Băng tội phạm chuyên làm giấy khống để chiếm nhà
Công an Q3, TPHCM vừa gửi thông báo truy tìm hai kẻ lừa đảo đến các đơn vị nghiệp vụ. Lợi dụng hạn chế pháp luật của gia chủ, chúng lừa họ ký khống vào tờ giấy trắng, sau đó tự thêm nội dung thành “giấy nhận vàng bán nhà” rồi dùng khởi kiện đòi tài sản…
Nguyễn Văn Bình, Phạm Hoàng Long
“GIAO” VÀNG RỒI… “BIẾN”
Ngày 23-12-2010, chị Tô Thị Hồng Yến (SN 1981, thường trú xã Nhơn Đức, Nhà Bè) bất ngờ nhận được giấy mời của TAND quận 3 yêu cầu đến giải quyết việc tranh chấp hợp đồng mua bán nhà số 348/33 Cách Mạng Tháng 8, P11Q3 theo đơn khởi kiện của ông Nguyễn Văn Bình (SN 1970, ngụ ấp 3, xã Tam Phước, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre). Chị Yến nghĩ tòa nhầm lẫn vì chị không hề biết ông Bình là ai và cũng chẳng có ý định bán nhà. Tới nơi, chị Yến được cán bộ tòa cho xem chứng cứ duy nhất ông Bình đưa ra là “giấy nhận vàng bán nhà” lập ngày 10-3-2010, nội dung chị Yến bán căn nhà nêu trên cho ông Bình với giá 40 lượng vàng SJC và đã nhận đủ, cam kết bàn giao tài sản trong vòng một tháng, nếu chị Yến vi phạm hợp đồng phải bồi thường gấp đôi.
Nhìn chữ ký trong “giấy nhận vàng bán nhà”, chị Yến xác định của mình, còn nội dung thì hoàn toàn giả mạo vì nhà này của người cô ruột chị cho nhưng chưa sang tên chủ sở hữu do bị kẻ gian lừa lấy hết giấy tờ. Suy ngẫm lại, chị Yến nhớ ra cách đây hơn một năm chị có nhờ Phạm Hoàng Long (SN 1967, ngụ P8Q3) chuyên nhận dịch vụ làm hồ sơ nhà đất (văn phòng nằm trên đường Nguyễn Hữu Thọ, P. Tân Hưng, Q7) làm thủ tục tặng, cho nhà. Qua tiếp xúc, ông Long kêu không sang tên chủ quyền bằng hình thức tặng, cho được mà phải lập hồ sơ chuyển nhượng. Do hạn chế pháp luật nên chị Yến nghe theo. Sau khi nhận hai triệu đồng tiền phí, ông Long bảo chị giao hết bản chính các loại giấy tờ liên quan cho ông giữ để soạn hợp đồng. Sáng 10-3-2010, ông Long đưa hợp đồng chuyển nhượng nhà, ghi giá mua bán là 380 triệu đồng cho hai cô cháu chị Yến ký tên. Trước khi ra công chứng, ông Long lấy ba tờ giấy trắng khổ A4 bảo chị Yến ký, ghi đầy đủ họ tên bên phải phần giữa tờ giấy. Chị Yến thắc mắc thì Long giải thích “làm vậy để được công chứng nhanh!”. Ngoài “sổ hồng”, ông Long giữ luôn bản chính hợp đồng chuyển nhượng nhà, biên lai nộp thuế trước bạ… hẹn chiều cùng ngày đi đăng bộ xong sẽ giao lại, nhưng sau đó đã bỏ trốn.
Video đang HOT
Trở lại việc giải quyết đơn khởi kiện của Nguyễn Văn Bình, TAND quận 3 đã mời nhiều lần nhưng nguyên đơn, kể cả người đại diện không đến và cắt đứt liên lạc. Để vạch trần thủ đoạn ma mãnh của những kẻ bất lương, chị Yến tố cáo Long – Bình trước cơ quan điều tra Công an quận 3. Qua xác minh, được biết hai đối tượng không có mặt tại địa phương.
Trước đó sáu tháng, TAND quận 5 cũng thụ lý đơn của Nguyễn Văn Bình khởi kiện yêu cầu ông Trần Côn Hiệp (SN 1957) bàn giao căn nhà đang ở số 709 Nguyễn Trãi, P11Q5, nếu không phải bồi thường 380 lượng vàng SJC. Tương tự, chứng cứ Bình trưng ra cũng chỉ có mỗi tờ “giấy nhận vàng bán nhà” lập ngày 17-8-2009 không người làm chứng. Đến tòa làm việc đúng một lần, sau đó Bình ủy quyền cho ông Chu Văn Hưng tham gia tố tụng rồi “lặn” biệt tăm.
KHÔNG ĐỂ SÓT LỌT TỘI PHẠM
Cũng như chị Yến, làm việc với tòa, ông Hiệp xác định dòng chữ “đã đọc và đồng ý” cùng chữ ký trong “giấy nhận vàng bán nhà” là của mình, nhưng nội dung hoàn toàn bịa đặt. Cơ sở ông Hiệp quả quyết là gia đình không hề có ý định bán nhà, mặt khác giấy chủ quyền đã thế chấp ngân hàng nên không thể giao dịch. Ông Hiệp giải thích có lần mang giấy tờ nhà đến dịch vụ vay tiền ngân hàng, do hạn chế pháp luật nên ông có ghi mấy chữ “đã đọc và đồng ý” rồi ký tên vào tờ giấy trắng theo yêu cầu của nhân viên. Bằng cách nào đó, ông Bình có được tờ giấy này rồi thêm vào nội dung nhận vàng bán nhà hòng chiếm đoạt tài sản. Ông Hiệp đề nghị tòa chuyển hồ sơ sang cơ quan công an làm rõ.
Cơ quan điều tra đã ba lần gửi giấy triệu tập nhưng ông Bình không trình diện. Căn cứ tường trình của Bình trước khi ủy quyền, cơ quan điều tra xác định lời khai mâu thuẫn: Bình bảo thân thiết với ông Hiệp nên khi mua nhà không lập hợp đồng chuyển nhượng nhưng chẳng hề biết tên người thân nào của ông Hiệp, “lúc giao nhận vàng ông Hiệp có đưa bản chính chủ quyền nhà cho Bình xem”, tuy nhiên ngân hàng Eximbank khẳng định từ cuối năm 2008 vẫn giữ và không hề cho ông Hiệp mượn lại bản chính chủ quyền nhà lần nào. Tại thời điểm đó, ngân hàng định giá căn nhà của ông Hiệp gần 6,5 tỷ đồng (tương đương 250 lượng vàng), trong khi Bình nói mua 190 lượng là không hợp lý. Do Bình cố tình lánh mặt nên Công an quận 5 trả hồ sơ lại cho tòa tiếp tục giải quyết.
Kết quả điều tra của cơ quan công an cung cấp trùng khớp với kết quả xác minh của tòa, Hội đồng xét xử (HĐXX) xét thấy giao dịch giữa đôi bên không phù hợp thực tế của một giao dịch mua bán nhà thông thường. Một điểm bất thường nữa là dòng chữ “đã đọc và đồng ý” mà ông Hiệp viết tại “giấy nhận vàng bán nhà” cho thấy không phù hợp với nội dung, nếu là mua bán nhà thì ông Hiệp phải ghi “đã nhận đủ tiền bán nhà là 190 lượng vàng SJC” mới hợp lý. Mặt khác, ông Bình là nguyên đơn nhưng kể từ cuối năm 2010 đến nay không chủ động liên lạc với ông Hưng, cũng không đến cơ quan chức năng hỏi về vụ án, cho thấy có nhiều biểu hiện khuất tất đối với người khởi kiện…
Căn cứ lời khai bất hợp lý, không đúng thực tế của nguyên đơn, HĐXX nhận thấy giải thích của ông Hiệp là có cơ sở, nên quyết định bác yêu cầu khởi kiện của ông Bình. Hủy “giấy nhận vàng bán nhà” đề ngày 17-8-2009 vì phản ánh một giao dịch không có thật.
Đại diện nguyên đơn kháng cáo, ngày 18-4-2012, TAND TP. Hồ Chí Minh mở phiên xét xử phúc thẩm nhưng sau đó tạm đình chỉ do ông Hưng có yêu cầu thu thập thêm chứng cứ, vì cho rằng căn nhà trên là tài sản chung của gia đình ông Hiệp. Cầm quyết định của tòa, ông Hiệp chưng hửng, lắc đầu thở dài: “Với lý do này, nếu có cũng chẳng liên quan đến vụ án vì trên giấy tờ tôi là người đứng tên chủ sở hữu tài sản. Vấn đề chính ở đây tôi muốn các cơ quan bảo vệ pháp luật cần làm rõ người ngay, kẻ gian không để sót lọt tội phạm”. Bức xúc của ông Hiệp là có cơ sở, minh chứng cùng thời điểm trên, TAND quận Phú Nhuận cũng thụ lý vụ án tương tự. Thấy có dấu hiệu nghi vấn, tòa chuyển hồ sơ sang cơ quan cảnh sát điều tra làm rõ. Bị triệu tập đến làm việc hai lần, nguyên đơn là Phạm Công Quốc (SN 1972, ngụ P10Q.Gò Vấp) vội vã rút đơn khởi kiện, chấp nhận bỏ hơn 60 triệu đồng tiền án phí và… 400 lượng vàng đặt cọc mua nhà (?!).
Trước hiện tượng mua nhà bất thường của Nguyễn Văn Bình và Phạm Công Quốc, dư luận khẳng định đây là thủ đoạn chiếm đoạt tài sản của chúng, nhiều khả năng các đối tượng trên cùng băng bịp bợm nên đề nghị cơ quan điều tra vào cuộc quyết liệt hơn. Công an quận 3 có cùng nhận định này nên đã gửi thông báo truy tìm Nguyễn Văn Bình và Phạm Hoàng Long đến các đơn vị nghiệp vụ. Ai phát hiện hoặc biết thông tin về hai đối tượng trên, xin báo cho điều tra viên Cổ Ngọc Tuấn thuộc Đội điều tra Tổng hợp CAQ3 theo số điện thoại: 08.38322605.
Theo CATP
Đừng tham rẻ mua xe "nhảy"
Qua kiểm tra, cảnh sát phát hiện chiếc xe mang BKS giả giấy đăng ký xe trùng khớp với BKS lẫn màu sơn, số khung, số máy nhưng cũng là giả.
Khoảng 21g tối 29-5, tại nút giao thông Nguyễn Phong Sắc - Hoàng Quốc Việt, tổ công tác đặc biệt Y1/141 CATP Hà Nội, do Thiếu tá Trần Quang Vinh, Đội phó đội CSGT số 1 làm tổ trưởng, phát hiện 2 nam thanh niên điều khiển xe máy Honda Airblade màu đen mang BKS 30Y1-2259 vi phạm luật giao thông.
Cảnh sát đã ra hiệu lệnh dừng xe kiểm tra hành chính. Qua kiểm tra cảnh sát phát hiện chiếc xe mang BKS giả. Lái xe xuất trình giấy đăng ký xe và hoàn toàn trùng khớp với BKS lẫn màu sơn, số khung, số máy. Bằng biện pháp nghiệp vụ và kinh nghiệm nghề nghiệp, tổ công tác phát hiện giấy đăng ký xe cũng là giả.
Khai thác nóng tại chỗ, lái xe cho biết tên Đinh Ngọc Trung (SN 1977, trú tại 34/156/25, phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Ban đầu Trung nói rằng vì cần phương tiện đi làm, kinh tế còn khó khăn nên mua chiếc xe này của người khác với giá 10 triệu đồng. Sau một hồi vòng vo, biết không thể qua mặt cảnh sát, Trung mới khai nhận toàn bộ sự việc: "Em mua xe này từ năm 2010 với giá 11 triệu đồng ở trong Nghệ An, người bán xe cho em gửi qua xe khách rồi em ra bến xe Mỹ Đình lấy xe còn tiền thì em gửi qua tài khoản cho họ. Em không biết người bán xe cho em là ai, nhưng trước đây em có quen một người bạn tên Thông ở Nghệ An rồi Thông giới thiệu cho em mua chiếc xe này. Khi em nhận xe từ bến xe Mỹ Đình thì xe có đầy đủ giấy tờ, BKS...".
Cảnh sát nghi ngờ chiếc xe là tang vật của một vụ "nhảy xe"nào đó và sẽ có cả một đường dây chuyên làm giả giấy tờ đăng ký xe. CQĐT đang tiếp tục làm rõ vụ việc trên.
Hiện nay rất nhiều người vì tham rẻ mà mua xe tang vật của các vụ trộm cắp về sử dụng mà không biết đó là hành vi vi phạm pháp luật, tiếp tay cho bọn tội phạm. Vì vậy người tiêu dùng phải hết sức cảnh giác khi mua xe không rõ nguồn gốc.
Theo PLXH
Lừa hàng trăm triệu đồng bằng giấy tờ giả Bằng công nghệ in phun màu hiện đại, những bộ giấy tờ nhà đất được làm giả giống như thật, mang đi thế chấp. Người cho vay dù tinh tường, cẩn thận vẫn dễ dàng sập bẫy... Nguyễn Văn Bạch CHỦ NỢ VÀO TRÒNG Có thâm niên trong nghề cho vay nên ông Trương Văn Nguyên (SN 1944, ngụ P10Q6) luôn xét nét...