Bảo đảm vốn tín dụng cho nền kinh tế
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm 2020 khá thấp. Dù vậy, mặt bằng lãi suất hạ đã giúp các ngân hàng thương mại bảo đảm thanh khoản dồi dào, sẵn sàng cung ứng nguồn vốn tín dụng cho nền kinh tế.
Việc giãn nợ, giảm lãi suất giúp các doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất phục hồi sau dịch Covid-19. Trong ảnh: Khách giao dịch tại Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank) chi nhánh quận Hai Bà Trưng. Ảnh: Nguyễn Quang
Tăng trưởng tín dụng thấp…
Theo Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế ( Ngân hàng Nhà nước) Nguyễn Quốc Hùng, tính đến ngày 16-6, tăng trưởng tín dụng ngân hàng vẫn tiếp tục giữ ở mức khiêm tốn 2,13%. Mặc dù so với cùng kỳ năm 2019, tốc độ tăng trưởng tín dụng chỉ bằng 50%, nhưng vẫn được xem là phù hợp trong bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng đến nhiều ngành, lĩnh vực.
Về cơ cấu tín dụng, tín dụng lĩnh vực nông nghiệp nông thôn tăng 0,35%; lĩnh vực xuất khẩu tăng 4,94% (cùng kỳ năm 2019 tăng 10%); lĩnh vực công nghệ cao tăng 2,92% và công nghiệp hỗ trợ tăng 2,27%. Đáng chú ý, tín dụng lĩnh vực doanh nghiệp nhỏ và vừa giảm 0,7%; lĩnh vực tiêu dùng cũng giảm.
Video đang HOT
“Chính sách điều hành của Ngân hàng Nhà nước đã bám sát diễn biến dịch Covid-19, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh. Dù vậy, dưới tác động của dịch bệnh, khả năng hấp thụ vốn của các doanh nghiệp chưa cao khiến tín dụng tăng thấp”, ông Nguyễn Quốc Hùng lý giải.
Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, thời điểm này, khó khăn của doanh nghiệp và người dân là dòng tiền, do đó ưu tiên hàng đầu của ngành Ngân hàng là tái cơ cấu, giãn nợ…
Sau hơn 2 tháng triển khai các chính sách hỗ trợ tín dụng đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, toàn hệ thống ngân hàng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho trên 249.100 khách hàng với tổng dư nợ 172.365 tỷ đồng; miễn, giảm lãi suất cho 403.177 khách hàng, với dư nợ ước trên 1,2 triệu tỷ đồng.
Ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết thêm, thời gian đầu, nhiều doanh nghiệp phản ánh chưa tiếp cận được chính sách hỗ trợ của ngân hàng nhưng đến nay có thể khẳng định, không có một khách hàng nào nợ đến hạn mà không được ngân hàng cơ cấu lại khoản nợ.
Về chính sách này, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) Nghiêm Xuân Thành thông tin, Vietcombank giảm 10% trên tổng số lãi phải trả từ ngày 15-4 đến 30-6 cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, tương đương khoảng 2.240 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Vietcombank đã thực hiện cơ cấu lại nợ cho khách hàng lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng.
Tương tự, quyền Tổng Giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) Nguyễn Cảnh Vinh cho biết, đến nay ngân hàng đã tái cơ cấu khoảng 6% trên tổng dư nợ cho vay (tương đương khoảng 6.000 tỷ đồng lợi nhuận).
… nhưng không hạ chuẩn cho vay
Đề cập đến việc cung ứng vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh, phục hồi nền kinh tế, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng khẳng định, mặt bằng lãi suất thị trường đã giảm mạnh so với thời điểm đầu năm 2020. Với thanh khoản dồi dào, các ngân hàng luôn sẵn sàng cung ứng đủ vốn cho nền kinh tế. Thậm chí, trường hợp cần thiết Ngân hàng Nhà nước sẽ tái cấp vốn cho các ngân hàng thương mại để có nguồn vốn đưa ra thị trường.
Chia sẻ vấn đề này, ông Nghiêm Xuân Thành cũng cho biết, thanh khoản của Vietcombank hiện khá dồi dào. Một số khoản vay đối với khách hàng doanh nghiệp tại Vietcombank lãi suất chỉ trên dưới 5%/năm, ngang lãi suất tiền gửi kỳ hạn dài. Nếu đáp ứng đủ điều kiện, doanh nghiệp sẽ được ngân hàng cung ứng vốn ngay. Còn tại Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Thạch Diễm cho biết, ngân hàng đang dư 30.000 tỷ đồng, nên doanh nghiệp và người dân không khó để tiếp cận nguồn vốn tín dụng.
Bà Nguyễn Thị Minh Tâm, Tổng giám đốc Công ty Paris Gâteaux Việt Nam – một khách hàng của Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank) được cơ cấu giãn nợ, giảm lãi suất cho biết: “Khi dịch Covid-19 xảy ra, Paris Gâteaux bị ảnh hưởng rất nặng nề. Chúng tôi đã cùng VietinBank lên phương án tháo gỡ khó khăn để ổn định sản xuất. Việc giải ngân, giảm lãi, cơ cấu nợ vừa tuân thủ quy định vừa phù hợp với tình hình thực tế, thời gian giải quyết hồ sơ không bị kéo dài so với trước thời điểm có dịch”.
Tuy nhiên, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh, nguồn vốn đang dư thừa, tín dụng ngân hàng khó tăng trưởng, nhưng không vì thế mà ngân hàng hạ chuẩn cho vay. Ngược lại, ngân hàng phải kiểm soát chặt hơn để kiểm soát rủi ro nợ xấu tăng sau dịch bệnh.
Chia sẻ thêm về chính sách tín dụng ngân hàng, bà Nguyễn Thị Hồng cho biết, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5-2020, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách khác để góp phần kiểm soát lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm thanh khoản và vốn tín dụng cho nền kinh tế, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình để có giải pháp phù hợp, kịp thời, phục vụ hiệu quả người dân và doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn.
Doanh nghiệp vẫn chờ được tiếp sức
Gói hỗ trợ trị giá 16 nghìn tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp (DN) vay lãi suất 0% để trả lương cho người lao động đã hết một nửa thời hạn hiệu lực, nhưng đến nay vẫn không thể giải ngân. Nguyên nhân vì điều kiện cho vay quá ngặt nghèo, chưa có DN nào đáp ứng đủ điều kiện để được phê duyệt hồ sơ vay vốn.
Đơn cử, một trong những tiêu chí đặt ra là DN phải có 20% hoặc từ 30 người lao động trở lên đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc; người lao động nghỉ việc không lương từ một tháng liên tục trở lên mới được hỗ trợ. Tiêu chí này chưa phù hợp với thực tế, vì trong giai đoạn khó khăn do dịch Covid-19 bùng phát, nhiều DN chỉ thực hiện cắt giảm giờ làm hoặc bố trí nhân công làm việc luân phiên, vừa giữ chân người lao động, vừa hỗ trợ có thu nhập ở mức thấp nhất để duy trì cuộc sống trong lúc khó khăn. Về trình tự, thủ tục, DN phải gửi hồ sơ đề nghị đến UBND cấp huyện nơi đặt trụ sở thẩm định, trình UBND cấp tỉnh phê duyệt và chỉ đạo thực hiện chi trả hỗ trợ, khiến nhiều DN rất nản. Đối với gói hỗ trợ tín dụng trị giá 300 nghìn tỷ đồng cho vay lãi suất ưu đãi, cơ cấu lại nợ của các ngân hàng thương mại, đến nay giá trị thực hiện đã lên đến gần một triệu tỷ đồng nhưng vẫn không thấm vào đâu so với quy mô tín dụng khoảng 8 triệu tỷ đồng của nền kinh tế, nghĩa là chưa thể đạt mục tiêu không để DN thiếu vốn trong giai đoạn khó khăn do dịch Covid-19 như yêu cầu của Chính phủ. Đối tượng chưa tiếp cận được vốn vay ưu đãi chủ yếu là DN nhỏ và vừa.
Riêng gói hỗ trợ tài khóa, kỳ vọng chính sách là có tới 98% số DN được thụ hưởng nhưng hiệu quả thực tế chắc chắn sẽ thấp hơn đáng kể. Vì nhiều ngành nghề không hoạt động được do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, khiến DN không có doanh thu, không phát sinh thuế để được giãn thuế thu nhập DN. Với các DN cầm cự được trong đại dịch, chậm nộp thuế năm tháng không phải thời gian đủ dài để kịp hồi sức, do sức cầu còn rất yếu, thị trường phục hồi chậm.
Tình hình trên cho thấy, việc triển khai thực hiện và hiệu quả chính sách hỗ trợ sản xuất, kinh doanh vẫn còn hạn chế so với vô vàn khó khăn mà cộng đồng DN đang phải đối mặt trong năm 2020 và thậm chí kéo dài trong cả năm sau. Theo các chuyên gia kinh tế, về nguyên tắc, các chính sách hỗ trợ kinh tế đưa ra phải đi kèm điều kiện và tiêu chí chặt chẽ nhằm bảo đảm hỗ trợ đúng đối tượng, tránh hiện tượng trục lợi. Tuy nhiên, nếu quy định quá ngặt nghèo sẽ khiến DN khó tiếp cận được ưu đãi và chính sách không phát huy hiệu quả trong cuộc sống.
Do ảnh hưởng của đại dịch, tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2020 dự báo sẽ có khoảng cách rất xa so với ngưỡng mục tiêu tăng trưởng 6,8%. Sức bật của nền kinh tế phụ thuộc rất nhiều vào khả năng hồi phục của DN và hiện nay, DN vẫn đang chờ được tiếp sức từ các chính sách hỗ trợ của Chính phủ.
Để tháo gỡ nút thắt này, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp Ngân hàng Nhà nước Việt Nam rà soát, đánh giá, đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét việc sửa đổi Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo hướng xây dựng tiêu chí phù hợp, tạo điều kiện cho các DN gặp khó khăn được tiếp cận tín dụng cho vay để trả lương ngừng việc cho người lao động.
Chỗ khát vốn, nơi ứ tiền: Hàng tỷ USD ách tắc, 'biết rồi nói mãi' Doanh nghiệp nhỏ và vừa, chiếm trên 90% tổng số DN cả nước rất khó khăn tiếp cận được nguồn vốn từ ngân hàng. Nguyên nhân vẫn là những vướng mắc cũ mà cả DN và NH không thể vượt ra ngoài quy định. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng đến ngày 16/6 đạt 2,13%, thấp xa...