“Bang hội” đại náo sân trường
Lập “ bang hội” để… quậy
Ngày nọ, các thành viên của lớp 11A… trường Lê Hoài Đôn (Bến Tre) đều ngỡ ngàng khi thấy khẩu hiệu của lớp được thay bằng slogan nhuốm mùi bạo lực: “Chán đời cắt tóc đi tu. Nghĩ đi, nghĩ lại ở tù sướng hơn”. Sự việc được báo với giáo viên chủ nhiệm. Tác giả của “tác phẩm” kì cục ấy: T.X, T.C, M.T, H.H và T.T thản nhiên nhận tội với vẻ mặt vênh váo. Tuy nhiên, “vụ án tập thể” đó chỉ là một trong số nhiều trò quấy phá của các “siêu quậy”. Ban giám hiệu không khỏi giật mình khi phát hiện nhóm teen này còn lập băng nhóm qui tụ những người có cùng “sở thích”: chống đối nhà trường, gây sự với bạn bè, ra vào lớp một cách tùy tiện, cúp tiết, trốn học…
Quyển nhật kí của nhóm (bị thầy cô tịch thu) được mở đầu bằng dòng giới thiệu: “Bang hội – Hội của những học sinh lưu ban”. Những trang kế tiếp là nội qui của “bang hội” và danh sách 6 thành viên, trong đó có thành viên từng là học sinh lưu ban. “Bang chủ” là T.T (lớp 11A…) được phong “hàm” 5 sao bởi “chiến tích”: tổ chức đánh nhau có hung khí, không chấp hành bất cứ nội qui nào của trường, quấy rối bạn bè và thầy cô… Đáng sợ hơn, nhật kí còn ghi lại việc T.T từng đánh cả cha ruột và coi ba mẹ không ra gì! T.X (lớp 11A…) được bầu làm “bang phó”, cũng thuộc loại quậy nhiều hơn học. 4 “trưởng lão” còn lại gồm: M.C (đã nghỉ học) và T.C, M.T, H.H (cùng học lớp 11). Cả 6 “siêu quậy” đều có điểm chung là thuộc gia đình khá giả và thích chơi ngông.
Coi trời bằng vung
Để khuếch trương “danh tiếng”, các thành viên của “bang hội” lập hẳn một “ấn phẩm” với tên gọi “Báo Lá Cải” – chuyên thông tin những trò quậy phá của nhóm để các “võ lâm đồng đạo” gần xa được biết. “Báo Lá Cải” viết toàn thơ, nhạc chế với nội dung ca ngợi hoạt động của nhóm, chọc ghẹo teen nữ bằng những ngôn từ tục tĩu… Để đánh giá “năng lực” các “trưởng lão”, “bang chủ” và “bang phó” đưa ra chỉ tiêu chấm điểm hàng tuần như sau: quấy rối giáo viên (100 điểm), chọc ghẹo con gái (70 điểm), quậy phá trong trường (50 điểm), làm náo loạn lớp học (30 điểm), không thuộc bài 2 lần trở lên (20 điểm)… “Chỉ cần bạn bè trong trường vô ý va quẹt với bất kì thành viên nào của nhóm này, nếu không bị chửi thề thì cũng nhừ đòn”, môt học sinh trường Lê Hoài Đôn cho biết.
Để thách thức Ban giám hiệu, nhóm còn tổ chức chọi trứng ung khắp trường, tuyên bố sẽ “quậy” tới cùng, nếu bị đuổi học sẽ trả thù một số thầy cô… Gần đây, T.T còn khẳng định vị thế “bang chủ” của mình bằng việc văng tục với một giáo viên. Nhờ “chiến tích” này, T.T được cộng thêm 100 điểm, đứng hạng nhất trong “bang”… Những hành vi coi trời bằng vung của “Bang hội – Hội của những học sinh lưu ban” khiến không chỉ bạn bè mà nhiều thầy cô trong trường cũng cảm thấy bất an. Nhiều bạn từng bị nhóm này đe dọa nhưng không dám nói cho ai biết vì sợ trả thù…
“Vỏ quýt dày có móng tay nhọn”
Thầy Phạm Đức Hùng – Hiệu trưởng trường Lê Hoài Đôn cho biết, nhóm học sinh này từng vi phạm và phải viết bản kiểm điểm nhiều lần. Điều đáng nói là gia đình của vài thành viên trong nhóm rất thờ ơ với việc học của con mình nên đã không đến gặp Ban giám hiệu theo thư mời gửi đến tận nhà. Riêng với những phụ huynh đồng ý đến trường, có người không nghe thầy cô trình bày sự việc mà chỉ ra sức bênh vực con. Đó cũng là một trong những lí do khiến các “siêu quậy” ngày càng lộng hành.
Nhận thấy sự việc vượt quá phạm vi xử lí của nhà trường, Ban giám hiệu quyết định trình báo với UBND huyện Thạnh Phú và công an đã vào cuộc. Nhóm “siêu quậy” cùng phụ huynh được triệu tập để giải quyết vấn đề. Trước cơ quan pháp luật, các thành viên của “bang hội” đã thành khẩn cho biết những hành động “trời ơi!” của mình là do “nhiễm” game online. Những buổi trốn học, nhóm thường tụ tập chơi điện tử và muốn nhập vai các “đại hiệp”. Phụ huynh của các bạn này cũng thừa nhận do thiếu quan tâm nên họ không biết và cũng không ngờ con mình dám “quậy trời thần” như thế.
Thầy Hùng cho biết thêm: “Từ lúc trường phối hợp với công an xử lí (tháng 11/2009) các siêu quậy sau khi làm kiểm điểm và cam kết không tái phạm đã giải tán băng hội và không còn biểu hiện quậy phá nữa. Tuy nhiên, nhà trường vẫn sẽ tiếp tục theo dõi quá trình học tập và giờ giấc sinh hoạt của những em này. Nếu tiếp tục vi phạm sẽ bị xử lí nặng hơn. Ban giám hiệu rất hoan nghênh việc phụ huynh đồng ý hợp tác bằng cách thường xuyên đến trường trò chuyện với giáo viên để giám sát việc học tập, rèn luyện của con em mình”…
Game online là một hình thức giải trí. Việc gắn nội dung của trò chơi vào đời thực có thể khiến bạn ảo tưởng về khả năng mình, từ đó dẫn đến những hành động “khó hiểu” như nhóm “siêu quậy” nói trên. Tụi mình vẫn có thể là “người hùng” bằng những việc làm phù hợp với khả năng, có ích cho bản thân, gia đình và xã hội, phải không!