Báo chí phản ánh hay “đánh” thầy cô?
Không còn mang tính chất phản ánh, nhiều bài báo được viết ra theo hướng “đánh” thầy cô giáo. Đối tượng chịu thiệt thòi nhất chính là các em học sinh.
Nhân ngày 20/11, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với GS. Nguyễn Minh Thuyết (nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban VHGD Thanh thiếu niên nhi đồng của Quốc hội) và PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái xung quanh cách đưa tin về tiêu cực trong giáo dục.
Các thầy giáo, người công tác trong ngành giáo dục nhìn nhận thế nào về vụ việc “ Canh gà Thọ Xương” gây chú ý trong dư luận vừa qua?
GS Nguyễn Minh Thuyết: Một số thầy cô giáo có sai sót về chuyên môn, xã hội cũng nên có cái nhìn đúng mực. Đặc biệt là cơ quan truyền thông, cần có sự định hướng dư luận nhìn nhận vấn đề đúng đắn.
Tôi ví dụ, một chi tiết sai trong bài giảng của thầy cô hoàn toàn có thể xảy ra. Thời tôi mới ra trường, trong một lần xem lại giáo án của cô sinh viên năm 4 soạn để dạy cho trường cấp 3, tôi phát hiện có lỗi sai. Câu ca dao “Chồng em áo rách em thương/ Chồng người áo gấm xông hương mặt người”. Thế nhưng, 2 chữ “xông hương” cô ấy viết là “sông Hương”. Như vậy là sai hẳn bản chất. Tôi duyệt giáo án phải chấn chỉnh lại ngay. Vậy nên, tôi cho rằng chuyện sai thời nào cũng có, ai cũng có. Nhất là chuyên môn, chữ nghĩa.
Những trường hợp như vậy, chỉ nên góp ý với giáo viên, nhà trường một cách nhẹ nhàng, tế nhị. Không nên tung lên mạng, lên báo để chứng minh rằng giáo dục thời nay kém quá.
Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, xã hội nên có cái nhìn đúng mực về sai sót của nhà giáo (Ảnh: Phương Hà)
PGS. TS Nguyễn Thị Minh Thái: Theo tôi, những tờ báo câu khách rẻ tiền mà bất chấp cả việc vi phạm nhân phẩm của người khác cần phải bị xử lý. Đôi khi tôi có cảm giác báo chí hiện nay để ý quá nhiều đến những thứ vụn vặt. Nhà báo đánh lộn bản chất sang vấn đề lẻ tẻ. Trong khi đó, những vấn đề mang tính bản chất của giáo dục lại ít được quan tâm.
Đây là ví dụ cho việc nhà báo đánh lộn vấn đề bản chất sang vấn đề lẻ tẻ. Lẽ ra những chuyện này chỉ nên nên rút kinh nghiệm thôi. Đằng này, các báo “ném đá” đến mức người ta nhập viện, viết đơn nghỉ việc… Chính vì thế cần truyền thông cho tử tế.
Video đang HOT
Không chỉ là thông tin về những yếu kém trong quản lý giáo dục, đáng quan ngại là hình ảnh thầy cô giáo đã bị ảnh hưởng ghê gớm bởi không ít vụ tiêu cực nổi cộm?
GS. Nguyễn Minh Thuyết: Là một nhà giáo, tôi rất buồn. Tuy nhiên, phải thấy rằng, có không ít bài báo viết về giáo dục và người thầy cực đoan. Đương nhiên, những người đi trái ngược lại đạo đức xã hội sẽ bị cơ quan, tổ chức, thậm chí pháp luật xử lý. Các phương tiện thông tin truyền thông có thể phản ánh những chuyện này, nhưng phải phản ánh có trách nhiệm.
PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái: Các câu chuyện tiêu cực như cô đánh trò, trò đánh cô… đương nhiên cũng cần phản ánh nhưng không thể đến mức như hiện nay là phủ kín nhiều tờ báo. Trong xã hội, có những nhà giáo có vấn đề đạo đức, báo chí nên phản ánh. Đứng trên tinh thần phản biện thì rất tốt. Nhưng viết theo kiểu bới móc, thổi phồng vấn đề thì rất tai hại. Có cảm giác, những ai không có khả năng tự vệ có thể trở thành miếng “mồi” cho truyền thông.
PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Cái nhìn khắt khe của báo chí và dư luận cũng chứng tỏ xã hội rất coi trọng ngành giáo dục. Do vậy, khó tránh việc báo chí đưa tin đậm đặc khi xảy ra tiêu cực trong lĩnh vực này?
GS Nguyễn Minh Thuyết: Đúng là xã hội nhìn nhận giáo dục khắt khe hơn bởi đây là ngành liên quan đến rất nhiều người. Nếu không phải là mình đi học thì con mình, cháu mình đi học. Mỗi gia đình bây giờ chỉ có một, hoặc hai con nên con cháu bây giờ toàn là “con vàng cháu bạc” hết. Vì vậy, dễ hiểu khi người ta có ý kiến đến bất cứ động thái nào ảnh hưởng đến con cháu họ. Nhưng nhiều khi, phụ huynh quý con, quý cháu mà quên mất rằng, thầy cô giáo cũng đáng quý.
Tôi không cho rằng cần phải xem nhẹ, hay che giấu khuyết điểm của một ngành nào đó. Nhưng cần phải xem mục đích của những vấn đề phê bình ấy là gì, liệu có đạt được hay không. Nếu mục đích đưa ra làm bài học cho con trẻ, giáo dục xã hội thì tốt. Nếu đưa ra như chuyện hấp dẫn, câu khách thôi, sẽ có hại nhiều hơn lợi.
Khi tin tức tiêu cực, tổn hại đến hình ảnh người thầy nhan nhản trên mặt báo, hệ quả đối với xã hội là gì?
GS. Nguyễn Minh Thuyết: Hãy thử tưởng tượng, trong nhà cũng có lúc bố mẹ bất đồng ý kiến với nhau về việc này việc khác. Người lớn có lúc đúng lúc sai, không phải lúc nào cũng đúng. Nhưng nếu cha mẹ tranh cãi trước mặt con, đứa con đó khó trở thành đứa con ngoan. Chưa kể, nó sẽ giảm lòng kính trọng với bố mẹ. Khi niềm tin vào bố mẹ lung lay, đứa con ấy cũng sẽ nhìn người khác giảm niềm tin. Thế nên sự lịch thiệp, tôn trọng lẫn nhau kể cả khi phê bình nhau cũng là một cách thức giáo dục thế hệ trẻ.
Thầy giáo cũng vậy, cũng là con người, cũng có lúc sai, có thể là sai về chuyên môn nghiệp vụ, sai về hành xử. Giáo viên là tập hợp rất lớn, hàng triệu người và qua nhiều thế hệ. Do vậy, không tránh khỏi có những người không giữ được đạo đức. Trong trường hợp ấy, xã hội tìm cách ứng xử thế nào cho đúng. Về phía giới truyền thông, chỉ vì thiếu tin mà trút hết nỗi “bức xúc xã hội” vào thầy cô giáo, thì không chỉ có hại với người thầy, mà có hại đến sự giáo dục thế hệ trẻ.
Xin trân trọng cảm ơn!
Theo 24h
Kiểm soát dạy thêm bằng cách nào?
"Một vấn đề khó mà không khó nếu có những quy định phù hợp và rõ ràng"- GS Nguyễn Minh Thuyết đã nhận xét khi đề cập đến dạy thêm, học thêm - câu chuyện được xem rất nhạy cảm và phức tạp.
Xung quanh vấn đề này có nhiều ý kiến khác nhau.
Một lớp học thêm tại nhà riêng giáo viên ở Q.1, TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG
GS Nguyễn Minh Thuyết ( nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội):
Tạo hành lang pháp lý cho dạy thêm - học thêm
Nhiều người cho rằng gom học sinh vào trong trường để tổ chức dạy thêm thì có thể chống được tiêu cực, đảm bảo quyền lợi cho học sinh. Nhưng tôi không nghĩ vậy. Khi mối quan hệ giữa ban giám hiệu nhà trường, thầy cô giáo với học sinh trong trường đó còn được liên kết với nhau bằng tổ chức lớp dạy thêm - học thêm thì sẽ khó có thể chấm dứt tiêu cực. Việc giáo viên cắt xén chương trình, tìm cách vận động hay bắt ép học sinh học thêm nhiều khi cũng là do "dạy thêm" được chính lãnh đạo các trường "bật đèn xanh". Tôi cho rằng rất cần những quy định nhằm tạo hành lang pháp lý cho dạy thêm - học thêm.
Theo tôi, nên giao hẳn việc dạy thêm - học thêm cho các trung tâm văn hóa với sự kiểm soát về chuyên môn thường xuyên và chặt chẽ. Giáo viên có nhu cầu dạy thêm ngoài giờ làm việc ở trường có thể tới các trung tâm này. Tuy nhiên, giáo viên cũng có thể dạy thêm tại nhà, làm gia sư cho vài học sinh nhưng phải có hợp đồng cụ thể, đảm bảo nguyên tắc tự nguyện và quyền lợi của người học. Các trung tâm hay giáo viên có sai phạm sẽ bị xử lý trên cơ sở quy định pháp lý. Việc thanh tra chuyên môn các trung tâm hay lớp dạy thêm của thầy cô có thể giao cho đại diện phòng, sở GD-ĐT phụ trách. Như vậy giáo viên được quyền lao động chính đáng bằng nghề, nhưng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc làm của mình. Còn học trò cũng có quyền đi tìm thầy, cô giáo giỏi mà mình tín nhiệm để học, nâng cao kiến thức. Việc này cũng sẽ giảm tình trạng giáo viên ép học sinh do mình phụ trách trong trường đi học thêm.
Việc điều chỉnh chính sách nhà giáo để nâng thu nhập cho giáo viên, tôi nghĩ là rất cần, nhưng đừng nghĩ rằng nâng lương giáo viên sẽ chấm dứt hẳn dạy thêm. Nếu giáo viên có năng lực, học sinh có nhu cầu thì dạy thêm - học thêm vẫn cứ diễn ra và cần có các quy định để kiểm soát.
PGS Khổng Doãn Điền ( Liên hiệp Hội khoa học kỹ thuật Hà Nội):
Niềm tin suy giảm làm gia tăng tiêu cực
Hiện nay, rất nhiều giáo viên mầm non không được hưởng lương, có những tỉnh hiện nay đang còn hàng loạt giáo viên tiểu học đứng lớp trên 15 năm nhưng lương vẫn dừng lại ở mức khởi đầu. Để "nuôi nghề" họ phải làm đủ các nghề khác, kể cả làm vườn, chăn nuôi. Trong bối cảnh đó, chuyện giáo viên dạy thêm để đủ sống cũng là điều dễ hiểu. Cùng với mức lương thấp, nhà giáo đã và đang phải chịu nhiều áp lực.
Trong khi đó, ngành giáo dục không phải thiếu tiền. Tiền được chi vào nhiều việc không chính đáng, không hiệu quả. Kinh phí chi cho giáo dục rất nhiều đối với người tử tế, nhưng lại rất ít đối với người muốn làm việc khuất tất. Điều đó tạo nên tâm lý so sánh giữa việc dạy học đúng lương tâm và sự trục lợi, thiếu trách nhiệm ở một bộ phận người làm quản lý giáo dục. Nó làm suy giảm niềm tin, tâm huyết của nhà giáo. Đó mới là nguyên nhân chính khiến tiêu cực trong hoạt động giáo dục gia tăng. Nhiều nhà giáo thấy mình cũng có thể bớt tâm huyết đi một chút, bớt trách nhiệm một chút để nghĩ cho quyền lợi của mình...
Để giáo viên tìm lại tâm huyết với nghề ngoài việc chăm lo hơn đến họ, khôi phục niềm tin là việc không dễ, nhưng không làm điều đó ngay bây giờ thì không dẹp được tiêu cực. Cách dẹp tiêu cực theo kiểu thô bạo với nhà giáo trong bối cảnh này chỉ làm giảm đi những người muốn vào nghề và gắn bó với nghề sư phạm. Tôi mong nhà quản lý giáo dục hãy "cùng lội nước" với giáo viên, phải thấu hiểu mới có thể tháo gỡ được vướng mắc.
TS Mai Ngọc Luông ( nguyên giám đốc Trung tâm nghiên cứu giáo dục phổ thông -Viện Nghiên cứu giáo dục, ĐH Sư phạm TP.HCM):
Chế tài giáo viên ép học sinh học thêm
Khi xã hội có nhu cầu, nhà giáo có đủ trình độ, đủ thời gian thì dạy thêm là đương nhiên. Đây là quyền của giáo viên, cũng giống như bác sĩ mở phòng mạch vậy, không thể cấm mà cũng khó có thể hạn chế được tình trạng này. Tuy nhiên, tình trạng giáo viên ép buộc học sinh trong lớp chính khóa phải học thêm với mình thì không thể chấp nhận. Theo tôi, ngành giáo dục giao cho các hiệu trưởng một quy định chặt chẽ về việc chế tài giáo viên ép học sinh học thêm. Ví dụ: giáo viên vi phạm lần đầu sẽ bị phạt hành chính với số tiền khá lớn để răn đe lần thứ hai vi phạm sẽ bị ngưng giảng dạy một thời gian lần thứ ba vi phạm sẽ bị buộc thôi việc. Nếu áp dụng những biện pháp cứng rắn và mạnh mẽ trên, tôi chắc rằng tình trạng ép học sinh học thêm sẽ giảm nhanh chóng. Như vậy, việc có thể làm ngay là chỉ ngăn chặn tình trạng tiêu cực trong dạy thêm - học thêm.
Còn việc dạy thêm theo nhu cầu tự nguyện của học sinh, phụ huynh hiện vẫn đang tràn lan, vấn đề này không phải một sớm một chiều giải quyết ngay được. Để giải quyết, trước hết phải xem lại cái gốc của vấn đề: Nội dung chương trình giáo dục phổ thông hiện hành đã hợp lý, khoa học chưa? Cách thức thi tốt nghiệp, tuyển sinh đại học, cao đẳng đã phù hợp chưa?... Trả lời được những câu hỏi này và giải quyết được rốt ráo những vấn đề liên quan thì tình trạng dạy thêm - học thêm mới giảm được.
Theo tuổi trẻ
Không có chuyện 'canh gà Thọ xương' là món ăn Cư dân mạng bán tín bán nghi trước một số bằng chứng chứng minh "canh gà" trong cụm từ "canh gà Thọ Xương" ở văn bản gốc là từ để chỉ món ăn. Tuy nhiên sự thật đã hiển hiện khi Viện Nghiên cứu Hán Nôm đưa ra bản thảo đúng. PGS TS Trịnh Khắc Mạnh (phải) và một nghiên cứu viên của...