Bằng đại học không còn ghi loại hình đào tạo, liệu chất lượng có ngang nhau?
Các trường đại học, học viện cũng cần nâng cao chất lượng, quản lý tốt tình trạng học thay, thi thay và siết chặt đầu ra đối với các học viên của mình.
Bắt đầu từ ngày 1/3/2020 tới đây, các trường đại học sẽ thực hiện mẫu bằng đại học mới, bỏ ghi hình thức đào tạo chính quy và không chính quy. Mặc dù việc thay đổi này cũng đã nhận được sự đồng thuận của nhiều người bởi văn bằng cũng chỉ là mảnh giấy, chất lượng đào tạo và học tập mới là quan trọng.
Thế nhưng, với tình hình đào tạo và học tập của một số trường, một số sinh viên hệ không chính quy như lâu nay khiến nhiều người vẫn không khỏi băn khoăn, lo lắng cho những năm tới đây. Liệu rồi, có tình trạng những người cơ hội lọt vào các cơ quan nhà nước và các đơn vị sự nghiệp hay không?
Từ ngày 1/3/2020, bằng đại học chính quy và không chính quy sẽ có giá trị như nhau. – (Ảnh minh họa: Công Tiến)
Các văn bằng đại học tới đây sẽ ghi như thế nào?
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư số 27/2019/TT-BGDĐT quy định nội dung chính ghi trên văn bằng và phụ lục văn bằng giáo dục đại học gồm 10 nội chính chính, đó là:
1 – CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
2 – Tên văn bằng theo từng trình độ đào tạo (bằng cử nhân, bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ, văn bằng trình độ tương đương)
3 – Ngành đào tạo
4 – Tên cơ sở cấp văn bằng;
5 – Họ, chữ đệm, tên của người được cấp văn bằng
6 – Ngày tháng năm sinh của người được cấp văn bằng
7 – Hạng tốt nghiệp (nếu có)
8 – Địa danh, ngày tháng cấp năm bằng
9 – Chức danh, chữ ký, họ, tên đệm của người có thẩm quyền cấp văn bằng và đóng dấu theo quy định
10 – Số hiệu, sổ vào sổ cấp văn bằng
Đáng chú ý là nội dung chính ghi trên phụ lục văn bằng có ghi: “Thông tin về văn bằng: tên cơ sở giáo dục đại học cấp bằng, chuyên ngành đào tạo, ngày nhập học, ngôn ngữ đào tạo, thời gian đào tạo, trình độ đào tạo theo Khung trình độ quốc gia Việt Nam, hình thức đào tạo;
Thông tin về nội dung, kết quả học tập (nếu có); tên học phần hoặc môn học, số tín chỉ của từng học phần hoặc môn học; điểm học phần hoặc môn học, tổng số tín chỉ tích lũy, điểm trung bình, tên và kết quả luận văn, luận án, điểm xếp hạng tốt nghiệp…”.
Bỏ ghi loại hình đào tạo, lo đầu vào ở các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp?
Phải nói thẳng là các đơn vị tư nhân, các doanh nghiệp nước ngoài thì nhà tuyển dụng từ lâu đã không chú trọng vào tấm bằng và loại hình đào tạo bởi họ xem trọng khả năng, năng lực của người lao động mà họ sẽ tuyển.
Video đang HOT
Một khi nhà tuyển dụng không xem trọng bằng cấp mà xem trọng năng lực lao động thì bằng cấp cũng chỉ là một tờ giấy thông hành bước đầu cho các vị trí tuyển dụng mà thôi.
Thế nhưng, đối với một số doanh nghiệp, cơ quan, ban ngành nhà nước, các đơn vị sự nghiệp của chúng ta lâu nay vẫn có thói quen xem bằng cấp là thước đo đầu tiên.
Nhiều vị trí tuyển, thậm chí là tuyển giáo viên ở một số môn học hiện nay chưa thực hiện thi tuyển mà chỉ xét tuyển nên nhà tuyển dụng và người được tuyển dụng nhiều khi không biết mặt nhau.
Bởi vì, khi tuyển dụng thì cơ quan tuyển dụng thông báo qua website, người lao động cảm thấy mình phù hợp thì nộp hồ sơ và cơ quan tuyển dụng chỉ xem hồ sơ rồi ra quyết định trúng tuyển.
Trong khi đó, tại điều 72 của Luật Giáo dục (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1/7/2020 tới đây thì đã quy định: “Trường hợp môn học chưa đủ giáo viên được đào tạo trình độ đại học sư phạm thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm”.
Như vậy, nếu một người học tại chức, từ xa một số chuyên ngành vẫn có thể làm giáo viên…bình thường. Đây chính là kẽ hở để một số người sẽ lọt vào các đơn vị giáo dục!
Bằng cấp không qúa lo, chỉ lo cách đào tạo của các trường đại học đối với hệ không chính quy
Nếu như trước đây, vì điều kiện đất nước có chiến tranh hay điều kiện kinh tế của nhiều gia đình gặp khó khăn, dẫn đến chuyện bỏ lỡ cơ hội học tập liền mạch của nhiều người nên sau này họ mới phải học liên thông hoặc học các hệ đào tạo không chính quy.
Nhưng bây giờ, với cách tuyển sinh và tình hình điều kiện kinh tế của người dân hiện nay thì việc mà những thí sinh không trúng vào hệ chính quy thường là những học sinh có học lực không tốt.
Trong số những học viên học hệ không chính quy có rất nhiều người cơ hội, họ học nhằm tiến thân mà cách đây mấy tháng, chúng ta chưa quên quy trình đào tạo thần tốc của Trường đại học Đông Đô…
Chính vì thế, khi ngành Giáo dục bỏ ghi hình thức đào tạo trên văn bằng thì việc quan trọng nhất là quản lý đầu vào, đầu ra ở các trường đại học, học viện đối với hệ không chính quy. Các trường đại học, học viện cũng cần nâng cao chất lượng, quản lý tốt tình trạng học thay, thi thay và siết chặt đầu ra đối với các học viên của mình.
Nếu không, chúng ta sẽ phải đối mặt với tình trạng có những cử nhân dởm, thạc sĩ dởm, thậm chí cả tiến sĩ dởm trong tương lai.
THANH AN
Theo giaoduc.net.vn
Vì sao bằng kỹ sư, bác sĩ, kiến trúc sư có thể tương đương thạc sĩ?
Ngày 30/12, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 99/2019/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. Theo đó, các văn bằng đại học kỹ sư, bác sĩ, dược sĩ, kiến trúc sư... tương đương với bằng thạc sĩ.
Sinh viên ngành Y Dược - ĐH Quốc gia Hà Nội nhận bằng tốt nghiệp
Theo điều 15 của Nghị định số 99/2019/NĐ-CP về văn bằng, chứng chỉ giáo dục đại học thì bằng cử nhân cấp cho người tốt nghiệp chương trình đào tạo trình độ đại học theo quy định của pháp luật, đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra bậc 6 theo Khung trình độ quốc gia Việt Nam và các quy định cụ thể, hợp pháp của cơ sở đào tạo.
Bằng thạc sĩ cấp cho người tốt nghiệp chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ theo quy định của pháp luật, đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra bậc 7 theo Khung trình độ quốc gia Việt Nam và các quy định cụ thể, hợp pháp của cơ sở đào tạo;
Bằng tiến sĩ cấp cho người tốt nghiệp chương trình đào tạo trình độ tiến sĩ theo quy định của pháp luật, đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra bậc 8 theo Khung trình độ quốc gia Việt Nam và các quy định cụ thể, hợp pháp của cơ sở đào tạo;
Văn bằng đối với một số ngành đào tạo chuyên sâu đặc thù thuộc hệ thống giáo dục đại học bao gồm bằng bác sĩ y khoa, bác sĩ nha khoa, bác sĩ y học cổ truyền, bằng dược sĩ, bằng bác sĩ thú y, bằng kỹ sư, bằng kiến trúc sư, và một số văn bằng khác theo quy định riêng của Chính phủ, được cấp cho người tốt nghiệp chương trình đào tạo quy định tại Điều 14 Nghị định.
Chứng chỉ đối với một số ngành đào tạo chuyên sâu đặc thù thuộc hệ thống giáo dục quốc dân được cấp cho người học đã hoàn thành chương trình đào tạo hoặc bồi dưỡng nâng cao trình độ học vấn, nghề nghiệp do bộ, cơ quan ngang bộ quy định hoặc cấp cho người học dự thi đạt yêu cầu cấp chứng chỉ, phù hợp với quy định về cấp chứng chỉ trong hệ thống giáo dục quốc dân.
Điều 14 của Nghị định quy định, trình độ đào tạo đối với một số ngành đào tạo chuyên sâu đặc thù là trình độ của người đã tốt nghiệp các chương trình đào tạo chuyên sâu đặc thù sau:
Chương trình có khối lượng học tập từ 150 tín chỉ trở lên đối với người đã tốt nghiệp trung học phổ thông và tương đương hoặc có khối lượng học tập từ 30 tín chỉ trở lên đối với người đã tốt nghiệp trình độ đại học;
Chương trình có khối lượng học tập từ 90 tín chỉ trở lên đối với người có trình độ tương đương Bậc 7 theo Khung trình độ quốc gia Việt Nam.
Căn cứ vào quy định về điều kiện đầu vào, khối lượng học tập tối thiểu, chuẩn giảng viên, chuẩn đầu ra và các chuẩn khác trong chuẩn chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, người tốt nghiệp chương trình đào tạo chuyên sâu đặc thù được xếp vào bậc tương ứng trong Khung trình độ quốc gia Việt Nam.
Như vậy, với những chương trình đào tạo đại học đặc thù kéo dài 5, 6 năm, khi tốt nghiệp người học được cấp bằng bác sĩ y khoa, bác sĩ nha khoa, bác sĩ y học cổ truyền, bằng dược sĩ, bằng bác sĩ thú y, bằng kỹ sư, bằng kiến trúc sư có thể sắp tới các văn bằng này sẽ có trình độ tương đương bậc 7, là trình độ của người có bằng thạc sĩ.
Thành lập Hội đồng trường theo quy định của Đảng
Nghị định quy định thủ tục thành lập hội đồng trường như sau:
Đối với trường đại học mới thành lập: Cơ quan quản lý trực tiếp giao quyền hiệu trưởng để tham gia hội đồng trường lâm thời và thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của hiệu trưởng cho đến khi có quyết định công nhận hiệu trưởng chính thức theo đề xuất của hội đồng trường.
Đối với trường đại học đang hoạt động nhưng chưa thực hiện quy định của pháp luật về thành lập hội đồng trường, trong thời hạn 6 tháng, kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành, tập thể lãnh đạo phải chỉ đạo thành lập hội đồng trường theo quy định.
Đối với trường đại học đang có hội đồng trường: Trường hợp đến ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành mà nhiệm kỳ của hội đồng trường còn dưới 6 tháng thì hội đồng trường hoạt động cho đến hết nhiệm kỳ; đồng thời, tập thể lãnh đạo phải chỉ đạo thực hiện quy trình thành lập hội đồng trường của nhiệm kỳ kế tiếp theo quy định.
Trường hợp đến ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành mà nhiệm kỳ của hội đồng trường còn từ 6 tháng trở lên thì thực hiện như sau:Nếu hội đồng trường đã được thành lập theo đúng quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học và quy định của Đảng tại thời điểm thành lập thì hội đồng trường hoạt động đến hết nhiệm kỳ, quyết định nhân sự hiệu trưởng và thực hiện các quyền, trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật, quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học.
Nếu hội đồng trường được thành lập chưa theo đúng quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học và quy định của Đảng tại thời điểm thành lập thì trong thời hạn 6 tháng, kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành, tập thể lãnh đạo phải chỉ đạo thực hiện quy trình thành lập hội đồng trường của nhiệm kỳ mới theo quy định.
Hội đồng trường ĐH Kinh tế quốc dân hiện nay đã có nhiều thay đổi
Hội đồng trường của nhiệm kỳ mới quyết định nhân sự hiệu trưởng và thực hiện các quyền, trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật và quy chế tổ chức, hoạt động của trường đại học;
Cuối mỗi nhiệm kỳ, tập thể lãnh đạo chỉ đạo thực hiện quy trình thành lập hội đồng trường của nhiệm kỳ mới theo quy định của Đảng, quy định của pháp luật, quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học và các quy định sau:
Tập thể lãnh đạo đề xuất cơ quan quản lý trực tiếp cử đại diện tham gia hội đồng trường; thống nhất về số lượng, cơ cấu thành viên hội đồng trường với đại diện cơ quan quản lý trực tiếp và các thành viên đương nhiên khác của hội đồng trường (nếu quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học chưa quy định); chỉ đạo thực hiện việc bầu các thành viên của hội đồng trường theo từng cơ cấu; tổ chức các thành viên hội đồng trường bầu chủ tịch hội đồng trường.
Việc tổ chức giới thiệu các thành viên bầu, sử dụng hội nghị toàn thể hoặc hội nghị đại biểu của trường đại học, tỷ lệ tham gia hội nghị đại biểu (nếu có) phải được quy định trong quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học; nếu sử dụng hội nghị đại biểu thì số đại biểu phải chiếm trên 50% so với tổng số.
Trường hợp quy chế tổ chức và hoạt động chưa quy định thì tập thể lãnh đạo thống nhất với đại diện cơ quan quản lý trực tiếp và các thành viên đương nhiên khác của hội đồng trường để chỉ đạo thực hiện; sau khi được công nhận, hội đồng trường phải chỉ đạo sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới quy chế tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, bao gồm nội dung nêu trên.
Tập thể lãnh đạo quy định trong khoản này là tập thể lãnh đạo của trường đại học bao gồm: ban thường vụ Đảng ủy hoặc cấp ủy (nơi không có ban thường vụ Đảng ủy), chủ tịch hội đồng trường, phó chủ tịch hội đồng trường (nếu có), hiệu trưởng, các phó hiệu trưởng.
Tổ chức hội đồng trường của cơ sở giáo dục đại học thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng thực hiện theo quy định riêng của Chính phủ.
Việc công nhận hội đồng trường; công nhận, bãi nhiệm, miễn nhiệm chủ tịch hội đồng trường, bổ nhiệm, miễn nhiệm thành viên khác của hội đồng trường; công nhận hiệu trưởng của trường đại học thành viên thuộc thẩm quyền của hội đồng đại học.
Số liệu công bố quốc tế trong CSDL WoS, Scopus và WoS & Scopus của Việt Nam nói chung và các cơ sở giáo dục đại học (CSGDĐH) nói riêng trong giai đoạn 2014-2018
Mỗi năm có từ 100 bài báo quốc tế trở lên mới được công nhận là đại học định hướng nghiên cứu
Theo Nghị định, để trở thành đại học định hướng nghiên cứu, các cơ sở giáo dục đại học phải có đơn vị thuộc, trực thuộc nghiên cứu khoa học cơ bản, nghiên cứu phát triển công nghệ nguồn; có tỷ lệ ngành đang đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ đạt từ 50% trở lên so với tổng số ngành đang đào tạo cấp bằng.
Trong 3 năm gần nhất, có quy mô tuyển sinh trình độ thạc sĩ, tiến sĩ trung bình không thấp hơn 20% tổng quy mô tuyển sinh và cấp trung bình từ 20 bằng tiến sĩ trở lên trong một năm;
Trong 3 năm gần nhất, tỷ trọng nguồn thu trung bình từ các hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, chuyển giao không thấp hơn 15% tổng thu của cơ sở giáo dục đại học;
Trong 3 năm gần nhất, cơ sở giáo dục đại học công bố trung bình mỗi năm từ 100 bài báo trở lên và đạt tỷ lệ trung bình một giảng viên cơ hữu công bố mỗi năm từ 0,3 bài trở lên trên các tạp chí khoa học có uy tín trên thế giới. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định danh mục tạp chí khoa học có uy tín làm cơ sở công nhận tiêu chí này.
Tỷ lệ sinh viên trên giảng viên không quá 20; tỷ lệ giảng viên cơ hữu có trình độ tiến sĩ không thấp hơn 50% tổng số giảng viên cơ hữu của cơ sở giáo dục đại học; tỷ lệ giảng viên có chức danh giáo sư, phó giáo sư không thấp hơn 20% tổng giảng viên cơ hữu có trình độ tiến sĩ của cơ sở giáo dục đại học.
Quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục đại học
Theo Nghị định, cơ sở giáo dục đại học thực hiện quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình theo quy định của Luật Giáo dục đại học, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.
Theo đó, các trường đại học được quyền ban hành và tổ chức thực hiện các quy định nội bộ về hoạt động tuyển sinh, đào tạo, khoa học và công nghệ, hợp tác trong nước và quốc tế phù hợp quy định của pháp luật;
Xác định, công bố công khai phương thức, chỉ tiêu tuyển sinh theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trừ lĩnh vực quốc phòng, an ninh thực hiện theo quy định của cơ quan quản lý trực tiếp;
Quyết định phương thức tổ chức và quản lý đào tạo đối với các trình độ, hình thức đào tạo; Các đại học được tự chủ ra quyết định mở ngành, liên kết đào tạo với nước ngoài cho trường đại học thành viên và đơn vị đào tạo thuộc đại học khi đáp ứng điều kiện mở ngành theo quy định.
Các trường được thành lập phân hiệu của cơ sở giáo dục đại học, thành lập doanh nghiệp trực thuộc cơ sở giáo dục đại học thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành.
Theo đó, các trường chịu trách nhiệm trước người học, chủ sở hữu, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và các bên liên quan về việc bảo đảm chất lượng đào tạo theo quy định của pháp luật, quy định nội bộ và cam kết của cơ sở giáo dục đại học; Thực hiện công khai đầy đủ trên trang thông tin điện tử của cơ sở giáo dục đại học các nội dung thực hiện.
***
Nghị định quy định: Các cơ sở giáo dục đại học công lập đang thực hiện thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động theo Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 24 tháng 10 năm 2014 của Chính phủ được thực hiện quyền tự chủ về tổ chức bộ máy và nhân sự, về tài chính và tài sản theo các quy định của Luật Giáo dục đại học, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học và Nghị định này.
Đề án tự chủ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt được thực hiện cho đến khi Chính phủ ban hành Nghị định mới về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập, về số lượng người làm việc và vị trí việc làm trong đơn vị sự nghiệp công lập; về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 02 năm 2020.
Hồng Hạnh
Theo dantri
Muốn không ghi hình thức đào tạo trên văn bằng thì cần đồng bộ chuẩn đầu ra Bằng chính quy và tại chức có giá trị ngang nhau là cái đích xã hội mong muốn hàng chục năm nay, nhưng còn vướng trong quá trình triển khai. Ngày 3/10, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố dự thảo để lấy ý kiến góp ý về Thông tư ban hành quy định nội dung chính ghi trên văn bằng giáo...