Bánh cuốn Cao Bằng mùa nào cũng ngon
Cao Bằng mang trong mình nhiều nét ẩm thực đa dạng, phong phú. Đặc biệt là món bánh cuốn cùng hương vị thanh khiết được xem như nét văn hóa của người địa phương…
Đến Cao Bằng nhất định phải ăn bánh cuốn
Lần đầu đặt chân đến Cao Bằng, có một món ăn mà bạn không thể bỏ qua, đó là bánh cuốn. Đối với người Cao Bằng, họ tự hào giới thiệu món ăn đặc sản này tới bạn bè và khách du lịch như một nét văn hóa. Sự khác biệt của bánh cuốn Cao Bằng với những món bánh cuốn khác là hương vị lạ, hấp dẫn nằm ở nước canh ăn cùng bánh.
Khí hậu ở vùng cao vào mùa đông lạnh hơn so với bình thường nên người Cao Bằng (chủ yếu là dân tộc Tày) thích ăn những món nóng để tốt cho dạ dày và hệ hô hấp. Bánh cuốn là sự lựa chọn hợp lý cho bữa sáng nhiều năng lượng, hay cho bữa tối để giảm cân.
Để có được bánh cuốn ngon để lại đúng hương vị, người ta chọn gạo Đoàn Kết. Đây vốn là một giống lúa có thể trồng được ở nhiều nơi, nhưng đặc biệt chỉ khi trồng ở Cao Bằng mới cho ra gạo làm bột bánh hảo hạng. Đó cũng là lý do để bánh có đươc độ dẻo, khi tráng có màu trắng khác lạ, nó không trắng đục như bánh ở nơi khác. Sau công đoạn ngâm gạo và xay bột, bánh cuốn sẽ được tráng trên nồi hấp. Những miếng bánh trắng và trong được làm chín bằng hơi nước và cho thêm thịt băm làm nhân. Nhiều nơi theo khẩu vị của khách có thể trộn thêm mộc nhĩ cùng với thịt băm. Thịt băm ngon thường thì nhà hàng sẽ chọn thịt thăn lợn, một con lợn ngon đương nhiên là loại lợn được nuôi tự nhiên, không có các chất tăng trọng.
Bánh cuốn Cao Bằng thường được ăn kèm với giò. Giò được làm từ phần thịt mông, được giã tay và nêm gia vị sao cho vừa vặn. Thịt sau khi được giã nhuyễn thì gói bằng lá chuối thành những miếng vừa ăn và hấp chín. Khi ăn cùng bánh cuốn nóng hổi thì thật khó diễn tả cảm giác ngon miệng. Ngoài hương vị truyền thống, việc cho thêm trứng vào món bánh là gợi ý khá thú vị cho thực khách. Trứng được đập thẳng vào bánh, còn nguyên hoặc đánh tan lòng đỏ tùy theo nhu cầu của mỗi người. Bánh cuốn thường được ăn cùng với măng ớt chua cay đặc biệt của vùng núi phía Bắc. Nếu may mắn, trong một lần thưởng thức có thể bạn sẽ được ăn bánh trứng có 2 lòng đào.
Với những quán đông khách, cuốn bánh bằng tay sẽ nhanh và dễ hơn
Video đang HOT
Bát bánh cuốn trứng trần và đĩa bánh đầy nhân thịt bên trong
Bánh cuốn ăn với nước canh
So với các loại bánh cuốn ở địa phương khác, bánh cuốn Cao Bằng lại ăn nước canh thay vì nước chấm. Nước canh bánh cuốn phải dùng xương ống, được lựa chọn kỹ càng, sau đó ninh khoảng 16 tiếng mới ra nước ngọt đậm tự nhiên. Khi ninh nhừ xương, nước canh hầm ngoài cung cấp các Axit amin vô cùng có lợi cho sức khỏe, còn chứa Glutamate ở mức độ cân bằng, một chất sinh học kích thích não bộ giúp ta cảm thấy ngon miệng. Cách để ăn ngon miệng nhất là nên ăn lúc bánh còn nóng, như thế mới tận hưởng trọn vị của bánh, vị tươi ngon của nhân và cùng với nước canh đậm vị. Cảm giác vừa ăn vừa chờ bánh ra sẽ khiến thực khách cảm thấy muốn ăn nhiều hơn thế.
Bánh cuốn Cao Bằng giờ đây không chỉ bó hẹp tại địa phương mà còn được lan tỏa nhiều vùng miền. Để thưởng thức, đảm bảo mùi vị chuẩn của món bánh cuốn Cao Bằng thì không phải quán nào cũng làm được. Phải tìm hiểu đúng quán của người gốc Cao Bằng sẽ ngon hơn. Không những vậy, món bánh cuốn còn nhận được phản hồi tích cực từ nhiều người đang sinh sống tại Sài Gòn và Hà Nội. Bánh lạ mà ngon, thẩm mĩ đẹp hấp dẫn càng dễ chinh phục được khẩu vị của nhiều thực khách.
Hiện tại nhiều quán bánh cuốn Cao Bằng đã có mặt trên các ứng dụng đặt món ăn trên điện thoại thông minh. Bất kể bạn ở đâu cũng có thể đặt món ăn và thưởng thức. Việc làm món bánh cuốn tại nhà cũng không quá khó, chỉ cần tỉ mỉ trong từng công đoạn là sẽ tạo ra món bánh cuốn Cao Bằng hấp dẫn và có thể sẽ hợp với khẩu vị của gia đình. Thậm chí nó sẽ ngon hơn nữa nếu bạn biết cách gia giảm gia vị.
Bánh cuốn trứng hai nhân trong một quả
Bánh cuốn trứng giò đã đầy đủ gia vị
Bánh cuốn Cao Bằng
Bánh cuốn là một trong những món ăn phổ biến nhất ở cả hai miền Nam Bắc. Tuy nhiên, ai từng một lần tới mảnh đất Cao Bằng, ắt hẳn không thể quên hương vị của món bánh cuốn nơi đây.
Bánh cuốn Cao Bằng có hương vị rất riêng, cách làm và cách thưởng thức cũng nhẹ nhàng, bình dị gần gũi với cuộc sống của người dân miền núi.
Bánh cuốn nóng Cao Bằng có công thức chế biến bước đầu cũng không khác gì món này ở những nơi khác. Để làm được bánh cuốn, khâu đầu tiên là chuẩn bị nguyên liệu chính, đó là gạo. Nếu gạo không ngon, bánh sẽ không trắng, mịn, có mùi thơm đặc trưng. Quá trình chọn gạo quyết định mùi vị đặc biệt đó đòi hỏi sự lão luyện của những bậc thầy và công phu hiểu biết của những người làm nghề. Những người bà, mẹ, chị người Cao Bằng đều thạo việc chọn gạo. Thú vị là do đặc thù địa hình và thời tiết, gạo Cao Bằng ngon, bùi, tương đối dễ chọn lựa.
Gạo đem về ngâm, vo sạch rồi đem xay ướt; trước đây, phải xay bằng cối đá, xay tay nhưng hiện nay phần lớn là xay bằng máy. Bột nước xay xong phải sánh, dẻo, không được đặc quá và cũng không loãng đảm bảo bánh vừa dai và mềm. Bột bánh ăn không thấy vị chua vì người ta chỉ dùng bột gạo xay nhuyễn bằng cối xay tay, không cho thêm bất cứ phụ gia gì, cái độc đáo là ở chỗ đó.
Bánh cuốn nóng Cao Bằng (Ảnh: TL)
Bánh cuốn Cao Bằng vốn là thứ quà sáng nên từ 4 - 5 giờ sáng, các hàng làm bánh cuốn đã mở cửa, nhóm lò, bày biện chuẩn bị đón khách. Bên bếp lò đỏ rực, nồi nước bắt đầu sôi, người bán mở vung nồi, nhanh tay múc một muôi bột tráng đều lên mặt khuôn rồi đậy vung lại, khoảng 2 phút mở vung ra, khói bay nghi ngút, dùng thanh tre mỏng khéo léo lấy bánh lên khỏi khuôn bỏ lên mâm, rồi lại múc một muôi bột đổ lên khuôn. Bánh trên mâm được rải đều một lớp thịt bên trong và cuốn lại cho ra đĩa.
Ngon và hấp dẫn hơn cả là bánh cuốn trứng, khi bánh đang trên khuôn, người tráng đập quả trứng gà vào giữa khuôn bánh rồi đậy vung lại, bánh chín cuộn bọc lấy lòng đỏ trứng gà, vuông vắn trên khuôn, dùng muôi lấy vào bát cho khách. Khi ăn, thực khách cảm nhận vị ngọt xương hầm hòa quyện với hương vị hành, vị thơm của thịt phi hành, vị dai của bánh trong nước dùng. Nhiều du khách phương xa lần đầu tiên ăn bánh cuốn với canh cảm thấy thật lạ lẫm nhưng khi thưởng thức ai cũng khen ngon bởi vị đậm đà, tinh tế khác xa so với nơi khác.
Ngon và hấp dẫn hơn cả là bánh cuốn trứng (Ảnh: TL)
Bánh cuốn ngon có một phần chính yếu ở nồi nước dùng. Điều khác biệt của bánh cuốn nóng Cao Bằng là chiếc bánh tráng xong, cuốn lại gọn và đẹp mắt, không phải ăn với nước mắm pha chua ngọt như ta thường thấy, mà sẽ được thả vào một bát nước hầm xương nóng sốt, ăn kèm với chả lụa, chả cây. Bát nước canh múc ra cho thêm một thìa thịt băm, tiêu và thêm một ít rau mùi, hành; tùy theo khẩu vị, người ăn có thể cho thêm ớt ngâm mắc mật, mắm, chanh... sau đó thả bánh vào ăn nóng.
Để cho hương vị đậm đà và độc đáo hơn, bánh cuốn nóng Cao Bằng thường được ăn chung với quả mắc mật muối chua. Cắn một miếng bánh cuốn tráng trứng thơm lừng, thêm vào miệng một miếng chả lụa béo ngậy, húp thêm ngụm nước dùng nóng hổi, rồi nhấp nhẹ một quả mắc mật vàng um vị chua chua. Các hương vị ngọt, béo, thơm, cay, chua... hòa quyện với nhau, quả là một món ăn khó có thể quên.
Ở Cao Bằng, bánh cuốn là hàng quà phổ biến đến mức, ra đường bất cứ giờ nào trong ngày cũng đều thấy bánh cuốn, đặc biệt là buổi sáng. (Ảnh: TL)
Đặc biệt, khi thưởng thức bánh cuốn Cao Bằng không được vội, người tráng bánh tay thoăn thoắt phục vụ từ 3 - 4 khách một lúc, nhưng người ăn thì cứ từ từ, một phần do nước canh nóng, phần thì chờ đến lượt. Khách đến trước ăn trước, khách đến sau ăn sau; nếu có trẻ nhỏ thì nhường cho ăn trước. Không có khách, người bán rút củi bớt khỏi lò, không tráng vì bánh cuốn phải ăn nóng mới ngon. Có người thích xắn miếng ngay trong đĩa, thả dần vào canh ăn như bánh cuốn chấm dưới xuôi, thường người ta thả bánh cuốn ăn ngay trong bát, có thể dùng thìa ăn, hoặc gắp bằng đũa; có người lại thích ăn bánh không có nhân thịt..
Ở Cao Bằng, bánh cuốn là hàng quà phổ biến đến mức, ra đường bất cứ giờ nào trong ngày cũng đều thấy bánh cuốn, đặc biệt là buổi sáng. Vào mùa Đông, món này lại còn trở nên tuyệt hảo hơn. Hầu như ai cũng ăn sáng bằng bánh cuốn, từ con nít, người trẻ đến người già. Những hàng bánh cuốn ở Cao Bằng thường "quảng cáo" bằng một cái bảng gỗ sơ sài "Bánh cuốn" và bạn sẽ tìm mỏi mắt không thấy cô hàng bán bánh ngồi ở đâu. Thì ra, khác với thành phố, hàng bánh ở đây nằm hẳn trong nhà, cô bán hàng ngồi cạnh cái nồi đổ bánh, gia vị, giò chả, chén đũa bày trên một cái bàn dài bằng gỗ, xung quanh kê một, hai cái ghế băng thấp thấp, thực khách cứ thế xì xụp vừa thổi vừa ăn.
Dẫu không phải là một miền đất có nền văn hóa ẩm thực cầu kỳ và nổi tiếng, Cao Bằng vẫn mang trong mình những nét riêng, tuy nhỏ bé giản đơn nhưng cũng thật độc đáo và riêng biệt. Và món bánh cuốn nóng chính là một trong những nét độc đáo chỉ riêng có ở Cao Bằng. Nếu có dịp đến đây, đừng quên thưởng thức một lần bạn nhé!
Lê Thành Hợp
Những món bánh cuốn ngon "nức tiếng", các tín đồ ăn uống không nên bỏ qua Bánh cuốn là một món ăn quen thuộc, mang dư vị truyền thống quen thuộc, chẳng mấy ai là không "nghiền". Ấy thế nhưng cứ mỗi vùng miền lại có một có cách biến tấu riêng cho món ăn này, làm món ăn vốn đã thân quen càng trở nên càng thêm phần hấp dẫn. Bánh cuốn được làm từ bột gạo rồi...