Bánh bao thức quà giản đơn khi gió đông về!
Khi đất trời chuyển lạnh, những cơn gió mùa đầu tiên chạm ngõ Hà Nội cũng là lúc người ta thấy nhơ nhớ những chiếc lồng hấp ăm ắp khói ven đường mỗi sớm mai đi học, đi làm hay chiều tan tầm…
Người Hà Nội ăn bánh bao không phân biệt giờ giấc. Khi là bánh bao cho bữa sáng vội, khi là bánh bao xua đi cơn đói buổi chiều, khi lại là bánh bao cho bữa đêm đi chơi về muộn. Nhưng ngon nhất, nhẩn nha nhất phải là bánh bao cuối giờ chiều, khi thong dong trên đường về nhà, giữa lưng chừng nhộn nhịp lại muốn dừng chân mua một chiếc bánh bao rồi ngồi ngắm đường, ngắm phố.
Muốn thưởng thức chiếc bánh bao truyền thống ngon nhất phải tìm về những hàng vừa làm bánh, vừa bán. Những chiếc bánh làm công nghiệp đều tăm tắp, vỏ mỏng, trắng tinh nhìn thì đẹp nhưng ăn vào chẳng hiểu sao vẫn thấy buồn tẻ kinh khủng! Bánh bao ngon phải được làm hoàn toàn thủ công, từ khâu nhào bột, ủ bột rồi nhồi nhân, hấp bánh. Ẩn sau lớp vỏ xù xì là vị ngọt thoảng, xốp, nhẹ và thơm lừng mùi bột mới. Bánh bao hơn nhau ở phần vỏ, bánh ngon phải có phần vỏ mềm, hơi ngả vàng, chạm vào đầu lưỡi như muốn tan ra ngay. Tỉ lệ vỏ bánh và nhân cũng được tính toán rất khéo để ăn chiếc bánh bao không bị quá “bứ” vì nhiều vỏ, nhưng cũng đủ ôm trọn phần nhân vô cùng hấp dẫn bên trong.
Bánh bao nhân thịt ở Hà Nội cũng có muôn vạn kiểu nhân, khi thì chỉ là thịt băm, mộc nhĩ, miến băm nhỏ, thêm quả trứng cút; khi thì lại đầy đặn hơn với một miếng lạp xường, điểm xuyết thêm cả vị mằn mặn bùi bùi của trứng muối. Mỗi chiếc bánh bao như một món quà kì diệu, cắn lớp vỏ ra mới khám phá được hết hương vị bên trong. Bánh bao nhân thịt ngon nhất giờ phải kể đến bánh bao Lương Văn Can hoặc số 146 Quán Thánh, Hà Nội – những nơi vẫn trung thành với hương vị bánh bao làm thủ công và bán hết trong ngày chứ không để sang ngày hôm sau nên luôn giữ được độ tươi của phần nhân và độ xốp nhẹ của vỏ bánh. Nhiều người có tuổi hoặc ưa hoài cổ vẫn giữ thói quen tìm đến đúng hàng này để ăn bánh bao, như một cách thưởng thức quà Hà Nội bình dị, giản đơn mà vẫn đúng “chất”. Bác Trung (Hà Nội) chia sẻ: “Thỉnh thoảng đi làm về bác vẫn ghé qua hàng bánh bao ở Lương Văn Can để mua bánh bao về cho cả nhà ăn. Tuy không còn quá nóng nhưng vỏ bánh vẫn xốp, mềm và đặc biệt là nhân trứng muối bên trong rất ngon mà không bị tanh.”
Video đang HOT
Một nhánh nhỏ của bánh bao truyền thống phải kể đến bánh bao chay. Bánh bao chay giờ bán ít hơn, nhưng về độ hấp dẫn thì cũng không hề kém cạnh. Đôi khi đi đường lại thấy nhơ nhớ những chiếc bánh bao hình “con sâu” cuộn mình đủ màu sắc, rẻ thôi nhưng cũng đủ làm nức lòng lũ trẻ con mỗi chiều đi học về…
Giờ chiếc bánh bao không chỉ là thức quà ăn lúc đói nữa, đôi khi nó còn là món ăn chơi nhẩn nha trong bữa trà chiều. Dạo gần đây ở Hà Nội rộ lên “mốt” bánh bao kim sa, là một loại bánh bao nhân trứng sữa, ngòn ngọt, ngầy ngậy rất thú vị. Bánh bao kim sa cũng là một loại điểm tâm của người Trung Quốc và một số nước Đông Nam Á, có phần vỏ vàng ươm, ngọt nhẹ, nhỏ hơn bánh bao thường, khi xé ra phía bên trong phần nhân trứng sữa (đôi chỗ còn cho thêm trứng muối để tăng vị bùi và giảm ngấy) trào ra quện với phần vỏ ngoài, tất nhiên dùng khi còn nóng sẽ ngon hơn. Bánh bao kim sa có thể dễ dàng tìm thấy tại các phố Hòa Mã, Quán Sứ, Quang Trung,…
Trời lạnh hơn chút nữa, người ta lại thấy nhơ nhớ món bánh bao chiên. Cũng là bánh bao hấp bình thường thôi, chỉ khi có khách, người ta mới bỏ vào chảo dầu sôi, chiên cho vàng ruộm lớp vỏ ngoài. Bánh chín ăn được cắt ra làm tư, ẩn sau lớp vỏ bên ngoài giòn tan là phần ruột bên trong vẫn mềm, ẩm đến khó tin. Bánh bao chiên ngấy hơn, nên nhiều nơi chọn ăn kèm với nước chấm chua ngọt ngâm kèm vài lát đu đủ.
Người Hà Nội hiện vẫn đánh giá bánh bao chiên ngon là phải đến phố Hàng Giấy, hoặc lạ hơn là bánh bao “khó tính” ở Nguyễn Trường Tộ. Hàng bánh bao kì lạ này chỉ bán mỗi người “tiêu chuẩn” là ba chiếc, muốn ăn nhiều hơn cũng không bán thêm. Chị chủ quán chia sẻ: “Bánh bao chiên nhanh ngán, ăn vậy là vừa đủ rồi, còn có hứng quay lại lần sau”. Chiếc bánh bao tròn, không ngấm mỡ, phần vỏ mỏng và ngọt hơn một chút, phía trong là nhân đầy đặn với trứng cút, mộc nhĩ và thịt, dầm khẽ trong bát nước chấm để phần vỏ ngấm vị chua ngọt, vừa giòn, vừa nóng. Mùa đông bỗng dưng thấy ấm áp hơn bao nhiêu!
Theo Amthuc365.
Về Hội An đừng quên ăn bánh bao và bánh vạc
Bánh bao, bánh vạc là hai loại bánh có nguyên liệu cũng như cách làm gần giống nhau, thường ăn chung trên một đĩa.
Hội An không chỉ đẹp bởi nét trầm lắng, cổ kính mà còn hấp dẫn bởi văn hóa ẩm thực nổi tiếng. Cùng với "bộ sưu tập" các món ăn nức tiếng xa - gần như cơm gà bà Buội, bánh mì madame Khánh, cao lầu phố Hội... đã lọt vào những trang bình chọn ẩm thực đặc sắc của thế giới; Bánh bao, bánh vạc cũng là "món bản quyền" của vùng đất này mà ai đã có dịp thưởng thức đều không dễ quên tên gọi cũng như sự tỉ mỉ, công phu của món ăn.
Bánh bao, bánh vạc là hai loại bánh có nguyên liệu cũng như cách làm gần giống nhau và thường ăn chung trên một đĩa thì mới đúng điệu, đậm đà. Đến Hội An, muốn dùng thử món đặc sản này, bạn hãy ghé nhà hàng Hoa Hồng Trắng trên đường Hai Bà Trưng. Tại đây, bạn không chỉ được thưởng thức hai món bánh ngon với tên gọi độc đáo mà còn được tận mắt chứng kiến quá trình làm bánh khéo léo, công phu của họ.
Bánh được làm từ bột gạo, nhưng rất tỉ mỉ từ khâu chọn gạo đến nặn bánh. Để bánh có vị ngọt bùi, mặt bánh trắng, láng mướt, cần phải kỹ từ khâu chọn gạo. Đó là loại gạo lúa mới, thơm dẻo, xay xong lọc nhiều lần qua nước. Bột tuyệt đối không bỏ chất tẩy trắng và cũng không sử dụng hàn the. Sau đó, bột được nhồi thành những hình thuôn dài; Xoay xoay vài vòng sẽ nhanh chóng ra một miếng bột nhỏ xíu. Từ miếng bột đó, họ vê nhẹ theo vòng tròn thành vỏ bánh mỏng xinh.Nhân bánh vạc được làm từ tôm đất giã nhuyễn trộn với một ít tiêu, tỏi, hành, sả cùng những gia vị bí truyền.
Nhân bánh bao được làm từ thịt heo, mộc nhĩ, hành lá thái mỏng rồi cũng xào cùng gia vị bí truyền. Phải chăng gia vị này cũng là một nguyên nhân khiến bánh bao, bánh vạc chỉ có thể ăn ngon ở Hội An? Sau khi có nhân bánh, người ta cho nhân vào giữa vỏ bánh rồi túm lại thành hình quai vạc để làm bánh vạc và viền nhẹ vỏ bánh thành hình dáng như hoa hồng để làm bánh bao. Nhẹ nhàng xếp bánh vào nồi hấp cách thủy, chừng 15 phút bánh chín có màu gạo trắng, mềm dai.
Cùng với công đoạn làm bánh tỉ mỉ, việc pha chế nước mắm cũng phải hội tụ đủ ba vị chua, cay, ngọt. Vị ngọt vừa đủ, không quá chua và đặc biệt ớt dầm vào bát nước mắm phải vừa là ớt xanh và đỏ. Có như vậy bát nước mắm mới thơm nồng và có màu vàng sóng sánh.
Bánh bao, bánh vạc giờ đã có tên trong những món đặc sản mà các sách du lịch giới thiệu cho du khách khi đến Hội An bằng cái tên kiêu sa, thanh thoát như chính hương vị và hình dáng khi xếp ra đĩa của nó: Bánh hoa hồng trắng và "tên Tây" là white rose. Những chiếc bánh nho nhỏ, xinh xinh tựa những đóa hồng trắng được điểm xuyết màu xanh của rau, chút đỏ hồng của ớt và chút hành phi vàng óng đã khơi gợi trí tò mò của không ít du khách.
Thưởng thức miếng bánh với vị ngọt của nhân thịt tôm, giai giòn của vỏ bánh, thơm của hành phi, cay cay, mặn mặn của ớt và nước mắm...; chắc hẳn "món bản quyền" của Hội An không chỉ níu chân du khách một lần.
Theo Giaothong
Cách làm món bánh bao vừa mềm vừa thơm cho bữa sáng nhẹ nhàng, ấm bụng ! Hướng dẫn cách làm món bánh bao vừa mềm vừa thơm cho bữa sáng nhẹ nhàng, ấm bụng: Bánh bao là món ăn rất nhẹ nhàng, vô cùng đa zi năng, có thể là bữa sáng, hoặc bữa xế chiều hoặc bất cứ khi nào nổi hứng. Trong bài viết ngày hôm nay, mình sẽ chia sẻ tới các nàng cách làm món...