Bảo đảm tiến độ và chất lượng biên soạn sách giáo khoa mới
Để áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) được giao tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa (SGK) từ nguồn ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, mới đây, Bộ GD và ĐT cho biết quá trình tổ chức thực hiện gặp khó khăn, vướng mắc và đề xuất không sử dụng ngân sách nhà nước để biên soạn SGK.
Khách hàng mua sách giáo khoa tại một nhà sách ở Hà Nội. Ảnh: ĐĂNG ANH
Ngày 28-11-2014, Quốc hội thông qua Nghị quyết 88/2014/QH13 về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông, khẳng định: Khi áp dụng chương trình SGK giáo dục phổ thông mới sẽ khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn SGK. Tuy nhiên, để chủ động triển khai chương trình mới, Bộ GD và ĐT vẫn được giao tổ chức biên soạn “một bộ SGK” trên cơ sở thẩm định, phê duyệt bình đẳng với các bộ SGK khác.
Ngày 27-3-2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 404/QĐ-TTg, phê duyệt Đề án đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông với nguồn kinh phí nhà nước và huy động các nhà xuất bản, tổ chức, cá nhân. Đến tháng 1-2017, Bộ GD và ĐT cùng Ngân hàng Thế giới chính thức khởi động dự án hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông, thực hiện đến năm 2020 với mục tiêu nâng cao kết quả học tập của học sinh, thông qua việc xây dựng và thực hiện chương trình giáo dục phổ thông theo hướng tiếp cận năng lực; nâng cao chất lượng giảng dạy bằng việc biên soạn và thực hiện SGK theo chương trình mới, đổi mới đánh giá học sinh. Trong các thành phần của dự án có thành phần biên soạn một bộ SGK và cung cấp 50 nghìn bộ SGK (từ lớp 1 đến lớp 12) cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Báo cáo tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ tháng 10-2018, Bộ GD và ĐT tiếp tục khẳng định tổ chức biên soạn “một bộ SGK”. Việc lựa chọn đơn vị biên soạn được tiến hành theo hình thức đấu thầu rộng rãi nên cần đủ thời gian theo quy định của pháp luật. Ban chỉ đạo đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông cũng cho biết tổ chức biên soạn một bộ SGK theo phương án đã thiết kế, phê duyệt từ năm 2016 trên cơ sở thống nhất với Ngân hàng Thế giới và các bộ, ngành liên quan. Ưu tiên chủ biên, tác giả SGK lớp 1 để triển khai quy trình biên soạn từ tháng 3-2019; kịp thời bồi dưỡng giáo viên và cung cấp sách đầy đủ cho học sinh trước khi khai giảng năm học 2020-2021. Tuy nhiên, đến tháng 5-2019, Bộ GD và ĐT cho biết gặp khó khăn trong việc triển khai biên soạn một bộ SGK theo chương trình dự án hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông. Vì vậy, Bộ báo cáo, đề xuất Thủ tướng: Bộ sẽ biên soạn một bộ SGK mà không sử dụng ngân sách nhà nước.
Video đang HOT
Trong bối cảnh chỉ còn một năm học nữa sẽ áp dụng chương trình SGK mới cho lớp 1, Bộ GD và ĐT mới đưa ra khó khăn không tổ chức biên soạn được một bộ SGK theo như phê duyệt ban đầu khiến dư luận không khỏi băn khoăn, đặt dấu hỏi về trách nhiệm trước một khối lượng công việc lớn như vậy. Vì sao, sau một số năm triển khai, Bộ GD và ĐT lại đề xuất biên soạn một bộ SGK không sử dụng ngân sách nhà nước? Tiêu chí nào để lựa chọn biên soạn, xuất bản một bộ SGK không sử dụng ngân sách nhà nước vừa bảo đảm chất lượng, vừa bình đẳng giữa bộ SGK của các tổ chức, cá nhân khác nhau?
Trả lời những vấn đề nêu trên, Phó Vụ trưởng Giáo dục trung học (Bộ GD và ĐT) Nguyễn Xuân Thành cho biết: Bộ GD và ĐT đã đề xuất hai phương án tổ chức biên soạn một bộ SGK thuộc dự án hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông là: Giao cho Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam biên soạn, in và phát hành; tổ chức tuyển chọn một hãng tư vấn (nhà xuất bản) biên soạn bản thảo và biên tập, hoàn thiện bản mẫu một bộ SGK. Tuy nhiên, cả hai phương án nêu trên đều không thực hiện được do vướng các quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam và quy định của Ngân hàng Thế giới. Bộ GD và ĐT đã triển khai phương án xây dựng các gói thầu tuyển chọn chủ biên, tác giả và biên tập viên để tổ chức biên soạn SGK nhưng không thực hiện được do không đủ ứng viên tham gia. Vì vậy, Bộ GD và ĐT đã báo cáo và đề xuất Thủ tướng Chính phủ thực hiện tổ chức việc biên soạn, xuất bản SGK giáo dục phổ thông không sử dụng ngân sách nhà nước. Một phần kinh phí thuộc dự án hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông liên quan tuyển chọn tác giả, chủ biên SGK… sẽ chuyển sang nội dung phù hợp theo hướng bảo đảm mục tiêu của dự án; việc cung cấp SGK cho thư viện các trường thuộc vùng khó khăn vẫn được thực hiện theo thiết kế ban đầu.
Để bảo đảm tiến độ, Bộ GD và ĐT đã xây dựng kế hoạch tổ chức thẩm định SGK lớp 1. Từ ngày 1 đến 15-7, Bộ GD và ĐT tiếp nhận hồ sơ để thẩm định SGK lớp 1 của các tổ chức, cá nhân. Đối với việc bảo đảm chất lượng và sự công bằng, minh bạch, không độc quyền trong biên soạn, xuất bản, Bộ GD và ĐT thành lập Hội đồng quốc gia thẩm định SGK. Các thành viên hội đồng được lựa chọn là những người vừa giỏi chuyên môn, vừa có uy tín, vừa có trách nhiệm, đủ tiêu chuẩn theo quy định. SGK của mọi tổ chức, cá nhân được thẩm định bình đẳng như nhau. Quá trình tổ chức thẩm định sẽ thông báo rộng rãi để khuyến khích các tổ chức, cá nhân đăng ký, thực hiện đúng theo quy định tại Thông tư số 33/2017/TT-BGDĐT về tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa SGK… Mục đích cuối cùng là phải có những bộ SGK chất lượng tốt nhất, kịp tiến độ triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Đây cũng là những điều mà dư luận, các bậc phụ huynh quan tâm, mong muốn, bởi chất lượng sách giáo khoa đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình giáo dục và đào tạo, nhất là đối với lớp 1, lớp học đầu tiên trong hệ thống 12 năm của hệ thống giáo dục phổ thông.
GIANG SƠN
Theo Nhan đân
Bộ GD-ĐT không tuyển chọn đủ tác giả biên soạn một bộ sách giáo khoa
Phương án tuyển chọn tác giả biên soạn một bộ sách giáo khoa của Bộ GD-ĐT không thực hiện được do không đủ ứng viên tham gia.
Bộ GD-ĐT không có đủ ứng viên tham gia biên soạn một bộ SGK - NGỌC DƯƠNG
Báo cáo Quốc hội về việc thực hiện lời hứa tại phiên chất vấn kỳ họp Quốc hội trước, Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết: Cuối tháng 2.2019 vừa qua, Bộ GD-ĐT đã ban hành kế hoạch biên soạn một bộ sách giáo khoa (SGK) theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Ngoài những việc đã làm được, báo cáo cũng nêu một số khó khăn, vướng mắc và hạn chế.
Không tìm được đủ tác giả viết SGK
Cụ thể, Bộ GD-ĐT đề xuất phương án giao cho Nhà xuất bản Giáo dục VN biên soạn, in và phát hành SGK, đã tính đến phương án tổ chức tuyển chọn một hãng tư vấn (nhà xuất bản) biên soạn bản thảo và biên tập, hoàn thiện bản mẫu một bộ SGK nhưng cả hai phương án đều không thực hiện được do vướng các quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam và Ngân hàng Thế giới. Vì vậy, Bộ đã báo cáo Thủ tướng thực hiện phương án tuyển chọn tác giả và tổ chức biên soạn một bộ SGK tại Báo cáo số 160 ngày 5.3.2019. Theo phương án này, Bộ đã xây dựng các gói thầu tuyển chọn chủ biên, tác giả và biên tập viên để tổ chức biên soạn SGK.
Tuy nhiên, phương án tuyển chọn tác giả biên soạn một bộ SGK cũng không thực hiện được do không đủ ứng viên tham gia. Nguyên nhân chủ yếu do hầu hết tác giả SGK đã ký hợp đồng với một số nhà xuất bản và bắt đầu tổ chức biên soạn SGK từ đầu năm 2018, khi dự thảo chương trình giáo dục phổ thông được công bố trên mạng để xin ý kiến rộng rãi; các biên tập viên SGK có giấy phép hành nghề cũng đang thuộc biên chế hoặc hợp đồng với các nhà xuất bản nên không được phép dự tuyển tự do.
Bộ GD-ĐT đã báo cáo và đề xuất Thủ tướng Chính phủ thực hiện tổ chức việc biên soạn, xuất bản SGK không sử dụng ngân sách nhà nước, bảo đảm chất lượng, tiến độ, không độc quyền, đầy đủ các môn học và hoạt động giáo dục đáp ứng yêu cầu triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới tuần tự theo các lớp của mỗi cấp học, trong đó lớp 1 bắt đầu từ năm học 2020 - 2021, lớp 6 bắt đầu từ 2021 - 2022, lớp 10 bắt đầu từ 2022 - 2023.
Các giải pháp
Bộ trưởng Nhạ nêu giải pháp trong thời gian tới là sẽ tổ chức biên soạn một bộ SGK theo hướng: thành lập hội đồng quốc gia thẩm định SGK và thông báo rộng rãi để khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn SGK đăng ký với nhà xuất bản theo quy định tại thông tư số 33 năm 2017. Hội đồng quốc gia thẩm định SGK tiến hành thẩm định bản mẫu SGK của các nhà xuất bản gửi về Bộ GD-ĐT. Sau khi tổ chức thẩm định, Bộ chỉ đạo và hỗ trợ các nhà xuất bản trong quá trình hoàn thiện bản mẫu SGK, bảo đảm có ít nhất một bộ SGK đầy đủ các môn học, hoạt động giáo dục được phê duyệt, cho phép sử dụng.
Đối với SGK lớp 1, thời gian bắt đầu tổ chức thẩm định từ tháng 6.2019. Khâu chỉnh sửa, thực nghiệm, hoàn thiện bản mẫu SGK, thẩm định lại theo quy định để được phê duyệt, cho phép sử dụng trước tháng 12.2019. Mục tiêu sau cùng là kịp thời tổ chức in, phát hành phục vụ năm học 2020-2021. "Bộ cũng ban hành thông tư hướng dẫn lựa chọn SGK để các địa phương chỉ đạo, tổ chức việc lựa chọn SGK phù hợp với điều kiện thực tiễn, bảo đảm công khai, minh bạch, tránh độc quyền", Bộ trưởng Nhạ khẳng định trong báo cáo
UBND tỉnh sẽ chọn sách giáo khoa dùng tại địa phương
Sáng 21.5, báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật Giáo dục (sửa đổi), ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng QH, cho biết một số ý kiến đề nghị xây dựng một chương trình, một bộ SGK dùng chung cho cả nước. Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ QH đề nghị được giữ quy định một chương trình thống nhất, mỗi môn học có một hoặc một số SGK như trong dự thảo.
Về vấn đề lựa chọn SGK, tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo luật quy định UBND cấp tỉnh quyết định việc lựa chọn SGK để sử dụng ổn định trong các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn, theo quy định của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT.
Lê Hiệp - Vũ Hân
Theo Thanh niên
Triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới: Chạy nước rút... có kịp? Từ năm học 2020-2021, chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới sẽ được giảng dạy ở lớp 1. Do đó, từ ngày 1-15/7, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) bắt đầu tiếp nhận hồ sơ thẩm định sách giáo khoa (SGK) lớp 1 của các tổ chức, cá nhân... Từ năm học 2020-2021, sẽ bắt đầu triển khai vòng SGK mới....