Bánh lá Quảng Hòa
Hình thức không bắt mắt đến độ khiến ai mỗi lần nhìn thấy đều phải ngoái lại trầm trồ, tán thưởng.
Mùi vị cũng thế, chẳng được chế biến bởi sơn hào hải vị nên hương thơm tỏa ra cũng không mùi mẫn, cao sang để cuốn hút người khác phải bõ công kiếm tìm. Và trên hết, bánh lá Quảng Hòa (xã Quảng Hòa, thị xã Ba Đồn) được chính người Quảng Hòa nhận xét là thứ bánh quá đỗi bình thường, không thể xếp ngang hàng với các thức quà quê hấp dẫn khác như bánh đa, bánh đúc, bánh xèo do chính bàn tay nghệ nhân Quảng Hòa làm ra đã và đang nổi tiếng khắp các xứ xa gần.
Bánh lá bình thường. Tâm thức tôi luôn bị cuốn vào, cảm thông và trăn trở bởi hai chữ bình thường đó. Tự bản thân chiếc bánh lá ra đời trong dân dã và đói nghèo nên từ hình thù bên ngoài đến ruột bánh chịu ảnh hưởng bởi tính cách của người dân quê giản đơn, bỗ bã, “chặt to kho mặn”. Cũng vì lối suy nghĩ giản tiện, rằng mỗi chiếc bánh như thế chỉ bán được dăm ba ngàn không bõ bèn gì mà phải cất công vẽ vời này nọ, nên trong quá trình hoàn thiện chiếc bánh lá chưa khi nào người làm bánh lại nghĩ rằng phải bỏ thêm chút công sức nữa, trau chuốt hơn tí nữa để chiếc bánh sẽ đầy đặn hơn, vuông vắn hơn. Dẫu vậy, bánh lá có thô tháp mấy vẫn không khó coi; xù xì thế mà vẫn được đông đảo thực khách mở lòng đón nhận tựa như đôi bàn tay sần sùi của người thợ làm bánh.
Như bao tên gọi của các thứ bánh gần gũi khác mà người Quảng Hòa sáng tạo ra, bánh lá được bao bọc bằng những lớp lá bên ngoài, cả chất lượng bột, mùi thơm và độ bóng mẩy của ruột bánh đều phụ thuộc vào lá bánh, từ đó mới có tên là bánh lá.
Video đang HOT
Quy chuẩn làm nên chiếc bánh lá ngon là phải có gạo ngon, không khô quá cũng không quá dẻo. Gạo khô bánh làm ra sẽ cứng sượng, còn dẻo quá bánh không giữ được nước dẫn tới mùi nồng nàn của lúa gạo phần nhiều mất đi. Người Quảng Hòa luôn tự hào khi nhắc đến bánh lá được làm từ gạo lúa mành mà họ tự cấy trồng được trước đây. Họ bảo, gạo lúa mành ăn đứt các loại gạo đắt tiền hiện nay về độ thơm ngon. Là một giống lúa 6 tháng, ruộng cạn, ruộng sâu đều sinh trưởng tốt, hạt lúa mành có hình bầu dục, không dài lắm cũng không quá tròn. Gạo có màu hồng bắt mắt, hạt to và nhất đẳng về độ thơm. Bánh lá gạo lúa mành dễ khiến người ta say sưa ăn thay bữa mà vẫn còn cảm giác thèm thuồng. Ngoài ra, có thêm giống lúa gạo đỏ mà người Quảng Hòa hay gọi là lúa nước hai (vì loại lúa này có thể phát triển được cả ở nước ngọt và nước lợ) cũng làm nên những chiếc bánh lá ngon, nhưng đó đã là chuyện của quá khứ.
Bánh lá đứng đầu bảng trong các loại bánh dễ làm. Khâu đoạn cần nhiều thời gian và tâm huyết nhất là lúc giáo bột. Bột gạo được xay ra nước, mịn tơi, người ta bắc chảo lên bếp, đổ bột vào và đảo đều, đảo khéo léo bằng cây đũa bếp. Hơi nước bốc lên, bột quánh sệt lại, thế là xong công đoạn chuẩn bị bột. Khi ấy lá gói bánh đã được lau sạch và xếp ngay ngắn trong rổ, người làm bánh chỉ việc lấy muỗng múc bột quết lên lá, bỏ thêm ít nhân bánh được làm từ thịt ba chỉ bằm mịn trộn với lá hẹ tươi với đầy đủ gia vị rồi gói lại. Bánh được hấp cách thủy, khi chín, màu xanh của lá quyện với mùi mỡ, hành, chiếc bánh mượt, trông thật hấp dẫn.
Bánh lá ăn giòn, mát, no bụng mà lại dễ tiêu, dễ làm và giá thành lại rẻ. Bánh lá không cần ăn kèm với bất cứ loại mắm nào, chỉ việc bóc ra, hít hà và thưởng thức. Câu cửa miệng của các bà Quảng Hòa nói với đứa cháu giữ nhà trước khi ra chợ đến giờ vẫn là: “Ở nhà cho ngoan rồi bà mua bánh lá cho”. Bánh lá còn là quà dành cho người già để dễ ăn. Bánh lá tiện lợi, ăn no khi lỡ bữa giữa đồng. Bánh lá làm quà cho người xa quê lâu ngày trở về, là kí ức ngày cũ khiến lòng kẻ tha phương không nguôi ngóng mong, đau đáu.
Bánh lá tuy bình thường đấy, thô kệch và xù xì đấy, nhưng vẫn có chỗ đứng trang trọng trong thẳm sâu tâm hồn người dân Quảng Hòa và các xã vùng nam thị xã Ba Đồn.
Đậm đà hương vị bánh đa cua đất cảng
Bánh đa cua từ lâu đã trở thành cái tên gắn liền với ẩm thực vùng đất cảng Hải Phòng.
Bánh đa cua ban đầu chủ yếu được làm từ những nguyên liệu bình dị vùng quê như cua đồng, bánh đa, rau muống, rau nhút... Sau này, người ta bổ sung các loại hải sản như bề bề, tôm, ghẹ, chả... Từ những thành phần đó, người dân Hải Phòng khéo léo chế biến nên một món ăn đem đến cho người ăn cảm giác ngon miệng bởi vị thanh ngọt và mát lành.
Chúng tôi ghé quán bánh đa cua Bà Cụ tại số 179 phố Cầu Đất (phường Cầu Đất, quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng) vào một ngày nắng nhiều. Theo chia sẻ của nhiều người, đây là một trong những quán bánh đa cua đầu tiên ở mảnh đất hoa phượng đỏ, đến nay hơn 50 năm tuổi và trải qua 4 đời.
Quán tuy khá đông nhưng không tạo ra sự chật chội, khó chịu cho thực khách bởi hệ thống máy điều hòa và sự bố trí hợp lý của phòng ăn. Nhân viên ở đây bận rộn liên tục. Người đặt món, người chuyển đồ, người làm bánh đa cua, rán nem, bóc tôm, giã cua...
Bánh đa cua Hải Phòng có 2 sự lựa chọn cho khách đến ăn là bánh đa cua trộn và bánh đa cua nước. Bánh đa cua nước là loại bánh màu đỏ được chần qua nước nóng, cho vào một chiếc bát to cùng với rau muống và các loại hải sản, chả cá, chả mực... rồi chan nước dùng được nấu từ cua. Với bánh đa cua trộn, bạn vẫn có đủ thành phần như vậy, chỉ khác là bát nước dùng để riêng.
Người ta nói ăn bánh đa cua là cảm nhận cái "sắc" và "vị" của món ăn. Màu nâu của bánh đa hòa trong màu vàng sóng sánh của nước dùng lẫn gạch cua, thêm với đó là những viên chả màu vàng nhạt, màu đỏ của thịt tôm hòa cùng màu xanh mướt của rau muống, rau nhút... Tất cả tổng hòa vào nhau làm cho thực khách chỉ mới nhìn thôi cũng đã thấy thèm.
Một nhân viên quán cho biết bánh đa cua được tráng khá công phu. Tất cả các khâu từ ngâm gạo, chế nước khi xay, pha bột và điều chỉnh lửa lò lúc tráng bánh... đều phải tuân thủ nghiêm ngặt để bảo đảm những sợi bánh chất lượng về mùi vị, không bị bốc mùi ẩm mốc mà còn phải có độ mỏng, mềm dẻo.
Phần nhân của bánh đa cua cũng được lựa chọn kỹ. Tôm, ghẹ hay bề bề phải tươi, chắc thịt. Cua đồng chọn loại ngon. Các loại rau ăn kèm phải tươi xanh, giòn ngọt. Bên cạnh nhân truyền thống, một số quán còn bổ sung chả lá lốt, nem rán để thêm nhiều lựa chọn cho thực khách.
Các loại nhân truyền thống trong bánh đa cua
Khi thưởng thức bát bánh đa cua, tôi nhận thấy sự khác biệt đặc trưng của bánh đa cua so với bún riêu cua. Nước dùng của bánh đa cua có màu hơi đục, khi ăn có vị ngọt thanh và đậm mùi thơm của cua đồng. Bánh đa cua cũng không có quá nhiều dầu mỡ so với bún riêu. Mỗi lần múc bát nước là mùi thơm bay khắp phòng.
Giá một bát bánh đa cua Hải Phòng khoảng từ 40.000 đồng trở lên. So nhiều món khác, giá bánh đa cua có phần nhỉnh hơn một chút. Nhưng có lẽ vì sự đặc biệt trong món ăn với phần nhân hải sản đa dạng nên bánh đa cua vẫn luôn thu hút sự quan tâm đặc biệt của những người sành ăn, không chỉ ở Hải Phòng mà khắp mọi miền đất nước.
Bánh đúc tàu và loạt món ăn chơi hấp dẫn ở Hải Phòng Thành phố hoa phượng đỏ nổi tiếng với nhiều món ăn đường phố độc đáo. Nhâm nhi bánh mì cay, sủi dìn hay giải nhiệt với dừa dầm... là những trải nghiệm ẩm thực khó quên. Có xuất xứ từ Trung Quốc, bánh đúc tàu là món ăn dân dã phổ biến ở Hải Phòng. Bánh đúc được làm từ bột gạo và...