Bánh gai làng Giá ăn một lần sẽ chẳng thể nào quên
Theo quan niệm của người dân làng Giá, bánh gai là thể hiện cho con người giao hòa với trời đất, âm dương, vì thế, công đoạn làm bánh phải thật công phu.
Bánh gai làng Giá thơm ngon – ẢNH LÊ HÀ
Nhắc tới bánh gai có lẽ nhiều người sẽ nghĩ tới bánh gai Ninh Giang (Hải Dương), bánh gai bà Thi (Nam Định) hay bánh gai tứ Trụ (Thanh Hóa), nhưng nếu một lần được thưởng thức bánh gai làng Giá – Xứ Đoài bạn sẽ chẳng thể nào quên.
Làng Giá là một vùng quê nằm bên sông Đáy thuộc xã Yên Sở (H.Hoài Đức, Hà Nội) có nghề làm bánh gai nổi tiếng lâu đời.
Về làng Giá một lần chẳng ai quên được hương vị của chiếc bánh gai mộc mạc nơi đây. Mùi lá gai thoang thoảng thơm mát, chân chất thân quen của ruộng đồng đất bãi.
Cắn một miếng là vị ngọt của bánh, thơm ngậy của vừng, bùi bùi đỗ xanh, beo béo của dừa hòa tan trong miệng.
Chọn nguyên liệu làm bánh cũng phải “sành”. Gạo làm bánh phải là gạo nếp cái hoa vàng dẻo thơm nức mũi. Đỗ xanh nhất định là loại đỗ chè, hạt nhỏ, vỏ già hơi mốc. Xục tay vào thúng đỗ nghe thấy tiếng xạo xạo, coong coong của hạt đỗ già đã tách. Có thế khi đồ lên đỗ mới bở, thơm và ngậy.
Video đang HOT
Gạo nếp ngon xay nhuyễn còn được giã lại, như thế bánh mới dẻo quyện, đến nay dân làng vẫn giữ công đoạn giã tay này. Giã xong phải rây bột kỹ, bột mềm, mịn mới đạt yêu cầu. Lá gai chọn loại lá bánh tẻ, dầy, tước bỏ xơ hoặc sống lá, rửa sạch rồi cho vào luộc chín mềm, vớt ra để ráo nước mới cho vào cối giã mịn.
Lá gai trộn với mật mía sóng sánh hòa quyện cùng nhau cho màu đen quánh, lúc này bột nếp được cho vào nhào. Càng nhào kỹ bột càng mịn, càng đen, dẻo quyện. Nhân bánh gai là đỗ xanh đồ chín, giã nhuyễn và dừa nạo sợi là loại dừa được trồng ngay tại làng Giá nên có hương vị riêng, không giống với bánh gai nơi khác. Thêm chút mứt sen hay mứt bí hoặc mỡ phần thái hạt lựu ăn quên lối về.
Gói bánh cũng công phu, cầu kỳ, gói bánh gai trong lá chuối khô người dân nơi đây còn bọc thêm một lớp lá dừa như những chiếc hộp vuông xinh xắn, xong xuôi bánh mới được đem đồ. Và khi đồ cũng rất cẩn thận chú ý, nước vừa và lửa cũng vừa để bánh chín đều.
Khi đồ nhất định không để nước trào lên bánh, như thế bánh sẽ nhão, cũng không được ít nước bởi như vậy bánh sẽ khê, lửa cũng phải vừa và đều bánh mới chín, thơm dẻo, ngọt ngon.
Cắn miếng bánh bột gạo nếp dẻo thơm dính chân răng, vị ngọt tan đầu lưỡi, sợi dừa sần sật quyện cùng đỗ xanh mịn mềm ngầy ngậy, ăn rồi nhớ mãi.
Mỗi khi ăn miếng bánh gai làng Giá lại thầm nhớ tới cái duyên dáng, mặn mà của người con gái trong câu ca: “Bánh gai làng Giá thơm ngon/Con gái làng Giá tươi giòn sắc xuân”.
Ngọt lành bánh gai Tân Quang
Ngã ba Tân Quang, xã Tân Quang, huyện Bắc Quang, Hà Giang. Trên hành trình xa lắc giữa trời đông giá rét được dừng chân nhẩn nha chiếc bánh gai bên cốc chè xanh bốc khói thật không gì ngon bằng.
Mỗi khi có xe dừng chân, những hàng bánh gai lại nhộn nhịp khách mua bán - Ảnh: V.N.A.
9g sáng, xe dừng ở ngã ba Tân Quang, xã Tân Quang, huyện Bắc Quang, Hà Giang. Hành trình còn xa lắc nên anh lái xe bảo mọi người tranh thủ nghỉ ngơi chốc lát để tiếp tục lên đường. Phố nhỏ, những cửa hàng be bé và mấy hàng nước kê sẵn mấy chiếc ghế đơn sơ cho khách đường xa nghỉ ngơi, uống chè xanh.
Mọi người trên xe ùa xuống, vài người nhanh nhảu với tay lấy mấy xâu bánh lá trên khay cô bán hàng bên đường vừa lấy từ trong nồi ra còn bốc khói hít hà. Mấy bạn nam còn nhanh hơn, bóc ngay lớp lá bên ngoài nhai ngon lành.
Lúc này tôi mới để ý thấy những xâu bánh treo lủng lẳng trên móc treo ở các quầy hàng trông hấp dẫn mời gọi.
"Thử đi. Bánh gai Tân Quang đấy. Đặc sản làng Mộc Lạn xứ này. Không giống ở đâu đâu", bạn đưa cái bánh một hai bảo tôi thử cho bằng được.
Với dân thích xê dịch và sành ăn, bánh gai làng Mộc Lạn, xã Tân Quang có tiếng từ xưa. Nhưng cũng như nhiều làng nghề trải qua một thời mai một, thăng trầm, chỉ khoảng mươi, 15 năm trở lại đây khi đường sá đi lại thuận tiện, thông thương nhiều hơn, tiếng tăm món bánh đặc sản Tân Quang mới được nhiều người biết đến.
Những chiếc bánh gai trông rất ngon mắt - Ảnh: V.N.A.
Cũng với những nguyên liệu truyền thống như bánh gai ở miền xuôi như gạo nếp, lá gai, đậu xanh... nhưng để có được chiếc bánh gai thơm ngon, mang mùi vị đặc trưng của núi rừng, người dân làng Mộc Lạn thường chỉ sử dụng lá gai và lá chuối rừng của vùng này.
Xưa để làm bánh, người dân phải đi sâu vào rừng hái lá gai mang về. Sau này nhiều gia đình đã tự trồng luôn cây lá gai ở vườn nhà, có hộ chuyên trồng để bán cho các hộ làm bánh. Lá gai và lá chuối rừng sau khi thu hoạch mang về rửa sạch, phơi khô và cất trữ để sử dụng quanh năm.
Làm bánh gai cực lắm, ai cũng nói vậy. Lá gai mang về sau khi phơi khô phải giã nhuyễn rồi nấu cho cô đặc khoảng một ngày. Gạo nếp ngâm nước ba giờ xong để ráo xay thành bột rồi mới lấy bột này trộn với bột lá gai để cho ra màu đen tuyền.
Đậu xanh đã đãi vỏ nấu chín rồi ngào đường và dừa bào sợi... Sau khi bao bột bánh vào nhân mới đem gói trong lá chuối phơi khô hấp khoảng ba giờ cho bánh chín.
Đi dọc tuyến phố Tân Quang những ngày nhiều xe du lịch dừng chân nghỉ ngơi hoặc đi sâu vào làng nghề, có thể cảm nhận được hương vị của đậu xanh ngào đường, của lá gai và lá chuối rừng dân dã quanh quẩn.
"Làm bánh gai cực lắm nhưng giờ nuôi sống được nhiều hộ dân ở Tân Quang này rồi", chị Hương chủ hàng bánh vừa thoăn thoắt cho mấy xâu bánh vào túi nilông cho khách vừa nói khi nghe hỏi.
Sau lớp vỏ bánh đen tuyền lộ ra lớp nhân đậu xanh vàng ươm - Ảnh: V.N.A.
Mở chiếc bánh gai còn ấm nóng, bẻ một miếng bánh, sau lớp bột đen tuyền lộ ra lớp nhân đậu xanh vàng ươm. Đưa miếng bánh vào miệng sẽ cảm nhận đủ mọi hương vị thơm ngon của vỏ bánh, vị ngọt xen lẫn chút bùi bùi của nhân bánh.
Giữa trời đông giá rét, nhẩn nha thưởng thức chiếc bánh bên cốc chè xanh bốc khói thật không gì ngon bằng.
Hà Giang: Vị riêng món bún vịt của người Tày Ẩm thực của đồng bào Tày ở Hà Giang phong phú như bánh gai, bánh chuối, bánh trứng kiến, xôi ngũ sắc... và đặc biệt, trong đó, món bún vịt là món "điểm tâm sáng" nổi tiếng được bà con địa phương và du khách yêu thích tìm đến mỗi khi có dịp lên thăm vùng cực bắc của tổ quốc. Tại sao...