Bảo đảm cơ sở vật chất cho năm học mới
Cơ sở vật chất trường, lớp học là một trong những yếu tố có tính quyết định sự thành công trong thực hiện nhiệm vụ giáo dục và đào tạo (GD&ĐT).
Với vai trò, ý nghĩa đó, nhiều năm qua, việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học đã được ngành giáo dục, chính quyền các địa phương quan tâm thực hiện thông qua xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, xây dựng trường xanh – sạch – đẹp – an toàn từng bước đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo tỉnh nhà.
Năm học 2022-2023 Trường Tiểu học Bình Minh (thị xã Nghi Sơn) được đầu tư xây dựng 12 phòng học và phòng chức năng đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Ảnh: P.S
Tăng cường đầu tư
Trường Tiểu học Ái Thượng (Bá Thước) hiện có 18 lớp học với tổng số 475 học sinh học tại 3 khu (1 khu chính và 2 khu lẻ Vèn và Cón). Theo kế hoạch, trong năm học 2022-2023 nhà trường sẽ được chính quyền địa phương đầu tư xây dựng mới 10 phòng học văn hóa và 4 phòng học bộ môn. Thầy giáo Nguyễn Văn Dương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ái Thượng, cho biết: Sau khi được đầu tư xây dựng thêm 10 phòng học và 4 phòng bộ môn, nhà trường sẽ chấm dứt tình trạng thiếu phòng học, đủ điều kiện để dồn các khu lẻ về khu chính cũng như bảo đảm các tiêu chí để công nhận lại trường chuẩn quốc gia. Cũng theo thầy Dương, trước khi bước vào năm học mới 2022-2023, nhà trường đã được huyện đầu tư trang cấp 20 máy vi tính phục vụ công tác giảng dạy và học tập, đáp ứng yêu cầu triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Là xã khó khăn nhất của huyện Thạch Thành, thế nhưng, nhiều năm nay với sự quan tâm của chính quyền địa phương, ngành giáo dục cùng sự đồng thuận, ủng hộ của các tầng lớp Nhân dân, diện mạo các trường mầm non, tiểu học và THCS trên địa bàn xã Thành Yên ngày càng khang trang, sạch đẹp. Theo đại diện lãnh đạo Trường Tiểu học Thành Yên, những năm gần đây, nhà trường đã được đầu tư xây dựng nhiều hạng mục công trình như chỉnh trang khuôn viên sân trường theo hướng xanh – sạch – đẹp – an toàn, thân thiện; cải tạo lại phòng học cũ; nâng cấp các công trình phụ trợ… bảo đảm tiêu chí trường chuẩn quốc gia. Hiện, nhà trường đang được đầu tư thêm 8 phòng học và phòng chức năng theo đúng chuẩn mới. Kết quả này đã góp phần tạo động lực để mỗi cán bộ, giáo viên và học sinh phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường.
ể bảo đảm trường, lớp cho năm học mới, việc chỉnh trang khuôn viên, sửa chữa, xây mới cơ sở vật chất, mua sắm thêm các trang thiết bị phục vụ công tác giảng dạy và học tập được các đơn vị trường trên địa bàn thị xã Nghi Sơn triển khai thực hiện ngay khi kết thúc năm học 2021-2022. Ngoài sửa chữa, nâng cấp một số hạng mục nhỏ, như bổ sung bàn ghế, trang trí các phòng học, nhiều trường đã huy động hàng tỷ đồng từ ngân sách địa phương cũng như xã hội hóa đầu tư xây mới phòng học, nhà hiệu bộ, khuôn viên sân trường, như Trường Tiểu học Trường Lâm, Mầm non Hải Thanh, THCS Hải Bình, Tiểu học Bình Minh… Cô giáo Phạm Thị Nga, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bình Minh, phấn khởi cho hay: Trong năm học này, nhà trường sẽ đưa vào sử dụng khu nhà lớp học mới 3 tầng với 12 phòng học và phòng chức năng với tổng mức đầu tư hơn 8 tỷ đồng. Đây là điều kiện để nhà trường tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng dạy và học đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng cũng như thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.
Tại huyện Như Thanh, để chuẩn bị các điều kiện cho năm học mới 2022-2023, từ nhiều nguồn vốn khác nhau huyện đã đầu tư xây mới 50 phòng học, 8 nhà hiệu bộ, 1 nhà lớp học bộ môn 3 tầng 9 phòng, 4 bếp ăn, 8 nhà vệ sinh; nâng cấp, sửa chữa 20 phòng học và nhiều công trình khác với tổng kinh phí gần 90 tỷ đồng.
Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có khoảng 25.000 phòng học kiên cố ở các cấp học đạt tỷ lệ 89%. Trong đó, cấp mầm non có 6.904 phòng (đạt 85,2%); cấp tiểu học có 9.637 phòng (đạt 86,25%); cấp THCS có 5.891 phòng (đạt 95,68%); cấp THPT có 2.605 phòng (đạt 94,07%). Để chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ năm học mới 2022-2023, Sở GD&ĐT đã hướng dẫn chỉ đạo các đơn vị, trường học tập trung rà soát, bổ sung trang thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi, sửa chữa nâng cấp cơ sở vật chất trường, lớp học, ưu tiên các hạng mục công trình như phòng học, thư viện, nhà vệ sinh, công trình nước sạch,… bảo đảm khuôn viên, cảnh quan môi trường sư phạm xanh – sạch – đẹp, bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tối thiểu phục vụ triển khai giáo dục phổ thông 2018. Đồng thời tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư mua sắm thiết bị triển khai thực hiện Đề án nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2020-2025, trong đó: Đầu tư trang thiết bị phòng dạy học ngoại ngữ hiện đại cho 27 trường THPT để xây dựng trường điển hình về dạy học ngoại ngữ (mỗi huyện, thị xã, thành phố xây dựng cho 1 trường THPT); đầu tư trang thiết bị tối thiểu phục vụ việc dạy và học ngoại ngữ cho 1.289 trường phổ thông còn lại trên địa bàn tỉnh, với tổng kinh phí khoảng 78.237 tỷ đồng…
Vẫn còn nhiều khó khăn
Thống kê của ngành chức năng cho thấy, trong số 28.200 phòng học ở các cấp học trên địa bàn tỉnh vẫn còn khoảng 3.200 phòng học bán kiên cố, phòng học mượn, phòng học tạm. Nếu so với nhu cầu thực tế, toàn tỉnh thiếu khoảng 2.130 phòng học chủ yếu ở bậc học mầm non và tiểu học. Đặc biệt việc thiếu phòng học bộ môn đang là trăn trở của các nhà trường khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Một ví dụ cụ thể là cấp tiểu học, toàn tỉnh có 603 trường, nhưng hiện nay mới có 356 phòng học tin học, 256 phòng học ngoại ngữ, 260 phòng học nghệ thuật, 251 phòng học âm nhạc. Đối với cấp THCS, toàn tỉnh có 618 trường THCS và trường TH&THCS, nhưng hiện nay mới có 585 phòng học tin học, 307 phòng học ngoại ngữ, 453 phòng học vật lý, 411 phòng học hóa học, 220 phòng học sinh học, 185 phòng học công nghệ, 325 phòng học âm nhạc. Đối với cấp THPT, toàn tỉnh có 99 trường THPT, nhưng hiện nay mới có 60 phòng học ngoại ngữ, 74 phòng học vật lý, 73 phòng học hóa học, 51 phòng học sinh học, 29 phòng học công nghệ, 9 phòng học âm nhạc.
Để khắc phục tình trạng thiếu cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ dạy học trên địa bàn tỉnh nói chung, khu vực khó khăn nói riêng trong những năm qua Sở GD&ĐT Thanh Hóa đã tích cực tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; phối hợp với các sở, ngành, đơn vị có liên quan tranh thủ các nguồn vốn, hỗ trợ đầu tư xây dựng, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy học. Đơn cử như trong giai đoạn 2016-2020, tổng kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, trường học, kể cả xã hội hóa trên địa bàn toàn tỉnh ướt đạt 1.400 tỷ đồng, trong đó, chương trình Trái phiếu Chính phủ là 524 tỷ đồng. Từ nguồn kinh phí này, nhiều trường học đã được đầu tư các hạng mục phòng, lớp học, nhà hiệu bộ, trang thiết bị giáo dục… theo hướng khang trang, hiện đại. Đơn cử như, toàn tỉnh đã xây dựng 26 trường THPT đạt chuẩn quốc gia với tổng kinh phí 173 tỷ đồng; trang bị đồ dùng dạy học cho 24 trường THPT với kinh phí 16 tỷ đồng; xây nhà ở nội trú cho 32 trường với tổng kinh phí 151 tỷ đồng; đầu tư xây dựng 189 phòng học cho các trường mầm non, tiểu học thuộc địa bàn đặc biệt khó khăn từ nguồn Trái phiếu Chính phủ… Ngoài ra, thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 1, trong năm học 2020-2021, đối với lớp 2 và lớp 6 trong năm học 2021-2022, Sở GD&ĐT cũng đã tham mưu cho UBND tỉnh triển khai mua sắm trang thiết bị phục vụ dạy và học cho các nhà trường với tổng kinh phí khoảng 275 tỷ đồng.
Video đang HOT
Bên cạnh nguồn lực từ ngân sách Nhà nước, nhiều năm qua, ngành giáo dục, chính quyền các địa phương không ngừng khuyến khích, huy động các nguồn lực, nguồn vốn trong cộng đồng dân cư, doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế và nhà đầu tư dưới nhiều hình thức như góp vốn xây dựng, hiến đất xây dựng, đầu tư xây dựng trực tiếp, cho vay vốn đầu tư xây dựng… để góp phần giải quyết khó khăn trong đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục. Hiện nay, toàn tỉnh đã có khoảng 70 dự án xã hội hóa giáo dục được chấp thuận chủ trương đầu tư với mức vốn đăng ký lên tới hơn 4.291 tỷ đồng.
Từ kết quả đạt được cùng quan điểm chỉ đạo sát sao, tin rằng trong năm học mới 2022-2023 ngành giáo dục, chính quyền các địa phương và mỗi đơn vị trường sẽ nỗ lực vươn lên khắc phục khó khăn, sử dụng, lồng ghép hiệu quả các nguồn vốn, cân đối, bố trí ngân sách địa phương và huy động tối đa nguồn lực xã hội hóa cho đầu tư cơ sở vật chất trường, lớp học đáp ứng yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng GD&ĐT tỉnh nhà trong giai đoạn tới.
Năm học mới 2022-2023 là năm trọng tâm của đổi mới giáo dục phổ thông
Năm học mới 2022-2023 được xác định là năm trọng tâm của đổi mới giáo dục. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn yêu cầu toàn ngành cố gắng hơn nữa, nỗ lực hơn nữa để vượt qua được những thách thức của quá trình đổi mới, đáp ứng được những đòi hỏi của xã hội để nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.
Ngày 5/9, hơn 23 triệu học sinh cả nước sẽ bước vào năm học 2022-2023 với chủ đề "Đoàn kết, sáng tạo, ra sức phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ và mục tiêu đổi mới, củng cố và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo". Cổng TTĐT Chính phủ, Báo Điện tử Chính phủ đã có cuộc trao đổi cùng PGS.TS Nguyễn Kim Sơn - Bộ trưởng Bộ GD&ĐT với nhiều nội dung quan trọng của ngành giáo dục trước thềm năm học mới.
Nhận định rõ nguy cơ, nỗ lực vượt qua thách thức
Thưa Bộ trưởng, sau 2 năm ảnh hưởng bởi COVID-19, Bộ GD&ĐT đã có những giải pháp thích ứng với dịch bệnh để các em học sinh hoàn thành năm học. Tuy nhiên, nguy cơ COVID-19 và các dịch bệnh khác vẫn còn diễn biến phức tạp, vậy Bộ có sự chuẩn bị hay các giải pháp nào để ứng phó với các tình huống đặc biệt nhưng không làm gián đoạn việc đến trường của các em học sinh, sinh viên?
Một năm học mới đang bắt đầu trong bối cảnh đại dịch cơ bản được khống chế. Tuy nhiên, thách thức của đại dịch vẫn còn nguyên với ngành giáo dục. Đó là tác động của dịch bệnh đến chất lượng giáo dục, đến sức khỏe của học sinh về cả thể chất lẫn tinh thần, đến các mục tiêu rèn luyện về kỹ năng và những ảnh hưởng trên nhiều phương diện khác.
Bộ GD&ĐT nhận định rất rõ về nguy cơ của dịch bệnh, không chỉ là dịch COVID-19 mà còn của các dịch bệnh khác, cũng như những nguy cơ khách quan như thiên tai có thể ảnh hưởng tới kế hoạch, chất lượng giáo dục, do dó, ngay trong Chỉ thị thực hiện nhiệm vụ trọng tâm năm học 2022-2023, ở nhiệm vụ trọng tâm thứ 2 trong số 12 nhiệm vụ, Bộ đã đặt ra yêu cầu cụ thể cho vấn đề này.
Theo đó, để chủ động phòng, chống và ứng phó hiệu quả với thiên tai, dịch bệnh, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục chỉ đạo thực hiện Kế hoạch tổng thể của ngành giáo dục thích ứng với tình hình dịch COVID-19 bảo đảm tổ chức dạy và học an toàn, chất lượng. Chỉ đạo, hướng dẫn triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023 chủ động, linh hoạt để thích ứng với tình hình thiên tai, dịch bệnh, vừa bảo đảm an toàn cho học sinh, giáo viên, vừa củng cố và nâng cao chất lượng giáo dục.
Triển khai hiệu quả công tác giáo dục thể chất và y tế trường học, bảo đảm an toàn trường học, phòng chống dịch bệnh và tai nạn thương tích. Tăng cường tổ chức bữa ăn bảo đảm dinh dưỡng hợp lý và an toàn thực phẩm, kết hợp tăng cường hoạt động thể lực cho học sinh; kiện toàn và nâng cao năng lực hệ thống y tế trường học. Hoàn thiện cơ sở dữ liệu về sức khỏe học đường.
Đồng thời, tổ chức triển khai hiệu quả Chương trình "Sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025", Chương trình "Y tế trường học trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông gắn với y tế cơ sở giai đoạn 2021-2025"; Đề án tổng thể phát triển giáo dục thể chất, thể thao trường học giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025; tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động thể thao học sinh gắn kết với nội dung môn học giáo dục thể chất thuộc Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
PGS.TS Nguyễn Kim Sơn - Bộ trưởng Bộ GD&ĐT
Năm học trọng tâm đổi mới giáo dục phổ thông
Năm học 2022-2023, ngành giáo dục tiếp tục áp dụng lộ trình đổi mới sách giáo khoa cho lớp 3, lớp 7 và lớp 10. Xin Bộ trưởng chia sẻ về những điểm mới cũng như sự chuẩn bị của ngành giáo dục để thực hiện tốt việc dạy và học theo chương trình, sách giáo khoa mới?
Năm học 2022-2023 được xác định là năm trọng tâm triển khai nhiệm vụ đổi mới giáo dục ở bậc phổ thông, thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Trong đó, có việc triển khai dạy theo chương trình mới đối với lớp 3, lớp 7, lớp 10; thẩm định sách giáo khoa các lớp 4, 8, 11 và chuẩn bị biên soạn cho lớp 5, lớp 9 và lớp 12.
Để chuẩn bị cho tổ chức dạy học bắt buộc môn Tiếng Anh, Tin học đối với lớp 3 từ năm học 2022-2023, Bộ GD&ĐT đã hướng dẫn các địa phương rà soát, chuẩn bị đội ngũ, phương án triển khai 2 môn học bắt buộc này, bảo đảm khi vào năm học mới, tất cả học sinh lớp 3 đều được học Tiếng Anh, Tin học theo đúng yêu cầu của Luật Giáo dục và Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Đối với lớp 10 - lớp đầu tiên triển khai theo tinh thần của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là định hướng nghề nghiệp ở bậc THPT, Bộ GD&ĐT đã có các chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể để địa phương, nhà trường triển khai việc lựa chọn môn học; chuẩn bị cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, nhất là đối với những môn học nghệ thuật lần đầu tiên được đưa vào tổ chức dạy và học.
Muốn đổi mới về phương pháp dạy và học, về kiểm tra, đánh giá thì trước hết đội ngũ giáo viên phải không ngừng đổi mới, nâng cao năng lực về cả kiến thức, kỹ năng sư phạm. Chỉ khi nào lực lượng giáo viên đổi mới, phát triển thì nhiệm vụ đổi mới giáo dục của toàn ngành mới được thực hiện tốt. Bên cạnh đó, cần phải cung cấp thông tin rộng rãi để có được sự thấu hiểu, đồng hành, chia sẻ của các bậc phụ huynh và toàn xã hội trong sự nghiệp đổi mới này. Nếu thiếu đi sự thấu hiểu, đồng hành, chia sẻ từ phía phụ huynh cũng như xã hội thì việc đổi mới rất khó khăn. Do đó, để thực hiện thành công đổi mới, cần phải có giải pháp tổng thể, trong đó, sự nỗ lực, cố gắng và vai trò của các nhà giáo có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
Yêu cầu bảo đảm đủ giáo viên, cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu giảng dạy theo chương trình, sách giáo khoa mới luôn đặt ra sức ép không nhỏ. Xin Bộ trưởng cho biết ngành giáo dục đã chuẩn bị thế nào để giải quyết vấn đề này, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, khu vực khó khăn?
Trước hết, cần khẳng định, lần đổi mới này rất sâu sắc, toàn diện, triệt để và cũng diễn ra rất nhanh. Năm học 2022-2023 và các năm tới sẽ là giai đoạn trọng tâm của quá trình đổi mới, do đó trong các chuyến công tác tại địa phương, tôi đều nhấn mạnh nhiệm vụ này với mong muốn các địa phương sẽ dành sự quan tâm, đầu tư tập trung cho những năm tới đây.
Có thể nói, quá trình đổi mới giáo dục phổ thông, Bộ GD&ĐT giống như người thiết kế, còn quá trình "thi công" thành công đến đâu phụ thuộc rất lớn vào địa phương, trong đó, đặc biệt là tầm nhìn, cũng như nhận thức, trách nhiệm và tư duy đổi mới.
Chặng đường triển khai đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, bắt đầu với lớp 1, tới lớp 2, lớp 6 trong 2 năm học vừa qua đã nhận được sự quan tâm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Các địa phương cũng đã vào cuộc rất trách nhiệm. Tuy nhiên, qua hơn 2 năm dịch bệnh, nhiều địa phương khó khăn về chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, nhiều nơi học sinh phải "học chay". Do đó rất cần các địa phương vào cuộc quyết liệt hơn nữa, dành sự quan tâm đầu tư cho giáo dục nhiều hơn nữa.
Để giải quyết bài toán thiếu giáo viên, Bộ GD&ĐT đã phối hợp với Bộ Nội vụ đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, bổ sung 27.850 biên chế giáo viên cho các địa phương năm 2022, bảo đảm nguyên tắc có học sinh phải có giáo viên đứng lớp. Ngày 18/7/2022, tại Quyết định số 72-QĐ/TW, Bộ Chính trị đã giao bổ sung 65.980 biên chế giáo viên trong giai đoạn từ 2022 đến năm 2026, riêng năm học 2022-2023 giao bổ sung 27.850 biên chế giáo viên mầm non, phổ thông công lập.
Ngay sau khi có Quyết định của Bộ Chính trị, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương triển khai tuyển dụng biên chế giáo viên mầm non, phổ thông (27.850 biên chế giáo viên trong năm 2022-2023 và 65.980 biên chế giáo viên trong giai đoạn từ 2022 đến năm 2026).
Ngành giáo dục trân trọng cảm ơn Bộ Chính trị, Ban Tổ chức Trung ương đã kịp thời giao bổ sung biên chế giáo viên cho ngành giáo dục, tháo gỡ khó khăn để ngành thực hiện tốt các nhiệm vụ đổi mới, phát triển. Trân trọng cảm ơn Thủ tướng Chính phủ đã quan tâm, chỉ đạo. Cảm ơn Bộ Nội vụ đã tích cực hỗ trợ, phối hợp với Bộ GD&ĐT trong việc đề xuất lên cấp trên thông qua quyết sách này.
Lãnh đạo các địa phương cần thể hiện sự quan tâm và quyết tâm bằng các chỉ đạo cụ thể tại địa phương, để công tác tuyển dụng, sử dung giáo viên sẽ đạt hiệu quả.
Cần có lộ trình học phí đối với các cấp học
Học phí là vấn đề nóng luôn được xã hội đặc biệt quan tâm. Xin Bộ trưởng chia sẻ lộ trình của việc tăng học phí đối với các cấp học từ năm học 2022-2023 trở đi, cũng như chế độ hỗ trợ cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, ở vùng sâu, vùng xa?
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ LĐTB&XH, Tổng cục Thống kê để hoàn thiện Báo cáo đánh giá tác động của việc tăng học phí, giá sách giáo khoa tới học sinh, sinh viên, hộ gia đình có thu nhập thấp, có hoàn cảnh khó khăn và kiến nghị, đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Qua nghiên cứu số liệu thu nhập bình quân đầu người quý 1/2022 so với năm trước thì mức thu nhập bình quân của người lao động còn thấp. Để tiếp tục hỗ trợ kịp thời đối với học sinh, sinh viên, hộ gia đình có thu nhập thấp, có hoàn cảnh khó khăn, bình ổn giá và kiểm soát lạm phát góp phần phục hồi phát triển kinh tế, ổn định đời sống của nhân dân, Bộ GD&ĐT đã đề xuất lộ trình học phí để trình xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ.
Hiện nay, nhiều địa phương đã chủ động đưa ra phương án giữ nguyên mức học phí, hoặc miễn học phí bậc THCS cho học sinh từ năm học 2022-2023.
Bên cạnh chính sách học phí, Bộ GD&ĐT cũng đã trình Chính phủ phương án sử dụng ngân sách Nhà nước mua sách giáo khoa phổ thông cho học sinh mượn để triển khai từ năm học 2022-2023. Nếu được triển khai thực hiện, chính sách này cũng sẽ góp phần giúp giảm gánh nặng kinh tế cho học sinh, phụ huynh, nhất là học sinh có hoàn cảnh khó khăn, ở vùng sâu, vùng xa.
Cần nỗ lực hơn nữa để vượt qua khó khăn thách thức, hoàn thành nhiệm vụ được giao
Giáo dục phát triển là minh chứng cho đất nước phát triển. Là tư lệnh ngành, Bộ trưởng có thể chia sẻ thông điệp của mình nhân dịp năm học mới bắt đầu?
Năm học vừa qua, dù phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, vừa phải ứng phó với tình hình phức tạp của dịch bệnh, vừa phải hoàn thành kế hoạch và các nhiệm vụ lớn của ngành, song có thể nói, ngành giáo dục đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ năm học đề ra. Thay mặt lãnh đạo Bộ GD&ĐT, tôi cảm ơn sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ; sự phối hợp, hỗ trợ tích cực của các bộ, ban, ngành liên quan; sự vào cuộc quyết liệt của lãnh đạo các địa phương.
Đặc biệt, tôi xin ghi nhận, cảm ơn, biểu dương toàn thể giáo viên, các cán bộ quản lý của ngành giáo dục bởi những nỗ lực vượt bậc và những cố gắng phi thường trong năm qua. Tôi cũng muốn gửi lời cảm ơn tới toàn thể các phụ huynh đã đồng hành, đã ủng hộ, đã hỗ trợ đối với sự nghiệp giáo dục; đồng thời ghi nhận sự cố gắng của toàn thể học sinh, sinh viên đã vượt qua những khó khăn để học tập và trưởng thành trong một năm gian khó.
Nếu như năm học 2021-2022 là một năm kiên trì mục tiêu chất lượng, cố gắng hoàn thành kế hoạch năm học thì năm học mới này, mục tiêu đặt ra là củng cố, nâng cao chất lượng và hoàn thành được các nhiệm vụ, mục tiêu đổi mới.
Năm học 2022-2023 được xác định là năm trọng tâm của đổi mới, do đó, đòi hỏi toàn ngành đã cố gắng rồi cần cố gắng hơn nữa, đã nỗ lực rồi cần nỗ lực hơn nữa để vượt qua được những thách thức của quá trình đổi mới, qua đó đáp ứng được kỳ vọng của xã hội về chất lượng giáo dục và đào tạo, thực hiện tốt các nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước, Chính phủ và nhân dân giao cho ngành.
Trước thềm năm học mới, tôi muốn gửi đến tất cả các thầy cô giáo, những người công tác trong ngành giáo dục và toàn thể các em học sinh, sinh viên trên cả nước lời chúc sức khỏe, hạnh phúc, bình an. Chúc cho một năm học mới với nhiều thành tựu và chúng ta cùng nhau đạt những thành quả tốt nhất cho ngành giáo dục trong thời gian sắp tới.
Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
Những khoản tiền ban phụ huynh không được phép thu Bộ GD&ĐT quy định những khoản tiền Ban phụ huynh không được phép thu. Ban đại diện cha mẹ học sinh không được thu các khoản này: Bảo vệ cơ sở vật chất, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh trường, lớp; khen thưởng cán bộ, giáo viên, nhân viên; mua...