những khuôn viên vốn không thích hợp do chuyển đổi (Trường ĐH Mỏ địa chất với gần 1 vạn sinh viên được bố trí trong một khu khách sạn được cải tạo lại)…
Chính nguyên nhân thiếu đất dẫn đến các khu chức năng cần có của một trường ĐH, CĐ bị phá vỡ – ông Bình nói.
Bởi vậy, trong những lời giải cho bài toán giáo dục ĐH Việt thì đầu tư tập trung và chiến lược cho giáo dục ĐH là điểm nút quan trọng nhất. Nếu không có một “cú hích” về chiến lược thì khát vọng về một nền giáo dục ĐH Việt phát triển ngang hàng với Châu lục và thế giới sẽ vẫn còn ở rất xa – Phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội Kiều Thế Hưng đề xuất.
Theo VNN
Giáo dục ĐH còn "cái đuôi bao cấp"
Khi những người không xứng đáng đã chiếm được chỗ ngồi trong ĐH thì đến một lúc nào đó họ sẽ tuyển chọn những người theo hình ảnh của họ. Đây là nguy cơ lớn nhất của giáo dục ĐH hiện nay.
Báo cáo đề dẫn hội thảo "Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục ĐH" do ĐH Quốc gia TPHCM tổ chức ngày 13/4, PGS-TS Huỳnh Thành Đạt, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM, khẳng định: "Chủ trương "đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục" của Đảng và Nhà nước là một chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân, phù hợp với bối cảnh hiện tại của đất nước và với xu thế quốc tế. Nếu tập hợp được những trí tuệ lớn và khơi thông được sức mạnh đồng thuận trong nhân dân thì chủ trương ấy sẽ thành hiện thực".
Mối nguy của giáo dục ĐH
Đến nay, chúng ta đã xây dựng được mạng lưới hơn 400 trường ĐH và CĐ, đã tạo ra tiềm lực nhất định về nguồn nhân lực, về cơ sở vật chất kỹ thuật, về quy mô đào tạo... Nhưng GS-TS Trần Hồng Quân, nguyên bộ trưởng Bộ GD-ĐT, cho rằng nền giáo dục ĐH của ta đang nghèo nàn, lạc hậu, trì trệ, gò bó. Ngày nào chúng ta còn quản lý theo kiểu "cầm tay chỉ việc", theo cách "xin-cho" thì khó có sáng tạo được. GS-TSKH Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, mong muốn nhận được những giải pháp cụ thể để xác lập một số tiền đề làm cơ sở đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục ĐH Việt Nam.
Theo GS-TS Huỳnh Như Phương, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (KHXH-NV) TPHCM, đổi mới không đơn giản là một ý nguyện mà là một sự nghiệp khoa học và thực tiễn có quy luật của nó. Vì vậy, trong lúc này chỉ có thể bàn việc chuẩn bị đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục ĐH mà chưa thể tiến hành.
Các đại biểu tại hội thảo "Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục ĐH" ở TPHCM.
Trong điều kiện hiện nay, nên tập trung đổi mới việc tuyển chọn, bổ nhiệm nhân sự vào hệ thống giáo dục ĐH, bao gồm cả người dạy lẫn người làm công tác quản trị ĐH. Khi những người không xứng đáng đã chiếm được chỗ ngồi trong ĐH thì đến một lúc nào đó họ sẽ tuyển chọn những người theo hình ảnh của họ. Đây là nguy cơ lớn nhất của giáo dục ĐH hiện nay.
GS-TS Huỳnh Như Phương cho rằng: Nước ta còn nghèo, những người có tài về một lĩnh vực chuyên môn thường không nhiều nhưng các trường chưa liên kết chặt chẽ để sử dụng tài năng của nhau, chưa chiêu mộ tài năng ở các viện nghiên cứu và ngoài xã hội. Ông đề nghị khuyến khích việc thành lập các trường CĐ và trung cấp nghề. Tạm ngưng cho thành lập các trường ĐH, cả công lập lẫn dân lập và tư thục.
Tài chính, tự chủ hay tự trị?
Vần đề phân tầng ĐH, tự chủ ĐH, tự trị ĐH... được nhiều đại biểu quan tâm. GS-TS Phạm Phụ, Trường ĐH Bách khoa TPHCM, tóm gọn: "Tập trung vào tài chính và quản trị mới cải cách được". Tài chính ở đâu? Nhiều đại biểu đặt vấn đề tăng học phí, bởi không ở đâu học phí ĐH một năm chưa bằng học phí gửi trẻ một tháng như ở Việt Nam.
PGS-TS Đoàn Lê Giang, Trường ĐH KHXH-NV TPHCM, nói: "Với dân nghèo thì phải có chính sách xã hội, chứ chúng ta không thể hy sinh nền ĐH bằng một thứ học phí cào bằng, rẻ mạt như thế". PGS-TS Nguyễn Minh Hòa, Trường ĐH KHXH-NV TPHCM, đề nghị hãy để cho các trường ĐH làm kinh tế. Ông dẫn chứng: "Chulalongkorn là trường ĐH hàng đầu của Thái Lan, ngoài ngân sách của nhà nước, họ còn có 3 khách sạn, 2 siêu thị, 2 bệnh viện, 3 cao ốc văn phòng cho thuê... Chính nhờ có nguồn tài chính mạnh này mà họ chủ động thực hiện rất nhiều hoạt động nghiên cứu khoa học mang tầm quốc tế".
Về vấn đề ĐH tự chủ hay tự trị, PGS-TS Lưu Tiến Hiệp, Trưởng đại diện của UPC tại Việt Nam, chỉ rõ: "ĐH tự trị thì trường tự chịu trách nhiệm về các hoạt động, tính minh bạch, chất lượng đào tạo. Thất bại của trường không thể đổ cho người khác, cơ quan khác hay kêu cứu. Vì thế, nhà trường phải tăng cường năng lực cạnh tranh phải bảo đảm chất lượng để thu hút người học. ĐH tự chủ rất khó cho các trường hoạt động độc lập, vì trường bị chi phối bởi các ràng buộc". Ông nói thêm: "Nếu Bộ GD-ĐT duy trì cung cách quản lý mang tính kiểm soát như hiện nay thì dẫn đến các trường muốn được việc cho mình phải nói dối, lách luật, đổ thừa, phong bì...".
Lửng lơ trách nhiệm
Tình hình giáo dục ĐH ở các trường tư thục, dân lập chúng ta vẫn còn lúng túng trong quản lý và điều hành vì hành lang pháp lý không đầy đủ. Các trường ĐH ngoài công lập ở ta đã có lịch sử hơn 20 năm hình thành và phát triển (từ năm 1988). Đến nay, chúng ta đã có 80 trường ĐH và CĐ ngoài công lập, vậy mà chúng ta vẫn chưa xác định rõ đâu là sở hữu Nhà nước, sở hữu tư nhân, sở hữu cộng đồng chưa làm rõ khái niệm thế nào là ĐH tư, ĐH dân lập...
PGS-TS Đoàn Lê Giang bức xúc: "Những thay đổi lẻ tẻ, cục bộ của từng cá nhân giảng viên, từng khoa, từng trường không giải quyết được vấn đề gì hết. Khi người Pháp đến nước ta, từ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX, họ lần lượt, triệt để và cưỡng bách áp dụng nền giáo dục phổ thông và ĐH ở nước ta, giống như mô hình Pháp - mô hình giáo dục được coi là tiên tiến nhất bấy giờ, mà không cần có một sự thỏa hiệp nào với nền giáo dục nho học trước đó.
Chưa đầy 20 năm, họ đã tạo ra nền ĐH mới của nước ta với hàng loạt trường danh tiếng: Đại học Y Hà Nội, CĐ sư phạm, CĐ Mỹ thuật Đông Dương, Viện Viễn Đông Bác Cổ... Trong khi đó, hơn 25 năm đổi mới, nền ĐH của chúng ta vẫn chưa cắt nổi cái đuôi bao cấp, các giáo sư ĐH của chúng ta vẫn chưa qua khỏi diện "xóa đói giảm nghèo", trong các ĐH hàng đầu của chúng ta chỉ có vài khoa tiên tiến nhất mới đạt chuẩn Đông Nam Á (AUN). Như vậy, chừng nào giáo dục ĐH của chúng ta mới "được sánh vai cùng các cường quốc năm châu"? Ai sẽ phải chịu trách nhiệm về tình trạng tụt hậu này?".
Kết hợp giảng dạy và nghiên cứu Ý kiến kết hợp giảng dạy và nghiên cứu được sự đồng thuận cao. PGS-TS Nguyễn Tấn Phát, nguyên thứ trưởng Bộ GD-ĐT, đề xuất: "Để chất lượng đào tạo và nghiên cứu tác động thuận lợi, nên tách đào tạo ĐH của Bộ GD-ĐT nhập với Bộ Khoa học - Công nghệ, thành Bộ ĐH và Khoa học - Công nghệ. Phần còn lại của Bộ GD-ĐT cùng phần đào tạo nghề nhập lại thành Bộ GD. Như vậy, nhiệm vụ đào tạo ĐH và nhiệm vụ của các viện, các trung tâm nghiên cứu sẽ được nâng chất, kết hợp tốt giữa giảng dạy và nghiên cứu. Và đây cũng là cơ sở thuận lợi để các ĐH nghiên cứu của Việt Nam định hình".
Theo Vu Gia
Người Lao Động
Người Ma Coong đầu tiên làm thầy giáo Người Ma Coong ở xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình đang vui và tự hào lắm khi Đinh Miệt - đứa con đầu tiên của dân tộc mình trở thành thầy giáo... Đinh Miệt năm nay 26 tuổi, sinh ra và lớn lên trong một gia đình có 8 anh chị em. Những năm trước, cũng như những gia đình...