Bánh cam – Bánh còng
Bánh cam bánh còng một đồng hai cái/Con gái chưa chồng đi bán bánh cam…!
Ảnh minh họa do tác giả tuyển chọn.
“Ai ăn bánh cam, bánh còng….hô….ô…ông !”
Trẻ con ngày nay dường như không mấy mặn mà trước tiếng rao ấy của người bán hàng rong, còn lũ trẻ chúng tôi cách đây chỉ mươi năm, món ăn dân dã ấy – bánh cam, bánh còng mới thật quyến rũ làm sao…!
Ngày đó, mỗi khi nghe người bán cất tiếng rao ngoài đầu ngõ là anh em chúng tôi đã vòi vĩnh xin cha mẹ, ông bà vài đồng lẻ để mua cho bằng được cái bánh cam hoặc bánh còng.
Đó là loại bánh được làm bằng bột nếp, bột gạo (có người còn cho thêm ít khoai lang trong phần pha chế bột bánh), ở giữa có nhân (đậu xanh hấp chín tán nhuyễn với đường), được chiên vàng ruộm, trên mặt bánh được áo một lớp đường (hoặc mạch nha) ngọt lừ vàng óng và thơm nức mùi mè rang.
Đặc biệt là phần nhân và phần vỏ bánh tách bạch chứ không dính vào nhau. Thường được bán chung với bánh cam là bánh còng, cũng cùng loại bột như bánh cam, nhưng được nắn thành một vòng tròn ở giữa như chữ O và không có nhân…
Kiểu nào đi chăng nữa thì khi chiên xong, cắn phập vào bánh cam hay bánh còng cũng giòn rụm, ngọt lịm khiến trẻ con mê tơi! Điều tạo nên sự hấp dẫn ở loại bánh này là có thể giòn rất lâu chứ không ỉu như một số loại bánh chiên khác.
Video đang HOT
Có lẽ do bánh có hình dáng gần giống với quả cam nên được gọi là bánh cam, còn bánh còng thì giống với chiếc còng đeo tay nên được gọi là bánh còng?! Với lời giải thích ấy, thì lũ trẻ chúng tôi không còn thắc mắc gì, và cho dù người lớn có dọa “sâu ăn răng” vì ăn ngọt thì chúng tôi vẫn không ngần ngại mà từ chối món quà rong hấp dẫn này.
Thích nhất là khi được cầm cái bánh cam trên tay lắc lắc để nghe tiếng nhân bánh chạy lọc xọc, lục cục bên trong. Sau khi chơi chán thì mới nhấm nháp từng chút một (vì sợ… hết). Có đứa thích cắn từng miếng bánh có đủ đường, bột giòn và nhân đậu xanh để thưởng thức cả vị béo, ngọt, bùi của bánh.
Nhưng có đứa lại “cắc cớ” với kiểu ăn chỉ cắn một miếng vỏ bánh, sau đó lè lưỡi liếm lớp đường vừa giòn vừa dẻo bên trên, rồi lại cắn một ít nhân bánh. Và đôi khi, vì sơ ý, để rồi cả phần nhân bánh rơi xuống đất trong sự tiếc rẻ, thèm thuồng…
Ngày nay, người ta còn chế biến thêm loại bánh cam áo bên ngoài là lớp đường cát trắng, trông “sang” thật, nhưng lại không hấp dẫn bằng bánh cam đường mạch nha.
Miếng bánh cam mạch nha khi cắn vào sẽ nghe tiếng lớp mạch nha vỡ ra giòn tan, tiếp theo là tiếng bột giòn rụm, thơm nức mùi mè beo béo và trong cùng là nhân đậu xanh ngọt mềm…
Chỉ đơn giản thế thôi, nhưng bánh cam, bánh còng mãi là một món ăn lý thú trong ký ức tuổi thơ của tôi !
Bánh cam, món quà quê ngon miệng
Đây là món quà quê gắn liền với tuổi thơ của rất nhiều người. Trong những buổi chiều mát trời, bánh cam là món ăn vặt ngon miệng mà bạn khó có thể bỏ qua.
Nguyên liệu: - 200 g bột nếp; 200 g đậu xanh không vỏ; 20 g khoai lang trắng. - 100 g vừng; đường; dầu ăn. Cách chế biến:
- Khoai lang luộc chín, gọt vỏ, tán nhuyễn; bột nếp nhồi mịn, tiếp đến trộn khoai lang và bột nếp lẫn vào nhau, nhồi đến khi dẻo, mềm, mịn là được.
- Đậu xanh hấp chín, tán nhuyễn với đường, vừng để làm nhân.
- Vo bột nếp thành từng viên nhỏ, ấn dẹp, cho phần nhân vào giữa rồi vo tròn lại.
- Sau khi làm phần bánh, lăn qua vừng rang để vừng dính đều bên ngoài bánh.
- Đun sôi dầu, cho bánh vào chiên vàng giòn đều.
- Bánh cam chiên vàng giòn bên ngoài, mềm dẻo bên trong vừa đẹp mắt vừa ngon miệng.
- Nếu thích, bạn có thể thắng nước đường rồi rưới lên bên ngoài chiếc bánh làm tăng thêm sức hấp dẫn cho món quà quê này.
Bản đồ ẩm thực: Kẹo dồi lạc vừng món quà quê đất Hải Dương Bên cạnh đặc sản bánh đậu xanh nổi tiếng, Hải Dương còn là nơi sản xuất kẹo dồi lạc vừng trứ danh mang đậm dấu ấn của quê hương xứ sở, gắn bó sâu đậm với tuổi thơ của người dân nơi đây. Thực chất, kẹo dồi có xuất xứ từ huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định rồi theo chân người dân Thành...